Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Trương Văn Kiệt phạm tội "Tham ô tài sản"

Chủ đề   RSS   
  • #265166 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Trương Văn Kiệt phạm tội "Tham ô tài sản"

    Số hiệu

    13/2007/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Trương Văn Kiệt phạm tội "Tham ô tài sản"

    Ngày ban hành

    04/06/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    ……..

    Ngày 04  tháng 6 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    Trương Văn Kiệt sinh năm 1969; trú tại ấp Phước Thành, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu; con ông Trương Thành Hưng (đã chết) và bà Nguyễn Thị Thoại; có vợ và có 01 con.

    Nguyên đơn dân sự: Công ty Điện báo-Điện thoại Bưu điện tỉnh Bạc Liêu

    NHẬN THẤY:

    Trong thời gian từ ngày 07-02-2003 đến ngày 20-3-2003 Trương Văn Kiệt với cương vị là Trưởng đài viễn thông huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình được giao để thực hiện hành vi gian dối làm hồ sơ quyết toán khống ở hai công trình di dời cột bê tông tuyến Phó Sinh-Vàm Đình và tuyến Phó Sinh-Phước Tường chiếm đoạt tài sản của Nhà nước với số tiền là 16.400.000 đồng; cụ thể như sau:

    Ngày 07-02-2003, Trương Văn Kiệt lập tờ trình gửi Công ty Điện báo-Điện thoại thuộc Bưu điện tỉnh Bạc Liêu xin di dời cột bê tông tuyến Phó Sinh-Vàm Đình. Ngày 25-02-2003 được phê duyệt. Ngày 16-3-2003, Kiệt làm hợp đồng thuê di dời  cột bê tông với Nguyễn Thanh Liêm; trong hợp đồng ghi rõ thuê di dời 61 trụ điện thoại tuyến Phó Sinh-Vàm Đình với giá trọn gói là 8.600.000 đồng. Tuy nhiên trong quá trình thi công, Trương Văn Kiệt thuê anh Nguyễn Thanh Liêm và anh Nguyễn Văn Thuận thi công công trình chỉ với số tiền là 5.200.000 đồng. Ngày 28-3-2003 công trình thi công xong, Kiệt đã làm giả bản thanh lý hợp đồng với nội dung giao đủ số tiền 8.600.000 đồng cho anh Liêm. Ngày 04-4-2003 Kiệt đã nhận đủ 8.600.000 đồng, thanh toán cho anh Liêm và anh Thuận 5.200.000 đồng, còn 3.400.000 đồng Kiệt tiêu xài cá nhân.

    Ngày 25-02-2003, Kiệt lập tờ trình xin di dời cột và cáp tuyến Phó Sinh-Phước Tường. Sau khi được phê duyệt, Kiệt làm hợp đồng thuê anh Nguyễn Văn Thuận di dời 98 cột bê tông với giá 17.000.000 đồng. Tuy nhiên Kiệt chỉ thuê anh Thuận thi công với giá 4.000.000 đồng (anh Thuận có 02 biên nhận tiền với mỗi lần là 2.000.000 đồng). Ngày 20-3-2003 Kiệt làm bản kê thanh toán và đã được công ty Điện báo-Điện thoại tỉnh Bạc Liêu thanh toán số tiền 17.000.000 đồng. Như vậy số tiền chênh lệch 13.000.000 đồng Kiệt tiêu xài cá nhân.

    Trong quá trình điều tra Kiệt đã nộp 15.760.000 đồng cho Công ty Điện báo-Điện thoại Bưu điện tỉnh Bạc Liêu (tại phiếu thu ngày 21-7-2005).

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 33/2006/HSST ngày 31-3-2006, Toà án nhân dân tỉnh Bạc Liêu áp dụng điểm c khoản 2, khoản 5 Điều 278; điểm i khoản 1 Điều 48; các điểm b, p và s khoản 1 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự; xử phạt Trương Văn Kiệt 04 năm tù về tội “tham ô tài sản”.

    Ngày 12-4-2006 Trương Văn Kiệt kháng cáo kêu oan với lý do bị cáo đã thực chi cả hai công trình tổng cộng 25.600.327 đồng, cả hai công trình thực hiện xong, giám đốc công ty đã thừa nhận trước tòa sơ thẩm không gây thiệt hại tiền bạc. Đồng thời bị cáo đã thực hiện xong việc bồi thường cho Công ty Điện báo-Điện thoại Bưu điện tỉnh Bạc Liêu nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn buộc tội bị cáo và buộc bị cáo phải bồi thường tiếp 16.400.000 đồng là không đúng. 

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 900/2006/HSPT ngày 28-6-2006, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã xử vắng mặt bị cáo và áp dụng điểm c khoản 2 Điều 278; các điểm b, p và s khoản 1 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự; xử phạt Trương Văn Kiệt 04 năm tù về tội “tham ô tài sản”.

    Tại Quyết định kháng nghị số09/2007/HS-TK ngày 11-4-2007, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    1. Về thủ tục tố tụng.

    Sau khi xét xử sơ thẩm Trương Văn Kiệt kháng cáo có nội dung kêu oan về hành vi phạm tội của bị cáo. Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án chưa có căn cứ để kết luận Tòa án cấp phúc thẩm đã gửi giấy triệu tập bị cáo và bị cáo đã nhận được giấy triệu tập phiên tòa. Khi xét xử Tòa án cấp phúc thẩm cũng không làm rõ việc bị cáo vắng mặt tại phiên tòa là có lý do chính đáng hay không có lý do chính đáng là có thiếu sót. Tuy nhiên tại đơn khiếu nại giám đốc thẩm đề ngày 16-12-2006 bản thân bị cáo thừa nhận "...Tòa án cấp phúc thẩm đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và không có mặt tôi dù tôi đã có đơn xin hoãn phiên tòa lần 1, lần 2 có lý do chính đáng vì lý do bệnh nặng có giấy chứng nhận của bác sĩ..." thì có thể khẳng định bị cáo đã nhận được giấy triệu tập phiên tòa vì lý do ốm nên đã làm đơn xin hoãn phiên tòa. Việc Tòa án cấp phúc thẩm xét xử vắng mặt bị cáo khi bị cáo có đơn kháng cáo kêu oan là có thiếu sót như phân tích ở trên nhưng không phải là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được quy định tại khoản 2 Điều 245 Bộ luật tố tụng hình sự.

    2. Về nội dung vụ án

    Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án có căn cứ kết luận Trương Văn Kiệt đã hai lần quyết toán không đúng thực tế quyết toán vượt 16.400.000 đồng, nhưng không chứng minh được đã dùng vào những việc gì hợp pháp cho nên Tòa án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm áp dụng điểm c khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự (phạm tội nhiều lần) kết án bị cáo về tội "tham ô tài sản" là đúng. Tuy nhiên về áp dụng pháp luật Tòa án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm có những sai lầm sau đây:

    a. Đối với Tòa án cấp sơ thẩm.

    Việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm s (người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, công tác) khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo là không có căn cứ, vì theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án không thể hiện bị cáo là người "được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế, phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua..." (hướng  dẫn tại Nghị quyết số01/2000/NQ-HĐTP ngày 04-8-2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Trương Văn Kiệt đã bị kết án về tội "tham ô tài sản" nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại áp dụng thêm tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm i (xâm phạm tài sản của Nhà nước) khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự đối với bị cáo là không đúng pháp luật. Số tiền 16.400.000 đồng bị cáo chiếm đoạt đã khắc phục được 15.760.000 đồng từ giai đoạn điều tra, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại buộc bị cáo phải bồi thường 16.400.000 đồng cho Công ty Điện báo-Điện thoại Bưu điện tỉnh Bạc Liêu mà không trừ khoản tiền mà bị cáo đã bồi thường được là gây thiệt hại cho bị cáo.

    b. Đối với Tòa án cấp phúc thẩm.

    Tuy không áp dụng tình tiết tăng nặng "xâm phạm tài sản của Nhà nước" quy định tại điểm i khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự đối với bị cáo nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại không  nhận định gì về việc bỏ tình tiết tăng nặng này là có thiếu sót. Tại phiên tòa không có chứng cứ gì mới nhưng Tòa án cấp phúc thẩm vẫn áp dụng các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm s khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo như đã phân tích ở trên là không đúng. Mặt khác bị cáo có kháng cáo về khoản bồi thường thiệt hại, nhưng khi xét xử  Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét về nội dung kháng cáo này mà lại cho rằng các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật là không đúng.

    Bị cáo chiếm đoạt số tiền không lớn và đã được khắc phục từ giai đoạn điều tra, ngoài ra bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội có tính chất cơ hội nên việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều xử phạt bị cáo 04 năm tù là quá nghiêm khắc. Việc đánh giá chính xác các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự kết hợp với thái độ khai báo của bị cáo ở tại phiên tòa để có mức hình phạt thỏa đáng đối với bị cáo. Bị cáo kháng cáo kêu oan nên việc xét xử phúc thẩm lại có mặt bị cáo là cần thiết.

    Vì các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 285, Điều 287 và Điều 289 Bộ luật tố tụng hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 900/2006/HSPT ngày 28-6-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm bị hủy:

    Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng không đúng tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, xử phạt bị cáo quá nghiêm khắc.

     

     
    4963 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận