Nhiều người thường đổ lỗi cho cơn say, do say nên không biết gì mới dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Vậy phạm tội khi đã uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích có được xem là tình tiết phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động không?
(1) Phạm tội khi đã uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích
Theo dõi các trang tin tức, không ít lần chúng ta sẽ bắt gặp những mẫu tin dạng như : say rượu, giết vợ con hay giết bạn nhậu trên bàn vì mâu thuẫn trong lúc nhậu. Sau đó đối tượng phạm tội thường khai là do say xỉn, đã sử dụng bia, rượu nên không kiểm soát được cơ thể, trạng thái tinh thần bị kích động nên dẫn đến hành vi hành hung hoặc giết người.
Uống rượu, bia hoặc sử dụng chất kích sẽ gây rối loạn, ức chế sự hoạt động của thần kinh trung ương. Khi say hoặc khi đang phê do sử dụng chất kích thích, nhiều người sẽ có hành vi như nói nhiều hơn, không kiểm soát được lời nói, hành động trở nên quơ quào mất tự chủ, lú lẫn, bê tha, dễ nổi nóng và hành động theo bản năng.
Phạm tội khi đã uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích là hành vi phạm tội được diễn ra khi người phạm tội đang trong trạng thái say xỉn dẫn đến hạn chế nhận thức về hành vi của mình. Nhiều trường hợp còn dùng bia, rượu trước khi gây án để kiềm chế nỗi sợ, ra tay dứt khoát hơn.
Theo Điều 13 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về trường hợp phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác như sau:
"Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự."
Như vậy, mặc dù pháp luật công nhận người phạm tội do uống rượu bia, sử dụng chất kích thích là phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi nhưng dù là vậy, người phạm tội do uống rượu bia, sử dụng chất kích thích vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự như bình thường.
(2) Phạm tội khi say xỉn có được xem là trạng thái tinh thần bị kích động không?
Theo Điều 51 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định các tình tiết được giảm nhẹ hình sự, có một tình tiết giảm nhẹ ở điểm e khoản 1 là phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra.
Trạng thái tinh thần bị kích động do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra không được quy định trong Bộ Luật Hình sự hiện hành, tuy nhiên có thể tham chiếu Nghị quyết 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 hướng dẫn “tình trạng tinh thần bị kích động mạnh” tại Bộ luật Hình sự 1985 như sau:
“Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.”
Như vậy, có thể hiểu “phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" là hành vi cố ý phạm tội trong trạng thái người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiểm soát được bản thân do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người đó.
Trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có thể là bộc phát tức thì ngay lúc nạn nhân có hành vi trái pháp luật hoặc đã được đè nén, âm ỷ kéo dài rồi gặp một sự kiện mới bộc phát như một hệ quả của “giọt nước tràn ly”.
Tuy nhiên, đối với trường hợp người uống rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, lợi dụng lúc có hành vi trái pháp luật không nghiêm trọng của nạn nhân mà thực hiện hành vi hành hung, giết người, thì không coi là trường hợp phạm tội do bị kích động mạnh. Phải tùy theo hoàn cảnh, tính chất và mức độ sai trái của hành vi do nạn nhân thực hiện cũng như các tình tiết khác của vụ án.
Như vậy, có thể khẳng định say xỉn không phải là trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và cũng không được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015.
Lý giải cho điều này, mặc dù pháp luật công nhận người phạm tội do uống rượu bia, sử dụng chất kích thích là phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi nhưng việc họ bị mất hoặc bị hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi là do tự họ gây nên, họ tự nguyện tước bỏ hoặc họ tự đặt mình vào tình trạng không thể nhận thức điều khiển hành vi của mình, cho nên họ được coi là người có lỗi đối với tình trạng say của mình và họ vẫn được coi là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Để xác định được người phạm tội có trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan, khách quan như tính cách, hoàn cảnh của người phạm tội, nguyên nhân dẫn đến sự việc, có vấn đề sâu xa gì trước đó không, chứ không phải dựa vào tình trạng say xỉn, mất khả năng nhận thức hành vi.
Bộ luật Hình sự 2015 chỉ quy định miễn trách nhiệm hình sự cho người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần, mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi.
Như vậy, phạm tội trong tình trạng say rượu, bia hoặc sử dụng các chất khích thích khác làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và năng lực hành vi thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Quy định này của pháp luật đã ngăn chặn việc lợi dụng vào quy định tình tiết giảm nhẹ này để phạm tội hoặc cố tình phạm tội do tự tin phạm tội trong trạng thái này sẽ được giảm nhẹ tội.
Trong một số tội ở lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, người phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích còn là một tình tiết tăng nặng cho khung hình phạt.