I. CÂU HỎI
Cho vay bao nhiêu là nặng lãi?
Vào tháng 6/2014, tôi có cho ông T mượn một số tiền là 200.000.000 VNĐ. Ông T nói với tôi là mượn hộ cho ông ông S, do vợ ông S hiện đang trị bệnh ung thư. Ông T đề nghị với mức lãi suất là 5%/tháng nhưng vì tôi thấy vợ ông S bị bệnh nên tôi chỉ lấy 3%/tháng. Tôi có yêu cầu ông T làm hợp đồng bằng giấy tay là chỉ mượn trong thời hạn 12 tháng. Ông T nói là không tới đât, chỉ vài tháng là nhiều vì ông S hiện đang rao bán nhà.
Khi mượn được khoảng 8 tháng, ông T trả bớt cho tôi 100.000.000 VNĐ. Lúc này, ông T cũng sửa tờ hợp đồng lại. trong thời gian này, tiền lãi ông T đưa cho tôi rất là đúng hạn 1 tháng 1 lần. Thấy vậy tôi không yêu cầu ông T thanh toán số tiền còn lại theo hợp đồng mà có ký tiếp với thời hạn 12 tháng nữa. Đến tháng 4/2016, ông T bắt đầu viện mọi lý do để không đưa thêm tiền lãi cho tôi. Đến nay đã 7 tháng rồi nhưng mỗi lần tôi điện thoại hỏi thì ông T cứ nói là để bán nhà bán đất trả cho tôi mà nhà đã bán rồi. Vậy xin làm phiền Luật sư tư vấn giúp tôi có thể kiện ông T ra tòa được không? Nếu được thì ông T có lừa đảo không? Còn phần tôi có bị phạm tôi cho vay nặng lãi không? Xin cảm ơn Luật sư.
II. NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Cơ sở pháp lý
2. Tóm tắt nội dung vụ việc
- Tháng 6/2014, Khách hàng cho ông T vay số tiền 200.000.000 VNĐ (Hai trăm triệu đồng) với mức lãi suất 3%/tháng, thời hạn vay là 12 tháng. Hai bên có ký kết hợp đồng vay tiền bằng giấy viết tay.
- Ông T lấy lý do là vay hộ ông S, vợ ông S hiện đang điều trị bệnh cần tiền. Ông S hiện cũng đang rao bán nhà để lấy tiền chữa trị cho vợ.
- Tháng 2/2015, ông T trả cho Khách hàng số tiền vay gốc là 100.000.000 VNĐ (Một trăm triệu đồng), đồng thời sửa lại hợp đồng vay.
- Khi hết thời hạn vay (tháng 6/2015), Khách hàng đã không yêu cầu ông T thanh toán số tiền gốc còn lại và còn đồng ý gia hạn cho ông T vay thêm 12 tháng.
- Trong thời gian này, ông T đều thanh toán tiền lãi đầy đủ, đúng hạn 1 tháng 1 lần. Tuy nhiên, đến tháng 4/2016, ông T ngừng trả lãi và luôn viện lý do, trốn tránh nghĩa vụ thanh toán các khoản tiền trên cho Quý Khách hàng.
- Hiện nay, Khách hàng đang muốn thực hiện thủ tục khởi kiện, yêu cầu Tòa án buộc ông T hoàn trả lại số tiền đã vay.
3. Nội dung tư vấn
3.1. Khách hàng có đáp ứng đầy đủ các điều kiện để khởi kiện ông T tại Tòa án
Khách hàng và ông T xác lập quan hệ dân sự thông qua hợp đồng vay tài sản. Do đó, để tiến hành thủ tục khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp cần xét đến các yếu tố sau:
- Thứ nhất, chủ thể khởi kiện phải có quyền khởi kiện và có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự
Điều 186 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền khởi vụ án như sau: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Việc ông T không trả tiền gốc và tiền lãi đúng hạn theo Hợp đồng hai bên ký kết đã xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp Khách hàng. Ngoài ra, Khách hàng có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc trường hợp bị hạn chế, bị mất hay có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi. Do đó, Khách hàng có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Thứ hai, vụ án được khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Theo khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về các tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trong đó có: “Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự”.
Đối chiếu quy định trên, tranh chấp giữa Khách hàng và ông T về hợp đồng vay tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
- Thứ ba, vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện
Theo Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng như sau: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Từ tháng 4/2016, ông T đã không thanh toán cho Khách hàng số tiền lãi như đã thỏa thuận. Thời điểm đó được xem là ngày bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện (ngày mà Khách hàng biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm).
Đến nay, đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện là 03 năm đối với trường hợp tranh chấp hợp đồng. Tuy nhiên, Khách hàng cần xét đến trường hợp khôi phục thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, ông T (bên có nghĩa vụ) có bất kỳ văn bản thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thanh toán của mình, Khách hàng có thể lấy đó làm căn cứ để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện.
- Thứ tư, vụ việc chưa được giải quyết bằng một bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
Quan hệ tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vay tài sản giữa Khách hàng và ông T chưa từng được giải quyết bởi bất kỳ một bản án hay quyết định nào có hiệu lực pháp luật, do đó bảo toàn được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc trong trường hợp này.
3.2. Việc áp dụng quy định pháp luật đối với các hành vi phạm tội
- Khoản 1 và khoản 4 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như sau:
“1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
…
4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.”
- Theo đó, hành vi phạm tội sẽ được điều chỉnh và áp dụng bởi văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực tại thời điểm hành vi đó xảy ra. Trường hợp tại thời điểm hành vi bị tố giác, văn bản quy phạm pháp luật mới quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn so với văn bản quy phạm pháp luật cũ thì áp dụng văn bản mới.
- Hành vi có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông T hay hành vi có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi của Khách hàng đều thuộc phạm vi điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Hiện nay, các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đều quy định chặt chẽ hơn về các yếu tố cấu thành tội phạm cũng như trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hai tội danh trên.
- Do đó, Equity Law Firm sẽ xem xét và đưa ra nhận định về các hành vi có dấu hiệu tội phạm nêu trên của Khách hàng và ông T trên cơ sở áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
3.3. Hành vi của ông T có cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
…
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
…
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;…”
- Để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội phải đáp ứng đầy đủ hai yếu tố chính, đó là hành vi gian dối, đưa thông tin sai sự thật, lợi dụng lòng tin, khiến người bị hại tự động giao tài sản và sau đó chiếm đoạt tài sản ấy.
- Tuy nhiên, Khách hàng và ông T đã xác lập quan hệ dân sự thông qua hợp đồng vay, việc giao kết phù hợp với các quy định của pháp luật, không có dấu hiệu lừa dối, cưỡng ép. Ông T vẫn hàng tháng trả tiền lãi cho Quý Khách hàng. Do đó, không đủ căn cứ để kết luận ông T có hành vi gian dối trong trường hợp này.
Từ những thông tin được cung cấp, Equity Law Firm nhận định rằng hành vi của ông T không có đủ dấu hiệu vi phạm để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
3.4. Hành vi của Khách hàng có cấu thành tội cho vay nặng lãi
- Tội cho vay nặng lãi được quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể:
“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…”
Để cấu thành tội cho vay nặng lãi, người phạm tội phải đáp ứng các yếu tố về mức lãi suất cho vay và số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay mà có.
- Tuy nhiên, tội cho vay nặng lãi theo khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là tội phạm ít nghiêm trọng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này theo khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015 là 05 năm tính từ ngày tội phạm được thực hiện.
Khách hàng cho vay và nhận tiền lãi từ ông T từ tháng 4/2014, đến nay đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cho này (tháng 4/2019). Vì vậy, Khách hàng sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này dù hành vi phạm tội có đầy đủ các yếu tố cấu thành.
4. Kiến nghị phương án giải quyết
- Trước hết, Khách hàng có thể gửi Đơn tố cáo đến Công an nơi ông T đang cư trú để tố cáo hành vi của ông T nhằm tạo sức ép để ông T hoàn trả lại khoản tiền.
- Khách hàng lưu ý cần hoàn thiện lại hồ sơ, giấy tờ xác nhận khoản nợ của ông T, đây là phương thức để khôi phục thời hiệu khởi kiện. Sau đó, Khách hàng có thể thực hiện thủ tục khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết buộc ông T hoàn trả toàn bộ khoản vay, kèm số lãi phát sinh đến thời điểm thanh toán và số tiền lãi chậm trả theo quy định của pháp luật dân sự.