Quyết định số 08/2004/ hđtp-hs ngày 26-04-2004 về vụ án vũ văn nam phạm tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”

Chủ đề   RSS   
  • #264765 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4354 lần


    Quyết định số 08/2004/ hđtp-hs ngày 26-04-2004 về vụ án vũ văn nam phạm tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”

    Số hiệu

    08/2004/ HĐTP-HS

    Tiêu đề

    Quyết định số 08/2004/ hđtp-hs ngày 26-04-2004 về vụ án vũ văn nam phạm tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”

    Ngày ban hành

    26/04/2004

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

    QUYẾT ĐỊNH SỐ 08/2004/ HĐTP-HS NGÀY 26-04-2004
    VỀ VỤ ÁN VŨ VĂN NAM PHẠM TỘI "LẠM DỤNG
    TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN CỦA CÔNG DÂN”

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    .........

    Tại phiên toà ngày 26-04-2004 xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự đối với:

    Vũ Văn Nam sinh năm 1957; trú tại nhà số 64 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội; khi phạm tội là Giám đốc Công ty TNHH Thiên Thanh; con ông Vũ Xuân Hùng và bà Trần Thị Nhưng; có vợ là Trần Bích Thủy; bị bắt giam ngày 25-02-2001.

    - Người bị hại:

    lÔng Trần Lưu Kế trú tại nhà số 34 Đặng Trần Côn, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

    2- Ông Lê Trung Dũng trú tại số 2b Thịnh Yên, phố Huế, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

    3- Ông Đỗ Hữu Chức trú tại phòng 05 dãy C tập thể Cao su đường sắt, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

    Nguyên đơn dân sự: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm, Hà Nội.

    NHẬN THẤY:

    Ngày 20-03-1995 và ngày 28-06-1995 Vũ Văn Nam thế chấp 06 xe ô tô có trị giá là 2.780.000.000 đồng cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm để vay 2.500.000.000 đồng. Ngân hàng giữ giấy chứng nhận đăng ký xe, còn 06 xe ô tô nói trên giao cho Công ty của Nam sử dụng. Ngày 07-10-1995 Nam mượn lại 06 giấy chứng nhận đăng ký xe tô. Sau khi mượn lại được giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô Nam đã đem cầm cố cho Ngân hàng khác và bán cho người khác 04 xe tô (trong số 6 xe ô tô nói trên). Đến hạn, Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm chỉ phát mại được 02 xe ôtô để thu hồi nợ.

    Từ ngày 18-07-1995 đến ngày 09- 01-1996 Vũ Văn Nam còn nhiều lần sử dụng hai ngôi nhà số 64A và số 64B Ngô Thì Nhậm, Hà Nội thế chấp để vay 4.500.000.000 đồng và thông qua hình thức tín chấp để vay 500.000.000 đồng của Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm, tổng số là 5.000.000.000 đồng.

    Theo báo cáo của Ngân hàng thì Vũ Văn Nam còn nợ tiền gốc là 7.295.000.000 đồng và tiền lãi là 942.190.000 đồng.

    Đối với ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, Hà Nội mà Vũ Văn Nam thế chấp cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm để vay tiền thì trước đây là nhà gạch 2 tầng, có diện tích sử dụng là 105m2, chủ sở hữu là ông Trần Lưu Dy. Trước tháng 10 năm 1954, ông Dy đi miền Nam và giao cho 3 người cháu là Trần Thị Thục Ý, Trần Thị Diễm Uyên và Trần Lưu Kế sử dụng.

    Ngày 10-07-1987, ông Dy viết giấy uỷ quyền cho bà Ý, bà Uyên và ông Kế có quyền làm thủ tục sang tên đối với ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, Hà Nội. Đến ngày 02-11-1992, ông Dy lại uỷ quyền cho vợ là bà Trà Tuyết Hoa được thay ông quản lý và làm các thủ tục về sở hữu đối với ngôi nhà này và ngày 05- 12-1992, ông Dy đã có đơn xin huỷ bỏ giấy uỷ quyền ngày 10-07-1987 nêu trên. Tuy nhiên, ngày 12- l0-1994, ông Trần Lưu Kế và các bà Trần Thị Thục Ý, Trần Thị Diễm Uyên đã chuyển nhượng quyền sử dụng ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, Hà Nội cho Vũ Văn Nam và vợ là Trần Bích Thủy để lấy 165 cây vàng.

    Theo Công văn số 187 ngày 28-01-1994 của Sở Nhà đất thành phố Hà Nội thì ngôi nhà gạch 02 tầng, diện tích sử dụng 105m2 có số 64A Ngô Thì Nhậm, Hà Nội thuộc diện nhà vắng chủ, Nhà nước đang nghiên cứu để có chính sách xử lý, không được phép chuyển dịch, mua bán.

    Khi giải quyết vụ án, ngày 21-08-1996, Công an quận Hoàn Kiếm đã kê biên hai ngôi nhà số 64A và số 64B Ngô Thì Nhậm, Hà Nội và giao cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm bảo quản, sử dụng từ ngày 14-01-1997.

    Ngày 04-12-1994, Vũ Văn Nam và vợ là Trần Bích Thủy viết giấy vay nợ ông Trần Lưu Kế và bà Trần Thị Lan 15 cây vàng; vào các ngày 25 và 29 tháng 01 năm 1995, Nam còn vay thêm của ông Trần Lưu Kế 2.000 USD. Ngoài ra, từ ngày 11-03-1994 đến ngày 12-08-1996, Vũ Văn Nam còn vay của 03 người khác là 07 cây vàng, 11.000USD và 5.003.600.000 đồng. Đến ngày 21-08-1996, Nam bỏ trốn và bị bắt tại Liên bang Nga vào ngày 25-02-2001.

    Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 306/HSST ngày 10-05-2002, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng khoản 3 Điều 158, các khoản 1 và 2 Điều 38, khoản 1 Điều 34 Bộ luật Hình sự, xử phạt Vũ Văn Nam 17 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân’’; buộc Vũ Văn Nam phải trả lại cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm 7.295.000.000 đồng tiền gốc và 942.190.000 đồng tiền lãi; tiếp tục kê biên hai ngôi nhà số 64A và số 64B Ngô Thì Nhậm, Hà Nội để bảo đảm thi hành án và giao cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm tiếp tục quản lý ngôi nhà; buộc Vũ Văn Nam bồi thường cho các người bị hại: Lê Trung Dũng; Đỗ Hữu Chức và Trần Lưu Kế các khoản tiền và tài sản khác mà Nam đã chiếm đoạt của họ.

    Sau khi xét xử sơ thẩm, Vũ Văn Nam kháng cáo xin giảm hình phạt; ông Trần Lưu Kế kháng cáo đề nghị được nhận lại ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, Hà Nội; Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội kháng nghị đề nghị Toà án cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo Vũ Văn Nam.

    Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 1473/HSPT ngày 04-10-2002, Toà Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội căn cứ khoản 1 Điều 220, điểm d khoản 1 Điều 221 Bộ luật Tố tụng Hình sự và áp dụng Điều 444 , Điều 447 Bộ luật Dân sự, Điều 8 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế quyết định:

    Huỷ một phần biên bản kê biên tài sản hồi 15 giờ 30 phút ngày 21-08-1996 của Công an quận Hoàn Kiếm; huỷ bỏ việc kê biên ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm; giữ nguyên hiện trạng ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm chờ Nhà nước giải quyết theo chính sách chung về diện nhà vắng chủ; huỷ phần quyết định của bản án sơ thẩm về kê biên ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm và việc giao ngôi nhà này cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm quản lý; buộc Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm phải trao lại ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm cho 3 chị em ông Trần Lưu Kế khi đã nhận lại đủ 165 cây vàng mà Nam đã đưa cho 3 chị em ông Trần Lưu Kế để được sử dụng nhà trên; giao cho Phòng Thi hành án thành phố Hà Nội giám sát việc tạm quản lý nhà của Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm và việc hoàn trả đầy đủ số lượng vàng của chị em ông Kế đã nhận từ bị cáo Nam; Phòng Thi hành án có nhiệm vụ nhận đủ số tiền vàng trên rồi giao cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm và buộc Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm phải trao lại ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm cho chị em ông Trần Lưu Kế bảo quản chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; xác định việc chuyển quyền sử dụng ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, Hà Nội giữa các bà Trần Thị Thục Ý, Trần Thị Diễm Uyên và ông Trần Lưu Kế với Vũ Văn Nam là hợp đồng dân sự vô hiệu và buộc ông Kế, bà Ý, bà Uyên có nghĩa vụ trả lại 165 cây vàng cho Vũ Văn Nam; đối với việc tu bổ nâng cấp của Vũ Văn Nam đối với ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm sẽ được giải quyết bằng vụ kiện dân sự khác khi có yêu cầu; giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm về bồi thường cho 02 người bị hại là ông Lê Trung Dũng, Đỗ Hữu Chức và phần hình phạt đối với Vũ Văn Nam.

    Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số47/HS-TK ngày 08-12-2003, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng:

    l- Huỷ các quyết định sau đây của Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên:

    - Huỷ một phần biên bản kê biên tài sản hồi 15 giờ 30 phút ngày 21-08-1996 của Công an quận Hoàn Kiếm;

    - Hủy bỏ việc kê biên ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm;

    - Giữ nguyên hiện trạng ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm chờ Nhà nước giải quyết theo chính sách chung về diện nhà vắng chủ;

    - Huỷ phần quyết định của án sơ thẩm về kê biên ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm và việc giao ngôi nhà này cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm quản lý;

    Buộc Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm phải trao lại ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm cho 03 chị em ông Trần Lưu Kế khi đã nhận đủ số vàng 165 cây mà Nam đã đưa cho 03 chị em ông Trần Lưu Kế để được sử dụng nhà trên;

    - Giao cho Phòng Thi hành án thành phố Hà Nội giám sát việc tạm quản lý nhà của Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm và việc hoàn trả đầy đủ số lượng vàng của chị em ông Kế đã nhận của Nam; Phòng Thi hành án có nhiệm vụ nhận đủ số tiền vàng trên rồi giao cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm và buộc Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm phải trao lại ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm cho chị em ông Trần Lưu Kế để bảo quản chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

    2- Giữ nguyên quyết định tiếp tục kê biên ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội và giao cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm tiếp tục quản lý ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm của Bản án hình sự sơ thẩm số 306/HSST ngày 10-05-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.

    Tại phiên toà, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm huỷ quyết định về việc giao ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, Hà Nội cho các bà Trần Thị Diễm Uyên, Trần Thị Thục Ý và ông Trần Lưu Kế bảo quản của Toà án cấp phúc thẩm và quyết định tiếp tục kê biên ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm để bảo đảm thi hành án; giao cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm tiếp tục quản lý nhà số 64A Ngô Thì Nhậm- Hà Nội của Toà án cấp sơ thẩm để giải quyết lại vụ án.

    XÉT THẤY:

    Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì trước năm 1954, ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm thuộc sở hữu của ông Trần Lưu Dy. Năm 1954, ông Dy đi miền Nam nên nhà này thuộc diện nhà vắng chủ và theo quy định của pháp luật phải được Nhà nước quản lý. Năm 1987, ông Dy có uỷ quyền cho bà Ý, bà Uyên và ông Kế có quyền làm thủ tục sang tên ngôi nhà này, nhưng đến năm 1992, ông Dy đã có giấy huỷ bỏ việc uỷ quyền nói trên. Tại phiên toà sơ thẩm, ông Trần Lưu Kế đề nghị được trả lại cho Vũ Văn Nam số vàng mà gia đình ông đã nhận khi chuyển quyền sử dụng ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, Hà Nội để lấy lại ngôi nhà. Toà án cấp sơ thẩm không xem xét và không có quyết định đối với yêu cầu này của ông Kế. Toà án cấp phúc thẩm xác định hợp đồng mua bán quyền sử dụng ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm không hợp pháp và buộc ông Kế, bà Ý, bà Uyên trả lại 165 cây vàng cho Nam để trả cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm là đúng, nhưng lại quyết định trả ngôi nhà này cho bà Ý, bà Uyên và ông Kế là không đúng vì họ không phải là chủ sở hữu ngôi nhà này và cũng không được ai ủy quyền quản lý, sử dụng ngôi nhà. Tuy nhiên khi ông Trần Lưu Kế kháng cáo xin được nhận lại ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, Hà Nội, Toà án cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo và giao ngôi nhà này cho 3 chị em ông Trần Lưu Kế bảo quản khi Toà án cấp sơ thẩm chưa xét xử đối với yêu cầu này của ông Kế là vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 204 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

    Ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, Hà Nội theo quy định của pháp luật phải được Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án chưa xác định được các cơ quan có thẩm quyền đã có quyết định quản lý ngôi nhà này hay chưa. Việc Vũ Văn Nam có sử dụng tiền vay của Ngân hàng và chiếm đoạt của người khác để mua quyền sử dụng, xây dựng mới ngôi nhà, mua sắm trang thiết bị đối với ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, Hà Nội là có thật, nhưng số tiền Nam chi phí cho các việc này từ nguồn vay của Ngân hàng, từ tài sản chiếm đoạt của người khác cũng như tổng chi phí chung là bao nhiêu thì chưa được điều tra làm rõ. Mặt khác, theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì sau khi được giao ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm cũng đã đầu tư sửa chữa nâng cấp, nhưng cũng chưa được Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xem xét. Toà án cấp sơ thẩm quyết định kê biên ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm để bảo đảm thi hành án là không đúng, bởi vì, đây không phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của Vũ Văn Nam.

    Trước năm 1954, ông Trần Lưu Dy là chủ sở hữu ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, Hà Nội. Hiện nay, ông Dy đã có đơn xin được công nhận quyền sở hữu đối với ngôi nhà này, nhưng chưa được giải quyết, thế nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không đưa ông Dy vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là không đúng. Ngoài ra, việc xem xét đề nghị của ông Trần Lưu Kế về trả lại cho Vũ Văn Nam số vàng mà ông và các bà Ý, Uyên đã nhận để lấy lại ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm có liên quan đến quyền lợi ích hợp pháp của các bà Ý và Uyên.

    Ngoài các vấn đề trên, còn cho thấy Vũ Văn Nam thế chấp ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, Hà Nội để vay tiền của Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm, chưa được Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xem xét về tính hợp pháp của hợp đồng thế chấp này.

    Với các lý do nêu trên cho thấy, việc xét xử sơ thẩm lại để xác định quyền sở hữu đối với ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, Hà Nội là hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó để có căn cứ giải quyết việc chuyển nhượng ngôi nhà này giữa các ông bà Trần Lưu Kế, Trần Thị Thục Ý, Trần Thị Diễm Uyên với Vũ Văn Nam và giải quyết việc Vũ Văn Nam thế chấp ngôi nhà này để vay tiền của Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm theo đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, việc xét xử sơ thẩm lại còn để giải quyết nguồn gốc và tổng số các khoản chi phí mà Vũ Văn Nam xây dựng mới cũng như mua sắm trang thiết bị đối với ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, Hà Nội, khoản tiền mà Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm đầu tư sửa chữa, nâng cấp đối với ngôi nhà này.

    Ngoài ra, việc xét xử sơ thẩm lại còn để xác định đúng tư cách nguyên đơn dân sự trong vụ án này theo đúng quy định của pháp luật.

    Đối với ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm hiện nay đang do Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm quản lý, sử dụng, cho nên cần tiếp tục giao cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm sử dụng cho đến khi Toà án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.

    Vì các lẽ trên; căn cứ vào khoản 3 Điều 254 và Điều 256 Bộ luật Tố tụng Hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1 - Huỷ các quyết định sau đây của Bản án hình sự phúc thẩm số 1473/HSPT ngày 04- 10-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội:

    “- Huỷ một phần biên bản kê biên tài sản hồi 15 giờ 30 phút ngày 21-08-1996 của Công an quận Hoàn Kiếm; huỷ bỏ việc kê biên ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm;

    - Giữ nguyên hiện trạng ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm chờ Nhà nước giải quyết theo chính sách chung về diện nhà vắng chủ;

    - Huỷ phần quyết định của án sơ thẩm về kê biên ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm và việc giao ngôi nhà này cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm quản lý;

    - Buộc Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm phải trao lại ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm cho 03 chị em ông Trần Lưu Kế khi đã nhận đủ số vàng 165 cây mà Nam đã đưa cho 03 chị em ông Trần Lưu Kế để được sử dụng nhà trên;

    - Giao cho Phòng Thi hành án thành phố Hà Nội giám sát việc tạm quản lý nhà của Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm và việc hoàn trả đầy đủ số lượng vàng của chị em ông Kế đã nhận của Nam; Phòng Thi hành án có nhiệm vụ nhận đủ số tiền vàng trên rồi giao cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm và buộc Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm phải trao lại nhà số 64A Ngô Thì Nhậm cho chị em ông Trần Lưu Kế để bảo quản chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật’’.

     2- Huỷ phần quyết định về tiếp tục kê biên ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm để bảo đảm thi hành án; giao cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm tiếp tục quản lý nhà số 64A Ngô Thì Nhậm của Bản án hình sự sơ thẩm số 306/HSST ngày 10-05-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.

    3- Tạm giao ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm tiếp tục quản lý cho đến khi Toà án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.

    4- Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử sơ thẩm lại vụ án về các vấn đề trên theo thủ tục chung.

    5- Các quyết định khác của Bản án hình sự phúc thẩm số 1473/HSPT ngày 04-10-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

    Lý do huỷ các quyết định của Bản án phúc thẩm:

    - Quyết định trả ngôi nhà cho bà Ý, bà Uyên và ông Kế là không đúng vì họ không phải là chủ sở hữu ngôi nhà này và cũng không được ai uỷ quyền quản lý, sử dụng ngôi nhà.

    - Khi ông Trần Lưu Kế kháng cáo xin được nhận lại ngôi nhà số 64A Ngô Thì Nhậm, Hà Nội thì Toà án cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo và giao ngôi nhà này cho 3 chị em ông Trần Lưu Kế bảo quản khi Toà án cấp sơ thẩm chưa xét xử đối với yêu cầu này của ông Kế là vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự.

    - Việc xác định các cơ quan có thẩm quyền đã có quyết định quản lý ngôi nhà này hay chưa vẫn chưa được làm rõ.

    - Số tiền mà Vũ Văn Nam vay ngân hàng và chiếm đoạt của người khác để mua quyền sử dụng, xây dựng mới ngôi nhà và mua sắm trang thiết bị cho ngôi nhà chưa được điều tra làm rõ.

    - Chi phí của Ngân hàng công thương Hoàn Kiếm cho việc tu sửa nâng cấp ngôi nhà chưa được Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xem xét.

    - Toà án cấp sơ thẩm quyết định kê biên ngôi nhà 64A Ngô Thì Nhậm để bảo đảm thi hành án là không đúng vì đây không phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của Vũ Văn Nam.

    - Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm không đưa ông Trần Lưu Dy vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng.

    - Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm chưa xem xét tới tính hợp pháp của hợp đồng thế chấp ngôi nhà 64A Ngô Thì Nhậm, Hà Nội để vay tiền giữa Vũ Văn Nam và Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm.

     

     
    2859 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận