Ráng mỡ gà có nhà thì giữ là gì? Nguồn ngân sách cho phòng, chống thiên tai từ đâu?

Chủ đề   RSS   
  • #616730 24/09/2024

    Ráng mỡ gà có nhà thì giữ là gì? Nguồn ngân sách cho phòng, chống thiên tai từ đâu?

    Ráng mỡ gà có nhà thì giữ có nghĩa là gì? Nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai từ đâu? Dự phòng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai sử dụng thế nào?

    Ráng mỡ gà có nhà thì giữ là gì?

    Thời điểm chưa có dự báo thời tiết, người dân thường dự đoán tình hình thời tiết dựa vào mây trời, khung cảnh và vạn vật xung quanh. Ráng mỡ gà có nhà thì giữ là câu tục ngữ cảnh báo mưa to, gió lớn và thậm chí là giông bão, được người dân ngày xưa đúc kết từ kinh nghiệm dân gian. Câu tục ngữ này được sử dụng để dự báo tình hình thời tiết xấu, cụ thể là giông gió, bão nhằm giúp người dân có sự phòng bị, tránh hoặc giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai, giông bão.

    Câu tục ngữ "Ráng mỡ gà có nhà thì giữ" được gieo vần “a” bởi các từ "gà" và "nhà". Trong đó, “Ráng” là cách gọi màu sắc ở phía cuối chân trời, được tạo thành bởi ánh sáng mặt trời chiếu vào những đám mây. Ráng mỡ gà” có thể được hiểu là khi chân trời xuất hiện những đám mây có màu vàng óng như mỡ gà thông thường là dấu hiệu thời tiết chuẩn bị có mưa to, bão. Hiện tượng “ráng mỡ gà” không thường xuyên xảy ra, chính vì vậy, mỗi khi xuất hiện màu sắc này trên bầu trời, ông cha ta sẽ nhận biết được có thể sắp có mưa to, gió lớn hay thậm chí là giông bão.“ Cụm “có nhà thì giữ” nghĩa là đang nhắc nhở mọi người cần phải có sự chuẩn bị trước cơn bão, như là gia cố, sửa sang nhà cửa, xung quanh nhà để đảm bảo ngôi nhà chắc chắn, kiên cố khi có mưa bão kéo đến. 

    "Ráng mỡ gà có nhà thì giữ" giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm để dự đoán trước được mưa to, bão lũ, từ đó có biện pháp phòng tránh, ngăn chặn để bảo vệ tính mạng và nhà cửa, tài sản. Không chỉ vậy, câu tục ngữ này còn là nhắc nhở con người cần đề phòng, chú ý trước sự biến đổi bất thường của thời tiết từ cảnh vật xung quanh từ đó có sự phòng bị cho tình huống nếu có thời tiết xấu xảy đến. Theo đó, phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả khi xảy ra thiên tai là nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai. Pháp luật nước ta cũng có các chính sách cũng như nguồn ngân sách dùng cho phòng, chống thiên tai. 

    Như thế nào là thiên tai, rủi ro thiên tai và phòng, chống thiên tai?

    Theo khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020) thì thiên tai và phòng, chống thiên tai được quy định như sau:

    (i) Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

    (ii) Rủi ro thiên tai là thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội.

    (iii) Phòng, chống thiên tai là quá trình mang tính hệ thống, bao gồm hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

    Nguồn ngân sách cho phòng, chống thiên tai từ đâu?

    Căn cứ Điều 9 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 và điểm o khoản 4 Điều 54 Luật Phòng thủ dân sự 2023) quy định về ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai với những nội dung sau đây:

    (i) Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách hằng năm, dự phòng ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính.

    (ii) Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng cho xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai; đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; hoạt động phòng, chống thiên tai; hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp.

    Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    (iii) Dự phòng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng theo quy định sau đây:

    - Hỗ trợ cho công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

    - Căn cứ vào hoạt động ứng phó, mức độ thiệt hại, nhu cầu cứu trợ và chế độ, chính sách, Ủy ban nhân dân các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương để xử lý nhu cầu khẩn cấp cho ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ngoài dự toán chi hằng năm đã được phê duyệt.

    - Trường hợp dự phòng ngân sách địa phương đã sử dụng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ. Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ của địa phương và đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định.

    (iv) Quỹ dự trữ tài chính được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai với mức độ nghiêm trọng, phát sinh ngoài dự toán mà sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

    Như vậy, câu tục ngữ "Ráng mỡ gà có nhà thì giữ" giúp con người nhận biết thiên tai dựa vào màu sắc của mây. Từ đó có biện pháp phòng tránh, ngăn chặn để bảo vệ tính mạng và tài sản trước khi thiên tai xảy đến. Vì phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân nên tất cả mọi người đều cần có ý thức và hành động cụ thể để phòng, ngừa và giảm thiểu thiệt hịa khi có thiên tai. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có nguồn ngân sách cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách nhà nước theo dự toán chi hằng năm và dự phòng ngân sách nhà nước theo quy định nêu trên.

     
    446 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận