Trong thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị chỉ thuê một tầng hoặc một căn hộ trong tòa nhà để làm địa điểm kinh doanh, vậy khi cơ quan, đơn vị sửa chữa tầng hoặc căn hộ trong tòa nhà thì có phải thẩm duyệt lại thiết kế phòng cháy chữa cháy không?
Bài viết sau sẽ cung cấp quy định về vấn đề trên.
Quy định pháp luật về thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy
Căn cứ Nghị định 136/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 50/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/05/2024, tại Điều 13 có quy định về thiết kế và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy:
- Quy hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng dự án, công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy khi chế tạo mới hoặc hoán cải thuộc mọi nguồn vốn đầu tư phải tuân theo các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy. Hồ sơ thiết kế xây dựng dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này phải do đơn vị có đủ điều kiện theo quy định thực hiện và phải được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
- Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là việc cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đối chiếu các giải pháp, nội dung thiết kế dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế về phòng cháy và chữa cháy được phép áp dụng tại Việt Nam theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Kết quả thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là một trong những căn cứ để xem xét, phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế xây dựng và cấp giấy phép xây dựng.
- Đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy:
+ Dự án, công trình quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này khi xây dựng mới hoặc khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng dẫn đến một trong các trường hợp sau: làm tăng quy mô về số tầng hoặc diện tích khoang cháy; thay đổi chủng loại, vị trí thang bộ thoát nạn; giảm số lượng lối thoát nạn của tầng, khoang cháy, công trình; lắp mới hoặc thay thế hệ thống báo cháy; lắp mới hoặc thay thế hệ thống chữa cháy; thay đổi công năng làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với tầng nhà, khoang cháy và công trình;
+ Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại mục 19 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này khi chế tạo mới hoặc hoán cải ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm c khoản 5 Điều này.
Như vậy, khi công trình quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 50/2024/NĐ-CP khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng dẫn đến một trong các trường hợp sau: làm tăng quy mô về số tầng hoặc diện tích khoang cháy; thay đổi chủng loại, vị trí thang bộ thoát nạn; giảm số lượng lối thoát nạn của tầng, khoang cháy, công trình; lắp mới hoặc thay thế hệ thống báo cháy; lắp mới hoặc thay thế hệ thống chữa cháy; thay đổi công năng làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với tầng nhà, khoang cháy và công trình thì phải thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy.
Sửa chữa một phần công trình có cần thẩm duyệt lại thiết kế phòng cháy chữa cháy không?
Có thẩm duyệt hay không và ai là người có trách nhiệm làm thủ tục thẩm duyệt khi cải tạo công trình:
Tòa nhà này cao 15 tầng thuộc Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 50/2024/NĐ-CP thì khi cải tạo ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại mục trên thì phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
Còn vấn đề "chủ đầu tư" nào có trách nhiệm lập hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, tham khảo hướng dẫn tại điểm 6.3 khoản 6 Mục 1 Phụ lục I ban hành kèm Công văn 2075/C07-P4 năm 2022 hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy do Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ban hành
- Xác định “chủ đầu tư” đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC
...
+ Đối với trường hợp cá nhân hoặc tổ chức thuê lại một phần nhà, công trình để cải tạo, chuyển đổi công năng và sử dụng chung hạ tầng như đường giao thông, bãi đỗ cho xe chữa cháy; hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà; trạm bơm, bể cấp nước chữa cháy thì chủ đầu tư đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC được xác định là bên cho thuê.
...
==>> Nếu công ty là bên thuê lại một phần nhà, công trình để cải tạo thì chủ đầu tư đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC được xác định là bên cho thuê, chứ không phải công ty đi thuê.