Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp hợp đồng dân sự"

Chủ đề   RSS   
  • #265245 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp hợp đồng dân sự"

    Số hiệu

    01/2008/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp hợp đồng dân sự"

    Ngày ban hành

    08/01/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 08 tháng 01 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng dân sự”  giữa:

    Nguyên đơn: Chị Lê Kim Ngọc, sinh 1962; định c­ư tại: 2445 Villeray Montresal, P.Québec H2E IJ 8, Canađa; Tạm trú tại: B7/5 ấp Hiệp An, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh; bà Ngọc uỷ quyền cho bà Huỳnh Kim Huê, sinh 1947 (theo văn bản uỷ quyền ngày 08-12-05); trú tại: B7/5 ấp Hiệp An, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh.

    Bị đơn:

    1. Bà Nguyễn Thu Thuỷ, sinh 1953; trú tại: nhà số 13/8 ấp Trường Lộc, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh (ở giai đoạn phúc thẩm, bà Thủy uỷ quyền cho chồng là ông Khanh đại diện (theo văn bản ủy quyền ngày 22-5-2006);

    2. Ông Huỳnh Quang Khanh, sinh 1950; trú tại: 118 lầu 5 (phòng 8) Lý Tự Trọng, phư­ờng Bến Thành, quận I, thành phố Hồ Chí Minh.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:  Công ty cao su 1/5 Tây Ninh, do ông Phạm Thiện Hiền đại diện theo văn bản ủy quyền ngày 04-11-2005.

    NHẬN THẤY:

    Tại đơn khởi kiện ngày 13-02-2004 và đơn bổ sung ngày 20-02-2004, nguyên đơn chị Lê Kim Ngọc trình bày:

    Năm 1997, bà Nguyễn Thu Thủy ( là dì ruột thứ chín của chị) kêu gọi vợ chồng chị đầu tư để mua 16 ha cao su ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, nên vợ chồng chị chuyển cho bà Thủy 165.000 CAD (đô la Canađa) để bà Thủy đứng tên mua hộ và quản lý, trông coi diện tích 16 ha cao su nêu trên. Năm 2000, anh Lê Đăng Khoa (chồng của chị) về Việt Nam muốn sang bán cho người khác, nhưng bà Thủy trốn tránh nên bà phải nhờ người khác trông coi vườn cao su hộ. Tháng 12 năm 2003, bà Thủy có ý định chiếm vườn cây cao su của chị nên yêu cầu bà Thủy, ông Khanh phải trả lại chị diện tích cao su đã mua và đề nghị Tòa án cấm không cho bà Thủy khai thác cao su trong thời gian tranh chấp. Ngày 20-02-2004, chị Ngọc có đơn bổ sung trình bày là chị gửi tiền cho bà Thủy 120.000 CAD (đô la Canađa) chứ không phải là 165.000 CAD; yêu cầu bà Thủy thanh toán giá trị mủ cao su mà bà Thủy đã khai thác từ 13-12-2003 đến tháng 02 năm 2004 khoảng hơn 132.000.000 đồng.

    Trong quá trình giải quyết vụ án, chị Lê Kim Ngọc và bà Nguyễn Kim Huê (đại diện cho chị Ngọc) còn trình bày:

    Năm 1997, chị Ngọc gửi tiền về Việt Nam cho bà Thủy 5 lần. Tổng cộng 130.000 CAD để nhờ bà Thủy sang lại hợp đồng liên kết trồng và khai thác cao su với bà Duyên là 13ha, bà Thu là 3 ha với giá là 998.000.000 đồng. Số đôla Canađa chị gửi về bà Thuỷ lấy tại Ngân hàng quy đổi thành VNĐ là 967.634.397 đồng để thanh toán cho bà Duyên, bà Thu; số tiền còn thiếu gần 30.000.000đ, bà Thủy đã vay tiền của mẹ chị (là bà Nguyễn Thị Thu Hồng) để trả, sau đó bà Thủy khai thác mủ cao su bán đã trả lại cho mẹ chị nên chị không còn nợ nần gì; chị nhờ bà Thủy đứng tên, trông giữ, quản lý, khai thác; chị có đặt vấn đề trả công hàng tháng cho bà Thủy, nhưng bà Thủy cho rằng là dì cháu nên không lấy công mà chỉ trông coi giúp. Đất thuộc quyền sử dụng của Nông trường nên chỉ hợp đồng thuê 50 năm; nay chị muốn lấy lại vườn cây cao su để khai thác và không đồng ý thanh toán các khoản tiền theo yêu cầu của bà Thủy vì bà Thủy đã khai thác mủ cao su từ năm 1997 đến năm 2000 và từ năm 2003 đến năm 2005 bán lấy tiền; không đồng ý chia đôi số tiền bà Huê đã bán mủ. Nếu bà Thủy muốn lấy lại vườn cây phải thanh toán cho bà 150.000.000 đồng/1ha. Sau đó, ngày 24-3-2004, chị Ngọc khai giao cho bà Huê quyền quản lý 16 ha cao su tại lô Go Nông trường cao su Suối Dây (có xác nhận của UBND xã Hiệp Tân về việc chị Ngọc và bà Huê thỏa thuận giao cho bà Huê thực hiện hợp đồng liên kết trồng và khai thác cao su với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh); tại biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 18-01-2006, chị Ngọc đồng ý thanh toán cho bà Thủy 4 khoản tiền gồm: trả nợ cho Công ty cao su 1-5 Tây Ninh 137.700.000đ; tiền thuế tháng 3/2003 là 1.920.000đ; tiền chống cháy là 6.400.000đ; tiền thuế năm 2004 là 3.840.000đ. Tổng cộng là 149.860.000đ và không yêu cầu bà Thuỷ phải trả lại số tiền bán mủ cao su mà bà Thuỷ đã khai thác; yêu cầu được quyền sở hữu 16 ha cao su.

