Người lao động thuộc trường hợp nào thì được rút BHXH một lần? Số CCCD trên Sổ bảo hiểm bị sai thì có được rút BHXH một lần? Không rút BHXH một lần thì có được bảo lưu thời gian đóng? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
(1) Người lao động thuộc trường hợp nào thì được rút BHXH một lần?
Căn cứ Điều 60, Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 thì có tất cả là 07 trường hợp mà người lao động được rút BHXH một lần như sau:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
- Lao động nữ là cán bộ, công chức xã hoặc người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
- Người ra nước ngoài để định cư.
- Người đang mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang AIDS và những bệnh khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; cơ yếu; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an phục vụ có thời hạn… khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu.
- Người tham gia BHXH bắt buộc sau 01 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
- Người tham gia BHXH tự nguyện sau 01 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
Theo đó, khi thuộc một trong những trường hợp như đã nêu trên thì người lao động sẽ được rút BHXH một lần.
(2) Số CCCD trên Sổ bảo hiểm bị sai thì có được rút BHXH một lần?
Đối với những trường hợp bị sai sót thông tin như số CMND/CCCD, ngày cấp, nơi cấp CMND/CCCD hay hộ khẩu thường trú trên Sổ bảo hiểm thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn 3835/BHXH-CST hướng dẫn như sau:
Căn cứ Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH có quy định Sổ bảo hiểm chỉ cấp lại Sổ bảo hiểm trong trường hợp bị hỏng, mất, thay đổi họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch hoặc nội dung được ghi trên Sổ.
Cạnh đó, tại Điều 109 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về hồ sơ hưởng BHXH 01 bao gồm những giấy tờ như sau:
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo Mẫu số 14-HSB được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/31/mau-14-HSB.docx Mẫu số 14-HSB
Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy, các giấy tờ như CMND/CCCD không thuộc những giấy tờ bắt buộc phải có khi lập hồ sơ rút BHXH một lần. Theo đó, trong trường hợp thông tin tại Sổ bảo hiểm bị sai sót thì người lao động sẽ không phải làm thủ tục xin cấp lại.
Tuy nhiên, khi thực hiện rút BHXH một lần thì người hưởng BHXH vẫn phải xuất trình CMND/CCCD để đối chiếu thông tin. Theo đó, trường hợp có sai sót về số CMND/CCCD thì người lao động trong trường hợp này có thể xuất trình hộ chiếu, bằng lái xe, giấy xác nhận nhân thân… Hoặc cũng có thể sử dụng các giấy tờ khác có ảnh và đầy đủ thông tin cá nhân cho cơ quan BHXH để được làm thủ tục hưởng BHXH một lần.
(3) Không rút BHXH một lần thì có được bảo lưu thời gian đóng không?
Căn cứ Điều 61 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về bảo lưu thời gian đóng BHXH như sau:
Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hoặc chưa hưởng BHXH một lần theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH.
Theo đó, trường hợp người lao động nghỉ việc nhưng chưa rút BHXH một lần thì thời gian mà người này tham gia BHXH vẫn sẽ được bảo lưu.