Có nên xử phạt người ra đường mùa dịch? - Minh họa
Có quan điểm cho rằng vì Chỉ thị 16 của Thủ tướng chỉ yêu cầu người dân hạn chế đi lại chứ không cấm đi lại, vì vậy nếu người dân gian dối, tạo giấy tờ giả để ra đường hoặc ra đường vì mục đích không chính đáng thì lực lượng chống dịch chỉ có quyền nhắc nhở, yêu cầu người dân quay lại mà không có quyền xử phạt. Dường như cách lập luận này là không hợp lý!
Cụ thể, quan điểm này được một luật sư tư vấn trong bài báo nói về các câu hỏi thường gặp khi áp dụng Chỉ thị 16. Vị luật sư cho rằng “Chỉ thị 16 của Thủ tướng nêu rất rõ: Trong thời gian giãn cách xã hội , phương tiện giao thông cá nhân “hạn chế đi lại” chứ không phải “dừng lưu thông”. Người lao động của các công ty thực hiện chức năng kinh doanh mà Chỉ thị 16 không quy định phải dừng và họ ra đường với giấy xác nhận của công ty một cách rõ ràng thì CSGT phải tôn trọng quyền tự do đi lại của họ; nếu làm khác đi là hành vi lạm quyền hoặc thiếu hiểu biết.”
(Trích nguyên văn từ bài báo)
Chính vì vậy khi người dân bị giữ lại tại chốt kiểm dịch, CSGT không được xử phạt người dân vì “ra đường mà không có lý do chính đáng”, chỉ được nhắc nhở yêu cầu quay lại.
Sau khi đọc bài báo này, xin được nhắc nhở lại với bạn đọc, và kể cả vị luật sư là: Phải làm rõ nguyên văn của yêu cầu trong Chỉ thị 16 như sau:
“Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết...”
Như vậy, trước hết vị luật sư này đã trích luật sai.
Tiếp đó, kể cả trong trường hợp yêu cầu riêng của cơ quan y tế thuộc một UBND tỉnh, thành phố nào đó đối với cư dân của mình là “hạn chế đi lại”, thì phải hiểu hành vi cố tình ra đường dù không có lý do chính đáng chính là “không hạn chế đi lại”.
Bởi lẽ, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định rõ:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế;
…”
Cơ quan chức năng yêu cầu anh thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân, nhưng anh không thực hiện, như vậy nếu nói không phải vi phạm thì nên gọi là gì?
Chuyện nhắc nhở là nên có, bởi lẽ sẽ có những người dân không thường xuyên cập nhật quy định pháp luật và các chỉ đạo chống dịch. Tuy nhiên, trải qua một khoảng thời gian áp dụng Chỉ thị không hề ngắn, có khi lên đến nhiều tuần, cùng với sự tuyên truyền từ báo chí, truyền thông về tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, nếu bạn vẫn cho rằng chỉ nên nhắc nhở thì tính ra đe của hai từ “xử phạt” đã mất đi hoàn toàn!
Sự răn đe này còn là cách để nâng cao hơn nữa ý thức chống dịch của từng người dân, nếu ai cũng cố gắng nghĩ ra đủ cách, tạo ra hàng loạt loại giấy tờ giả và làm tốn thời gian dừng tại trạm kiểm soát dịch của những người khác thì nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng nhiều lần. Lúc này câu chuyện sẽ có thể rẽ sang hướng xử lý hình sự vì tội làm giả giấy tờ và làm lây lan dịch bệnh!
Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 24/07/2021 11:44:09 SA