Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Các văn bản pháp luật là cơ sở pháp lý cho việc thoái vốn:
- Luật doanh nghiệp năm 2005;
- Nghị định 102/2010/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều luật của Luật Doanh nghiệp;
- Nghị định 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và Nghị định 05/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung NĐ 43/2010/NĐ-CP, Thông tư 01/2013/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;
- Luật chứng khoán năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung Luật chứng khoán năm 2010; Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán; Thông tư 204/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 58/2012/NĐ-CP.
- Nghị định số 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác; Thông tư 242/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 09/2009/NĐ-CP.
- Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 06/4/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Nghị định 71/2013/NĐ-CP đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
2. Trình tự, thủ tục thoái vốn:
- Điều 49 Quy chế quản lý tài chính của Công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP quy định:
“Điều 49. Quyền quyết định tăng, giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác
Việc tăng phần vốn nhà nước hoặc giảm phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác được quy định như sau:
1. Đối với đại diện chủ sở hữu do Thủ tướng Chính phủ phân cấp ủy quyền thì do cơ quan này xem xét, quyết định.
2. Đối với trường hợp Tổng công ty, công ty nhà nước độc lập là đại diện chủ sở hữu phần vốn tại doanh nghiệp khác theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Quy chế này thì Tổng công ty xem xét, quyết định trên nguyên tắc: người quyết định phương án đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác đồng thời là người quyết định bổ sung vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác; hoặc quyết định giảm phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.
3. Phương thức tăng, giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của doanh nghiệp.
4. Trường hợp doanh nghiệp khác tăng vốn mà công ty nhà nước không có nhu cầu đầu tư bổ sung vốn thì báo cáo đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định chuyển nhượng quyền mua, quyền góp vốn theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, thẩm quyền quyết định phương án thoái vốn nhà nước trong công ty đã cổ phần hóa mà Tổng công ty là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ theo quy định tại khoản 2 Điều 49 nói trên.
- Bản chất của việc Tổng công ty (đơn vị nắm phần vốn góp nhà nước) “thoái vốn” là việc chuyển nhượng cổ phần của nhà nước (do Tổng công ty nắm giữ) sang cho cá nhân, tổ chức khác. Tùy thuộc vào loại hình công ty là công ty đại chúng hay công ty không đại chúng và chào bán ra công chúng hay chào bán riêng lẻ mà trình tự, thủ tục thoái vốn của Nhà nước trong Công ty thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp hoặc Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Trong trường hợp Tổng công ty muốn rút toàn bộ vốn nhà nước tại công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng theo hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 41 NĐ 43/2010/NĐ-CP và Điều 20 Thông tư 01/2013/TT-BKHĐT.
Các trường hợp khác thực hiện theo quy định của Luật chứng khoán 2006; sửa đổi bổ sung năm 2010 và Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán; Thông tư 204/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 58/2012/NĐ-CP.
3. Thoái vốn dưới giá vốn theo Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 06/3/2014 của Chính phủ:
Nghị quyết 15 quy định đối với hoạt động thoái vốn ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính theo Đề án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước được thực hiện một trong các giải pháp là: Thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.
Nếu đáp ứng được quy định này thì doanh nghiệp của bạn được chiểu Nghị quyết 15 và có thể thoái vốn dưới giá vốn.
Các trường hợp còn lại được coi là chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, việc quyết định giá chuyển nhượng tuân thủ theo Nghị định 71/2013/NĐ-CP theo đó: việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải có phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Khi thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải đảm bảo công khai minh bạch, có hiệu quả, hạn chế tối đa tổn thất (nếu có), tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.
4. Việc định giá lại doanh nghiệp sau khi thoái vốn:
Hiện tại, pháp luật chưa có quy định bắt buộc phải định giá lại doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước khi thoái vốn khỏi doanh nghiệp khác.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Trân trọng./.
Cập nhật bởi daolienluatsu ngày 31/05/2014 10:21:27 SA
hiệu chỉnh