Dưới đây là một câu chuyện của một cựu Thẩm phán viết từ công việc thực của mình. Đọc để rồi suy ngẫm, bị cáo bị buộc tội chưa hẳn là người xấu.
Bị cáo còn trẻ măng như thiên thần lại phải đứng trước vành móng ngựa. Nét mặt và đặc biệt đôi mắt vẫn còn thoáng vẻ ngơ ngác, ngờ nghệch như thế có ai ngờ đó từng là con quỷ đêm hãm hại một đời người. Vầng trán của bị cáo bị móp vào như quả bóng bàn xì hơi bị bàn tay người bóp vào méo xệch ngay giữa, gây ảnh hưởng thẩm mỹ ghê gớm trên khuôn mặt thiên thần của bị cáo.
Trước khi hỏi hành vi phạm tội của bị cáo, xem qua hình ảnh danh chỉ bản (hình ảnh hồ sơ vụ án) được chụp lúc khởi tố vụ án, khởi tố bị can của bị cáo với hình ảnh thực tế của bị cáo tại tòa, không ngăn được sự tò mò, tôi hỏi bị cáo: “Bị cáo có khuôn mặt trong danh chỉ bản khác với khuôn mặt ngày nay, bị cáo có đúng là người đã được chụp ảnh, lăn tay trong danh chỉ bản không?” “Thưa tòa, đúng là bị cáo đấy!” “Vì sao bị cáo bị móp cả trán đến mức như vậy?” “Trong trại, bị cáo vấp ngã nên trán bị móp đi do bị chứng nhũn não.” “Bị cáo hãy kể lại hành vi hiếp dâm người bị hại trong đêm mưa hôm ấy…”
Bị cáo khai tuốt tuồn tuột như thuộc lòng bản cáo trạng, từ thời gian, địa điểm, hành vi phạm tội với các thao tác cưỡng hiếp người bạn gái đêm hôm ấy trong gian chợ trống vắng, trên thớt thịt không một bóng người như thế nào… Và cuối cùng xin được sự khoan hồng của pháp luật để sớm về đoàn tụ với gia đình, trở thành người công dân tốt có ích cho xã hội…
Lẽ ra bản án hôm đó đã tuyên nhanh chóng để trừng phạt một con quỷ dữ trong vỏ bọc thiên thần ấy, nhưng trong tôi thoáng nghĩ, hình như có điều gì bất ổn trong lời khai của bị cáo nên tôi quyết gặng hỏi người bị hại, là cô gái trẻ khá xinh đẹp trong lớp áo trắng của lứa tuổi học trò để tìm ra sự thật: “Những lời khai của bị cáo vừa rồi có đúng không?” “Dạ đúng!” “Cô đã bị bị cáo cưỡng hiếp ngoài ý muốn của mình?” “Dạ đúng!” “Tại sao cô không tri hô và chống cự khi chỉ có hai người giữa bị cáo với cô?” “Dạ tôi… tôi bị anh ta bóp cổ nên không thể tri hô được.” “Anh ta bóp cổ bằng tay nào?” “Dạ… hai tay.” “Nếu bóp cổ bằng hai tay thì tay nào cởi quần áo của cô?” Ngần ngừ một lát, người bị hại trả lời, “Hắn vừa bóp cổ, vừa yêu cầu tôi cởi quần áo…”
Những lời khai tiếp nối lời khai của cô gái trẻ với vị trí người bị hại trong vụ án vẽ thành một bức tranh được tái hiện cho những người trong phòng xử án thấy đó là cuộc giao hoan bốc đồng giữa hai người trẻ với nhau trong đêm mưa hôm ấy chứ không hề mang yếu tố dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực để người bị hại bị buộc phải giao cấu ngoài ý muốn. Tôi hỏi bồi những câu hỏi cuối cùng để làm sáng hơn bức tranh nhằm tìm ra sự thật: “Gia đình bị cáo đã bồi thường thiệt hại cho cô bao nhiêu tiền rồi?” “Ban đầu gia đình anh ta hứa bồi thường trăm triệu để tôi bãi nại nhưng hiện nay chỉ mới bồi thường phân nửa.”
Sau phần nghị án, tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi thay mặt Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội hiếp dâm và trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa với đôi mắt bừng sáng của bị cáo và khuôn mặt tối xầm không phải của cô gái, mà là bà mẹ của người đứng vị trí “người bị hại”.
Cựu thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út
Theo Infonet