Quyết định xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp Hợp đồng giao nhận thầu công trình xi măng Bút Sơn

Chủ đề   RSS   
  • #264219 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp Hợp đồng giao nhận thầu công trình xi măng Bút Sơn

    Số hiệu

    09/2003/HĐTP-KT

    Tiêu đề

    Quyết định xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp Hợp đồng giao nhận thầu công trình xi măng Bút Sơn

    Ngày ban hành

    29/05/2003

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    QUYẾT ĐỊNH SỐ09/2003/HĐTP-KT NGÀY 29-05-2003
    VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG
    GIAO NHẬN THẦU CÔNG TRÌNH

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
    .................

    Tại phiên toà ngày 29-05-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp Hợp đồng giao nhận thầu công trình xi măng Bút Sơn (gói 1) giữa:

    Nguyên đơn: Công ty TNHH Prezioso Việt Nam; có trụ sở tại: Khu công nghiệp Bình Chiểu, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh;

    Bị đơn: Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA); có trụ sở tại: số 124 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

    NHẬN THẤY

    Ngày 10-07-1996 Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (sau đây gọi là LILAMA) và Công ty TNHH Prezioso Việt Nam (sau đây gọi tắt là Prezioso) ký hợp đồng số 01. Theo hợp đồng này thì LILAMA sẽ giao cho Prezioso thi công phần làm sạch chuẩn bị bề mặt và sơn phủ kết cấu thép công trình nhà máy xi măng Bút Sơn theo hồ sơ mời thầu gói 1 và những khối lượng phát sinh trong quá trình thi công mà chủ đầu tư yêu cầu.

    Khối lượng dự tính của bên A (LILAMA) là 638.863 kg được quy đổi tương đương với 10.039m2. Trong trường hợp phát sinh khối lượng kg vượt quá khối lượng trên thì khối lượng m2 phát sinh sẽ được tính theo hệ số 15,7m2/tấn. Hệ số này được làm cơ sở quyết toán giữa hai bên. (Điều 1);

    Đơn giá 70.000 đồng/m2 tương ứng với 1.100đồng/kg. Tổng giá trị hợp đồng: 702.730.000 đồng. (Điều 2)

    Vật tư sẽ do bên A cấp cho bên B (Prezioso), khi kết thúc thi công hạng mục, B cùng A tổ chức quyết toán vật tư và A làm giấy uỷ quyền cho B trực tiếp nhận vật tư với chủ đầu tư và tự bảo quản vật tư. Nếu B sử dụng quá khối lượng hoặc làm mất mát hư hỏng vật tư thì B phải tự cấp bù cho kịp tiến độ thi công. (Điều 4);

    Điều 5.2 quy định việc thanh toán như sau:

    – A tạm ứng 10% trị giá hợp đồng để chuẩn bị công trường.

    – Trong quá trình thi công, A sẽ thanh toán cho B 80% giá trị thực hiện trong kỳ (việc xác định kỳ thanh toán căn cứ vào tiến độ).

    – Mỗi kỳ thanh toán A sẽ chuyển cho B, 10 ngày sau khi nhận được hoá đơn của B.

    – Khối lượng thi công được nghiệm thu thanh toán phải phù hợp với khối lượng theo tiến độ thi công đã được hai bên thống nhất (A cùng chủ đầu tư) kể cả khối lượng phát sinh được chủ đầu tư xác nhận...

    Điều 5.3 quy định về quyết toán và thanh lý hợp đồng: Sau khi B hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc trong hợp đồng, A, B và chủ đầu tư tiến hành nghiệm thu và bàn giao... B tiến hành lập báo cáo quyết toán, đối chiếu công nợ và A sẽ thanh toán và thanh lý hợp đồng.

    Thời hạn hợp đồng: Từ ngày ký đến sau khi nghiệm thu bàn giao hết sản phẩm cho A và quyết toán thanh lý hợp đồng. (Điều 6);

    Ngoài ra các bên còn thoả thuận về các điều khác như: Chất lượng công trình, nghiệm thu, bảo hành, phạt vi phạm hợp đồng, giải quyết tranh chấp v.v...

    Ngày 22-02-2001, sau nhiều lần yêu cầu LILAMA thanh toán tiền công sơn còn thiếu và thanh lý hợp đồng số 01 nhưng không giải quyết được, Prezioso có đơn khởi kiện LILAMA tại Toà án nhân dân thành phố Hà Nội và yêu cầu: LILAMA thanh lý hợp đồng số 01; thanh toán khoản tiền còn thiếu là 1.077.191.300 đồng và trả lãi chậm trả khoản tiền này. Tại phiên toà sơ thẩm, Prezioso thay đổi yêu cầu, chỉ yêu cầu LILAMA trả khoản tiền còn nợ là 311.964.000 đồng và 94.088.342 đồng tiền lãi, tổng cộng là 406.052.342 đồng. Ngoài ra còn yêu cầu LILAMA trả chi phí thuê phiên dịch theo quy định của pháp luật.

    Tại Bản án sơ thẩm số23/KT-ST ngày 18-07-2001, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

    1/ Chấp nhận đơn khởi kiện của Prezioso.

    2/ Hợp đồng kinh tế số 01 ngày 10-07-1996 là hợp pháp có hiệu lực.

    3/ Buộc LILAMA phải thanh toán cho Prezioso 311.964.000 đồng tiền gia công sơn còn thiếu theo hợp đồng.

    Buộc Prezioso phải trả cho LILAMA giá trị vật tư còn thừa là 73.884.206 đồng.

    Đối trừ hai khoản trên, LILAMA còn phải trả cho Prezioso 238.079.794 đồng.

    4/ Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

    Ngoài ra, trong Bản án còn quyết định về án phí, tiền thuế và quyền kháng cáo của các đương sự.

    Ngày 24-07-2001 Prezioso kháng cáo đối với Bản án sơ thẩm.

    Ngày 24-07-2001 LILAMA kháng cáo đối với Bản án sơ thẩm.

    Tại Bản án kinh tế phúc thẩm số 74 ngày 06-05-2002, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định huỷ Bản án kinh tế sơ thẩm số 23/KTST ngày 18-07-2001 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết lại vụ kiện theo thủ tục chung với lý do: "Toà án cấp sơ thẩm không yêu cầu cơ quan chuyên môn thẩm định về đơn giá, vật tư khi hai bên không thống nhất còn tranh chấp các vấn đề trên..." và vì "... hai bên chưa đối trừ được vật tư và tiền công sơn, chưa thanh lý được hợp đồng".

    Sau khi vụ án được xét xử phúc thẩm, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội có Công văn số556/TAHN- KT ngày 21-06-2002 kiến nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

    Tại Kháng nghị số02/KT- KN ngày 28-01-2003 đối với Bản án kinh tế phúc thẩm số 74 ngày 06-05-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ Bản án kinh tế phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo thủ tục chung.

    Tại Kết luận số43/KL-AKT ngày 18-03-2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao nêu trên

    XÉT THẤY

    Theo quy định tại Điều 6 của Hợp đồng số 01 ngày 10-07-1996 thì “Hợp đồng kết thúc sau khi nghiệm thu bàn giao hết sản phẩm đã được sơn cho bên A và quyết toán thanh lý hợp đồng”. Thực tế, hai bên đã nghiệm thu, bàn giao nhưng chưa quyết toán thanh lý hợp đồng. Do đó, hợp đồng vẫn còn hiệu lực.

    Các công việc của thầu gói 1 thuộc hợp đồng giữa hai bên đã được nghiệm thu. Trước khi khởi kiện, Prezioso đã nhiều lần có văn bản yêu cầu LILAMA thanh toán tiền công sơn theo hợp đồng số 01 và thanh toán những công việc ngoài hợp đồng số 01. Cho đến văn bản ngày 05-09-2000, Prezioso mới chính thức yêu cầu LILAMA thanh lý hợp đồng và thanh toán tiền công sơn còn thiếu. Ngày 11-09-2000 LILAMA có văn bản trả lời văn bản ngày 05-09-2000 của Công ty TNHH Prezioso Việt Nam và đề nghị Prezioso cử người đến LILAMA để giải quyết. Ngày 15-09-2000 Prezioso có văn bản trả lời văn bản ngày 11-09-2000 của LILAMA và không cử người đến làm việc với LILAMA mà đề nghị LILAMA cử người đến làm việc với luật sư của Prezioso. Sau đó, hai bên không có văn bản nào tiếp tục trao đổi với nhau nữa. Như vậy, Toà án cấp sơ thẩm xác định thời điểm phát sinh tranh chấp là ngày 16-09-2000 và tính đến ngày 22-02-2001 Prezioso khởi kiện là vẫn còn trong thời hạn 6 tháng theo quy định của pháp luật tố tụng.

    Toà án cấp phúc thẩm huỷ Bản án sơ thẩm với lý do: “Toà án cấp sơ thẩm không yêu cầu cơ quan chuyên môn thẩm định về đơn giá, vật tư khi hai bên không thống nhất còn tranh chấp các vấn đề trên...” và vì “... hai bên chưa đối trừ được vật tư và tiền công sơn, chưa thanh lý được hợp đồng”, là không đúng và thiếu căn cứ, vì:

    – Về thanh lý Hợp đồng, sau khi B hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc trong hợp đồng, hai bên đã nghiệm thu, LILAMA đã bàn giao công trình cho chủ đầu tư đưa vào sử dụng. Nhưng do hai bên tranh chấp không quyết toán và thanh lý được hợp đồng, nên Prezioso khởi kiện ra toà thì Toà án phải thụ lý và giải quyết.

    – Về đơn vị tính khối lượng công việc để thanh toán, hai bên đã có 8 biên bản nghiệm thu với tổng khối lượng công việc là 14.098m2. Việc thanh toán theo m2 hay tấn phải căn cứ vào hợp đồng. Về việc này Toà án cấp sơ thẩm đã có Công văn số367/KT- TA ngày 19-04-2001 hỏi Bộ Xây dựng và đã được Bộ Xây dựng trả lời bằng Công văn số152/BXD- KHTK ngày 29-05-2001 là “phải tuân theo... thoả thuận tại hợp đồng”. Vì vậy, căn cứ theo hợp đồng, theo 8 biên bản nghiệm thu khối lượng công việc và các tài liệu khác của hồ sơ vụ án thì việc Toà án cấp sơ thẩm xác định đơn vị thanh toán là m2 là có căn cứ.

    - Về đơn giá các bên thoả thuận trong hợp đồng là 70.000 đồng/m2 cho công việc làm sạch bề mặt và sơn phủ. LILAMA cho rằng hai bên thoả thuận theo đơn giá này là trái với quy định của pháp luật, không phù hợp với quy định của Bộ Xây dựng và cao so với mặt bằng giá tại Công trình Bút Sơn tại thời điểm (47.000 đồng/m2). Tuy nhiên, theo Công văn số 512 ngày 03-05-1997 của Bộ Xây dựng gửi Tổng Công ty xi măng mà LILAMA dẫn chiếu thì đơn giá của “làm sạch kết cấu thép trong chế tạo thiết bị” là 43.749 đồng/m2. Như vậy, Bộ xây dựng chỉ có quy định đơn giá đối với công việc “làm sạch” mà không có quy định đơn giá đối với công việc “sơn phủ”. Mặt khác, công văn này có sau khi hai bên đã ký hợp đồng số 01 được gần 1 năm. Việc hai bên thoả thuận đơn giá 70.000đồng/m2 cho công việc làm sạch bề mặt và sơn phủ là không trái với quy định của pháp luật.

    - Về vật tư (sơn và dầu pha sơn), theo quy định tại Điều 4 Hợp đồng thì do bên A (LILAMA) cung cấp cho bên B (Prezioso). Bên B phải lập kế hoạch vật tư trình bên A duyệt khối lượng theo tiến độ công trình. Tiến độ của bên B dựa trên tiến độ của bên A cung cấp. Khi kết thúc thi công hạng mục, B cùng A tổ chức quyết toán vật tư và A làm giấy uỷ quyền cho B trực tiếp nhận vật tư với chủ đầu tư. Nếu B sử dụng quá khối lượng hoặc làm mất mát hư hỏng vật tư thì phải tự cấp bù cho kịp tiến độ thi công hoặc phải thanh toán cho bên A theo giá nhập vật tư đầy đủ đến hiện trường Bút Sơn. Vật tư bên A cấp là khối lượng vật tư đã tính đến hao hụt trong khi thi công do nhà thiết kế quy định tại tài liệu thiết kế thi công được bên A xác nhận.

    Thực tế, vật tư một phần do bên A lĩnh từ chủ đầu tư (Công ty xi măng Bút Sơn) để cấp cho bên B, một phần bên A uỷ quyền cho bên B trực tiếp lĩnh từ chủ đầu tư. Tuy hợp đồng số 01 là hợp đồng độc lập giữa bên A và bên B, nhưng hai bên ký hợp đồng này nhằm để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng số 27 ngày 20-03-1996 ký giữa bên A và chủ đầu tư. Theo hợp đồng số 27 thì chủ đầu tư cung cấp vật tư cho LILAMA. Còn theo Hợp đồng số 01 thì LILAMA cung cấp vật tư cho Prezioso. LILAMA và chủ đầu tư đã thanh lý hợp đồng số 27 vào ngày 10-10-2000 nhưng không có tranh chấp gì. Ngoài ra, tại văn bản tháng 12-1998 của Công ty Technip (là đơn vị kiểm tra chất lượng và giám sát việc cung cấp sơn tại công trình Bút Sơn) gửi các bên liên quan, cũng khẳng định là không có việc khiếu nại lẫn nhau về khối lượng sơn và giá trị vật liệu. Mặt khác, hợp đồng cũng không quy định việc trả lại vật tư thừa. Khi kết thúc thi công hạng mục, hai bên đã không cùng nhau tổ chức quyết toán vật tư như đã thoả thuận. Tại Toà án cấp sơ thẩm, LILAMA phản tố yêu cầu Prezioso phải trả tiền sơn còn thừa là 104.896.768 đồng thì phải chứng minh Prezioso đã nhận thừa sơn so với định mức. Toà án cấp sơ thẩm tự tính toán vật tư còn thừa cho LILAMA là chưa có đầy đủ căn cứ, nhưng Toà phúc thẩm có thể yêu cầu đương sự chứng minh vấn đề này.

    – Về chi phí thuê phiên dịch: Theo quy định tại Điều 26 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế thì Toà án phải căn cứ vào quy định của pháp luật để xem xét quyết định.

    Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 80 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế,

    QUYẾT ĐỊNH

    Hủy Bản án kinh tế phúc thẩm số 74 ngày 06-05-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội, giao hồ sơ vụ án cho Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do huỷ Bản án phúc thẩm:

    - Toà án cấp phúc thẩm huỷ Bản án sơ thẩm với lý do Toà án cấp sơ thẩm không yêu cầu cơ quan chuyên môn thẩm định về đơn giá, vật tư khi hai bên không thống nhất còn tranh chấp các vấn đề trên, đồng thời vì hai bên chưa đối trừ được vật tư và tiền công sơn, chưa thanh lý được hợp đồng là không đúng và thiếu căn cứ.

     

     
    4412 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận