Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Chủ đề   RSS   
  • #264165 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động

    Số hiệu

    01/2006/LĐ-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động

    Ngày ban hành

    04/04/2006

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Lao động

     

    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ01/2006/LĐ-GĐT /> NGÀY 04-4-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP VỀ ĐÒI 
    BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI GIỮA NGƯỜI LAO ĐỘNG
    VỚI DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG”

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
    ...

    Ngày 04 tháng 4 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động, giữa:

    - Nguyên đơn: Bà Lê Thị Minh Tâm, sinh năm 1956; thường trú tại: Trạm Nội, Cẩm Văn, Cẩm Giàng, Hải Dương; do ông Nguyễn Văn Kính đại diện theo uỷ quyền.

    - Bị đơn: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Dương; trụ sở tại Phố Trần Hưng Đạo, thành phố Hải Dương; do ông Vũ Trọng Quận là đại diện theo uỷ quyền của Giám đốc công ty.

    NHẬN THẤY:

    Ngày 14-1-2003 bà Lê Thị Minh Tâm và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Dương ký hợp đồng đi làm việc tại Đài Loan với thời hạn 02 năm. Sau đó, bà Tâm ký hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động Đài Loan. Theo hợp đồng, công việc của bà Tâm là giúp việc gia đình, mức lương 15.840 Đài tệ/tháng.

    Ngày 16-01-2003 bà Tâm đến Đài Loan và bắt đầu làm việc. Ngày 10-12-2003, bà Tâm viết giấy đề nghị chủ sử dụng lao động và Công ty môi giới cho về nước để điều trị bệnh. Cùng ngày, chủ sử dụng lao động Đài Loan cũng có văn bản về việc chấm dứt hợp đồng lao động với bà Tâm.

    Ngày 11-12-2003 bà Tâm về đến Việt Nam và ngày 17-12-2003 bà Tâm lại có đơn xin trở lại Đài Loan làm việc, nhưng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Dương không chấp nhận.

    Ngày 22-7-2004 bà Tâm khởi kiện tại Toà án, yêu cầu Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Dương phải bồi thường cho Bà các khoản sau:

    - Bồi thường danh dự vì đã vu khống cho Bà ăn cắp tiền của chủ sử dụng lao động;

    - Trả lương các tháng Bà chưa nhận (từ tháng 8-2003 đến tháng 11-2003);

    - Trả 600 USD phí chống trốn mà Công ty môi giới của Đài Loan đã thu;

    - Trả tiền lương đến hết hạn hợp đồng;

    - Trả 300 USD mà Công ty Xuất nhập khẩu Hải Dương đã thu;

    - Trả tiền vé máy bay đi và về từ Việt Nam đến Đài Loan;

    - Phí quản lý Đài Loan trong 2 năm;

    - Tiền làm thêm giờ ngày chủ nhật và ngày lễ;

    - Tiền ăn, 6 bộ quần áo bảo hộ lao động;

    - Bảo hiểm y tế...

    Tại bản án dân sự số 01/STLĐ ngày 24-3-2005, Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xử:

    - Chấm dứt hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài đã ký ngày 14-01-2003 giữa Công ty Xuất nhập khẩu Hải Dương với bà Lê Thị Minh Tâm.

    - Bác yêu cầu của bà Lê Thị Minh Tâm về các khoản: tiền lương 4 tháng năm 2003 và những tháng còn lại của hợp đồng; 300 USD thu phí dịch vụ; tiền vé máy bay lượt đi; tiền bồi dưỡng 01 tháng lương không báo trước; tiền bồi thường danh dự; tiền làm thêm ngày lễ; tiền bảo hiểm y tế và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Dương phải sắp xếp cho bà được lao động vì không có 
    căn cứ.

    - Công ty Xuất nhập khẩu Hải Dương phải trả cho bà Tâm các khoản:

    Khoản thuế thu nhập: 19.008 Đài tệ; phí môi giới: 66.364 Đài tệ; thuế Việt Nam: 17.424 Đài tệ; tiền làm thêm Chủ nhật: 23.232 Đài tệ. Tổng cộng bằng 126.028 Đài tệ. Quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ tháng 3-2005: 1 USD = 31,06 Đài tệ; vậy 126.028 Đài tệ bằng 3.978 USD.

    - Bà Lê Thị Minh Tâm phải trả cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Dương 250 USD.

    Đối trừ khoản Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Dương phải trả (3.978 - 250 = 3.728 USD), quy đổi ra tiền Việt Nam bằng 58.724.000 đồng. Như vậy Công ty Xuất nhập khẩu Hải Dương phải thanh toán cho bà Tâm 58.724.000 đồng.

    Ngoài ra bản án còn tuyên án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

    Sau khi xét xử sơ thẩm, cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo.

    Tại bản án phúc thẩm số 140/PTLĐ ngày 01-7-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định:

    - Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 70 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động.

    Tuyên huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm số 01/ STLĐ ngày 24-3-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương.

    Chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương vì việc xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Giao toàn bộ hồ sơ vụ kiện tranh chấp hợp đồng lao động cho Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương để giải quyết theo thủ tục chung.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương có văn bản đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét lại bản án phúc thẩm.

    Tại Quyết định số05/KN-LĐ ngày 16-11-2005, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án lao động phúc thẩm số 140/PTLĐ ngày 01-7-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án lao động phúc thẩm nói trên, giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại Kết luận số01/KL-ALĐ ngày 23-01-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với quyết định kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án lao động phúc thẩm số 140/PTLĐ ngày 01-7-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội. Giao hồ sơ vụ án để Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.

    Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu giữ nguyên quan điểm như tại bản kết luận nêu trên.

    XÉT THẤY:

    Toà án cấp phúc thẩm tuyên huỷ toàn bộ án sơ thẩm số 01/STLĐ 
    ngày 24-3-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương là không đúng; bởi lẽ:

    Bà Lê Thị Minh Tâm khởi kiện cho rằng bà bị ép buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động tại nước ngoài; đồng thời bà Tâm yêu cầu Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Dương phải bồi thường các chi phí đã nộp cho việc đi làm việc ở nước ngoài và các quyền lợi trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

    Tại Toà án cấp sơ thẩm, các bên đương sự đã cung cấp cho Toà án các tài liệu, chứng cứ có liên quan; như:

    - Văn bản do bà Tâm viết và ký tên ngày 10-12-2003, với nội dung “... tôi bị đau lưng, không thể tiếp tục làm việc được tôi đề nghị với chủ và công ty cho tôi về nước để điều trị bệnh”.

    Hiện tại, bà Tâm cho rằng chủ sử dụng lao động vu khống cho Bà trộm cắp tiền và ép buộc Bà phải viết lý do xin về nước điều trị bệnh.

    - Văn bản chấm dứt hợp đồng lao động của chủ sử dụng lao động là bà Nguyễn Lợi Lam ký ngày 10-12-2003, với nội dung: “... vì chị (Tâm) không thành thật, thừa lúc giặt áo quần của chủ lấy cắp số tiền Đô La Mĩ, và chị không nhìn nhận. Nên tôi với chị Tâm chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 10-12-2003 và uỷ thác cho công ty HH Quốc tế Nghĩa Hâm đưa chị về nước”.

    - Bản tường trình của công ty môi giới lao động Đài Loan;

    - Văn bản số685/VPĐB-LĐ/2004 ngày 3-12-2004 của Văn phòng Kinh tế - văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

    Các tài liệu nêu trên có đủ cơ sở để Toà án đánh giá về lý do chấm dứt hợp đồng lao động. Toà án cấp sơ thẩm đã đánh giá các chứng cứ nêu trên và xác định hợp đồng lao động tại Đài Loan chấm dứt là do lỗi của bà Tâm. Cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm và giao cho Toà án cấp sơ thẩm tiến hành điều tra xác định lỗi của các bên khi chấm dứt hợp đồng lao động ở nước ngoài là không đúng.

    Cấp phúc thẩm cho rằng cần phải lấy lời khai của những người có liên quan tại Đài Loan, cũng là không cần thiết; bởi lẽ trong hồ sơ vụ án đã có bản tường trình của Công ty môi giới Đài Loan ngày 25-12-2003. Hơn nữa, những người có liên quan mà cấp phúc thẩm yêu cầu lấy lời khai, hiện tại đang cư trú, làm việc tại Đài Loan, yêu cầu này của Toà án cấp phúc thẩm là không thực tế.

    Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm và yêu cầu cấp sơ thẩm phải tiến hành lấy lời khai trực tiếp của bà Lê Thị Minh Tâm; và phải lấy lời khai 03 lần, là không có cơ sở pháp lý, vi phạm Điều 85, Điều 86 Bộ luật tố tụng dân sự. Bà Tâm đã uỷ quyền cho chồng của Bà là ông Nguyễn Văn Kính tham gia tố tụng; do đó việc có chứng minh được hay không, thuộc trách nhiệm của đương sự.

    Đối với các yêu cầu đòi bồi thường của bà Tâm: Toà án cấp sơ thẩm đã giải quyết trên cơ sở các chứng cứ hiện có trong hồ sơ vụ án. Toà án cấp phúc thẩm có thể đánh giá lại các chứng cứ đó để giải quyết các yêu cầu kháng cáo của đương sự theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể là:

    - Đối với khoản tiền vé máy bay:

    Điều 9 của hợp đồng lao động ký ngày 02-01-2003 quy định: “Chủ sử dụng lao động sẽ cung cấp miễn phí cho người giúp việc vé máy bay từ Việt Nam sang Trung Quốc và sau khi người giúp việc đã hoàn thành hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động, thì sẽ cấp vé trở về Việt Nam”

    Điều 11 của hợp đồng cũng quy định: Nếu hợp đồng lao động chấm dứt vì một trong các lý do nêu dưới đây, thì người giúp việc tự chịu trách nhiệm cho tất cả các chi phí cho việc trở về nước của họ:

    “1) Cố ý vi phạm pháp luật và các trật tự hợp lý;

    2) Có hành vi không đúng đắn, hành vi không đúng đắn đó ngăn cản sự hoàn thành nhiệm vụ một cách thích hợp và thuỷ chung của mình;

    3) Phạm tội lừa đảo hoặc không trung thực;

    4) Thường xuyên sao nhãng nhiệm vụ của mình;

    5) Không đủ sức khoẻ để làm việc tiếp theo xác nhận của một thầy thuốc hoặc có thai hoặc có một bệnh truyền nhiễm”.

    Tại khoản 1 Điều 5 của Hợp đồng cung ứng lao động ký ngày 01-01-2003 giữa Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Dương với Công ty môi giới Đài Loan đã quy định: “Đối với người giúp việc và khán hộ công: Vé máy bay khứ hồi sẽ do chủ sử dụng lao động chịu”.

    Với các nội dung của hợp đồng như nêu trên, đủ cơ sở để Toà án đánh giá và quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu đòi tiền vé máy bay của bà Tâm.

    - Đối với khoản 4 tháng lương:

    Nguyên đơn cho rằng từ tháng 8-2003 đến tháng 11-2003 chưa được nhận lương. Tại phiên toà sơ thẩm ngày 24-3-2005, nguyên đơn cho rằng vì chưa ký vào bảng lương thì tức là chưa nhận lương.

    Để giải quyết yêu cầu này, Toà án có thể căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ khác đã có trong hồ sơ vụ án, như: Bảng lương do bị đơn cung cấp, trong đó có chữ ký của bà Tâm; Biên bản lấy lời khai của nguyên đơn ngày 25-8-2004, trong đó nguyên đơn xác nhận việc nhờ tài khoản của ông Nguyễn Hữu Phán mở tại Ngân hàng công thương Hải Dương để nhận tiền gửi từ Đài Loan về Việt Nam; Biên bản lấy lời khai ngày 25-8-2004 nguyên đơn xác nhận là có nhận tiền 01 lần, khoảng 13 triệu đồng; chứng từ chuyển tiền ngày 22-7-2003, chuyển vào tài khoản của ông Phán số tiền là 899,33 USD = 31.320 Đài tệ; chứng từ chuyển tiền ngày 13-11-2003, chuyển vào tài khoản của ông Phán số tiền là 1000,44 USD = 34.400 Đài t��; Biên bản lấy lời khai của ông Nguyễn Hữu Phán ngày 24-8-2004, trong đó ông Phán xác nhận đã nhận tiền 02 lần: lần thứ nhất khoảng 
    tháng 6-2003, số tiền trên 10.000.000 triệu đồng (mười triệu đồng), ông Kính (chồng bà Tâm đã nhận); lần thứ hai vào khoảng tháng 11-2003, cũng đã giao khoản tiền này cho ông Kính; Biên bản xác minh tại Ngân hàng công thương Hải Dương ngày 25-8-2004, kết quả: trong tháng 11-2003 ông Phán nhận tiền 01 lần, với số tiền 976,64 USD = 15.261.000 đồng.

    Riêng khoản tiền lương 20 ngày của tháng 11-2003, phía bị đơn xác nhận là Công ty môi giới Đài Loan đã sử dụng để mua vé máy bay cho bà Tâm về nước.

    Những chứng cứ nêu trên đủ cơ sở để đánh giá bà Tâm đã nhận tiền lương tháng 8, 9, 10-2003 hay chưa.

    Về việc áp dụng pháp luật tố tụng: Đối với vụ án tranh chấp giữa bà Lê Thị Minh Tâm với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Dương, Toà án phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự để giải quyết. Toà án cấp 
    phúc thẩm áp dụng Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động là không đúng, vì phần thứ nhất (phần thủ tục giải quyết các vụ án lao động) của 
    Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động đã hết hiệu lực kể từ 
    ngày 01-01-2005.

    Vì các lẽ trên, căn cứ khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297, khoản 2 
    Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Chấp nhận kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, huỷ bản án phúc thẩm số140/PT-LĐ ngày 01-7-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án phúc thẩm:

    Quyết định của bản án phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để tiến hành điều tra lại, xác định lỗi của các bên khi chấm dứt hợp đồng lao động ở nước ngoài là không đúng.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:

    Thiếu sót trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 25/05/2013 03:03:18 CH
     
    4072 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận