Quyết định số 07/2004/hđtp-hs ngày 26-04-2004 về vụ án trần văn tuấn phạm tội “ giết người”

Chủ đề   RSS   
  • #264763 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4355 lần


    Quyết định số 07/2004/hđtp-hs ngày 26-04-2004 về vụ án trần văn tuấn phạm tội “ giết người”

    Số hiệu

    07/ 2004/ HĐTP-HS

    Tiêu đề

    Quyết định số07/2004/hđtp-hs ngày 26-04-2004 về vụ án trần văn tuấn phạm tội “ giết người”

    Ngày ban hành

    26/04/2004

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    QUYẾT ĐỊNH SỐ 07/ 2004/ HĐTP-HS NGÀY 26-04-2004 
    VỀ VỤ ÁN TRẦN VĂN TUẤN PHẠM TỘI “ GIẾT NGƯỜI”

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    .........

    Tại phiên toà ngày 26-04-2004 xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự đối với:

    Trần Văn Tuấn sinh năm 1980; nơi thường trú: ấp Sóc Dụp, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh; tạm trú: khu vực 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; nghề nghiệp: làm thuê; bị bắt tạm giam ngày 31-01-2002
     

    NHẬN THẤY:

    Tối ngày 30-01-2002, Trần Văn Tuấn cùng Nguyễn Diệp uống rượu tại quán ông Vũ Quốc Vương. Sau khi uống hết 2 lít rượu, đến gần 01 giờ sáng khi Tuấn và Diệp chuẩn bị về thì Huỳnh Thái Bình, Lưu Thanh Bình, Từ Văn Phong, Huỳnh Tùng Cương đến quán ông Vương. Tại đây, Huỳnh Thái Bình hỏi ông Vương ''Hôm rồi có chứa mấy tên nào đứng trên nóc nhà ném tôi phải không?'' rồi bảo ông Vương vào nhà ngủ để Bình đưa Tuấn và Diệp về. Trên đường đi, hai bên nói chuyện qua lại dẫn đến cãi nhau, Diệp nói ''Tụi mày ngon đi tới 05 căn nhà nữa sẽ biết tao'', nghe vậy, Huỳnh Thái Bình rượt theo Tuấn và Diệp. Tuấn nhặt một khúc cây, còn Diệp nhặt đá ném lại Bình, sau đó, cả hai chạy vào trong nhà Diệp. Tuấn xuống bếp lấy một cây dao yếm (dài 40cm, rộng 10cm) cầm ở tay trái đứng trong nhà đợi bọn Bình. Huỳnh Thái Bình cầm gậy đi vào trong nhà gặp Tuấn tay đang cầm dao, liền giơ gậy lên đánh Tuấn nhưng không trúng, thì bị Tuấn chém một nhát vào xương đòn phải của Bình. Huỳnh Thái Bình bỏ chạy được khoảng 10m thì ngất xỉu và đã chết trên đường đi cấp cứu.

    Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 136/HSST ngày 16-09-2002, Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau đã áp dụng điểm c khoản 1 Điều 93 và các điểm đ, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự, xử phạt Trần Văn Tuấn 18 năm tù về tội ''giết người''.

    Sau khi xét xử sơ thẩm, Trần Văn Tuấn kháng cáo xin giảm hình phạt.

     

    Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 550/HSPT ngày 15-04-2003, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã sửa Bản án sơ thẩm, áp dụng khoản 2 Điều 93 và các điểm đ, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự, xử phạt Trần Văn Tuấn 11 năm tù về tội ''giết người''.

     

    Tại Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm số06/HS-TK ngày 03- 03-2004, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng huỷ Bản án hình sự phúc thẩm số 550/HSPT ngày 15-04-2003 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đối với Trần Văn Tuấn để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Nạn nhân Huỳnh Thanh Bình khi bị Trần Văn Tuấn xâm phạm tính mạng mới 15 tuổi 05 tháng 18 ngày. Theo quy định tại Điều 1 của Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 12-08-1991 thì ''Trẻ em được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi''. Khái niệm (độ tuổi) trẻ em trong Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng phù hợp với quy định nêu trên. Vì vậy, Toà án cấp sơ thẩm kết án Trần Văn Tuấn về tội ''giết người'' theo điểm c khoản1 Điều 93 Bộ luật Hình sự là đúng. Khi xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm đã không căn cứ vào Điều 1 của Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em mà lại căn cứ vào Điều 1 của Pháp lệnh về bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21-11-1979, một văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực thi hành và đã được thay thế bằng một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn, mà theo đó ''Trẻ em nói trong Pháp lệnh này là gồm các em từ mới sinh đến 15 tuổi", để không áp dụng điểm c khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự đối với Trần Văn Tuấn là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự.

    Vì các lẽ trên; căn cứ vào khoản 3 Điều 254 và Điều 256 Bộ luật Tố tụng Hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ Bản án hình sự phúc thẩm số 550/HSPT ngày 15-04-2003 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xét xử phúc thẩm lại theo hướng áp dụng điểm c khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự để xét xử và quyết định hình phạt đối với Trần Văn Tuấn đúng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và hậu quả đã xảy ra.

    Tiếp tục tạm giam bị cáo Trần Văn Tuấn cho đến khi Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh thụ lý vụ án. 
     

    Lý do huỷ  Bản án phúc thẩm:

    - Toà án cấp phúc thẩm đã không căn cứ vào Điều 1 của Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em mà lại căn cứ vào Điều 1 của Pháp lệnh về bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 21-11-1979, một văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực thi hành và đã được thay thế bằng một văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
     

     
    2953 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận