Mấy ngày qua, hình ảnh vụ tai nạn xảy ra rạng sáng ngày 25 tháng 6, đôi nam nữ chạy xe máy trên đường Tân Hương (TP. HCM) va chạm với taxi chạy cùng chiều đang rẽ trái vẫn luôn ám ảnh tôi.
Đôi nam nữ bị văng lên vỉa hè sau cú tông rất mạnh. Tài xế taxi có dừng lại xuống xem nạn nhân tầm chục giây rồi bỏ đi. Theo tôi, người lái xe taxi đã có hành vi không giữ nguyên hiện trường, không tổ chức cứu chữa nạn nhân và chạy trốn. Ngay cả khi taxi không có lỗi thì tài xế vẫn có thể phải đối mặt với nhiều cáo buộc pháp lý.
Không ai có hành động cứu giúp nạn nhân trong 11 phút đầu tiên của đoạn clip trong khi có tới 42 xe máy, 7 ô tô và 1 xe đạp đi ngang qua, thêm 7 lượt người đi bộ đi qua chỗ người bị nạn. Ngoài lái xe taxi, có khoảng 58 người nhìn thấy nạn nhân, nhưng chỉ duy nhất một người đi xe máy dừng lại gọi điện và thảo luận với nhóm người đi bộ. Con số 1 trong 58 người dừng lại đã khiến tôi sốc, bởi tôi không thể nghĩ có tới 98% số người nhìn thấy nạn nhân, thậm chí cô gái vẫn còn cử động tay chân và nam thanh niên vẫn ngóc đầu dậy cầu cứu và cố loạng choạng bước ra giữa đường, nhưng người tham gia giao thông vẫn vượt qua vụ tai nạn và đi thẳng.
Khi một vụ tai nạn xảy ra ở chỗ đông người, sẽ thu hút rất nhiều người hiếu kì đến xem, rồi quay phim chụp ảnh để đăng tải lên mạng xã hội. Ở góc độ tâm lí học, sự tò mò và quay video chỉ là hiện tượng tâm lí không có gì mới, đặc biệt là hành động quay clip còn gọi là "gaffer phenomenon" đang rất phổ biến bởi những chiếc điện thoại thông minh.
Sự thờ ơ đó là một thái cực đau buồn của việc nhìn thấy người bị nạn. Một tình huống khác, khi bối cảnh tai nạn diễn ra ở thời điểm và nơi vắng vẻ, thì tâm lý những người tham gia giao thông sẽ không dừng lại, bởi câu nói "làm ơn mắc oán". Bản thân bác sĩ và các đồng nghiệp, không ít lần đang dồn tâm lực trong căn phòng cấp cứu để hồi sinh sự sống nạn nhân chấn thương, nhưng người có liên quan đến nạn nhân thì vây bên ngoài đe dọa và thậm chí hành hung vô cớ.
Cứu người giữa đêm khuya hay nơi thanh vắng cũng vậy, chẳng ai có thể đảm bảo nạn nhân và người thân của họ là không đổ vạ, chưa kể những vụ giả tai nạn để trấn lột, hay tệ nạn cướp bóc còn hoành hành. Cuộc sống không phải lúc nào các quy chuẩn đạo đức cũng cao hơn pháp luật, Tôi thông cảm với 57 người đi đường trong vụ tai nạn, họ có thể đi thẳng qua nạn nhân. Nhưng tôi không thể thông cảm khi họ không gọi báo cho các đầu số khẩn cấp 112, 113 và 115.