Số hiệu
|
07/2005/KDTM-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng
|
Ngày ban hành
|
15/09/2005
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Kinh tế
|
QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ07/2005/KDTM-GĐT
NGÀY 15-9-2005 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG”
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
...
Ngày 15 tháng 9 năm 2005, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao, mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa:
Nguyên đơn: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (gọi tắt là Ngân hàng); có trụ sở tại số 2 Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội;
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phạm Đăng Bộ - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sài Gòn; có trụ sở tại số 7 Bis Chương Dương, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh (văn bản uỷ quyền số900/NHNo-10 ngày 23-11-2000).
Bị đơn: Công ty TNHH xe khách thương mại và dịch vụ Hợp Quốc (gọi tắt là Công ty Hợp Quốc); có trụ sở tại số 25 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận I, thành phố Hồ Chí Minh;
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Không Tuấn - Giám đốc Công ty Hợp Quốc.
Người có nghĩa vụ liên quan: Bà Bùi Thị Tư; trú tại số 14 Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Tấn Triển; trú tại E327/47 khu 6, phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, (văn bản uỷ quyền ngày 12-12-2003).
NHẬN THẤY:
Ngày 08-10-2003 nguyên đơn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có đơn khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết buộc Công ty Hợp Quốc thanh toán các khoản nợ theo hợp đồng tín dụng, đồng thời cho phép Ngân hàng được phát mại tài sản bảo đảm để thu nợ; cụ thể như sau:
Ngân hàng và Công ty Hợp Quốc có ký kết hợp đồng tín dụng số 247/HĐTD ngày 30-8-2001 với nội dung chính:
- Vốn vay: 6.419.572.000 đồng
- Lãi suất: 0, 8%/tháng
- Thời hạn vay 60 tháng, từ 06-9-2001 đến 06-9-2006.
- Tiền nợ gốc chia 19 kỳ (1 kỳ 3 tháng), trả mỗi kỳ một lần. Lãi tiền vay trả vào ngày 26 hàng tháng.
Tài sản bảo đảm khoản nợ gồm:
- Quyền sử dụng lô đất 59.700m2 trồng cao su, do ông Đặng Văn Tốt và bà Bùi Thị Tư đứng tên chủ sở hữu, theo hợp đồng bảo lãnh nợ vay số 48/HĐBLTS ngày 04-9-2001 cho dư nợ vay tối đa là 3.210.000.000 đồng.
- Cầm cố 16 chiếc xe Mercedes - Benz (tài sản hình thành từ nguồn vốn vay của hợp đồng tín dụng) theo hợp đồng cầm cố tài sản số 82/HĐCC
ngày 07-11-2001 bảo đảm cho khoản vay 3.210.000.000 đồng còn lại.
Ngày 06-9-2001, Ngân hàng đã giải ngân số tiền 6.419.572.000 đồng trả tiền mua xe cho Công ty Hợp Quốc.
Thực tế Công ty Hợp Quốc mới thanh toán cho ngân hàng tiền gốc 667.500.000 đồng, tiền bán 2 xe tô tô, tiền lãi 299.592.931 đồng (tính đến tháng 6-2002) và 2.000.000.000 đồng của bà Tư trả Ngân hàng (ngày 01-12-2003). Do Công ty Hợp Quốc không trả đủ nợ vốn vay định kỳ nên Ngân hàng chuyển toàn bộ dư nợ còn lại chưa đến hạn thanh toán coi như đến hạn và đề nghị được chấm dứt hợp đồng trước hạn. Công ty Hợp Quốc còn nợ gốc, lãi đến ngày 30-3-2004 gồm:
- Nợ gốc cho tất cả các kỳ hạn còn lại 3.752.072.000 đồng.
- Nợ lãi đến ngày 30-3-2004 là: 1.193.446.775 đồng.
Ngày 31-7-2003 giữa các bên có thoả thận giải pháp giải quyết công nợ của Công ty Hợp Quốc.
Bị đơn trình bày: xác nhận số tiền vốn vay đã trả như Ngân hàng là đúng, riêng tiền lãi thanh toán hết ngày 11-4-2003 là 309.023.539 đồng. Ngoài ra
ngày 25-11-2001, Công ty có giao cho ông Tốt, bà Tư 5 xe để quản lý điều hành và nộp doanh thu kể từ tháng 9-2001 đến khi thanh lý hợp đồng tín dụng với Ngân hàng. Công ty đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng và chỉ thanh toán khoản nợ đến hạn.
Người đại diện hợp pháp cho bà Tư xác nhận ngày 01-12-2003, bà Bùi Thị Tư đã thanh toán cho Ngân hàng số tiền là: 2.000.000.000 đồng (uỷ nhiệm chi ngày 01-12-2003). Trong trường hợp Công ty Hợp Quốc không trả được nợ thì ông Tốt, bà Tư với trách nhiệm bảo lãnh sẽ trả nợ thay 2.000.000.000 đồng - trị giá vốn vay 5 chiếc xe mà bà Bùi Thị Tư đã nhận của Công ty Hợp Quốc tháng 9-2001, cùng lãi phát sinh.
Tại bản án kinh tế sơ thẩm số 82/KTST ngày 30-3-2004, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
1. Buộc Công ty Hợp Quốc hoàn trả vốn vay và thanh toán lãi phát sinh cho Ngân hàng tổng số tiền là 4.945.518.755 đồng, trong đó:
- Tiền nợ gốc các kỳ hạn còn lại 3.752.072.000 đồng.
- Tiền lãi quá hạn (lãi suất 1,2%/tháng) đến ngày 30-3-2004 là 1.193.446.775 đồng.
Nếu Công ty Hợp Quốc không trả được nợ thì phải chịu biện pháp cưỡng chế phát mại tài sản thế chấp, cầm cố gồm:
- 14 chiếc xe Mercedes - Benz (tài sản hình thành từ nguồn vốn vay của hợp đồng tín dụng) thông qua hợp đồng cầm cố tài sản số 82/HĐCCTS
ngày 07-11-2001 theo xác nhận số 16524 ngày 08-11-2003 của Phòng Công chứng số 1 thành phố Hồ Chí Minh, số tiền 3.210.000.000 đồng.
- Lô đất 59.700m2 bảo lãnh của ông bà Đặng Văn Tốt và bà Bùi Thị Tư đứng tên chủ sở hữu theo hợp đồng bảo lãnh nợ vay số 48/HĐBLTS ngày 04-9-2001 xác nhận số 13 quyển số 1 TP/CC-SCC/CK ngày 04-9-2001 của Uỷ ban nhân dân xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, số tiền 3.210.000.000 đồng.
Ngoài ra còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.
Ngày 15-4-2000, bà Bùi Thị Tư có đơn kháng cáo với lý do Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử vắng mặt bà trong khi bà đã có đơn xin hoãn phiên toà.
Ngày 22-4-2000, Công ty Hợp Quốc kháng cáo xin được xét thêm thời hạn trả nợ và giảm lãi nợ.
Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 47/KTPT ngày 20-9-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ngày 12-10-2004, bà Bùi Thị Tư có đơn đề nghị xin được xem xét lại bản án phúc thẩm nêu trên.
Tại Quyết định kháng nghị số03/2005/KT-KN ngày 13-6-2005, Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị bản án kinh tế phúc thẩm số 47/KTPT ngày 20-9-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh với lý do Toà án cấp phúc thẩm kết luận không đúng về nghĩa vụ trả nợ thay của người bảo lãnh nợ vay và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng huỷ bản án kinh tế phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xét xử phúc thẩm lại theo quy định của pháp luật.
XÉT THẤY:
Bà Tư chỉ bảo lãnh để Công ty Hợp Quốc vay số tiền 3.200.000.000 đồng trong tổng số tiền mà Công ty Hợp Quốc vay của Ngân hàng là 6.419.572.000 đồng. Số tiền vay còn lại được Công ty Hợp Quốc đảm bảo bằng việc cầm cố 16 xe ô tô.
Công ty Hợp Quốc không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán nợ vay từng kỳ, vi phạm hợp đồng đã ký với Ngân hàng. Các bên không tranh chấp số dư nợ gốc, tiền lãi phải trả, mà có việc thoả thuận (ngày 31-7-2003) giải quyết công nợ, theo đó Công ty Hợp Quốc giao toàn bộ số xe, hoặc trực tiếp thanh toán số tiền vay được đảm bảo bằng việc cầm cố 16 xe ô tô, thì số tiền bà Tư gửi tiết kiệm dùng để thanh toán số tiền vay 3,2 tỷ đồng mà bà Tư thoả thuận đảm bảo bằng việc bảo lãnh bằng lô đất của vợ chồng bà Tư, để thanh lý hợp đồng bảo lãnh. Tuy nhiên, Công ty Hợp Quốc đã không thực hiện thoả thuận này.
Bà Tư trả Ngân hàng 02 tỷ đồng. Căn cứ trên chứng từ (uỷ nhiệm chi ngày 01-12-2003) thì bà Tư thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình, vậy chỉ còn trách nhiệm thanh toán thay số tiền còn lại 1,2 tỷ đồng trong phạm vi bảo lãnh vốn vay, để được Ngân hàng giải chấp lô đất. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm cho rằng số tiền 02 tỷ đồng mà bà Tư trả Ngân hàng là để thanh toán giá trị 05 chiếc xe bà Tư nhận của Công ty Hợp Quốc là không đúng.
Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng không có căn cứ để kết luận bà Bùi Thị Tư đã được triệu tập tham gia phiên toà phúc thẩm.
Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 297, khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;
QUYẾT ĐỊNH:
1. Huỷ bản án kinh tế phúc thẩm số 47/KTPT ngày 20-9-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn xe khách thương mại và dịch vụ Hợp Quốc.
2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
____________________________________________
- Lý do huỷ bản án phúc thẩm:
Toà án cấp phúc thẩm kết luận không đúng về nghĩa vụ trả nợ thay của người bảo lãnh.
- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:
1. Thiếu sót trong việc xác định và đánh giá chứng cứ;
2. Thiếu sót trong việc triệu tập người có nghĩa vụ liên quan tham gia phiên toà phúc thẩm.
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 25/05/2013 04:59:08 CH