Việc sinh viên ra trường không có định hướng, không biết mình phải làm gì tiếp theo, học gì tiếp theo... không phải là chuyện hiếm trong những năm gần đây. Một phần nguyên nhân là do tâm lý học đại học cho... giống người ta. Từ khi ngồi trên ghế trường phổ thông, không xác định được con đường đi cho mình để rồi phải giết 4 5 năm tuổi trẻ của mình ở một ngôi trường đại học, một ngành nghề mà mình thậm chí không có một chút đam mê, hào hứng và hiểu biết. Để rồi khi ra trường, đến cái tuổi phải... tự lo cho bản thân, lại không biết đi đâu và về đâu.
Nếu rơi vào trường hợp đó, bạn sẽ làm gì? Mình xin lấy một ví dụ thực tế và những chia sẻ từ một người bạn phổ thông của mình. Từ một học sinh học lực "bình thường", trải qua 4 năm học trường luật "êm đềm", ra trường không thích và không thể theo ngành nghề mình học và giờ đang là một cô chủ của một quán cafe cực chất ở Thủ phủ cafe cả nước - Thành phố Buôn Ma Thuột.
1. Lấy "tiền" làm mục tiêu để hướng đến
Ra trường, bạn không có mục tiêu và định hướng nghề nghiệp. Hãy lấy "tiền" làm mục tiêu để hướng đến. Tất nhiên phải là những đồng tiền "chân chính", phải là tiền được tạo ra từ sức lao động của mình và phù hợp với các quy định của pháp luật. Bởi vì khi ra trường, đó cũng là độ tuổi mà bạn không thể phụ thuộc vào gia đình nữa. Bạn phải tự kiếm sống, tự nuôi bản thân và bắt đầu phải có trách nhiệm chăm sóc gia đình. Cho nên bạn phải nghĩ mọi cách để có tiền, có tiền để ăn, để chi tiêu, để bắt đầu chăm sóc ba mẹ đang bước vào tuổi già. Chỉ khi đặt mình vào đường cùng và có một đích duy nhất để hướng đến, bạn mới có động lực thật mạnh mẽ để tư duy, để lao động.
2. Định vị lại bản thân
Định vị ở đây được hiểu là bạn phải xác định mình là ai, mình đang có gì, mình cần gì và mình phải làm gì trong xã hội. Không được quá đặt nặng vấn đề "mình là cử nhân abc" thì phải làm xyz... gạt qua những quan điểm mặc định sai lầm kia, bạn phải thực tế, nghĩ trong đầu mình hiện đang có gì, mình có thể làm được gì, và cần gì để làm được điều đó... khi bạn định vị bản thân một cách rõ ràng và thành thật với chính mình nhất bạn mới có thể vẽ ra đường đi tiếp theo cho mình một cách phù hợp.
3. Đề quy tắc đối với bản thân
Bạn phải sống nghiêm khắc với bản thân hơn. Không còn được phép ngủ nướng, học và làm theo cảm hứng... như thời còn đi học. Bởi vì lúc này, mỗi việc mà bạn làm đều có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới con đường mà bạn chọn, số tiền mà bạn kiếm ra. Hãy thử "ép" mình tập thể dục mỗi ngày, đọc vài trang sách mỗi tối, đọc vài tin hay trước giờ đi ngủ... dần dần hãy tạo nó thành một thói quen tích cực. Bản thân bạn sẽ tích cực thay đổi theo.
4. Lắng nghe và học hỏi nhiều hơn
Sinh viên ra trường, lúc đó bạn giống như trẻ con mới chấp chững biết đi. Bạn đang chập chững vào đời. Khi bạn không có cho mình đam mê, bạn đã tự đặt cho mình động lực để cố gắng. Tuy nhiên bạn không được phép tự bắt mình phải "đơn độc" trên con đường mình đi, hãy cố gắng tìm đến những người có kinh nghiệm, từ gia đình, từ ba mẹ mình để nghe họ chỉ lối. Hay là tìm đến những cuốn sách nói về con đường lập nghiệp của những người thành công, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ học theo họ. Bạn chỉ cần nhìn cách họ vượt qua khó khăn, cách họ đặt ra mục tiêu, cách họ hành động để rồi linh động áp dụng cho bản thân một cách hợp lý và hiệu quả. Điều đó mới thật sự cần và bổ ích cho bạn. Đặc biệt, tránh xa những lớp học được quảng cáo nhan nhản trên mạng như "làm giàu cấp tốc" "lớp học làm giàu"... bởi chẳng có một phương pháp nào gọi là "phương pháp làm giàu cả", giàu hay không, thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bạn chứ không phải bất kỳ ai khác.