Tôi có câu hỏi liên quan đến Chuyển nhượng cổ phần phổ thông của các cổ đông sáng lập, mong Luật sư giải đáp.
Gia đình tôi có Cty CP thành lập năm 2006 gồm 5 thành viên là anh em ruột thịt trong gia đình, vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Về vốn góp thực tế thì chỉ có bố tôi và một người bác ruột là bỏ tiền đóng góp theo quy định (có giấy tờ biên nhận tiền góp vốn) còn 3 thành viên còn lại không góp cũng như không có giấy tờ chứng minh là đã góp vốn vào cty. Do là anh/em ruột thịt trong gia đình nên bố tôi vẫn để các thành viên trên trong danh sách cổ đông cty đến ngày nay (trong số đó chỉ có 01 người em là tham gia hoạt động quản lý Cty).
Hiện nay, anh/em tôi đều đã lớn, bố tôi muốn đưa anh/em tôi vào danh sách cổ đông cty và loại bỏ các thành viên không đóng góp cổ phần vào cty như đã đăng ký.
Xin hỏi thủ tục chuyển đổi cổ phần từ các bác và các chú sang tên anh/em chúng tôi nếu thực hiện thì có vướng mắc gì không? Và thủ tục thực hiện như thế nào?
Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, Luật sư Đào Liên - Công ty Luật Tiền Phong tư vấn cho bạn như sau:
1. Về thời hạn góp vốn
Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Doanh nghiệp 2014 đều quy định thời gian các cổ đông phải góp đủ vốn đăng ký, theo luật 2005 thì thời hạn góp vốn lần đầu tiên là 03 năm, Luật Doanh nghiệp 2014 thu hẹp hơn thời hạn này còn 3 tháng. Sau thời hạn này, trong vòng 30 ngày doanh nghiệp phải báo cáo và điều chỉnh vốn điều lệ phù hợp với số vốn thực góp của các cổ đông.
Như bạn nói, doanh nghiệp của gia đình bạn thành lập đến nay đã 12 năm, trong khi các cổ đông (thành viên trong gia đình) không đóng đủ thì về nguyên tắc là vi phạm pháp luật về đăng ký kê khai trước cơ quan nhà nước. Nhưng giải quyết hậu quả vấn đề này khi chuyển quyền sở hữu sang tên cổ phần mới là vấn đề đáng bàn.
Tình huống thứ nhất: cổ đông cũ phải chuyển nhượng lại cổ phần (dù chỉ là ảo) của mình tại cơ quan đăng ký kinh doanh thì người sau mới được đứng tên sở hữu cổ phần của doanh nghiệp.
Tình huống thứ hai: Công ty lập báo cáo giải trình về việc chưa góp vốn đủ với cơ quan đăng ký kinh doanh và chấp nhận bị xử phạt vì không kê khai đúng thông tin đăng ký kinh doanh (về vốn điều lệ của doanh nghiệp) với cơ quan thẩm quyền. Sau đó, cơ quan thẩm quyền sẽ điều chỉnh lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp về dúng vốn điều lệ thực góp.
Sau đó, để bổ sung các cổ đông mới, doanh nghiệp phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ để các cổ đông mới góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định.
2. Hồ sơ và thủ tục thực hiện.
2.1 Cho tình huống thứ nhất doanh nghiệp của gia đình bạn chuẩn bị hồ sơ gồm có:
- Đăng ký kinh doanh bản sao
- Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần
- Biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng cổ phần
- Văn bản đề nghị thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (thay đổi cổ đông sáng lập)
- Danh sách cổ đông
- Biên bản họp đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và điều lệ (thay đổi cổ đông sáng lập)
- Nghị quyết đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và điều lệ công ty.
2.2 Cho thuong thứ hai, hồ sơ cần có:
- Công văn báo cáo Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính về việc chưa hoàn thành việc góp vốn điều lệ đủ, xin điều chỉnh nội dung đăng ký doanh nghiệp đúng về số vốn thực góp.
- Biên bản họp/nghị quyết đại hội đồng cổ đông về việc này;
- Danh sách cổ đông sáng lập sau khi điều chỉnh.
- Văn bản đề nghị thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Hồ sơ được nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh, số lượng 1 bộ, thời gian giải quyết 3 này làm việc, lệ phí đăng ký kinh doanh là 100 nghìn đồng.