Sự tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương với vấn đề lao động?

Chủ đề   RSS   
  • #610750 19/04/2024

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 211 lần


    Sự tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương với vấn đề lao động?

    Việc nội dung về lao động được đưa vào các Hiệp định FTA thế hệ mới là bởi vì các hiệp định này tiếp cận người lao động theo hướng họ là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế nên trước hết họ phải được hưởng thành quả của quá trình này. Đồng thời, việc này cũng nhằm mục đích bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại, do khi một nước áp dụng tiêu chuẩn lao động thấp và người lao động không được bảo đảm quyền thương lượng với người sử dụng lao động về tiền lương và điều kiện làm việc thì sẽ có chi phí sản xuất thấp hơn nên có lợi thế cạnh tranh so với nước áp dụng tiêu chuẩn lao động cao và bảo đảm các quyền nêu trên của người lao động.

    CPTPP chủ yếu viện dẫn tới các tiêu chuẩn lao động trong Tuyên bố 1998 của ILO về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động và các vấn đề về điều kiện lao động. Cụ thể, CPTPP yêu cầu các nước thành viên phải đảm bảo trong pháp luật và thực tiễn của mình các nguyên tắc về quyền lao động thuộc 02 nhóm sau đây:

    (i) Nhóm các nguyên tắc trong Tuyên bố của ILO năm 1998, bao gồm:

    - Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động

    - Xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc

    - Cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất

    - Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp

    (ii) Nhóm các nguyên tắc về điều kiện lao động “chấp nhận được”:

    Nhóm này bao gồm các quy định về lương tối thiểu, giờ làm việc, các vấn đề về an toàn lao động và sức khỏe của người lao động.

    Mặc dù CPTPP yêu cầu các nước Thành viên phải có quy định về các vấn đề này nhưng CPTPP lại không ràng buộc các nước ở cách thức cũng như mức độ (ví dụ không quy định cụ thể “điều kiện lao động chấp nhận được” là điều kiện nào), vì vậy việc thực hiện là linh hoạt, tùy thuộc vào giải thích của từng nước. Pháp luật Việt Nam hiện đã có các quy định về những vấn đề này.

    Liên quan tới việc thực thi các nghĩa vụ trong Chương lao động, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với các nước CPTPP (tại các Thư song phương) về các nội dung sau:

    - Việt Nam phải thực hiện ngay các nghĩa vụ trong Chương lao động ngay khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam.

    - Trong vòng 03 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam, các nước cam kết không áp dụng trừng phạt thương mại đối với Việt Nam nếu họ có khiếu kiện Việt Nam theo Cơ chế giải quyết tranh chấp cấp Nhà nước trong CPTPP về việc vi phạm nghĩa vụ Chương lao động.

    - Liên quan tới các nghĩa vụ về tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể, trường hợp có khiếu kiện Việt Nam, các nước cam kết:

    (i) Trong vòng 05 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam: Không sử dụng tới các biện pháp ngừng nhượng bộ trong CPTPP;

    (ii) Trong vòng từ năm thứ 5 đến năm thứ 7 kể từ khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam: Sẽ xem xét việc có áp dụng biện pháp trừng phạt thương mại không trong khuôn khổ Hội đồng lao động của CPTPP.

    Tức là, theo lộ trình đã cam kết, Việt Nam có thời gian chuẩn bị 5 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực (2019-2023) sẽ phải cho phép thành lập các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và 7 năm (2019-2025) để cho phép tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có thể liên kết với nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch.

    Trên cơ sở đó, Việt Nam cũng đã ban hành Bộ luật Lao động năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019 và có hiệu lực ngày 01/01/2021. Việc sửa đổi Bộ luật Lao động được thực hiện tổng thể, trên hầu như tất cả các chế định của văn bản này.

    Một số chế định trong Bộ luật Lao động 2019 nội luật hóa các cam kết CPTPP về lao động, bao gồm: cam kết về các quyền lao động cơ bản (quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể thực chất, chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc, loại bỏ lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp); cam kết về các điều kiện lao động chấp nhận được (lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn, sức khỏe nghề nghiệp); cam kết về bảo đảm quyền trong giải quyết tranh chấp lao động.

    Quy định tại Bộ luật dân sự 2015 đã tuân theo cam kết ngoại trừ quy định về quyền tự do liên kết của người lao động chỉ đáp ứng một phần, tức là đáp ứng về pháp luật nhưng chưa bảo đảm thực thi do thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể.

    Cam kết CPTPP yêu cầu các nước thành viên phải ban hành và duy trì các quy định pháp luật về quyền tự do liên kết – so sánh với cam kết này thì:

    - Bộ luật Lao động năm 2019 đã có quy định về “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”, trong đó bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, được quy định tại các Điều 5.1(c), 7, 170, 172-178. Như vậy Bộ luật Lao động 2019 đã bảo đảm nghĩa vụ “ban hành và duy trì” quy định pháp luật về quyền tự do liên kết của người lao động theo CPTPP;

    - Tuy nhiên các quy định này vẫn chưa thể “thực hiện” được theo cam kết CPTPP, thực tế cho thấy cho đến nay vẫn chưa có tổ chức nào của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập. Lý do là vì việc thành lập, gia nhập và hoạt động của các tổ chức này như thế nào vẫn cần phải đợi hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ, như hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền đăng ký thành lập; quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp,… Vì vậy cần thiết phải có các văn bản hướng dẫn của Chính phủ về lĩnh vực này để các quy định của Bộ luật Lao động 2019 sớm đi vào thực tiễn nhằm giúp bảo vệ hiệu quả và mạnh mẽ hơn lợi ích của tập thể người lao động.

    (Bài viết này được tham khảo từ các nguồn có liên quan, nhằm mục đích cung cấp cho người đọc những thông tin về sự tác động của CPTPP đến vấn đề lao động – một trong những nội dung điển hình xuất hiện trong các FTA thế hệ mới).

     
    233 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận