Rút kinh nghiệm từ một vụ án khiêu dâm

Chủ đề   RSS   
  • #547164 27/05/2020

    lamkylaw
    Top 100
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:31/10/2018
    Tổng số bài viết (660)
    Số điểm: 14232
    Cảm ơn: 10
    Được cảm ơn 612 lần


    Rút kinh nghiệm từ một vụ án khiêu dâm

     

    (PL)- VKSND TP.HCM lấy vụ án này làm dẫn chứng để rút kinh nghiệm toàn ngành với yêu cầu tuân thủ nguyên tắc không được tùy tiện trong áp dụng pháp luật.

    VKSND TP.HCM vừa đưa ra rút kinh nghiệm chung toàn ngành kiểm sát TP về cách giải quyết án và việc chấp hành kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Trong vụ này, cấp sơ thẩm lập luận vì không thể giám định được nên họ không có lỗi sau khi bị hủy án. Tuy nhiên, VKS cấp phúc thẩm cho rằng không thể dùng ý thức chủ quan xác định có hay không có căn cứ để xử lý hình sự.

    Rút kinh nghiệm từ một vụ án khiêu dâm - ảnh 1

    Khiêu dâm và phát tán clip nhạy cảm

    Theo hồ sơ, bị cáo NCT (SN 1991, ngụ phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, Bình Dương) làm quen với một bé gái hơn 10 tuổi ở quận Tân Bình (TP.HCM) qua mạng xã hội.

    Bé gái non nớt đã bị T. dụ dỗ chụp ảnh và quay clip khỏa thân rồi gửi cho T., đổi lại T. sẽ cho bé thẻ cào điện thoại. Bé gái nhiều lần gửi ảnh theo yêu cầu. Tuy nhiên, sau đó T. không gửi thẻ cào điện thoại nữa mà còn đe dọa phát tán những nội dung nhạy cảm này nếu bé không tiếp tục gửi.

    Từ lời đe doạ này, vào buổi chiều tối mỗi ngày, bé gái phải gửi ảnh khỏa thân và gọi video call trình diễn khiêu dâm để T. xem.

    Sau một tuần liên tục như vậy và bị gia đình phát hiện nên bé không liên lạc với T. nữa. Lúc này, T. gửi các hình ảnh và clip nhạy cảm qua mạng Facebook cho bốn tài khoản là bạn của bé. Sau đó, bé gái được gia đình đưa đến cơ quan công an để trình bày sự việc và tố cáo hành vi của T.

    T. bị công an triệu tập làm việc và bị khởi tố, truy tố về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm theo Điều 147 BLHS 2015.

    Quá trình điều tra, cơ quan điều tra kiểm tra dung lượng trong USB mà T. lưu trữ có chứa những hình ảnh và clip nhạy cảm của bé gái dùng để tung lên mạng. Tuy nhiên, sau đó cơ quan điều tra nhận định không đủ dung lượng để khởi tố T. tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 BLHS.

    Tháng 11-2018, TAND quận Tân Bình (TP.HCM) xử sơ thẩm, tuyên phạt T. bốn năm tù về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. T. kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

    Tháng 3-2019, TAND TP.HCM xử phúc thẩm, hủy toàn bộ bản án với nhận định ngoài tội danh bị truy tố, T. còn có dấu hiệu phạm tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy nhưng dung lượng dữ liệu nhạy cảm chưa được điều tra làm rõ.

    Không nhận định chủ quan

    Quá trình điều tra lại, Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an TP.HCM) kết luận tổng dung lượng các thư mục trong USB có nội dung khiêu dâm là 76,7 MB. Do dữ liệu được số hóa có dung lượng chưa tới 1 GB nên không đủ cơ sở khởi tố T. tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Từ đó, cơ quan tố tụng vẫn chỉ truy tố T. tội danh ban đầu.

    Ngày 25-9-2019, TAND quận Tân Bình xét xử sơ thẩm lần hai, tuyên phạt T. năm năm tù về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Bản án này sau đó có hiệu lực pháp luật do không bị kháng cáo, kháng nghị.

    Sau đó, liên ngành cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm cho rằng kết quả giám định cho thấy dữ liệu được số hóa chưa đủ 1 GB nên cấp sơ thẩm không có lỗi khi bị tòa phúc thẩm hủy án.

    Tuy nhiên, VKSND TP.HCM không đồng ý quan điểm này. Theo VKSND TP, bắt buộc phải giám định trong USB có chứa các nội dung nhạy cảm để làm căn cứ xử lý hành vi của bị cáo. Khi chưa giám định thì không thể dùng ý thức chủ quan xác định có hay không có căn cứ xử lý hình sự hành vi của bị cáo T.

    Từ đó, VKSND TP cho rằng việc kết luận hành vi vi phạm pháp luật có đủ căn cứ để xử hình sự hay không phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Việc này không căn cứ vào ý thức chủ quan của người tiến hành tố tụng, cũng không được vì sợ khó khăn về kinh phí mà không giám định, định giá… theo luật định.

    Xâm hại trẻ em ngày càng tăng

    Theo báo cáo của Chính phủ với đoàn giám sát của Quốc hội (về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em), giai đoạn 2015-2019, cả nước có gần 8.500 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với hơn 8.700 trẻ em bị xâm hại. Trong số này có hơn 6.400 trẻ bị xâm hại tình dục, còn lại là trẻ bị bạo lực, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt và bị xâm hại bằng các hình thức khác.

    Riêng trong sáu tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến với 1.400 trẻ (trung bình mỗi ngày cả nước có bảy trẻ em), gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018.

    Theo đoàn giám sát của Quốc hội, nhiều hành vi xâm hại trẻ em không được phát hiện kịp thời, có trường hợp phát hiện ra rồi thì bỏ mặc nếu công luận, báo chí và bản thân các em không lên tiếng.

    Theo Báo pháp luật TP.HCM

     

     

     
    3193 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận