Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Về việc doanh nghiệp yêu cầu bạn ký quỹ:
Khoản 2, Điều 20 Bộ Luật Lao động 2012 có hiệu lực thi hành từ 01/5/2013 quy định: người sử dụng lao động không được yêu cầu NLĐ phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc giao kết, thực hiện hợp đồng lao động. Do đó việc công ty của bạn yêu cầu bạn phải ký quỹ là sai.
Điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định số
95/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động quy định: người sử dụng lao động có hành vi
“Buộc NLĐ thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động” thì sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của NLĐ cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của NLĐ tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
2. Doanh nghiệp nợ lương của bạn là vi phạm pháp luật.
Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động quy định:
"3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên."
3. Giải pháp của bạn:
- Bạn nên cân nhắc việc có nên gắn bó lâu dài với doanh nghiệp không có đủ tiềm lực kinh tế để chi trả lương cho nhân viên và có những hành vi vi phạm pháp luật hay không để quyết định chấm dứt hợp đồng lao động nhé. Việc doanh nghiệp nợ lương bạn là một cơ sở để bạn có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp này theo quy định tại điều 37 Bộ luật Lao động 2012.
- Để thu hồi lại tiền ký quỹ và yêu cầu công ty trả lương cho bạn, bạn nên trình bày rõ quan điểm của mình về các vấn đề như tôi vừa tư vấn cho bạn ở trên và yêu cầu công ty phải tuân thủ pháp luật, thanh toán tiền cho bạn trong một thời gian nhất định, quá hạn này bạn có thể làm đơn tố cáo gửi lên Thanh tra lao động; Phòng lao động thương binh xã hội, Thanh tra nhà nước cấp huyện để yêu cầu các cơ quan này hỗ trợ bạn. Giải pháp cuối cùng là bạn có thể nộp đơn khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án nhân dân cấp huyện để buộc doanh nghiệp phải trả lại tiền ký quỹ và tiền lương cho bạn.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm.
Thân chúc bạn sức khỏe, bình an.
Trân trọng./.