Những ngày gần đây cư dân mạng bàn tán về đoạn clip phát lại cảnh một số cá nhân, tổ chức cúng Rằm tháng bảy bằng tiền Việt Nam đồng với các mệnh giá khác nhau rồi đứng trên cao rải xuống đường trông thật phản cảm, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến giao thông. Vậy hành vi này có vi phạm pháp luật hay không?
1. Văn hóa tâm linh mang tính nhân văn đã bị biến tướng.
Cúng cô hồn mà dân gian hay gọi là ngày “xá tội vong nhân” bắt nguồn từ sự tích ông A Nan Ðà (thường gọi tắt là A Nan) với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu). Có một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: "Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên".
A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Đức Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Về sau phật tử gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này, cho nên ngày nay người ta vẫn còn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu. Phóng diệm khẩu mà nghĩa gốc là "thả quỷ miệng lửa", về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành "tha tội cho tất cả những người chết". Vì vậy, ngày nay mới có câu : "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân".
Từ một lễ nghi lễ tín ngưỡng mang tính nhân văn cao thì ngày nay có không ít những cá nhân, tổ chức biến tướng thành những hành động phản cảm. Từ việc làm mâm lễ cúng và bố thí cho những vong hồn đã chết (Cô hồn) thì họ lại chuyển sang cúng và rải (bố thí) những đồng tiền đang được phép lưu hành ra ngoài đường để cho những người sống tranh dành nhau.
2. Rải tiền đang được phép lưu hành có vi phạm pháp luật?
Như đã phân tích, hành động rải tiền đang được phép lưu hành ra ngoài đường trở thành một hành vi phản văn hóa và không văn minh trong đời sống hiện đại. Có một số ý kiến cho rằng hành vi rải tiền đang được phép lưu hành ra ngoài đường là hành vi vi phạm pháp luật. Những người này cho rằng, nếu việc rải tiền mà làm tiền mất đi giá trị sử dụng thì căn cứ vào khoản 2 điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ – TTg ngày 30 thánh 6 năm 2003 của Thủ tướng chính phủ đây là hành vi hủy hoại tiền. Do đó, hành vi hủy hoại tiền này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 15 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 điều 31 nghị định 96/2014/NĐ – CP ngày 17 tháng 10 năm 2014.
Tuy nhiên số ý kiến khác cho rằng hành vi mang tiền đang được phép lưu hành rải ra ngoài đường không phải là hành vi vi phạm pháp luât. Bởi vì, một hành vi được coi là vi phạm pháp luật khi hội đủ những dấu hiệu sau: dấu hiệu về hành vi, dấu hiệu lỗi, dấu hiệu trái pháp luật và dấu hiệu năng lực trách nhiệm pháp lý.
Khi tiến hành đối chiếu thì ta thấy rằng hành vi nêu trên chỉ đáp ứng đủ 2 dấu hiệu, đó là dâu hiệu về hành vi và dấu hiệu về năng lực pháp lý mà thôi, hai dấu hiệu còn là trái quy định pháp luật và dấu hiệu lỗi lại không đáp ứng được.
Thứ nhất, rải tiền đang được phép lưu hành có phải là hủy hoại tiền: Tại khoản 2 điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ – TTg ngày 30 thánh 6 năm 2003 của Thủ tướng chính phủ có quy định về hành vi hủy hoại tiền tệ được coi là vi phạm pháp luật. Nhưng hành vi rải tiền có phải là hành vi hủy hoại tiền tệ hay không hay chỉ là cách phân phát tiền cho những người có hoàn cảnh bằng một hình thức không giống ai. Và hành vi rải tiền cũng làm mất giá trị sử dụng của đồng tiền thì sao được coi là vi phạm pháp luật.
Thứ hai, rải tiền đang được phép lưu hành có phải là lỗi: Lỗi là việc không tuân thủ hành vi mà pháp luật yêu cầu. Như vậy, một chủ thể sẽ không có lỗi nếu như chủ thể đó tuân thủ tất cả những gì được yêu cầu. Và khi xét đến hành vi rải tiền ra ngoài đường như đã phân tích ở trên, những quy định được dẫn chiếu không và những quy định của phá luật hiện hành không có quy định nào xem hành vi rải tiền ra ngoài đường là vi phạm. Chính vì pháp luật không cấm nên hành vi kể trên không được coi là có lỗi.
Từ những luận cứ trên, ta thấy rằng dù dưới góc độ văn hóa hành vi rải tiền đang được phép lưu hành ra ngoài đường là hành vi thiếu thiếu văn minh, gây phản cẩm hay thậm chí gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến an ninh khu vực. Nhưng dưới góc độ pháp lý thì nó không được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, mỗi cá nhân, tổ chức cần tiết chế lại hành vi này.