Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định truy nã đặc biệt đối với 5 bị can liên quan đến vụ giết người, tấn công khủng bố trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk ngày 11/6 vừa qua, về tội danh “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Sáng ngày 1/7, thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị này vừa ra quyết định truy nã đặc biệt đối với 5 đối tượng về tội: “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, quy định tại Điều 113 Bộ luật Hình sự, bao gồm:
- Y Khing Liêng (SN 1992, trú tại xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk);
- Nay Yên (SN 1970, trú tại buôn Ea Klock, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk);
- Y Jũ Niê (SN 1968, trú tại buông Kang, xã Ea Knuếch, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk);
- Nay Tam (SN 1974, trú tại buôn Adrơng Điết, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, Đắk Lắk);
- Nay Dương (SN 1968, trú tại buôn Ea Klock, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, Đắk Lắk);
Theo Cơ quan An ninh điều tra, việc truy nã 5 bị can căn cứ từ Quyết định khởi tố bị can số 96/QĐ-ANĐT ngày 28/6/2023 của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk. Sau khi xác minh, xác định các bị can này đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Theo quyết định truy nã, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến Cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. Sau khi bắt hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã phải báo ngay cho Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk theo địa chỉ: 58 Nguyễn Tất Thành, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Điện thoại: 0694389133.
Xem bài viết liên quan: Bộ Công an nhận định vụ tấn công ở Đắk Lắk là KHỦNG BỐ
Tham khảo: Pháp luật quy định “Khủng bố” là gì?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố quy định:
Khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng:
- Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác;
- Chiếm giữ, làm hư hại, phá hủy hoặc đe dọa phá hủy tài sản; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng hoặc chế tạo, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất độc, chất cháy và các công cụ, phương tiện khác nhằm phục vụ cho việc thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố;
- Tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, cưỡng bức, thuê mướn hoặc tạo điều kiện, giúp sức cho việc thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố;
- Thành lập, tham gia tổ chức, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện đối tượng nhằm thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố;
- Các hành vi khác được coi là khủng bố theo quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Hành vi khủng bố phải đối diện với mức án thế nào?
Người nào có hành vi các hành vi liên quan đến khủng bố sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh sau:
- Tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113 Bộ luật Hình sự) với mức hình phạt cao nhất là tử hình.
- Tội Khủng bố (Điều 299 Bộ luật Hình sự) với mức hình phạt cao nhất là tử hình.
- Tội Tài trợ khủng bố (Điều 300 Bộ luật Hình sự):
+ Người có hành vi tài trợ khủng bố thì mức hình phạt cao nhất là 10 năm tù.
+ Pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Ngoài ra, người nào chuẩn bị phạm một trong ba tội trên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Xem bài viết liên quan: Bộ Công an nhận định vụ tấn công ở Đắk Lắk là KHỦNG BỐ