Ra quyết định tạm giữ trong trường hợp bắt quả tang, khẩn cấp, truy nã

Chủ đề   RSS   
  • #571801 30/05/2021

    Ra quyết định tạm giữ trong trường hợp bắt quả tang, khẩn cấp, truy nã

    Căn cứ Điều 110 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về Giữ người trong trường hợp khẩn cấp, cụ thể:

    “4. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó.

    Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.”

    Lưu ý: Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị giữ, lý do, căn cứ giữ người và các nội dung sau:

    a) Số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành văn bản tố tụng;

    b) Căn cứ ban hành văn bản tố tụng;

    c) Nội dung của văn bản tố tụng;

    d) Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành văn bản tố tụng và đóng dấu.

    Tại Điều 114 Bộ luật này quy định về Những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt

    “1. Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.”

    Đối với những người có quyết định truy nã

    Sau khi lấy lời khai người bị bắt theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho Cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt. Sau khi nhận người bị bắt, cơ quan đã ra quyết định truy nã phải ra ngay quyết định đình nã.

    Trường hợp cơ quan đã ra quyết định truy nã không thể đến nhận ngay người bị bắt thì sau khi lấy lời khai, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải ra ngay quyết định tạm giữ và thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy nã biết;

    nếu đã hết thời hạn tạm giữ mà cơ quan ra quyết định truy nã vẫn chưa đến nhận thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt gia hạn tạm giữ và gửi ngay quyết định gia hạn tạm giữ kèm theo tài liệu liên quan cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn.

    Trường hợp không thể đến nhận ngay người bị bắt thì cơ quan đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra ngay lệnh tạm giam và gửi lệnh tạm giam đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn cho Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Sau khi nhận được lệnh tạm giam, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải giải ngay người đó đến Trại tạm giam nơi gần nhất.

    => Như vậy, căn cứ vào quy định trên trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải ra quyết định tạm giữ.

    Đối với trường hợp truy nã, cơ quan đã ra quyết định truy nã không thể đến nhận ngay người bị bắt thì sau khi lấy lời khai, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải ra ngay quyết định tạm giữ và thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy nã biết.

    Về thời gian bắt đầu tạm giữ được quy định tại Điều 118 Bộ luật Hình  sự 2015 quy định:

    “1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.”

    => Như vậy, trường hợp này, thời gian tạm giữ là kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình.

     

     
    385 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận