Số hiệu
|
38/2008/DS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu tài sản (nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất)"
|
Ngày ban hành
|
28/11/2008
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Dân sự
|
……..
Ngày 28 tháng 11 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về quyền sở hữu tài sản (nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất) giữa:
Nguyên đơn: Bà Lê Thị Chín sinh năm 1953; trú tại số 16/2A, khu phố 2, phường Phú Nhuận, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh. Bà Chín ủy quyền cho anh Nguyễn Thanh Bằng sinh năm 1973; trú tại số 98 Chiến Thắng, phường 9, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.
Bị đơn: Bà Trần Thị Hoằng sinh năm 1953; trú tại số 10/!A, khu phố 2, Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Nhuận, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Chị Phạm Thị Bích Loan sinh năm 1978;
2. Anh Phạm Thanh Phương sinh năm 1983;
3. Chị Phạm Thị Bích Nga sinh năm 1982;
Anh Phương bà các chị Loan, Nga cùng trú tại số 10/1A. khu phố 2, Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Nhuận, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh (chị Loan, anh Phương, chị Nga ủy quyền cho bà Trần Thị Hằng).
4. Anh Phạm Minh Thanh sinh năm 1986; trú tại 10/1A. khu phố 2, Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Nhuận, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.
5. Ông Nguyễn Tài Lũy sinh năm 1939; trú tại số 586/90A Trần Hưng Đạo, phường 2, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.
6. Ông Trần Hữu Hạnh sinh năm 1959; trú tại số 158/25 Huỳnh Mẫn Đạt, phường 3, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.
7. Bà Phạm Thị Nhung sinh năm 1958; trú tại 12/1A. khu phố 1, phường Phú Nhuận, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.
8. Bà Phạm Thị Năm sinh năm 1958;
9. Bà Phạm Thị Sâm sinh năm 1956;
Bà Năm và Bà Sâm cùng trú tại số 16/2A khu phố 2, Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Nhuận, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.
NHẬN THẤY:
Theo đơn khởi kiện và lời trình bày của nguyên đơn (bà Lê Thị Chín) trong quá trình giải quyết vụ án thì:
Bà Chín và ông Phạm Văn Thiết có 05 người con gồm: Phạm Văn Sa, Phạm Văn Sâm, Phạm Thị Nhung, Phạm Thị Năm, Phạm Văn Thân (hy sinh năm 1985). Năm 1962 do chính sách dồn dân lập ấp chiến lược, gia đình bà Chín và ông Thiết được cấp một nền gò nhà tại số 16/2 ấp 1, xã Phú Mỹ, huyện Nhà Bè (nay là số nhà 10/1A, khu phố 2, Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Nhuận, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) có khuôn viên ngang 24,5m, dài khoảng 30m. Bà Chín và ông Thiết đã tạo dựng một căn nhà mái tole, cột gỗ, nền đất có diện tích 32m2 trên nền gò 312m2, xung quanh còn lại là ao vũng. Năm 1963 ông Thiết chết, bà Chín cùng các con tiếp tục sử dụng nhà đất trên. Năm 1977 bà Chín có đăng ký kê khai nhà đất, năm 1984 kê khai theo chỉ thị 299/TTg và đến năm 1999 tiếp tục đăng ký theo chỉ thị chung.
Năm 1978 ông Phạm Văn Sa lấy bà Trần Thị Hoằng và sống chung tại nhà 16/2. Sau khi lấy bà Hoằng, ông Sa gây sự để đuổi bà Chín và các em của anh Sa ra khỏi nhà. Năm 1992 bà Chín và các con dọn ra ở riêng trên nền gò của ông Huỳnh Văn Trước và bà Thấy. Khi các con bà Chín có gia đình thì lần lượt chuyển đi chỗ khác.
Năm 1998 ông Phạm Văn Sa chết, bà Chín có yêu cầu bà Hoằng chia lại một phần đất để dưỡng già nhưng bà Hoằng không đồng ý, nên xảy ra tranh chấp. Sự việc được Ủy ban nhân dân quận 7 giải quyết, nhưng không thành.
Bà Chín yêu cầu bà Hoằng phải trả lại toàn bộ nhà, đất cho bà Chín và bà Chín sẽ bồi hoàn lại công sức bồi đắt cho bà Hoằng; bà Chín cũng sẽ để lại phần đất ngang 07, dài hết lô đất có vị trí tiếp giáp với Văn phòng khu phố 2, phường Phú Nhuận cho bà Hoằng sử dụng.
Bị đơn (bà Trần Thị Hoằng) trình bày: Ông Phạm Văn Thiết và bà Lê Thị Chín là cha, mẹ chồng của bà. Năm 1975 bà lập gia đình với ông Phạm Văn Sa và về chúng sống tại số nhà 16/2, xã Phú Mỹ, huyện Nhà Bè (nay là số 10/1A, khu phố 2, Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Nhuận, quận 7). Khi bà về ở thì chỉ có một mình ông Sa cư ngụ tại đây; nhà có diện tích 4m x 7m với cấu trúc mái tole, vách gỗ, cột gỗ, nền đất, xung quanh nhà là ao vũng. Nhà này do ông Thiết và bà Chín tự cất năm 1962 rồi cùng các con ở. Sau khi ông Thiết chết, đến năm 1965 bà Chín đi lấy chồng và ở chỗ khác.
Tháng 8-1998 ông Sa chết, bà đã nhập số nhà 16/2 và số 10/1 (số nhà theo hộ khẩu cũ bà Hoằng) thành số nhà 10/1A khu phố 2, phường Phú Nhuận, quận 7 (khi tách quận), không còn sử dụng số nhà 16/2 nữa.
Trong thời gian chung sống với ông Sa, bà đã bồi đắp, tu bổ nền gò xung quanh nhà để mở rộng diện tích, nền nhà và toàn khuôn viên có tổng diện tích 1.452m2 (chưa trừ hành lang giao thông), nhà cũ hư mục ông Sa đã tháo dỡ xây dựng lại nhà mới, nới rộng diện tích như hiện nay và việc xây mới, mở rộng diện tích không có ai tranh chấp ngăn cản gì.
Ngoài ra, bà còn cho ông Nguyễn Tài Lũy thuê một phần đất mặt tiền có diện tích 54,97m2, ông Lũy đã tự san lấp đất cất nhà có cấu trúc vách ván, mái tole, nền đất để kinh doanh. Năm 2000 bà Hoằng cho con gái là Phạm Thị Bích Loan sử dụng một phần đất. Phần bên trái nhà tiếp giáp với đường hẻm. bà cất một nhà xưởng có diện tích 114,84m2 để cho ông Trần Hữu Hạnh thuê.
Toàn bộ nhà đất trên cho đến nay chưa hợp thức hóa. Việc bà Chín đăng ký kê khai đất năm 1977 theo bà là do bà Chín đăng ký theo diện tích nhà bà Chín đang ở tại số nhà 16/2A đường Gò Ô Môi, có diện tích 312m2, không phải là diện tích nhà 16/2 vì tại thời điểm này bà Chín không còn ở tại đây, do bà Chín còn hộ khẩu tại 16/2 nên mới đăng ký theo địa chỉ này.
Nay bà không đồng ý với yêu cầu của bà Chín, vì toàn bộ nhà đất trên do bà vợ chồng bà xây cất và bồi đắt. Để bù đắp công sức ban đầu cho bà Chín, bà đồng ý bồi hoàn lại cho bà Chín 300.000.000 đồng.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày:
- Các bà Phạm Thị Nhung, Phạm Thị Sâm, Phạm Thị Năm (là con bà Chín và ông Thiết) thống nhất với ý kiến trình bày của bà Chín (nguyên đơn).
- Các anh chị Phạm Thị Bích Loan, Phạm Thanh Phương, Phạm Thị Bích Nga và Phạm Minh Thanh (các con bà Hoằng và ông Sa) thống nhất với ý kiến của bà Hoằng (bị đơn).
- Các ông Nguyễn Tài Lũy, Trần Hữu Hạnh (những người đang thuê một phần đát của bà Hoằng) không có ý kiến gì về việc tranh chấp giữa bà Chín và bà Hoằng và chỉ xin có thời gian lưu cư để tìm địa điểm kinh doanh khác.
Tại bản án sơ thểm số 23/DSST ngày 23-7-2003 Tòa án nhân dân quận 7, thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Lê Thị Chín.
Công nhận căn nhà số 16/2 và 10/1 khu phố 2, phường Phú Nhuận, quận 7 là của ông Phạm Văn Thiết và bà Lê Thị Chín.
Buộc bà Trần Thị Hoằng cùng các đồng thừa kế của ông Sa trả lại cho bà Lê Thị Chín và các đồng thừa kế của ông Thiết toàn bộ nhà có diện tích 5,3m x 10m + 8m x 6,15m =102,2m2, trên khuôn viên đất 406m2...
Bà Chín trả lại cho bà Hoằng và các thừa kế của ông Sa số tiền bồi hoàn trị giá sửa chữa nhà là 33.359.000 đồng, công sức san lấp là 4.700.000đồng.
Bà Chín và các thừa kế của ông Thiết phải liên hệ với Ủy ban nhân dân quận 7 để làm thủ tục cấp giấy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở, phải tuân thủ các quy định về lộ giới và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo luật định.
Ghi nhận thời gian lưu cư cho bà Hoằng là 6 tháng.
Ghi nhận việc tự nguyện rút yêu cầu khởi kiện của ông Lũy và bà Chín.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, điều kiện thi hành án và tuyên bố về quyền kháng cáo cho các đương sự.
Ngày 04-8-2003 bà Trần Thị Hoằng kháng cáo không đồng ý với quyết định tại bản án sơ thẩm.
Ngày 06-8-2003 bà Lê Thị Chín kháng cáo bản án sơ thẩm.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 1413/DSPT ngày 09-7-2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Chín, sửa một phần bản án sơ thẩm.
Công nhận căn nhà số 16/2 ấp 1, xã Phú Mỹ, huyện Nhà Bè nay là số 10/1A khu phố 2, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận, quận 7, là của ông Phạm Văn Thiết bà và Lê Thị Chín.
Buộc bà Hoằng và các đồng thừa kế của ông Sa trả lại cho bà Chín và các đồng thừa kế của ông Phạm Văn Thiết căn nhà số 16/2 ấp 1, xã Phú Mỹ, huyện Nhà Bè nay là số 10/1A khu phố 2, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận, quận 7, trên diện tích đất 66,9m2( 48m2 nền nhà + 18,9m2 lối đi)…
Bà Chín hoàn trả lại cho bà Hoằng và các thừa kế của ông Sa tiền bồi hoàn giá trị sửa chữa nhà số 16/2 ấp 1, xã Phú Mỹ, huyện Nhà Bè nay là số 10/1A khu phố 2, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận, quận 7, có diện tích 48m2 là 18.480.000 đồng và giá trị quyền sử dụng diện tích đất chênh lệch nền nhà, đất dành lối đi trước nhà trên, tổng cộng 34,9m2 bằng 398.558.000 đồng…
Công nhận cho bà Hoằng và các thừa kế của ông Sa được quyền sử dụng diện tích nhà đất tại một phần thửa phân chiết số 188-1, tờ bản đồ thứ 2, xã Phú Mỹ nay thuộc đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 với diện tích 940,1m2…
Bà Chín, các thừa kế của ông Thiết và bà Hoằng, các thừa kế của ông Sa liên hệ với các cơ quan chức năng để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở trên phần diện tích được công nhận.
Ngoài ra, bản án phúc thẩm còn có các quyết định về án phí và điều kiện thi hành án.
Tại quyết định số43/2005/KN-DS ngày 12-5-2005, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm trên và đề nghị Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm, giữ nguyên Quyết định của bản án dân sự sơ thẩm số 23/DSST ngày 23-7-2003 của Tòa án nhân dân quận 7, thành phố Hồ Chí Minh với nhận định:
Diện tích đất đang có tranh chấp giữa bà Chín với chị Hoằng là vợ của chồng bà Chín và ông Phạm Văn Thiết được chính quyền chế độ cũ cấp từ năm 1962, khi được cấp đất này vẫn là đất trũng và vũng; vợ chồng bà Chín đã cải tạo, san lấp khoảng 312m2 đồng thời cất căn nhà có diện tích 32m2 trên đất đó và đưa các con về ở. Năm 1963 ông Thiết chết, bà Chín cùng các con của ông bà vẫn sinh sống tại nhà, đất này. Ngày 19-12-1977 bà Chín đã đứng tên kê khai nhà, đất với diện tích 32m2 nhà trên diện tích 312m2 đất. Năm 1978 bà Chín giao toàn bộ nhà đất nói trên cho vợ chồng người con trai lớn của bà là anh Phạm Văn Sa và chị Trần Thị Hoằng sử dụng. Nhưng năm 1984 bà Chín vẫn kê khai và đứng tên trong sổ đăng ký ruộng đất đã được Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè phê duyệt ngày 14-12-1984 (bút lục 251)với diện tích 580m2 (trong đó có 390m2 đất thổ cư, 190m2 đất ao). Quá trình sử dụng nhà, đất này vợ chồng chị Hoằng đã san lấp phần đất ao vũng và mở rộng diện tích từ 32m2 nhà trên 312m2 đất thành diện tích nhà và 1007m2 đất (đã trừ lộ giới) như hiện nay.
Như vậy nguồn gốc 32m2 nhà trên 312m2 đất là của bà Chín, ông Thiết, sau khi ông Thiết chết, bà Chín cùng các con vẫn ở nhà trên đất đó; đến năm 1978 bà Chín mới giao cho vợ chồng ông Sa, chị Hoằng quản lý chứ không phải là nhượng quyền sử dụng, nên bà Chín vẫn kê khai đứng tên trong sổ địa chính. Vì vậy, bản án dân sự sơ thẩm số 23/DSST ngày 23-7-2003 Tòa án nhân dân quận 7, thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định buộc bà Hoằng trả lại cho bà Chín diện tích 32m2 nhà trên diện tích đất và buộc bà Chín thanh toán cho chị Hoằng và các đồng thừa kế của ông Phạm Văn Sa công tôn tạo phần đất chênh lệnh 94m2 so với diện tích kê khai năm 1977 (312m2)và tiền sửa chữa nhà là có căn cứ.
Việc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tại bản án phúc thẩm số 1413/DSPT ngày 09-7-2004, buộc chị Hoằng và các đồng thừa kế của ông Phạm Văn Sa trả lại cho bà Chín và các đồng thừa kế của ông Thiết phần nhà diện tích 66,9m2 đất, đồng thời buộc bà Chín và các đồng thừa kế của ông Thiết phải thanh toán cho chị Hoằng và các thừa kế của ông Sa giá trị sửa chữa nhà là 18.480.000 đồng và giá trị 34,9m2 đất chênh lệch là 398.558.000 đồng, là không đúng pháp luật.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số108/2005/DS-GĐT ngày 21-7-2005, Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định:
Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 1413/DSPT ngày 09-7-2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, giữ nguyên quyết định của bản án dân sự sơ thẩm số 23 ngày 23-7-2003 của Tòa án nhân dân quận 7, thành phố Hồ Chí Minh như sau:
- Công nhận căn nhà số 16/2 (nay là 10/1) khu phố 2, phường Phú Thuận, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh là của ông Thiết và bà Chín.
- Buộc chị Hoằng cùng các thừa kế của anh Sa trả lại cho bà Chín và các đồng thừa kế của ông Thiết toàn bộ nhà có diện tích (5,3 x 10) + (8 x 6,15) = 102,2m2 trên khuôn viên 406m2 đất có vị trí tại các khu 4, 5, một phần khu 4, khu 6 và một phần khu 8 (theo bản đồ xác định ranh giới ngày 23-7-2003 do Đoàn đo đạc bản đồ Sở địa chính lập).
- Bà Chín phải hoàn trả lại cho chị Hoằng và các đồng thừa kế của anh Sa giá trị sửa chữa nhà là 33.395.00 đồng và công sức san lấp đất là 4.700.000 đồng.
- Bà Chín và các thừa kế của ông Thiết phải làm các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, sử dụng đất (đối với phần nhà trên đất) theo quy định của pháp luật.
- Ghi nhận sự tự nguyện của ông Lũy rút yêu cầu khởi kiện bà Chín.
- Bà Chín phải chịu trách nhiệm đo đạc, xác minh.
Ngoài ra, quyết định giám đốc thẩm còn có các quyết định về án phí và điều kiện thi hành án.
Sau khi có quyết định giám đốc thẩm, bà Trần Thị Hoằng và các con bà Hoằng có nhiều đơn gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khiếu nại đối với Quyết định giám đốc thẩm số108/2005/DS-GĐT ngày 21-7-2005 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao cho rằng: việc công nhận quyền sử dụng diện tích đất cho bà Chín vượt quá hiện trạng sử dụng ban đầu là không thỏa đáng, phủ nhận công sức khai phá, bồi đắp, tôn tạo của gia đình bà Hoằng; ngoài ra, bà Hoằng còn cho rằng bà mới tìm được tình tiết mới là bản kê khai nhà cửa năm 1977 do bà Hoằng đứng tên kê khai từ đó đến nay chứ không phải do bà Chín (có gửi kèm theo đơn bản phô tô).
Tại Quyết định số201/2008/KN-DS-TK ngày 18-7-2008 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị quyết định giám đốc thẩm nêu trên, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy quyết định giám đốc thẩm số108/2005/DS-GĐT ngày 21-7-2005 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao, bản án dân sự phúc thẩm số 1413/DSPT ngày 09-7-2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số 23/DSST ngày 23-7-2003 của Tòa án nhân dân quận 7, thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận 7, thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
XÉT THẤY:
Theo lời khai của các đương sự và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì phần nhà đất tranh chấp tại số 10/1A (số cũ 16/2) khu phố 2, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh (hiện đang do bà Hoằng quản lý, sử dụng) có nguồn gốc của vợ chồng ông Thiết và bà Chín. Năm 1962 ông Thiết và bà Chín được chính quyền chế độ cũ cấp cho một gò đất để làm nhà ở, khi đó xung quanh gò đất là đất trũng và ao. Vợ chồng ông Thiết và bà Chín đã san lấp và cất một căn nhà diện tích khoảng 32m2 để cả gia đình ở. Năm 1963 ông Thiết chết (không để lại di chúc) bà Chín cùng các con vẫn ở tại căn nhà này. Khoảng năm 1975-1976 bà Hoằng lấy ông Sa (ông Sa là con trai của ông Thiết và bà Chín) và về ở chung cùng gia đình bà Chín tại căn nhà này. Sau giải phóng Miền Nam, thực hiện chử trương kê khai nhà đất, ngày 19-12-1977 bà Chín đứng tên kê khai phần nhà đất này với diện tích 32m2 nhà trên diện tích 312m2 đất công (đất công). Trong khoảng thời gian này, bà Chín đã chuyển đi ở chỗ khác (hiện nay là số nhà 16/2A), các con khác của bà Chín có gia đình ở riêng nên phần đất này ông Sa và bà Hoằng tiếp tục quản lý sử dụng. Quá trình quản lý sử dụng, ông Sa và bà Hoằng đã san lấp ao vũng và dỡ căn nhà cũ, xây nhà mới tạo thành phần nhà đất như hiện nay (theo đo đạc năm 1999 thì diện tích đất bà Hoằng sử dụng là 1.452m2, nhưng sau đó bà Hoằng có cho con gái là chị Nga và chị Loan một phần, một phần trừ lộ giới, nên bản đồ xác định ranh giới ngày 23-7-2003 xác định diện tích đất bà Hoằng còn sử dụng là 1.007m2). Năm 1999 (sau khi ông Sa chết) bà Chín đòi lại một phần nhà đất này, nhưng bà Hoằng không chấp nhận nên phát sinh tranh chấp (tại Quyết định số 180 ngày 28-12-1998) công nhận một phần đất ở cho bà Chín có diện tích 312m2 (theo bản đồ kê khai năm 1977) nhưng sau đó lại hủy bỏ quyết định này vì lý do không thuộc thẩm quyền.
Như vậy, nguồn gốc căn nhà 32m2 trên 312m2 đất tại số 10/1A (số cũ là 16/2) là của ông Thiết và bà Chín. Mặc dù bà Chín không sử dụng mà để ông Sa và bà Hoằng (là con trai và con dâu) sử dụng phần nhà đất này từ khoảng năm 1977 đến nay, nhưng gia đình bà Chín với ông Sa và bà Hoằng không có quan hệ mua bán, tặng cho; do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định phần nhà đất này là của ông Thiết và bà Chín là có căn cứ. Đối với phần đất còn lại bà Hoằng có công bồi đắp và đã sử dụng ổn định, không thuộc qui hoạch giải tỏa cần công nhận quyền sử dụng đất cho bà Hoằng là đúng. Tuy nhiên, khi quyết định Tòa án cấp sơ thẩm lại buộc bà Hoằng phải trả phần nhà 102,2m2 trên diện tích 406m2 cho bà Chín (vượt quá 94m2 đất) và chỉ buộc bà Chín phải trả công san lấp phần đất chênh lệch (94m2) bằng 50.000đồng/m2là không đảm bảo quyền lợi của bà Hoằng. Ngoài ra, cấp sơ thẩm cũng chưa xác minh làm rõ mâu thuẫn về số nhà tranh chấp (hiện nay) là 10/1 hay 10/1A nhưng đã xác định số nhà đang tranh chấp hiện nay là 10/1A là chưa có căn cứ vững chắc.
Tòa án cấp phúc thẩm công nhận căn nhà đang có tranh chấp là của ông Thiết và bà Chín là có căn cứ, nhưng chỉ công nhận bà Chín được quyền sử dụng 32m2 đất nền nhà, không công nhận bản kê khai nhà đất của bà Chín năm 1977 mà chỉ giao cho bà Chín sở hữu căn nhà và sử dụng 66,9m2 đất (bao gồm cả 18,9m2 lối đi), đồng thời còn buộc bà Chín phải thanh toán giá trị 34,9m2 đất cho bà Hoằng là không đánh giá đầy đủ các chứng cứ của vụ án, không đảm bảo quyền lợi của bà Chín.
Khi xét xử giám đốc thẩm, Tòa án cấp giám đốc thẩm không phát hiện được những sai lầm nghiêm trọng của bản án sơ thẩm mà chỉ hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm là không đúng. Ngoài ra, trong quyết định giám đốc thẩm nêu trên xác định địa chỉ số nhà tranh chấp (hiện nay) là số 10/1, trong khi còn tài liệu khác trong hồ sơ vụ án thể hiện số nhà là 10/1A…; xác định diện tích đất bà Chín kê khai năm 1977 là 320m2 và tuyên tịch thu sung công …tiền tạm ững án phí là chưa đúng.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;
QUYẾT ĐỊNH:
1. Hủy Quyết định giám đốc thẩm số108/2005/DS-GĐT ngày 21-7-2005 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao, bản án dân sự phúc thẩm số 1413/DSPT ngày 09-7-2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, bản án dân sự sơ thẩm số 23/DSST ngày 23-7-2003 của Tòa án nhân dân quận 7, thành phố Hồ Chí Minh về vụ án tranh chấp quyền sở hữu tài sản (nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất) giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Chín và bị đơn là bà Trần Thị Hoằng.
2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận 7, thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Lý do quyết định giám đốc thẩm của Tòa dân sự TANDTC và các bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:
- Tòa án cấp sơ thẩm xác định nguồn gốc căn nhà 32m2 trên diện tích 312m2 đất của ông Thiết và bà Chín là đúng. Tòa cấp sơ thẩm cũng xác định phần đất còn lại (94m2) thuộc quyền sử dụng của bà Hoằng là đúng. Tuy nhiên, việc Tòa án cấp sơ thẩm quyết định bà Hoằng phải trả cả phần đất 94m2 cho bà Chín và buộc bà Chín phải trả công san lấp phần đất này với giá 50.000đồng/m2 cho bà Hoằng là không đảm bảo quyền lợi cho bà Hoằng. Tòa án cấp sơ thẩm cũng chưa làm rõ vì sao có sự mâu thuẫn về số nhà.
- Tòa án cấp phúc thẩm chỉ công nhận bà Chín được quyền sử dụng 32m2 đất nền nhà là không đúng.
- Quyết định giám đốc thẩm chỉ hủy bản án phúc thẩm mà không phát hiện sai lầm của bản án sơ thẩm.