Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Hiệu lực của di chúc
Bạn có thể tham khảo bài tư vấn về hiệu lực di chúc đăng tại webstie của Luật Tiền Phong chúng tôi: http://luattienphong.vn/chi-tiet-tin/tu-van-lap-di-chuc
Nếu di chúc của ông bạn được lập dựa trên sự tự nguyện, tự do ý chí, trong khi minh mẫn, sáng suốt, văn bản di chúc có sự chứng thực của UBND xã cũng như có sự làm chứng của những người trong dòng họ có thể được coi là hợp pháp.
Do vậy, nếu đến khi chết mà ông bạn không còn văn bản di chúc nào khác thì văn bản di chúc này sẽ được coi là di chúc cuối cùng và có hiệu lực tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm ông bạn chết).
Di chúc do ông bạn lập không nhất thiết phải có chữ ký của bà nội bạn vẫn có hiệu lực.
Lưu ý với bạn, nếu nhà đất trên là tài sản chung của ông, bà bạn thì di chúc của ông bạn chỉ có hiệu lực đối với phần tài sản của mình trong khối tài sản chung này (½ nhà đất)
2. Thời hiệu chia di sản thừa kế
Theo quy định của pháp luật hiện hành, thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 10 năm (Điều 645 của Bộ luật Dân sự)
Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế.
(Trích điểm 2, mục I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP của HĐTP TANDTC)
3. Giải pháp
3.1 Để được hưởng quyền thừa kế:
Bạn căn cứ vào những phân tích nêu trên để xác định thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đối với tài sản của ông bạn. Nếu còn thời hiệu khởi kiện, gia đình bạn có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu phân chia di sản thừa kế theo nội dung di chúc để bảo vệ quyền lợi của mình.
Trường hợp hết thời hiệu khởi kiện, nếu đảm bảo đủ hai điều kiện: (1) các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và (2) đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì tòa án vẫn thụ lý giải quyết yêu cầu chia tài sản chung.
Trường hợp không có căn cứ để khởi kiện, tòa án sẽ không thụ lý và tài sản hiện do ai quản lý, trông nom người đó vẫn tiếp tục được quyền quản lý, trông nom theo quy định của pháp luật về việc chiếm hữu tài sản công khai và ngay tình.
3.2 Để xử lý hành vi phá hoại tài sản:
Như bạn trình bày, nếu có hành vi xây dựng nhà trái phép trên đất đang thuộc diện quản lý của nhà bạn cũng như đập phá tài sản, gia đình bạn nên làm đơn trình báo hoặc tố giác việc này ra cơ quan công an để yêu cầu xử lý. Tùy tính chất mức độ mà hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu chứng minh được thiệt hại, bạn có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn và gia đình sức khỏe.
Trân trọng./.