Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Thủ tục để có thể thay đổi người đại diện pháp luật:
Hồ sơ được lập 01 bộ và bao gồm:
- Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty;
- Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân của người thay thế làm đại diện theo pháp luật của công ty;
- Quyết định bằng văn bản và bản sao Biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật;
- Bản sao hợp lệ Chứng chỉ hành nghề của Giám đốc (trường hợp Người đại diện theo pháp luật là Giám đốc của Công ty có kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật chuyên ngành yêu cầu Giám đốc phải có chứng chỉ hành nghề).
Hồ sơ được nộp tại bộ phận “một cửa”, nộp phí, lệ phí (nếu có) và nhận giấy biên nhận-hẹn trả kết quả giải quyết hồ sơsau 05 ngày làm việc.
2. Người đại diện theo pháp luật của một doanh nghiệp chỉ có thể là một cá nhân và có thể là người nước ngoài
Căn cứ khoản Nghị định 139/2007/NÐ-CP ngày 5/9/2007 của Chính phủ:nếu cá nhân người nước ngoài được giao làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, thì người đó phải ở Việt Nam trong suốt thời hạn của nhiệm kỳ và phải đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật. Trường hợp xuất cảnh khỏi Việt Nam trong thời hạn quá 30 ngày liên tục, phải thực hiện các công việc sau: (1) Ủy quyền bằng văn bản cho người khác theo quy định tại Ðiều lệ công ty để người đó thực hiện các quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; (2) Gửi văn bản uỷ quyền đó đến Sở Kế hoạch và Ðầu tư để biết ít nhất 2 ngày trước khi xuất cảnh.
Nghị định 34/2008/NÐ-CP ngày 25/03/2008 quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động, trừ các trường hợp sau đây:
• Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc với thời hạn dưới 03 (ba) tháng;
• Người nước ngoài là thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
• Người nước ngoài là chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
• Người nước ngoài là thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần;
• Người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện chào bán dịch vụ;
• Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc để xử lý các trường hợp khẩn cấp như: Những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được có thời gian trên 03 (ba) tháng thì hết 03 (ba) tháng làm việc tại Việt Nam, người nước ngoài phải làm thủ tục đăng ký cấp giấy phép lao động theo quy định.
3. Khi công ty bạn đã thực hiện xong việc thay đổi người đại diện theo pháp luật thì trong một thời hạn nhất định do Hội đồng thành viên xác định, người đại diện theo pháp luật cũ phải tiến hành bàn giao tài sản, chứng từ, sổ sách kế toán cho người đại diện theo pháp luật mới. Đồng thời người đại diện cũ phải chịu trách nhiệm trước công ty và trước pháp luật về các công việc mình đã làm trong thời gian làm người đại diện theo pháp luật cho công ty. Nếu gây thiệt hại cho công ty thì phải bồi thường thiệt hại, đồng thời phải chịu những chế tài theo những quy định quản lý nội bộ trong công ty.
Với các thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi xin tư vấn cho bạn như vậy, nếu bạn mong muốn được hỗ trợ thêm bạn có thể gọi điện về tổng đài tư vấn của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Trân trọng./.