Tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đối với hàng dệt may?

Chủ đề   RSS   
  • #610764 19/04/2024

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 211 lần


    Tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đối với hàng dệt may?

    Hiệp định CPTPP là FTA đầu tiên mà Việt Nam tham gia có chương riêng về dệt may (Chương 4). Ngoài việc áp dụng quy định chung như các hàng hóa khác tại các chương Thương mại Hàng hóa, Quy tắc Xuất xứ, Phòng vệ Thương mại, Hợp tác Hải quan,.. dệt may có những quy định riêng mang tính đặc thù được thể hiện như sau:

    Mở cửa thị trường:

    Hàng dệt may của Việt Nam đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ tại Hiệp định CPTPP sẽ được xoá bỏ thuế quan theo Hiệp định khi xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP. Đặc biệt, đối với những nước mà Việt Nam chưa có FTA như Canada, Mexico hay Pê-ru, việc mở cửa thị trường này rất quan trọng, là cơ sở cho việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường các nước này.

    Quy tắc xuất xứ:

    Hàng dệt may muốn được hưởng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định CPTPP thì phải đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ của Hiệp định này. Quy tắc xuất xứ chủ đạo đối với hàng dệt may trong CPTPP là “yarn-forward” (“từ sợi trở đi’), hay còn gọi là quy tắc “ba công đoạn”, nghĩa là toàn bộ công đoạn sản xuất hàng dệt may phải được thực hiện trong nội khối CPTPP, bao gồm 3 công đoạn:

    (i) kéo sợi, dệt và nhuộm vải

    (ii) cắt

    (iii) may quần áo

    Quy tắc này khuyến khích phát triển ngành công nghiệp dệt may theo ngành dọc, đầu tư phát triển ngành sợi, vải, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong nội khối CPTPP và khối cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, Hiệp định cũng quy định một số trường hợp ngoài lệ có tính linh hoạt hơn như:

    - CPTPP chấp nhận 03 mặt hàng được áp dụng quy tắc xuất xứ 1 công đoạn, “cắt và may” là vali, túi xách; áo ngực phụ nữ và quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp.

    - Cho phép áp dụng danh mục nguồn cung thiếu hụt gồm 187 loại sợi, vải được phép sử dụng từ ngoài khu vực CPTPP, trong đó 179 mặt hàng sẽ được áp dụng vĩnh viễn và 8 mặt hàng chỉ được áp dụng cơ chế này trong 5 năm.

    Để nội luật hóa các cam kết này, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22/01/2019 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (sau đây gọi là “Thông tư 03”), được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 06/2020/TT-BCT ngày 24/3/2020 và Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 05/09/2019.

    Quy định mặc dù bảo đảm đúng cam kết nhưng chưa thực sự rõ ràng để các doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng thuận lợi. Vướng mắc nổi cộm liên quan tới cách thức diễn giải quy tắc “từ sợi trở đi” đối với hàng dệt may. Theo CPTPP, để được hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP, hàng dệt may phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ cụ thể cho từng nhóm sản phẩm dệt may, mà tinh thần cốt lõi là quy tắc “từ sợi trở đi”. Quy tắc “từ sợi trở đi” hiểu là yêu cầu các công đoạn trong chuỗi sản xuất hàng dệt may bắt đầu từ sợi trở đi (tức là từ xe sợi, dệt, nhuộm, in, cắt, may, dập…đến thành phẩm cuối cùng) đều phải thực hiện tại các nước thành viên CPTPP. Về mặt quy định, Thông tư 03/2019/TT-BCT đã chuyển tải nguyên văn lời văn cam kết về các quy tắc xuất xứ đối với từng nhóm sản phẩm dệt may cụ thể. Do đó không nảy sinh bất cập nào từ góc độ này. Tuy nhiên, khi áp dụng trên thực tế, quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may lại được cơ quan cấp C/O diễn giải theo hướng “từ bông trở đi” (thay vì “từ sợi trở đi”). Theo các doanh nghiệp dệt may, cách giải thích quy tắc xuất xứ với một số mặt hàng dệt may như vậy là chưa hợp lý, gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Sau đó, ngày 25/10/2019, Bộ Công Thương đã có Công văn số 8101/BCT-XNKCông văn 1138/XNK-XXHH ngày 4/11/2019 hướng dẫn chấp nhận quy tắc “từ sợi trở đi” nhưng chỉ trong trường hợp “sợi được kéo tại Việt Nam”. Cách xử lý như trên chưa giải quyết được hoàn toàn vấn đề, bởi với hướng dẫn của Bộ, quy tắc xuất xứ với dệt may vẫn là “từ bông trở đi”, chỉ bổ sung ngoại lệ duy nhất là chấp nhận “sợi kéo tại Việt Nam” (còn “sợi kéo ở các nước CPTPP” vẫn không được chấp nhận).

    Ngoài ra, theo thông tin từ doanh nghiệp dệt may, các nước đối tác CPTPP đã chấp nhận cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam được tự chứng nhận xuất xứ CPTPP. Và nếu tự chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp có thể chủ động diễn giải quy tắc “từ sợi trở đi” và tự chịu trách nhiệm với diễn giải đó của mình. Vấn đề là ở chỗ doanh nghiệp không dám chắc mình có được tự chứng nhận xuất xứ không bởi Thông tư 03 hoàn toàn không đề cập tới vấn đề này.

    Như vậy việc xây dựng các văn bản hướng dẫn, giải thích chi tiết về các nội dung liên quan (có thể theo từng nhóm quy tắc xuất xứ mặt hàng đặc thù), công bố rộng rãi để doanh nghiệp có thể tiếp cận (website của Bộ, tại cơ sở cấp C/O, gửi VCCI và các Hiệp hội ngành hàng liên quan) là một yêu cầu cần thiết.

    Tự vệ và hợp tác hải quan:

    Hiệp định CPTPP cho phép trong trường hợp một sản phẩm dệt may của một nước CPTPP được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định và xuất khẩu sang một nước CPTPP khác với một khối lượng gia tăng và gây ra thiệt hại nghiêm trọng, hoặc là đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của nước đó, thì nước nhập khẩu có quyền áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt đối với sản phẩm dệt may đó. Cụ thể, nước nhập khẩu có thể không tiếp tục áp dụng ưu đãi thuế quan cho sản phẩm dệt may đó nữa và nâng mức thuế lên ngang bằng với mức thuế Tối huệ quốc (thuế MFN) theo WTO tại thời điểm đó.

    Biện pháp này chỉ được áp dụng trong một khoảng thời gian cần thiết đủ đề ngăn ngừa hoặc bù đắp các thiệt hại do hàng nhập khẩu đó gây ra đối với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, trước khi áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt, nếu được yêu cầu bởi nước xuất khẩu, nước nhập khẩu phải tiến hành tham vấn với nước xuất khẩu về biện pháp tự vệ này trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn của nước nhập khẩu. Nếu nước nhập khẩu vẫn quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt, nước nhập khẩu phải đền bù thiệt hại về kinh tế do biện pháp tự vệ này gây ra cho nước xuất khẩu, nếu không nước xuất khẩu có thể tiến hành biện pháp trả đũa về thuế tương đương.

    Để nội luật hóa cam kết này, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BCT ngày 30/9/2019, có hiệu lực từ 14/11/2019 quy định về áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định CPTPP. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may khi Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra có các nội dung sau:

    - Có sự gia tăng nhập khẩu tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng, số lượng sản xuất trong nước của hàng dệt may bị điều tra từ một hay nhiều nước thành viên do kết quả hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

    - Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng do sự gia tăng nhập khẩu trên đây gây ra.

    Trong trường hợp này, biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may được áp dụng dưới hình thức tăng thuế suất đối với hàng hóa đó nhưng không vượt quá thuế suất ưu đãi có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này hoặc thuế suất ưu đãi có hiệu lực vào ngày liền trước ngày 14/01/2019, tùy mức thuế suất nào thấp hơn. Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp không vượt quá 02 năm và có thể gia hạn thêm tối đa 02 năm. Quy định tại thông tư này được đánh giá là đầy đủ với cam kết tại Hiệp định CPTPP.

    (Bài viết này được tham khảo từ các nguồn có liên quan, nhằm mục đích cung cấp cho người đọc những thông tin về sự tác động của CPTPP đến hàng dệt may – một trong những mặc hàng thế mạnh của Việt Nam trong giao thương quốc tế).

     
    124 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận