Về trường hợp của bạn mình xin góp ý như sau, theo quy định tại Khoản 7 Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP có nêu
Điều 19. Các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
...
7. Tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 23/2016/NĐ-CP thì:
Điều 14. Quy định chung về quản lý, sử dụng nghĩa trang
...
4. Quản lý sử dụng đất nghĩa trang:
a) Việc quản lý sử dụng đất trong nghĩa trang phải tuân thủ theo quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy định hiện hành khác, đảm bảo sử dụng đất mai táng đúng mục đích;
b) Diện tích đất tối đa sử dụng cho phần mộ cá nhân (không bao gồm diện tích đất giao thông giữa các lô mộ, hàng mộ) phải tuân thủ theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này;
c) Đối với nghĩa trang được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tỷ lệ đất mai táng đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hình thức quản lý quỹ đất này để phục vụ cho các đối tượng chính sách xã hội khi chết trên địa bàn, phù hợp với điều kiện của địa phương và quy mô, phạm vi phục vụ của dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang;
d) Đăng ký và chuyển nhượng phần mộ cá nhân:
- Người được đăng ký trước phần mộ cá nhân theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều này không được chuyển nhượng phần mộ cá nhân;
- Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng cho phần mộ cá nhân (sau đây gọi là chuyển nhượng quyền sử dụng phần mộ cá nhân) trong nghĩa trang đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước được thực hiện thông qua hợp đồng được ký kết giữa đại diện chủ đầu tư và người sử dụng dịch vụ. Hợp đồng có thể được lập riêng hoặc chung với hợp đồng dịch vụ nghĩa trang. Người sử dụng dịch vụ đã ký hợp đồng nhưng có nhu cầu cho, tặng, chuyển nhượng hợp đồng cho người khác sử dụng thì phải lập lại hợp đồng ký giữa chủ đầu tư và người nhận cho, tặng, chuyển nhượng tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành.
5. Điều kiện đăng ký trước khi sử dụng phần mộ cá nhân trong nghĩa trang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước:
a) Người được đăng ký trước phần mộ cá nhân trong nghĩa trang bao gồm: Người từ 70 tuổi trở lên, người mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định do Bộ Y tế ban hành, người có vợ hoặc chồng đã được an táng trong nghĩa trang;
b) Hồ sơ đăng ký của người được đăng ký trước phần mộ cá nhân gồm: Đơn đề nghị, giấy tờ tùy thân của công dân (thẻ căn cước hoặc giấy chứng minh thư nhân dân hoặc hộ khẩu); giấy xác nhận của bệnh viện mắc bệnh hiểm nghèo (đối với người mắc bệnh hiểm nghèo); giấy chứng tử và giấy đăng ký kết hôn (đối với người có vợ hoặc chồng đã được an táng trong nghĩa trang);
c) Hồ sơ đăng ký nộp tại đơn vị quản lý nghĩa trang trên địa bàn. Thời gian giải quyết không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Các giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản này là bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao chứng thực.
6. Căn cứ vào các quy định hiện hành và điều kiện của địa phương Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể về đối tượng được hưởng chính sách xã hội trên địa bàn theo Điểm c Khoản 4 và quy định chi tiết việc đăng ký trước khi sử dụng phần mộ cá nhân trong nghĩa trang theo Khoản 5 của Điều này.
Theo đó, đất nghĩa trang do cơ quan nhà nước quản lý được phân không phải bằng cách mua, chuyển nhượng mà thực hiện phân bằng cách đăng ký mộ phần đối với cơ quan quản lý, khi đáp ứng điều kiện thì được cơ quan quản lý cấp. Phần đăng ký đó không được chuyển nhượng cho người khác.
Cập nhật bởi MewBumm ngày 14/11/2018 09:22:05 CH