Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Cần xem lại bản chất giao dịch giữa anh B và bạn.
Bạn không nói rõ quá trình thương lượng, đàm phán, làm việc với B, hai bên đã xác lập văn bản cụ thể ràng buộc trách nhiệm hai bên như thế nào.
Do vậy, đặt ra hai trường hợp như dưới đây để cùng phân tích giá trị pháp lý cũng như hậu quả việc giao kết:
1.1 Nếu giao dịch giữa hai bên là hợp đồng mua bán:
Nếu bạn và B ký hợp đồng mua bán thì khi có tranh chấp, hợp đồng này sẽ bị coi là vô hiệu vì: (1) quyền sử dụng đất chưa thuộc về B nên không thể là đối tượng trong hợp đồng mua bán giữa bạn và B; (2) hợp đồng vô hiệu hình thức (không được công chứng); (3) hợp đồng vô hiệu về chủ thể (do không được vợ B ký).
Hậu quả hợp đồng vô hiệu là: hai bên trả lại cho nhau những gì đã nhận, bên nào có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu thì phải bồi thường (trường hợp này có thể lỗi 50/50).
1.2 Nếu giao dịch giữa hai bên là hợp đồng đặt cọc:
Theo đó B nhận tiền của bạn để cam kết sẽ liên hệ với chủ sử dụng đất để người này ký hợp đồng cũng như sang tên cho bạn thì B phải có trách nhiệm thực hiện, nếu không thực hiện được sẽ phải trả lại tiền cho bạn và bị phạt một khoản tiền tương đương.
2. Yêu cầu của vợ B:
Bạn nghiên cứu những tư vấn của luật sư, đối chiếu với trường hợp cụ thể để xác định: nếu hai bên giao kết hợp đồng mua bán mà không có sự đồng ý, không có chữ ký của vợ B, nay phát sinh việc vợ B đòi tiền thì cần thiết phải: xác lập văn bản giữa vợ chồng B và A để (1) xác nhận việc mua bán giữa hai bên A-B; (2) xác nhận việc vợ chồng B đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất này cho bạn và cách thức thực hiện là: hai vợ chồng B sẽ liên hệ để A trực tiếp ký hợp đồng và sang tên cho bạn, đồng thời vợ chồng B cam kết chịu trách nhiệm về thuế/phí phát sinh đối với giao dịch này. Nếu vi phạm, vợ chồng B sẽ chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại phát sinh cho bạn.
Nếu việc này vẫn không được vợ B không đồng ý thì không thể kiểm soát được những rủi ro mà chị này có thể gây ra, khiến cho bạn không thể hoàn tất được thủ tục sang tên từ A sang cho mình, hoặc ngay cả khi việc sang tên từ A sang cho bạn đã hoàn tất, B cũng có thể khiếu nại, khiếu kiện về việc sang tên này (vì thực tế vợ chồng B đã quản lý, ,sử dụng đất dựa trên quan hệ mua từ A).
Trường hợp xấu nhất, nếu không thể thỏa thuận với vợ của B, bạn cần nghĩ tới phương án là phải khởi kiện ra tòa để giải quyết, buộc vợ chồng B phải hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng từ A, sau đó chuyển nhượng lại cho bạn; hoặc là B phải trả lại tiền cho bạn.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn và gia đình sức khỏe.
Trân trọng./.