Chào mừng bạn đến với DanLuat. Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và bạn bè, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN. Xem Hướng Dẫn Sử Dụng.

Quyết định số 25/2003/hđtp-hs ngày 06-11-2003 về vụ án viên đình lượng phạm tội "cố ý gây thương tích''

Chủ đề   RSS   
  • #264712 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4358 lần


    Quyết định số 25/2003/hđtp-hs ngày 06-11-2003 về vụ án viên đình lượng phạm tội "cố ý gây thương tích''

    Số hiệu

    25/2003/HĐTP-HS

    Tiêu đề

    Quyết định số25/2003/hđtp-hs ngày 06-11-2003 về vụ án viên đình lượng phạm tội "cố ý gây thương tích''

    Ngày ban hành

    06/11/2003

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

    QUYẾT ĐỊNH SỐ25/2003/HĐTP-HS NGÀY 06-11-2003
    VỀ VỤ ÁN VIÊN ĐÌNH LƯỢNG PHẠM TỘI
    "CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH''

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
     

    .........

    Tại phiên toà ngày 06-11-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo:

    1. Viên Đình Lượng, sinh năm 1960, trú tại khối 18, thị trấn Buôn Hồ,huyện Kông Buk, tỉnh Đăk Lăk; nghề nghiệp: làm ruộng, con ông Viên Đình Trọng và bà Lê Thị Mày; có vợ và 2 con, bị bắt giam ngày 23-02-2001.

    2. Viên Đình Xuyên, sinh năm 1952, trú tại khối 12, xã Đoàn Kết, huyện Krông Buk, tỉnh Đăk LăK; nghề nghiệp: làm ruộng; con ông Viên Đình Thuỷ (chết) và bà Nguyễn Thị Lộc (chết); bị bắt giam ngày 23-02-2001, được tha ngày 16-07-2001.

    (Trong vụ án này còn có các bị cáo Lê Văn Hiếu, Nguyễn Duy Hoan, Lê Trung Sơn).

    NHẬN THẤY:

    Hồi 22 giờ ngày 15-08-2000 anh Nguyễn Đình Khẩn bị Viên Đình Lượng và một số người khác dùng mã tấu, gậy gộc đánh tại rẫy của anh ở thôn Tân Mỹ II, xã Đoàn Kết, huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk. Sau khi bị đánh, anh bị Lượng và đồng bọn bắt trói, giữ tại nhà Lượng trước khi đưa về Công an huyện Krông Buk.

    Theo lời khai của anh Khẩn: khi nghe Nguyễn Quang Điền (người làm thuê) kể lại sự việc tối hôm trước (14-08-2000) Điền không đi mua rượu cho Nguyễn Văn Sơn và một số người làm thuê cho Viên Đình Lượng nên bị bọn Sơn đánh. Anh Khẩn chở Điền vào rẫy đem theo dao rựa. Đến 22 giờ ngày 15-08-2000 khi nghe tiếng ồn ào, anh cầm dao đi ra thấy một người giới thiệu là Công an, xung quanh có khoảng 20 người cầm dao, gậy gộc nên anh có nói ''Nếu Công an muốn làm việc thì hãy thu gom dao và gậy gộc lại, nếu Công an muốn làm việc thì đứng xa tôi ra, nếu đứng gần tôi chém''. Sau khi nói xong anh nghe tiếng hô ''đập'' rồi bị số người nói trên dùng dao, gậy gộc đánh anh bất tỉnh rồi bỏ lên xe máy cày. Khi xe chạy được một đoạn anh nhảy xuống thì bị những người đó đuổi bắt lại và đánh rồi dùng dây xích trói lại đưa về nhà Viên Đình Lượng, sau đó chở lên Công an huyện Krông Buk và được đưa đi cấp cứu.

    Theo lời khai của Viên Đình Lượng, Viên Đình Xuyên và một số bị cáo khác: sau khi nghe Nguyễn Văn Sơn thông báo về việc anh Khẩn đòi cắt gân chân của Sơn, Lượng đến báo cho anh Hoàng Trọng Ân là công an viên và anh Nguyễn Công Trường là Trưởng Công an xã Đoàn Kết, anh Trường phân công Xuyên đi giải quyết mâu thuẫn giữa Lượng và anh Khẩn. Lượng rủ Nguyễn Duy Hoan, Lê Văn Hiếu, Nguyễn Viết Việt, Lê Trung Sơn, Lê Văn Trung, Nguyễn Văn Hào, Nguyễn Xuân Phương... cùng đi. Lúc này, tại rẫy của Lượng gồm có Nguyễn Duy Hoan cầm mã tấu, Lê Trung Sơn cầm móc sắt, còn những người khác cầm gậy. Trước khi đi vào rẫy, theo lời khai của Xuyên thì Xuyên có nói ''Tụi bay không được manh động''; Lê Văn Hiếu khai: ''ông Xuyên nói thằng nào láo nháo thì cho tụi bay đánh''; Nguyễn Duy Hoan khai: Xuyên nói: ''Tụi mày không được manh động'', sau khi Xuyên nói xong Lượng nói: ''Qua đó trước tiên giải quyết tình cảm nếu nó chống lại thì cho tụi bay đánh''. Viên Đình Lượng khai: nghe Sơn và Việt nói lại trước khi vào rẫy Xuyên nói: ''Mỗi đứa cầm một cây gậy, cấm thằng nào cầm dao rựa, nếu như nó láo thì cho tụi bay đập''. Sau đó, tất cả đi vào rẫy của anh Khẩn, Lượng phân công Hiếu đi cùng để bảo vệ Xuyên. Đến nơi, Xuyên tự giới thiệu là Công an địa bàn và mời anh Khẩn ra làm việc. Anh Khẩn đi ra, yêu cầu Xuyên xuất trình thẻ Công an,nhưng Xuyên không cầm giấy tờ gì. Anh Khẩn không tin Xuyên là công an nên cầm dao rựa chém Xuyên một cái nhưng Xuyên tránh được và bỏ chạy. Xuyên, Lượng nghe tiếng Hiếu la ''Nó chém tôi rồi'' liền sau đó Xuyên, Lượng hô ''Bắt thằng Khẩn bây ơi''. Nguyễn Duy Hoan, Nguyễn Văn Sơn, Lê Văn Trung dùng gậy đánh anh Khẩn, Lê Trung Sơn dùng móc sắt đánh anh Khẩn đứt tai. Theo lời khai của Lê Trung Sơn: Khi Hiếu bị chém Xuyên hô ''Đánh ông Khẩn, bắt ông Khẩn lại''. Sau khi anh Khẩn bị đánh, Lượng hô lấy dây trói anh Khẩn lại. Lê Văn Trung, Nguyễn Văn Sơn đưa anh Khẩn lên xe máy cày đưa về nhà Lượng lập biên bản (khoảng 40 phút) rồi đưa anh Khẩn lên Công an huyện Krông Buk giải quyết.

    Tại Bản giám định y pháp số 895/GĐYP ngày 06-09-2000 Tổ chức giám định y pháp tỉnh Đăk Lăk xác định anh Nguyễn Đình Khẩn có vết thương sau: Đứt gần rời vành tai trái, sưng nề tụ máu thái dương phải, vết thương ở cổ tay phải 3cm và mu bàn tay sưng nề, bầm tím cổ chân phải, sưng nề 1/3 trên cẳng chân trái, gãy mắt cá chân phải. Chụp X quang thấy: Gãy đốt 1 ngón 5 và đầu dưới xương quai phải. Tỷ lệ thương tật 63%.
     

    Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 15/HSST ngày 25-12-2001 Toà án nhân dân tỉnh Đăk Lăk áp dụng khoản 3 Điều 104; khoản 1 Điều 123; Điều 50 Bộ luật Hình sự, phạt Viên Đình Lượng 60 tháng tù về tội ''Cố ý gây thương tích'' 6 tháng tù về tội ''Bắt giữ người trái pháp luật''. Buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 66 tháng tù.

    Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm b khoản 2 Điều 123; điểm s khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 47; Điều 50 Bộ luật Hình sự phạt Viên Đình Xuyên 36 tháng tù về tội ''Cố ý gây thương tích'', 12 tháng tù về tội ''Bắt giữ người trái pháp luật''. Buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 48 tháng tù.

    Các bị cáo Lê Trung Sơn, Nguyễn Duy Hoan, Lê Văn Hiếu mỗi bị cáo bị phạt 24 tháng tù, riêng Hoan và Hiếu được hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng, đều về tội ''Cố ý gây thương tích''.

    Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điều 613; Điều 615 Bộ luật Dân sự: Buộc các bị cáo Viên Đình Lượng, Viên Đình Xuyên, Nguyễn Duy Hoan, Lê Trung Sơn, Lê Văn Hiếu phải bồi thường cho anh Khẩn 54.248.600 đồng, trong đó Viên Đình Lượng phải bồi thường 13.248.800 đồng, Viên Đình Xuyên phải bồi thường 10.000.000 đồng.

    Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 326/HSPT ngày 05-06-2002, Toà Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 89; Điều 223 Bộ luật Tố tụng hình sự: Hủy một phần bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk, tuyên bố Viên Đình Lượng không phạm tội ''Bắt giữ người trái pháp luật''. Viên Đình Xuyên không phạm tội ''Cố ý gây thương tích''và không phạm tội ''Bắt giữ người trái pháp luật''. Đình chỉ xét xử đối với Viên Đình Xuyên. Viên Đình Xuyên không phải bồi thường cho anh Nguyễn Đình Khẩn.

    Tại Kháng nghị số 25/HS ngày 04-06-2003 Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ quyết định tuyên bố Viên Đình Xuyên không phạm tội ''Cố ý gây thương tích'' và tội ''Bắt giữ người trái pháp luật''; Đình chỉ xét xử đối với Viên Đình Xuyên; Viên Đình Lượng không phạm tội ''Bắt giữ người trái pháp luật'';Viên Đình Xuyên không phải bồi thường cho anh Nguyễn Đình Khẩn, tại Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và huỷ quyết định về tội danh, hình phạt và bồi thường dân sự đối với Viên Đình Xuyên, quyết định về tội danh, hình phạt đối với Viên Đình Lượng về tội ''Bắt giữ người trái pháp luật'' tại Bản án hình sự sơ thẩm số 15/HSST ngày 25-12-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Đăk Lăk để điều tra lại theo quy định của pháp luật.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và giữ nguyên quyết định tại Bản án hình sự sơ thẩm của Toà án nhân dân tỉnh Đăk Lăk đối với Viên Đình Lượng và Viên Đình Xuyên.

    XÉT THẤY:

    Viên Đình Xuyên là công an viên được giao giải quyết mâu thuẫn giữa anh Nguyễn Đình Khẩn và Viên Đình Lượng, thấy Viên Đình Lượng và một số người khác mang theo hung khí đến rẫy của anh Khẩn nhưng Xuyên không ngăn chặn bọn Lượng mà còn có những lời lẽ, có tính chất thúc đẩy hành vi phạm tội của đồng bọn trong việc đánh anh Khẩn. Xuyên là người hô bắt, trói anh Khẩn, sau đó giữ anh Khẩn tại nhà Lượng một thời gian trước khi giao anh Khẩn cho Công an huyện. Viên Đình Lượng tụ tập đông người mang theo hung khí trong đêm khuya kéo đến rẫy anh Khẩn, đánh gây thương tích cho anh Khẩn. Lượng cũng là người cùng Xuyên hô đồng bọn bắt, trói anh Khẩn đưa về nhà Lượng.

    Toà án cấp sơ thẩm kết án Viên Đình Xuyên và Viên Đình Lượng về các tội ''Cố ý gây thương tích'' và ''Bắt giữ người trái pháp luật'' là có căn cứ đúng pháp luật. Toà án cấp phúc thẩm tuyên bố Viên Đình Xuyên không phạm các tội "Cố ý gây thương tích'' và ''Bắt giữ người trái pháp luật'', Viên Đình Lượng không phạm tội ''Bắt giữ người trái pháp luật'', Viên Đình Xuyên không phải bồi thường thiệt hại cho anh Nguyễn Đình Khẩn là đánh giá không đúng tính chất của hành vi phạm tội của các bị cáo và không phù hợp với các tình tiết của vụ án.

    Trong vụ án này, tính chất, vai trò, mức độ phạm tội của Viên Đình Xuyên và Viên Đình Lượng là tương đương. Sau khi xét xử phúc thẩm, Lượng có đơn khiếu nại về việc Xuyên là người phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án. Mặt khác, cũng cần xác định chính xác việc anh Khẩn có chém các bị cáo trước hay không để xem xét khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo. Những vấn đề này phải được giải quyết qua quá trình xét hỏi và tranh tụng tại phiên toà với sự có mặt đầy đủ của những người tham gia tố tụng.

    Vì các lẽ trên và căn cứ vào Điều 254, 256 Bộ luật Tố tụng Hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy phần quyết định tại Bản án hình sự phúc thẩm số 326/HSPT ngày 05-06-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng về việc: Tuyên bố Viên Đình Xuyên không phạm tội "Cố ý gây thương tích" và không phạm tội "Bắt giữ người trái pháp luật"; đình chỉ xét xử đối với Viên Đình Xuyên; Viên Đình Lượng không phạm tội "Bắt giữ người trái pháp luật"; Đình chỉ xét xử tội danh nói trên đối với Viên Đình Lượng; Viên Đình Xuyên không phải bồi thường cho anh Nguyễn Đình Khẩn; Viên Đình Xuyên không phải nộp án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm.

    Giao hồ sơ vụ án cho Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng để xét xử phúc thẩm lại đối với Viên Đình Xuyên về các tội cố ý gây thương tích và bắt giữ người trái pháp luật; đối với Viên Đình Lượng về tội bắt giữ người trái pháp luật, theo quy định của pháp luật.

    2. Các quyết định khác của Bản án phúc thẩm không bị kháng nghị tiếp tục có hiệu lực pháp luật.                 

    Lý do Bản án phúc thẩm bị huỷ một phần:

    Bản án phúc thẩm đã đánh giá chưa đúng tính chất hành vi phạm tội của các bị cáo nên quyết định các bị cáo không phạm tội là không đúng.

     

     
    2912 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận