Ở góc độ lý luận, hai loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại (trong hợp đồng và ngoài hợp đồng) có những hệ quả khác nhau. Ở đây, “việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo nghĩa vụ ngoài hợp đồng thông thường sẽ làm chấm dứt nghĩa vụ, nhưng đối với nghĩa vụ hợp đồng thì việc bồi thường thiệt hại, ngược lại, không giải phóng người có nghĩa vụ khỏi trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ một cách thực tế (giao vật, thực hiện công việc).
Ví dụ: A làm hư hại tài sản của B vì A cố tình phá tài sản của B do mâu thuẫn gia đình thì sau khi A bồi thường cho B, quan hệ giữa A và B chấm dứt. Ngược lại, nếu A phải giao cho B một tài sản theo hợp đồng nhưng vì lý do cá nhân A đã không giao đúng thời hạn và do không nhận tài sản đúng thời hạn nên hoạt động của B bị ảnh hưởng và làm phát sinh một số chi phí thì ở đây, hành vi không thực hiện đúng hợp đồng của A gây thiệt hại cho B nên A có trách nhiệm bồi thường. Việc A bồi thường không làm chấm dứt quan hệ giữa họ vì B còn có quyền yêu cầu A giao tài sản đã thỏa thuận.
Trong văn bản hiện hành, có những quy định riêng biệt cho bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hay bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Điều này cho thấy, ở góc độ văn bản, cần có sự phân biệt giữa hai loại trách nhiệm này.
Chẳng hạn, về thẩm quyền tài phán, Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hai loại trách nhiệm trên nhưng Bộ luật tố tụng dân sự có quy định riêng cho từng loại trách nhiệm. Cụ thể, theo điểm d khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 “Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết”. Còn điểm g khoản 1 trên quy định “nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết”.
Về pháp luật điều chỉnh, Điều 683 Bộ luật dân sự có quy định “Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng.”. Trong khi đó, theo Điều 687 Bộ luật dân sự, “ 1. Các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại được áp dụng.
2. Trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có nơi cư trú, đối với cá nhân hoặc nơi thành lập, đối với pháp nhân tại cùng một nước thì pháp luật của nước đó được áp dụng”.