Xử phạt vi phạm giao thông là một hình thức nhằm răn đe, khắc phục các hậu quả do hành vi vi phạm đó gây ra. Thế nhưng, không phải ai cũng nghiêm túc thực hiện và làm đúng quy định nộp phạt khi vi phạm giao thông. Bài viết sẽ nêu 04 tình huống có thể xảy ra khi người dân chậm trễ, không nộp phạt vi phạm giao thông.
Căn cứ tại Điều 73 Mục 2 Chương III phần thứ hai Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định:
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 15 phần thứ nhất của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nếu không nộp phạt vi phạm giao thông đúng thời hạn, người vi phạm có thể gặp 04 tình huống bao gồm: từ chối giải quyết thủ tục đăng ký xe; cưỡng chế nộp phạt; tính thêm tiền chậm nộp; cảnh báo đăng kiểm. Cụ thể như sau:
(1) Từ chối giải quyết thủ tục đăng ký xe
Căn cứ tại Khoản 15 Điều 3 Chương I Thông tư 24/2023/TT-BCA ngày 01/7/2023, tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì chưa giải quyết đăng ký xe; sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì được đăng ký xe theo quy định của Thông tư 24/2023/TT-BCA.
Nếu không nộp phạt vi phạm giao thông thì người vi phạm sẽ không thể đăng ký xe khi mua xe mới hay sang tên xe sau khi mua bán, tặng cho, thừa kế…
Để được giải quyết thủ tục đăng ký xe, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp phạt trước, sau đó, cơ quan đăng ký xe mới tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục.
(2) Cưỡng chế nộp phạt
Căn cứ tại Điều 86 Mục 3 Chương III phần thứ hai Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi bổ sung theo Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Trong đó, các biện pháp cưỡng chế bao gồm:
- Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;
- Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
- Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
- Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế được thực hiện theo nguyên tắc: Chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.
Đáng chú ý, việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 150.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức;
- Đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. Đơn đề nghị của cá nhân phải được Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận. Đơn đề nghị của tổ chức phải được Ủy ban Nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp xác nhận.
(3) Tính thêm tiền chậm nộp phạt
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012,
trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại Khoản 2 Điều 68 hoặc Khoản 2 Điều 79 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt theo quy định tại Khoản 2 Điều 78.
Nếu không nộp phạt vi phạm giao thông, ngoài việc bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, người vi phạm còn bị tính thêm tiền chậm nộp phạt với công thức tính như sau:
Số tiền nộp phạt = số tiền phạt chưa nộp + (số tiền phạt chưa nộp x 0,05% x số ngày chậm nộp)
Số tiền này đồng thời thu cùng số tiền nộp phạt theo quyết định xử phạt.
(4) Bị cảnh báo đăng kiểm
Căn cứ tại khoản 12 Điều 80 Mục 2 Chương IV Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc văn bản thông báo của người có thẩm quyền xử phạt mà chủ phương tiện (xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe máy chuyên dùng) vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết, thì người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định.
Khi phương tiện đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm, thực hiện kiểm định theo quy định đối với phương tiện, cấp giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có thời hạn hiệu lực là 15 ngày (theo Khoản 3 Điều 9 Chương III Thông tư 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021).
Sau khi người vi phạm đã đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định, người có thẩm quyền xử phạt phải gửi thông báo ngay cho cơ quan đăng kiểm biết để xóa cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định, thực hiện kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành đối với phương tiện.
Ngoài ra, theo Khoản 6 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lái xe, giấy phép lưu hành phương tiện, giấy tờ liên quan tang vật hoặc phương tiện giao thông tới khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Thời hạn tạm giữ không vượt quá thời hạn ra quyết định và sẽ kết thúc khi quyết định được thi hành xong.
Tại khoản 65 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định đối với tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt thì khi hết thời hạn thi hành, nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không nộp phạt thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn, tang vật sẽ được chuyển cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá.
Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt.
Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại Khoản 10 Điều 1.
Trường hợp người vi phạm cố tình không nộp phạt, phương tiện có thể bị kê biên, bán đấu giá để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, trong khi đó giấy tờ sẽ được chuyển tới cơ quan đã cấp để thu hồi theo quy định.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam