Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự với Lê Đức May về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy"

Chủ đề   RSS   
  • #265618 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4353 lần


    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự với Lê Đức May về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy"

    Số hiệu

    08/2012/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự với Lê Đức May về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy"

    Ngày ban hành

    29/05/2012

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    Ngày 29-5-2012, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    Lê Đức May (còn có tên gọi khác là Đặng Cao Vinh, Lê Đức Mai) sinh năm 1972 tại huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (cũ); đăng ký hộ khẩu thường trú tại tiểu khu 10, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La; tạm trú tại xóm Mới, thôn Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội; văn hóa lớp 12/12; làm nghề lái xe; con ông Lê Đức Canh và bà Nguyễn Thị Nghị; có 01 tiền án: ngày 22-7-1997, bị Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xử phạt 07 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”; bị bắt giam ngày 08-8-2007.

    (Trong vụ án này còn có 28 bị cáo khác bị xử phạt về các tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, “Vận chuyển trái phép chất ma túy”, “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Nhận hối lộ”…, với mức hình phạt cao nhất là tử hình, thấp nhất là 22 tháng cải tạo không giam giữ).

    NHẬN THẤY:

    Theo kết luận của các Cơ quan tiến hành tố tụng thì Lê Đức May đã thực hiện các hành vi phạm tội như sau:

    1. Hành vi mua bán trái phép chất ma túy:

    Lê Đức May bị quy kết đã mua bán trái phép tổng số 21 bánh hêrôin, trong đó với Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Văn In là 03 bánh hêrôin; với Bùi Thị Bích Phượng là 18 bánh hêrôin, cụ thể như sau:

    a. Hành vi mua bán 03 bánh hêrôin của Lê Đức May với Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Văn In.

    Sáng ngày 22-01-2003, tại địa bàn huyện Cao Phong, Công an tỉnh Hòa Bình bắt quả tang Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Văn In đang vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ của Hà và In 03 bánh hêrôin (có trọng lượng 1.043,44 gam). Hà và In khai nhận đã mua hêrôin của một người tên May ở tiểu khu 10, thị trấn Mộc Châu, Sơn La. Căn cứ vào lời khai của Hà và In, Cơ quan điều tra đã điều tra vụ án và xác định:

    Khoảng tháng 10 năm 2002, Nguyễn Văn Hà vào Trại giam Thanh Phong (Thanh Hóa) thăm bố đẻ đang cải tạo thì tình cờ gặp một người xưng tên là May. May cho Hà biết địa chỉ nhà May ở tiểu khu 10, thị trấn Mộc Châu, Sơn La.

    Ngày 21-01-2003, Nguyễn Văn Hà cùng Nguyễn Văn In mang theo 176 triệu đồng lên Sơn La gặp Lê Đức May để mua hêrôin. May nói giá hêrôin là 60 triệu đồng/bánh. Hà và In đưa cho May số tiền trên. May nhận tiền và đi mua được 03 bánh hêrôin về giao cho Hà và In. Khi mang hêrôin về đến huyện Cao Phong thì Hà và In bị Cảnh sát giao thông tỉnh Hòa Bình kiểm tra, bắt giữ.

    Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố bị can đối với Lê Đức May. Do Lê Đức May không có mặt tại địa phương nên đã bị Công an tỉnh Hòa Bình ra lệnh truy nã số 12 vào ngày 27-8-2004. Ngày 08-8-2007, Lê Đức May bị Cơ quan điều tra Bộ công an bắt giữ.

    Lê Đức May không nhận đã bán hêrôin cho Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Văn In mà cho rằng anh trai May (là Lê Quang Đạo) đã sử dụng Giấy chứng minh nhân dân và Giấy phép lái xe của May để thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

    Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Văn In đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình xét xử tại bản án hình sự sơ thẩm số 19/2005/HSST ngày 15-3-2005.

    b. Hành vi mua bán 18 bánh hêrôin của Lê Đức May với Bùi Thị Bích Phượng.

    Bùi Thị Bích Phượng, Nguyễn Thanh Bình (là chồng Phượng) bị xử phạt tù chung thân vì đã có hành vi mua bán trái phép chất 18 bánh hêrôin với Trần Thị Vân (cũng bị xử phạt tù chung thân trong vụ án này).

    Quá trình điều tra vụ án, Bùi Thị Bích Phượng khai là khoảng thời gian giữa năm 2005 đã có 3 lần mua hêrôin của Lê Đức May, tổng số 18 bánh hêrôin, rồi bán lại cho Trần Thị Vân, cụ thể là:

    Lần 1: Tại nhà Bùi Thị Bích Phượng ở 126 Đại La, Hà Nội, Lê Đức May bán cho Phượng 12 bánh hêrôin với giá 9.600 USD. Phượng mang hêrôin lên Thái Nguyên bán cho Trần Thị Vân (là bị cáo trong cùng vụ án) với giá 5.500 USD/bánh.

    Lần 2: Lê Đức May hẹn gặp Bùi Thị Bích Phượng tại ngã 3 phố Vọng, Hà Nội để nhận hêrôin. Tại đây, May bán cho Phượng 06 bánh hêrôin với giá 4.600 USD/bánh. Hai ngày sau, Phượng mang hêrôin lên Thái Nguyên bán lại cho Trần Thị Vân với giá 5.000 USD/bánh.

    Lần 3: Khoảng mấy ngày sau lần thứ 2, Bùi Thị Bích Phượng gọi điện thoại cho Lê Đức May, hỏi mua hêrôin. May đến nhà Phượng ở 126 Đại La, Hà Nội; bán cho Phượng 10 bánh hêrôin. Lúc đó, Phượng đi vắng, chỉ có Bùi Thị Minh Lệ (là em họ của Phượng, đang trốn truy nã tại nhà Phượng). Lệ gọi điện cho Phượng về nhận hêrôin. Hôm sau, Phượng mang số hêrôin lên Thái Nguyên bán cho Trần Thị Vân, Vân trả trước cho Phượng 30.000 USD và 270 triệu đồng.

    2. Hành vi làm giả tài liệu, con dấu của Cơ quan, tổ chức:

    Ngày 26-8-2004, Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố bị can đối với Lê Đức May về tội “Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy”. Ngày 27-8-2004, May bị truy nã do không có mặt tại địa phương. Trong thời gian trốn truy nã, May đến nhà anh họ là Đặng Cao Vinh ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai lấy trộm Giấy chứng minh nhân dân của anh Vinh, sau đó dán ảnh của May vào để sử dụng. Trong năm 2004 và năm 2005, May đã sử dụng Giấy chứng minh nhân dân giả này để được cấp Bằng lái xe mô tô, ô tô và đăng ký tạm trú ở phố Trần Quy Cáp, Hà Nội.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 08/2010/HSST ngày 26-3-2010, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên áp dụng điểm b khoản 4 Điều 194; khoản 1 Điều 267; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 50 Bộ luật hình sự, xử phạt Lê Đức May tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, 02 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là tử hình.

    Ngày 29-3-2010, Lê Đức May kháng cáo kêu oan về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

    Tại bản án phúc thẩm số 384/2010/HSPT ngày 30-7-2010, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với Lê Đức May.

    Tại Quyết định kháng nghị số30/2011/HS-TK ngày 22-12-2011, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 384/2010/HSPT ngày 30-7-2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm số 08/2010/HSST ngày 26-3-2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên về phần trách nhiệm hình sự về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, quyết định tổng hợp hình phạt, án phí hình sự phúc thẩm đối với Lê Đức May để điều tra lại.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí Quyết định khánh nghị của Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Trong suốt quá trình điều tra và xét xử vụ án, Lê Đức May kêu oan về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, với lý do:

    Lê Đức May không quen biết, không mua bán ma túy với Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Văn In. Ngày 21-01-2003 (là ngày các Cơ quan tiến hành tố tụng quy kết Lê Đức May mua bán ma túy với Hà và In tại nhà May ở tỉnh Sơn La) thì bị cáo không ở tỉnh Sơn La mà đang viếng đám tang ông Đặng Đình Đạt (là bác rể) ở tỉnh Lào Cai.

    Lê Đức May nhận có quen biết vợ chồng Bùi Thị Bích Phượng và Nguyễn Thanh Bình nhưng không mua bán ma túy với Phượng; người bán hêrôin cho Phượng là Lê Quang Đạo (anh trai May, đã chết năm 2007).

    Sau khi xem xét toàn bộ các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, xét thấy:

    I. Về hành vi mua bán trái phép 03 bánh hêrôin của Lê Đức May với Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Văn In vào đêm 21-01-2003.

    1. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm quy kết Lê Đức May đã thực hiện hành vi mua bán trái phép 03 bánh hêrôin với Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Văn In dựa vào chứng cứ buộc tội duy nhất là lời khai của Hà và In.

    Tuy nhiên, lời khai của Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Văn In về việc quen biết Lê Đức May, đến nhà May mua hêrôin còn có nhiều điểm mâu thuẫn, cụ thể là:

    - Theo lời khai của Nguyễn Văn Hà thì trước khi mua bán ma túy với Lê Đức May, Hà chỉ gặp May duy nhất một lần, có lúc Hà khai là gặp May tại Trại giam Thanh Phong khi đi thăm bố đẻ đang thi hành án phạt tù, có lúc lại khai gặp May tại Trại 5 - Thanh Hóa (hai Trại giam này khác nhau).

    - Hà và In khai có ngủ lại nhà May đêm 21-01-2003, nhưng lại mô tả và vẽ sơ đồ nhà May có đặc điểm khác nhau: Hà khai là khi vào nhà May có thấy kê một bàn uống nước bằng gỗ, còn In lại khai là khi vào nhà May không thấy kê đồ đạc gì, chỉ để xe. Tại sơ đồ nhà do Nguyễn Văn In vẽ thì nhà May có sân, còn sơ đồ nhà May do Nguyễn Văn Hà vẽ thì nhà May không có sân.

    - Trong quá trình điều tra vụ án, Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Văn In khai là khi đến nhà Lê Đức May mua ma túy thì chỉ có một mình May ở nhà nhưng đến phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm thì Hà lại khai khi đến nhà May thấy có một cháu bé khoảng 5 tuổi gọi May là bố. Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì Lê Đức May chưa lấy vợ và chưa có con.

    - Theo lời khai của Nguyễn Văn In thì khi đến nhà May, trong nhà có đèn điện chiếu sáng nên nhìn rất rõ khuôn mặt của Lê Đức May nhưng khi cho Hà và In nhận dạng người đã bán hêrôin qua ảnh (trong đó có ảnh của Lê Đức May) thì cả Hà và In đều không nhận được.

    - Tại phiên tòa, khi Luật sư bào chữa cho Lê Đức May yêu cầu Nguyễn Văn Hà nhận dạng người bán ma túy qua bản ảnh (trong đó có cả ảnh Lê Đức May và Lê Quang Đạo) thì Hà lại xác định người bán ma túy là Lê Quang Đạo (anh trai May, đã chết).

    2. Trong quá trình điểu tra vụ án và tại phiên tòa, Lê Đức May và gia đình bị cáo đưa ra các lý do chứng minh ngoại phạm là:

    - Vào ngày được xác định xảy ra vụ án (đêm 21-01-2003), bị cáo cùng bố đẻ là ông Lê Đức Canh đang ở tỉnh Lào Cai, viếng đám tang ông Đặng Đình Đạt (là bác rể) nên không thể thực hiện hành vi phạm tội tại nhà May ở Sơn La (hai địa điểm cách nhau khoảng 500 km), người bán ma túy cho Hà và In là Lê Quang Đạo (anh trai bị cáo).

    - Trong quá trình xét xử sơ thẩm, trước khi xét xử phúc thẩm. Luật sư và gia đình bị cáo đã xuất trình một số tài liệu chứng minh:

    + Tài liệu chứng minh thời điểm ông Đạt chết gồm: Bản sao giấy chứng tử của ông Đặng Đình Đạt đề ngày ông Đạt chết là ngày 20-01-2003, Giấy xác nhận của anh Đặng Cao Nam (con ông Đạt) là ông Đặng Đình Đạt chết vào ngày 20-01-2003, 01 ảnh chụp mộ ông Đặng Đình Đạt, trên bia mộ có ghi ông Đạt chết ngày 18-12-2002 (Âm lịch) tức ngày 20-01-2003 (dương lịch). Ngoài ra, còn có xác nhận của ông Bùi Thanh Sơn sinh năm 1930, ông Nguyễn Hồng Thái sinh năm 1954, đều trú tại thị trấn Phố Lu, Bảo Thắng, Lào Cai có giấy xác nhận đề ngày 19-7-2010, với nội dung: ông Đạt chết trước Tết nguyên đán 2003 (không phải ngày 02-02-2003).

    - Tài liệu chứng minh về sự có mặt của Lê Đức May tại đám tang ông Đạt gồm:

    Giấy xác nhận đề ngày 05-4-2008 của bà Trương Thị Nhạc (vợ ông Đạt) với nội dung Lê Đức May cùng ông Lê Đức Canh (bố đẻ của May) có đến dự đám tang của ông Đạt từ ngày 20 đến ngày 25-01-2003 (có 03 người ký tên xác nhận là Đỗ Khắc Nghiệp và Nguyễn Thị Hiền và Nguyễn Quang Trung và xác nhận của Công an thị trấn Phố Lu ngày 11-4-2008).

    Biên bản làm việc ngày 19-7-2010 tại nhà bà Trương Thị Nhạc (ở khu phố 4, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) giữa các Luật sư với bà Nhạc và bà Phạm Thị Sèng (là hàng xóm với gia đình bà Nhạc), bà Sèng xác nhận: vì giúp bà Nhạc lo một số việc tang gia nên biết rõ ông Đạt mất ngày 18-12-2002 (âm lịch) tức ngày 21-01-2003 (dương lịch); bà Sèng có chứng kiến ông Canh cùng một người con trai lên viếng đám tang ông Đạt và ở lại chơi mấy ngày; sau một thời gian bà Nhạc nhờ bà Sèng viết đơn trình báo với Ủy ban nhân dân thị trấn Phố Lu và làm khai tử cho ông Đạt sau Tết nguyên đán.

    - Tài liệu chứng minh người bán ma túy cho ông Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Văn In có thể là Lê Quang Đạo gồm: Đơn xác nhận đề ngày 23-7-2010 của anh Nguyễn Khắc Hường sinh năm 1968; trú tại phường Bắc Sơn, thị trấn Bỉm Sơn, Thanh Hóa (là người quen của Lê Quang Đạo), với nội dung: Lê Quang Đạo có quen anh Hường. Vào cuối năm 2002, Đạo có đến nhà anh Hường chơi và nhờ chở đến Trại giam Thanh Phong (Thanh Hóa). Anh Hường chở Đạo đến thị trấn Cẩm Thủy thì Đạo nói sẽ tự đi tiếp, còn anh Hường quay về. Ngoài ra, anh Hường còn cung cấp 01 bức ảnh chụp chung với Lê Quang Đạo.

    - Kết quả điều tra, xác minh của Cơ quan điều tra về các vấn đề nêu trên:

    + Về bản sao Giấy chứng tử đề ngày ông Đạt chết ngày 20-01-2003: theo bản “Báo cáo sự việc” của ông Nguyễn Bá Thu (cán bộ Ủy ban nhân dân thị trấn Phố Lu, đã nghỉ hưu) viết ngày 15-3-2010 thì năm 2008, bà Trương Thị Nhạc (vợ ông Đạt) gặp ông Thu nhờ xin hộ 01 bản sao Giấy chứng tử của ông Đạt để làm chế độ. Ông Thu đã viết nội dung bản sao theo yêu cầu của bà Trương Thị Nhạc, không căn cứ vào sổ gốc do Ủy ban quản lý (lúc đó ông Thu không có thẩm quyền sao và cũng không nhớ ngày ông Đạt chết), rồi nhờ ông Nguyễn Bá Nam (em trai ông Thu - là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Phố Lu) ký tên, đóng dấu vào bản sao Giấy chứng tử.

    Tại Sổ đăng ký khai tử của Ủy ban nhân dân thị trấn Phố Lu lưu giữ có ghi ông Đặng Đình Đạt chết vào hồi 17 giờ ngày 02-02-2003.

    Tại Biên bản xác minh lập hồi 15 giờ 30 phút ngày 15-3-2010, Ủy ban nhân dân thị trấn Phố Lu xác định: ông Đặng Đình Đạt chết hồi 17 giờ ngày 02-02-2003 là đúng; bản sao Giấy chứng tử do ông Nguyễn Bá Nam ký ngày 21-5-2008 ghi ông Đạt chết hồi 17 giờ ngày 20-01-2003 là không đúng sự thật.

    + Về Giấy xác nhận của bà Trương Thị Nhạc về việc Lê Đức May có mặt tại đám tang ông Đặng Đình Đạt.

    Bà Nhạc có tường trình với nội dung: thực tế trong đám tang ông Đạt bà không thấy Lê Đức May. Việc bà có đơn xác nhận là do tháng 4-2008 cháu ngoại ông Canh đến gặp bà và nói là Lê Đức May đánh nhau bị Công an bắt, nhờ bà xác nhận việc May có mặt tại đám tang ông Đạt thì mới được thả. Bà Nhạc bảo cháu ông Canh làm giấy và nhờ Công an xác nhận rồi nhờ anh Nghiệp, chị Hiền và ông Trung (là hàng xóm với bà Nhạc) ký xác nhận chèn vào trang 1.

    - Anh Nghiệp, chị Hiền và ông Trung có tường trình, với nội dung: do nể bà Nhạc là hàng xóm nên đã ký xác nhận.

    Tuy nhiên, còn một số vấn đề liên quan đến dấu hiệu ngoại phạm của bị cáo vẫn chưa được điều tra, làm rõ, cụ thể:

    + Cơ quan điều tra chưa thu thập được Giấy chứng tử gốc của ông Đặng Đình Đạt.

    + Chưa lấy lời khai của những người trong gia đình bà Nhạc, những người hàng xóm sống gần nhà bà Nhạc và những người liên quan để có căn cứ xác định ngày mất của ông Đạt và việc May có mặt hay không có mặt tại đám tang ông Đạt.

    + Bà Trương Thị Nhạc là người làm chứng quan trọng trong việc xác định ngày mất của ông Đạt và sự có mặt của Lê Đức May tại đám tang. Mặc dù lời khai của bà Nhạc về các vấn đề nêu trên không rõ ràng, nhưng chưa được xem xét lại một cách chính xác.

    + Tấm ảnh bia mộ ghi ngày mất của ông Đặng Đình Đạt do gia đình bị cáo xuất trình còn có nhiều điểm mâu thuẫn về ngày âm lịch và ngày dương lịch, nhưng cũng chưa được điều tra,làm rõ.

    + Bà Phạm Thị Sèng, ông Bùi Thanh Sơn, ông Phạm Hồng Thái, anh Nguyễn Khắc Hường là những người đã có xác nhận các chứng cứ chứng minh ngoại phạm của Lê Đức May (trước khi xét xử phúc thẩm) đều có địa chỉ cụ thể, nội dung xác nhận có liên quan đến việc kết luận bị cáo phạm tội hay không nhưng chưa được lấy lời khai.

    II. Về hành vi mua bán trái phép 18 bánh hêrôin với Bùi Thị Bích Phượng.

    Các Cơ quan tiến hành tố tụng quy kết Lê Đức May đã mua bán 18 bánh hêrôin với Bùi Thị Bích Phượng là căn cứ vào đơn tố cáo và các lời khai của Phượng trong quá trình điều tra vụ án, lời khai của Nguyễn Thanh Bình (chồng Phượng) và Bùi Thị Minh Lệ (là em họ Phượng). Tuy nhiên, những lời khai của các bị cáo Phượng, Bình và người làm chứng Bùi Thị Minh Lệ còn có nhiều điểm mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn trong chính lời khai của từng người, cụ thể là:

    - Về lời khai của Bùi Thị Bích Phượng:

    Trong quá trình điều tra vụ án, Bùi Thị Bích Phượng khai đã 3 lần mua hêrôin của Lê Đức May. Tuy nhiên, lời khai của Phượng còn có nhiều điểm điểm mâu thuẫn, cụ thể là:

    + Về thời điểm mua bán hêrôin: có lúc Phượng khai vào khoảng tháng 5-2005, có lúc khai tháng 8-2005.

    + Về số lượng: có lúc Phượng khai 3 lần mua tổng số 07 bánh hêrôin, có lúc lại khai đã mua 18 bánh.

    + Về người đã bán hêrôin cho Phượng: trong suốt quá trình điều tra vụ án, Phượng đều khai mua hêrôin của Lê Đức May nhưng đến phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm Phượng lại thay đổi lời khai là người bán hêrôin cho Phượng là Lê Quang Đạo (anh trai May) chứ không phải là May; sở dĩ Phượng khai người bán hêrôin là May bởi vì không nhớ tên Đạo; việc Phượng làm đơn tố cáo May là do hướng dẫn của cán bộ điều tra.

    + Phượng khai tất cả các lần mua bán ma túy đều có sự tham gia của Nguyễn Thanh Bình (chồng Phượng), nhưng có lúc lại khai là việc mua bán hêrôin chỉ có một mình Phượng biết.

    - Về các lời khai của Bùi Thị Minh Lệ:

    Trong quá trình điều tra vụ án, Bùi Thị Minh Lệ đều xác định Nguyễn Thanh Bình là người trực tiếp giao dịch, mua bán hêrôin với May; chỉ duy nhất có 01 lời khai Lệ xác định là “… vợ chồng Phượng - Bình mua bán ma túy với May”; tại phiên tòa sơ thẩm, Lệ xác định chỉ có Bình mua bán ma túy với May, còn Phượng không tham gia; trong khi các Cơ quan tiến hành tố tụng xác định Phượng là người trực tiếp mua bán hêrôin với May, còn Bình chỉ tham gia phạm tội với vai trò giúp sức.

    + Về thời gian trốn truy nã tại nhà Bùi Thị Bích Phượng, Bùi Thị Minh Lệ khai cũng khác nhau: có lúc Lệ khai thời gian ở nhà Phượng vào tháng 7-2005, có lúc lại khai vào tháng 9, tháng 10-2005, trong khi Lê Đức May bị các Cơ quan tiến hành tố tụng quy kết đã bán ma túy cho Phượng vào tháng 8-2005.

    + Quá trình điều tra, có lúc Bùi Thị Minh Lệ khai là đã trực tiếp chứng kiến việc mua bán hêrôin giữa Nguyễn Thanh Bình và Lê Đức May, có lúc lại khai là chỉ nhìn thấy May đi cùng một người khác mang hêrôin đến và sau này có nghe Bình trao đổi với May là một lần May giao 07 bánh hêrôin, một lần giao 30 bánh hêrôin cho Bình. Tại phiên tòa sơ thẩm thì Lệ lại khai là chỉ một lần thấy May mang 01 thùng cát-tông đến nhà Bình, nhưng Lệ không trực tiếp nhìn thấy ma túy.

    Ngoài việc mâu thuẫn trong lời khai của từng người như đã nêu trên, lời khai của Phượng, Bình, Lệ còn thể hiện nhiều điểm mâu thuẫn với nhau, cụ thể là:

    + Lệ và Phượng khai là trong thời gian trốn truy nã, Lệ ở cùng vợ chồng Bình - Phượng ở 126 Đại La, Hà Nội; trong khi Nguyễn Thanh Bình lại xác định từ khi trốn truy nã, Lệ chỉ ở duy nhất tại nhà ở Cầu Giấy.

    + Theo lời khai của Phượng và Bình thì những lần đến nhà Phượng ở 126 phố Đại La, Hà Nội, Lê Đức May đi bằng xe ô tô 04 chỗ màu đen, còn Lệ lại khai là May đi xe ô tô màu trắng.

    Đây là 1 vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng; bị cáo bị xử phạt với mức hình phạt cao nhất và trong quá trình giải quyết vụ án đều kêu oan về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”; vì thế việc điều tra, xác định lại các vấn đề nêu trên là cần thiết.

    Đối với tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, Lê Đức May khai nhận tội, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đối với bị cáo không bị kháng cáo, kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 384/2010/HSPT ngày 30-7-2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 08/2010/HSST ngày 26-3-2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên về phần trách nhiệm hình sự về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, quyết định tổng hợp hình phạt, quyết định xử lý vật chứng, án phí hình sự phúc thẩm đối với Lê Đức May; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.

    2. Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm và bản án hình sự phúc thẩm nêu trên tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 30/05/2013 02:10:48 CH Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 30/05/2013 02:09:54 CH Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 30/05/2013 02:07:24 CH
     
    14343 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận