>> Chính sách nổi bật có hiệu lực ngày 01/02/2015
Từ ngày 02 – 10/02/2015, nhiều chính sách quan trọng trong các lĩnh vực kế toán, thương mại, thuế phí lệ phí, lao động, thể thao, y tế, văn hóa xã hội…bắt đầu có hiệu lực. Cụ thể như sau:
1/ Điều kiện được hỗ trợ học nghề khi tham gia BHTN
Kể từ 10/02/2015, người lao động tham gia BHTN được hỗ trợ học nghề khi đủ các điều kiện sau:
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hoặc hưởng lương hưu trợ cấp mất sức lao động hằng tháng)
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ trường hợp:
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
+Chết.
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Mức hỗ trợ tối đa 01 triệu đồng/người/tháng và được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế.
Nếu khóa học nghề có số ngày lẻ không đủ tháng thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 1 tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.
Nội dung trên được nêu tại Quyết định 77/2014/QĐ-TTg.
2/ Phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp
Ngày 18/12/2014, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư 197/2014/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định, lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, Doanh nghiệp bán hàng đa cấp khi đăng ký hoạt động phải nộp các khoản phí bằng tiền mặt trực tiếp hay chuyển khoản. Cụ thể như sau:
- Phí thẩm định cấp mới, gia hạn Giấy chứng nhận: 5 triệu đồng/lần.
- Phí thẩm định sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận: 3 triệu đồng/lần.
- Lệ phí cấp mới, gia hạn Giấy chứng nhận: 400.000 đồng/01 giấy chứng nhận.
- Lệ phí sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy chứng nhận: 200.000 đồng/01 giấy chứng nhận.
Thông tư này có hiệu lực kể từ 10/02/2015.
3/ Điều kiện thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành
Ngày 24/12/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Thông tư 50/2014/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 66/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn Nghị định 08/2010/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi. Theo đó, thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Nếu chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì phải công bố tiêu chuẩn áp dụng và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.
- Nếu đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: ngoài đáp ứng điều kiện trên, phải hoàn thiện công bố hợp quy.
- Phải có kết quả khảo nghiệm trên vật nuôi (thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh do Hội đồng cấp cơ sở đánh giá, thức ăn chăn nuôi mới do Hội đồng khoa học chuyên ngành được Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi thành lập đánh giá).
Thông tư này có hiệu lực kể từ 07/02/2015.
4/ Điều kiện phương tiện vận chuyển hàng dễ cháy, nổ
Kể từ 06/02/2015, Thông tư 66/2014/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi. Theo đó, phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Chạy bằng động cơ đốt trong hoặc động cơ phòng nổ.
- Động cơ của phương tiện phải được cách ly với khoang chứa hàng bằng vật liệu không cháy hoặc buồng (khoang) đệm.
- Ống xả của động cơ phải được đặt ở vị trí kín hoặc được che chắn, bảo đảm an toàn về cháy, nổ;
- Hệ thống điện (kể cả bình ắc quy) phải bảo đảm không phát sinh tia lửa; dây dẫn điện bằng lõi đồng phải bảo đảm cách điện và có tiết diện theo thiết kế;
- Sàn, kết cấu của khoang chứa hàng và các khu vực khác của phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm cháy, nổ phải làm bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy và không phát sinh tia lửa do ma sát;
- Có mái che chống mưa, nắng;
- Có dây tiếp đất. Riêng đối với xe bồn vận chuyển khí đốt hóa lỏng theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6484:1999;
- Có đủ trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
- Bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
- Phương tiện vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt phải có biểu trưng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ (mẫu số PC01) ở kính phía trước và hai bên thành phương tiện;
- Phương tiện vận chuyển đường thủy, ban ngày phải cắm cờ báo hiệu chữ “B”, ban đêm phải có đèn báo hiệu phát sáng màu đỏ.
5/ Đã có Thông tư 200/2014/TT-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp
Kể từ 05/02/2015, Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán Doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực và được áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/01/2015. Theo đó, chế độ kế toán doanh nghiệp có những điểm mới nổi bật như sau:
- Bỏ 3 hình thức ghi sổ kế toán (nhật ký chứng từ, chứng từ ghi sổ, nhật ký chung)
- Doanh nghiệp được tự thiết kế hệ thống mẫu sổ kế toán và chứng từ kế toán sao cho phù hợp, tuy nhiên phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin giao dịch kinh tế minh bạch.
- Doanh nghiệp thu chi chủ yếu bằng ngoại tệ được lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán (không bắt buộc phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như trước đây) và phải thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp và chuyển đổi BCTC lập bằng đơn vị tiền tệ trong kế toán là ngoại tệ sang Đồng Việt Nam.
Thông tư này thay thế Quyết định 15/2006/QĐ-BTC và 244/2009/TT-BTC.
6/ Điều kiện viên chức được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài
Cuối năm 2014, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 19/2014/TT-BNV quy định, hướng dẫn công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức. Theo đó, viên chức được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Còn đủ tuổi công tác ít nhất 01 năm tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu.
- Không trong thời gian xem xét, thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên; hoặc chưa được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định pháp luật hiện hành.
- Phải được cơ quan xác nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Yêu cầu nhiệm vụ được giao của viên chức được cử đi bồi dưỡng phải phù hợp với nội dung của khóa bồi dưỡng.
- Bảo đảm sức khỏe.
Thông tư này có hiệu lực kể từ 02/02/2015.
7/ Hướng dẫn lập báo cáo tài chính hợp nhất
Bộ Tài Chính ban hành Thông tư 202/2014/TT-BTC hướng dẫn phương pháp lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất.
Theo đó, Báo cáo tài chính hợp nhất áp dụng biểu mẫu Báo cáo tài chính của doanh nghiệp độc lập và bổ sung các chỉ tiêu như sau:
- Chỉ tiêu trong bảng cân đối kế toán hợp nhất:
+ Chỉ tiêu VI “Lợi thế thương mại” - mã 269 trong phần “Tài sản”.
+ Chỉ tiêu “Lợi ích cổ đông không kiểm soát” - mã 429.
- Chỉ tiêu trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất:
+ Chỉ tiêu “Phần lãi hoặc lỗ trong công ty liên doanh, liên kết” – mã 24.
+ Chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế của cổ đông của công ty mẹ” – mã 61.
+ Chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát” – mã 62.
Các thông tin trên phải trình bày trong Bản thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất theo quy định tại Phụ lục 1.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho việc lập, trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất của năm tài chính bắt đầu từ hoặc sau 01/01/2015.
Có một điều không bao giờ thay đổi, đó là " Mọi thứ đều thay đổi"