Quyết định xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng mua bán xe ô tô trả chậm

Chủ đề   RSS   
  • #264213 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng mua bán xe ô tô trả chậm

    Số hiệu

    03/2003/HĐTP- KT

    Tiêu đề

    Quyết định xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng mua bán xe ô tô trả chậm

    Ngày ban hành

    24/02/2003

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    QUYẾT ĐỊNH SỐ03/2003/HĐTP- KT 
    NGÀY 24-02-2003 VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP
    HỢP ĐỒNG MUA BÁN XE Ô TÔ TRẢ CHẬM

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
    .................

    Tại phiên toà ngày 24-02-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng mua bán xe ô tô trả chậm giữa:

    Nguyên đơn: Công ty liên doanh ô tô Việt Nam Daewoo (tên giao dịch là VIDAMCO); có trụ sở tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội;

    Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng giao thông thương mại Tân Á (tên giao dịch là TANACO); có trụ sở tại số 576A Lê Quang Định, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh;

    Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quanNgân hàng Thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (sau đây viết tắt là VP.Bank); có trụ sở tại số 18B Lê Thánh Tông, thành phố Hà Nội.

    NHẬN THẤY

    Ngày 07-07-1995, Công ty liên doanh ô tô Việt Nam Daewoo (sau đây viết tắt là Công ty VIDAMCO) đại diện là ông Chong Gi Lee Tổng giám đốc đã ký hợp đồng mua bán số VID-TNC/95702 bán xe ô tô theo phương thức trả chậm cho Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng giao thông thương mại Tân Á (sau đây viết tắt là Công ty TANACO) với nội dung chủ yếu như sau:

    – Tên hàng : Xe tô Daewoo mới

    – Số lượng : 100 xe

    – Đơn giá: 18.200 USD/chiếc

    – Tổng giá trị hợp đồng: 1.820.000 USD (chưa tính lãi).

    Người mua (Công ty TANACO) có thể thanh toán bằng tiền đồng Việt Nam theo tỷ giá bán ra của USD do Ngân hàng nhà nước ấn định vào ngày thanh toán tới hạn.

    Điều kiện thanh toán:

    Trong trường hợp người mua lấy được thư bảo đảm cho số tiền còn lại 1.638.000 Mỹ kim cùng với tiền lãi có liên quan từ VP. Bank (Ngân hàng Thương mại Cổ phần các Doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam) hoặc EXIMBANK trong vòng 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng và thư bảo đảm đó phải được tổng giám đốc của VP. Bank tại Hà Nội hoặc EXIMBANK tại thành phố Hồ Chí Minh ký nhận thì điều kiện thanh toán như sau:

    + 10% trả trước (182.000 USD): Trong vòng 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng.

    + 90% (1.638.000 USD): Người mua thanh toán 6 tháng/lần kể từ năm đầu tiên được trả chậm cùng với tiền lãi có liên quan theo phụ kiện số 01.

    + Tiền phạt: Lãi phạt do không thực hiện việc thanh toán đúng hạn là 2%/tháng cho mỗi kỳ trễ hạn.

    Cùng ngày 07-07-1995 hai bên ký phụ kiện số 01, quy định số tiền và ngày thanh toán. Tiền lãi (trả chậm) sẽ được thanh toán cùng với số tiền gốc vào ngày thanh toán tới hạn.

    Để bảo đảm cho việc thanh toán số tiền 1.638.000 USD theo hợp đồng và phụ kiện nêu trên, VP. Bank đã phát hành Giấy bảo lãnh số165/VPB-TTQT ngày 25-09-1995.

    Theo tiến độ thực hiện của hợp đồng, Công ty VIDAMCO đã giao đủ 100 xe cho Công ty TANACO theo Biên bản bàn giao xe ngày 31- 01-1997. Hai bên không có tranh chấp khiếu nại gì về chủng loại, số lượng, chất lượng, thời gian và địa điểm giao hàng, nhưng tranh chấp về việc thanh toán. Theo biên bản đối chiếu xác định nợ ngày 06-07-1998 thì Công ty TANACO đã thanh toán cho Công ty VIDAMCO tổng số tiền mua xe ô tô theo hợp đồng số VID-TNC/961146 ngày 09-11-1996 và hợp đồng số VID-TNC/95702 ngày 07-07-1995 là: 12.256.856.100 đồng, số tiền còn nợ của hai hợp đồng: Theo Công ty TANACO nợ gốc và lãi trả chậm còn 1.966.313,62 USD; Theo Công ty VIDAMCO nợ gốc và lãi trả chậm còn 1.967.266,37 USD (trong đó nợ quá hạn là 1.301.017,37 USD);

    Do hai bên không thống nhất được với nhau về số liệu công nợ, cách áp dụng tỷ giá thanh toán (giữa USD/ĐVN) và số tiền lãi phạt của hợp đồng nêu trên, nên từ đó phát sinh tranh chấp.

    Ngày 21-09-1998 Công ty VIDAMCO có đơn khởi kiện đến Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với yêu cầu buộc Công ty TANACO thanh toán toàn bộ số tiền bao gồm tiền nợ gốc, lãi chậm trả và tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ thanh toán là l.267.738,39 USD (Tính đến ngày 15-09-1998); và yêu cầu VP.Bank phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả thay cho Công ty TANACO nếu Công ty TANACO không thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình.

    Tại các buổi hoà giải không thành, hai bên vẫn không thoả thuận được với nhau về tỷ giá quy đổi giữa đồng USD/ĐVN và số tiền nợ, lãi phạt của hợp đồng, sau đó hai bên nhất trí trưng cầu giám định các số liệu mà hai bên đưa ra. Tuy nhiên, đến ngày 14-09-2000 hai bên đã thống nhất lấy tỷ giá USD/ĐVN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh công bố (tại Công văn số 889/NHTP 99 ngày 02-12-1999).

    Tại Kết luận giám định số134/KLGĐ-KTTC ngày 20-10-2000 và kết luận bổ sung số77/KLGĐ-KTTC ngày 05-07-2001 của Tổ chức giám định kế toán- tài chính thành phố Hồ Chí Minh xác định công nợ giữa Công ty VIDAMCO và Công ty TANACO tính đến ngày 05-07-2001 cụ thể là:

    – Tổng số tiền Công ty TANACO phải thanh toán là: 2.127.425,30 USD,

    – Số tiền Công ty TANACO đã thanh toán là: 1.508.316,95 USD,

    – Số tiền Công ty TANACO còn phải thanh toán là: 619.108,35 USD.

    Tại Bản án kinh tế sơ thẩm số 116/KTST ngày 06-07-2001, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định hợp đồng mua bán số VID-TNC/95702 ngày 07-07-1995 ký giữa Công ty VIDAMCO và Công ty TANACO là hợp đồng hợp pháp.

    Công ty TANACO thanh toán cho Công ty VIDAMCO tổng số tiền là: 1.063.787,03 USD bao gồm:

    – Tiền hàng (kể cả lãi trả chậm): 619.108,35 USD;

    – Tiền phạt do chậm thanh toán: 444.678,68 USD.

    Việc thanh toán thực hiện bằng tiền đồng Việt Nam theo tỷ giá bán ra của Ngân hàng ngoại thương thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm thanh toán.

    Nếu Công ty TANACO không thanh toán hoặc không có khả năng thanh toán thì VP.Bank với trách nhiệm người bảo lãnh phải trả thay trong phạm vi giá trị số tiền bảo lãnh là 1.638.000 USD.

    Chi phí giám định là: 5.000.000 đồng, Công ty TANACO và Công ty VIDAMCO đều phải chịu mỗi bên 50%, thành tiền là 2.500.000 đồng, nộp cho Tổ chức giám định kế toán, tài chính thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về mức án phí kinh tế sơ thẩm các đương sự phải nộp và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

    Ngày 11-07-2001 Công ty TANACO có đơn kháng cáo với nội dung: Hợp đồng số VID-TNC/95702 ký ngày 07-07-1995 giữa Công ty VIDAMCO và Công ty TANACO là hợp đồng bị vô hiệu toàn bộ vì đại diện của Công ty VIDAMCO khi ký hợp đồng nêu trên chưa có thẩm quyền; Công ty TANACO khi ký hợp đồng chưa có chức năng kinh doanh vận tải hành khách và kết quả giám định của Tổ chức giám định kế toán - tài chính thành phố Hồ Chí Minh là không khách quan, thiếu chính xác...

    Ngày 17-07-2001 VP.Bank có đơn kháng cáo với nội dung: Không phải chịu trách nhiệm bảo lãnh vì thời hạn bảo lãnh đã hết hiệu lực và số tiền Công ty TANACO đã thanh toán vượt quá số tiền bảo lãnh của Ngân hàng.

    Tại Bản án kinh tế phúc thẩm số 02/KTPT ngày 10- 01- 2002 Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty TANACO và sửa Bản án kinh tế sơ thẩm số 116/KTST ngày 06-07-2001 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh như sau:

    – Vô hiệu toàn bộ hợp đồng số VID-TNC/95702 ngày 07-07-1995 giữa Công ty TANACO với Công ty VIDAMCO.

    – Các bên ký kết hợp đồng số VID-TNC/95702 ngày 07-07-1995 phải chấm dứt việc tiếp tục thực hiện hợp đồng này.

    – Xử lý tài sản đối với hợp đồng số VID-TNC/95702 ngày 07-07-1995 như sau:

    + Công ty TANACO phải giao trả cho Công ty VIDAMCO 100 xe ô tô du lịch 4 chỗ ngồi hiệu DAEWOO CEILO xuất xứ Hàn Quốc (giao đúng loại xe mà Công ty TANACO đã nhận của Công ty VIDAMCO).

    + Công ty VIDAMCO phải thanh toán trả lại cho Công ty TANACO số tiền 1à 728. 137,99 USD. Việc thanh toán thực hiện bằng tiền đồng Việt Nam theo tỷ giá bán ra của Ngân hàng ngoại thương thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm thanh toán.

    Chi phí giám định là: 5.000.000 đồng, Công ty TANACO và Công ty VIDAMCO mỗi bên phải chịu 50%, thành tiền là 2.500.000 đồng, nộp cho Tổ chức giám định kế toán - tài chính thành phố Hồ Chí Minh.

    – Hủy Giấy bảo lãnh số165/VPB-TTQT của VP.Bank đối với hợp đồng số VID-TNC/95702 ngày 07-07-1995 giữa Công ty TANACO và Công ty VIDAMCO.

    – Ngoài ra, Toà án cấp phúc thẩm còn quyết định sửa mức án phí kinh tế sơ thẩm các đương sự phải nộp; Công ty TANACO không phải chịu án phí phúc thẩm nên được nhận lại tiền tạm ứng án phí kháng cáo đã nộp là 200.000 đồng.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, Công ty VIDAMCO và Công ty TANACO đều có đơn khiếu nại đối với Bản án kinh tế phúc thẩm nêu trên.

    Tại Kháng nghị số10/2002/TK-KT ngày 08-10-2002 đối với Bản án kinh tế phúc thẩm số 02/KTPT ngày 10-01-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, sửa Bản án kinh tế phúc thẩm nêu trên, với lý do: “Việc Toà án cấp phúc thẩm tuyên bố hợp đồng số VID-TNC/95702 ngày 07-07-1995 giữa Công ty VIDAMCO với Công ty TANACO là hợp đồng vô hiệu và xử lý hậu quả hợp đồng vô hiệu là không có căn cứ”.

    Tại Kết luận số03/KL-AKT ngày 17/01/2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị số10/2002/TK-KT ngày 08-10-2002 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao đối với Bản án kinh tế phúc thẩm số 02/KTPT ngày 10-01-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

    XÉT THẤY

    Toà án cấp phúc thẩm vì cho rằng việc bổ nhiệm ông Chong Gi Lee làm Tổng Giám đốc của Công ty VIDAMCO đã không đảm bảo trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam (không đúng về thủ tục họp Hội đồng quản trị, chưa hoàn tất thủ tục có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về tư cách người đứng đầu pháp nhân để hoạt động đúng pháp luật) và vì cho rằng: Vào thời điểm hai bên ký hợp đồng số VID-TNC/95702 ngày 07-07-1995 thì Công ty TANACO chưa có chức năng mua bán xe ô tô, ngày 08-07-1995 mới bổ sung chức năng mua bán xe ô tô, ngày 17-10-1995 mới bổ sung chức năng vận chuyển hành khách bằng xe taxi. Như vậy, đến ngày ký hợp đồng thì Công ty TANACO chưa đăng ký kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe taxi thì việc mua bán xe này là chưa hợp pháp, nên đã kết luận hợp đồng số VID-TNC/95702 ngày 07-07-1995 giữa Công ty TANACO với Công ty VIDAMCO là hợp đồng bị vô hiệu toàn bộ theo điểm c khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế (do người ký hợp đồng không đúng thẩm quyền, và chưa đăng ký kinh doanh theo pháp luật đối với mặt hàng mà các bên thực hiện mua bán) và xử lý hợp đồng vô hiệu là không đúng và chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi vì:

    – Về lý do đại diện của Công ty VIDAMCO khi ký hợp đồng chưa có đầy đủ thẩm quyền.

    Ngày 31-03-1995, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VIDAMCO, ông Kyung Hoon Lee gửi ông Ngô Đình Vấn - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, văn bản với nội dung “Nên triệu tập một phiên họp chính thức của Hội đồng quản trịnhư là kỳ họp đột xuất để phê chuẩn việc bổ nhiệm đối với ông Chong Gi Lee làm Tổng Giám đốc và cử ông W. Lee làm Phó Tổng Giám đốc (trước đó ông W. Lee đã là Tổng Giám đốc Công ty VIDAMCO). Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian và triển khai sớm, đề nghị Hội đồng quản trị quyết định việc cải tổ này bằng một văn bản có hiệu lực như là sự phê chuẩn của một phiên họp Hội đồng quản trị”. Thực hiện đề nghị trên, Hội đồng quản trị Công ty VIDAMCO có văn bản ngày 10-04-1995 theo đó cả 5 thành viên Hội đồng quản trị đã ký đồng ý cử ông Chong Gi Lee làm Tổng Giám đốc Công ty VIDAMCO. Toà án cấp phúc thẩm viện dẫn Điều 7 điều lệ của Công ty VIDAMCO là: “Các cuộc họp của Hội đồng quản trị về nguyên tắc được tổ chức tại trụ sở của Công ty liên doanh. Trong trường hợp đặc biệt có thể tổ chức ở những địa điểm khác nhau nhưng phải được các bên thoả thuận”. Và quy định tại phần I khoản 2 Thông tư số 238-HTĐT-VP ngày 17-05-1992 của Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư: “Biên bản phiên họp Hội đồng quản trị đầu tiên phải được gửi đến Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư" (trong đó có vấn đề cử Giám đốc), để cho là việc bổ nhiệm ông Chong Gi Lee làm Tổng giám đốc của Công ty VIDAMCO đã không bảo đảm trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nhận định này của Toà án cấp phúc thẩm chưa đánh giá một cách toàn diện và hiểu một cách cứng nhắc quy định tại Điều 7 (và không tham khảo Điều 8) điều lệ của Công ty VIDAMCO; chưa hiểu đúng tinh thần quy định tại phần I khoản 2 Thông tư số 238-HTĐT-VP nói trên. Mặt khác, tham khảo Công văn số8136/BKH-QLDA ngày 29-11-2001 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, (cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này) đã xác nhận ông Chong Gi Lee là Tổng Giám đốc Công ty VIDAMCO trong thời gian từ ngày 10-04-1995 đến ngày 25-01-1999. Như vậy, vào thời điểm ký hợp đồng số VID-TNC/95702 ngày 07-07-1995 ông Chong Gi Lee đã là Tổng Giám đốc hợp pháp của Công ty VIDAMCO, và việc ông Chong Gi Lee đại diện cho Công ty VIDAMCO ký hợp đồng nêu trên là đúng thẩm quyền.

    - Về lý do Công ty TANACO khi ký hợp đồng chưa có đăng ký kinh doanh về ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách.

    Trước khi ký hợp đồng nêu trên, Công ty TANACO là doanh nghiệp được thành lập hợp pháp đã có đăng ký kinh doanh cấp ngày 09-11-1994 (xây dựng công nghiệp..., sửa chữa phương tiện vận tải..., đại lý ký gửi hàng hoá cho các doanh nghiệp trong nước). Hợp đồng số VID-TNC/95702 ngày 07-07-1995 là hợp đồng mua bán xe ô tô nhằm chuẩn bị cho việc kinh doanh tắc xi vận tải hành khách... Công ty TANACO mua xe để sử dụng chứ không phải là mua xe để bán (kinh doanh xe nguyên chiếc). Mặt khác, ngay sau ngày ký hợp đồng, ngày 08-07-1995 Công ty TANACO đã có đăng ký bổ sung ngành nghề: “Mua bán hàng nông lâm sản, xe tải, ô tô, xe gắn máy, phân bón” và ngày 17- 10- 1995 TANACO đã đăng ký bổ sung ngành nghề vận chuyển hành khách bằng taxi. Hơn nữa, sau khi ký hợp đồng, ngày 07-08-1995 hai bên còn ký phụ kiện và bản sửa đổi hợp đồng. Bản sửa đổi này có hiệu lực từ ngày 24-01-1996. Như vậy, vào thời điểm có hiệu lực của bản sửa đổi phụ lục hợp đồng Công ty TANACO không những đã có đăng ký bổ sung ngành nghề mua bán xe ô tô, mà còn có đăng ký bổ sung ngành nghề vận chuyển hành khách bằng taxi. Vì vậy, hợp đồng số VID-TNC/95702 Ngày 07-07-1995 cũng không bị vô hiệu vì lý do nêu trên.

    Ngoài ra, yêu cầu kháng cáo của công ty TANACO đối với Kết luận giám định của Tổ chức giám định kế toán - tài chính thành phố Hồ Chí Minh và yêu cầu kháng cáo của VP.Bank (không phải chịu trách nhiệm bảo lãnh...) cũng chưa được Toà án cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết cũng là không đúng pháp luật.

    Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 80 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế,

    QUYẾT ĐỊNH

    Huỷ toàn bộ Bản án kinh tế phúc thẩm số 02/KTPT ngày 10-01-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Giao hồ sơ vụ án về Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.

     

    Lý do cơ bản mà Bản án phúc thẩm bị huỷ:

    - Toà án cấp phúc thẩm cho rằng hợp đồng số VID–TNC/95702 ngày 07-07-1995 giữa Công ty TANACO với Công ty VIDAMCO là hợp đồng vô hiệu toàn bộ là không phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi vì đại diện của Công ty VIDAMCO có đủ thẩm quyền ký kết hợp đồng, đồng thời Công ty TANACO khi ký hợp đồng đã bổ sung đăng ký ngành nghề phù hợp với quy định của pháp luật.

     

     
    4590 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận