Để hưởng một mùa Tết ý nghĩa và tuân thủ luật pháp, bạn cần lưu tâm đến những quy định sau đây đối với những trường hơp về quê người yêu, bạn bè chơi Tết, đi du lịch, thăm người thân, họ hàng,... Cụ thể, tuân thủ đúng quy định về đăng ký tạm trú theo Luật Cư trú 2020.
Xem thêm: Chủ nhà hay người thuê phải đăng ký tạm trú? Không đăng ký tạm trú có bị phạt không?
Tạm trú là gì?
Tạm trú được giải thích là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã) được quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Cư trú 2020.
Khi nào thì cần phải đăng ký tạm trú?
Căn cứ theo Điều 27 Luật Cư trú 2020 về điều kiện đăng ký tạm trú như sau:
- Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
- Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần
- Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở tại những địa điểm sau:
+ Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.
+ Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.
+ Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.
+ Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
+ Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, việc bạn về quê người yêu ăn Tết hay du lịch, thăm họ hàng,... từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú theo quy định.
Trách nhiệm về việc thông báo lưu trú
Lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày. Căn cứ tại Điều 30 Luật Cư trú 2020 quy định về Thông báo lưu trú như sau:
- Khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú; trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc, lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.
- Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp, bằng điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
- Nội dung thông báo về lưu trú bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người lưu trú; lý do lưu trú; thời gian lưu trú; địa chỉ lưu trú.
- Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú; trường hợp người đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 08 giờ ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
- Việc thông báo lưu trú được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú.
Như vậy, nếu bạn đến ở nơi mà không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày thì cần thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú nêu trên.
Xử phạt hành vi vi phạm về đăng ký tạm trú
Căn cứ tại Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:
Hành vi vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
- Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
- Không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, khi về quê người yêu chơi Tết, du lịch, thăm họ hàng,... mà dưới 30 ngày thì bạn không phải thực hiện đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, phải thực hiện việc thông báo lưu trú theo đúng quy định tại Điều 30 Luật Cư trú 2020. Bên cạnh đó, với hành vi không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú thì mức phạt có thể đến 1 triệu đồng.
Xem thêm: Chủ nhà hay người thuê phải đăng ký tạm trú? Không đăng ký tạm trú có bị phạt không?