    Bị đơn bà Nguyễn Thu Thuỷ trình bày: Năm 1997, chị Lê Kim Ngọc (đang định cư tại Canađa) có gửi tiền về Việt Nam nhờ bà sang lại hợp đồng của bà Duyên, bà Thu về việc liên kết trồng và khai thác 16 ha cây cao su với giá là 998.000.000 đồng (vì năm 1990, bà Duyên, bà Thu đã ký hợp đồng liên kết này với Nông trường cao su Suối Dây thuộc Công ty cao su 1-5 Tây Ninh) và nhờ bà đứng tên ký kết với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh về việc trồng và khai thác cao su. Chị Ngọc đã gửi tiền về cho bà 5 lần, tổng cộng là 967.634.397 đồng, số tiền còn thiếu gần 30.000.000 đồng bà mượn của bà Nguyễn Thị Thu Hồng ( mẹ của chị Ngọc) trả cho bà Thu, bà Duyên, sau khi bán mủ cao su, bà đã trả cho mẹ chị Ngọc. Sau khi sang nhượng hợp đồng bà đã quản lý, khai thác và bán mủ cao su từ tháng 10 năm 1997 đến tháng 10 năm 1999, sau đó, bà giao lại cho bà Huê (chị gái của bà) khai thác đến tháng 10 năm 2003; số tiền khai thác mủ cao su bà đã đầu tư vào vườn cây (không nhớ số tiền) và về số tiền đầu tư cho vườn cây còn thiếu nên bà phải bù đắp thêm. Bà không đồng ý trả vườn cây cao su cho chị Ngọc vì chị Ngọc và bà đã thỏa thuận là chị Ngọc bỏ tiền ra mua, còn bà chịu chi phí ban đầu, thuế và mọi chi phí phục vụ cho việc khai thác, chăm sóc diện tích cao su, bà yêu cầu được chia 1/2 diện tích cao su và 1/2 lợi nhuận thu được từ vườn cây cao su.

      Ngày 04-01-2005 và ngày 30-3-2005, bà Thủy yêu cầu được chia tiền mủ cao su khai thác được từ ngày 01-5-2004 đến 01-12-2004 là 200.000.000 đồng (trong tổng số là 400.000.000 đồng). Sau đó, bà yêu cầu được khai thác diện tích cao su vì cho rằng bà đứng tên trong hợp đồng với Công ty. Ngày 14-7-2004, bà Thủy có đơn phản tố yêu cầu bà Huê trả lại vườn cao su và bồi thường thiệt hại do chiếm dụng vườn cao su trái pháp luật; ngày 08-12-2004, bà Thủy yêu cầu chị Ngọc bồi thường thiệt hại do cạo mủ cao su sai kỹ thuật; ngày 02-11-2005bà Thủy yêu cầu chị Ngọc thanh toán chi phí ban đầu, tổng cộng là 79.516.000 đồng và 137.700.000đ là số tiền mà bà phải trả cho Công ty cao su 1-5 Tây Ninh (theo bản án số 195 ngày 06-6-05 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh); tiền thuế tháng 3 năm 2003 là 1.920.000đ; tiền chống cháy là 6.400.000đ; thuế năm 2004 là 3.840.000đ; lương công nhân là 23.000.000đ. Tổng cộng là 252.376.000 đồng; đồng thời yêu cầu chia đôi vườn cây cao su, lợi nhuận và xin mua lại phần của chị Ngọc.

    Ngày 16-4-2004, ông Huỳnh Quang Khanh có lời khai: vợ chồng ông có sang nhượng vườn cây cao su, nhưng do chị Ngọc gửi tiền về để mua; còn số tiền để mua bao nhiêu ông không biết. Chị Ngọc và vợ ông thỏa thuận để vợ ông quản lý, lời chia đôi nên yêu cầu được sở hữu vườn cây cao su và trả cho chị Ngọc 500.000.000 đồng.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty cao su 1-5 Tây Ninh do ông Lý Văn Y- chức vụ giám đốc Công ty đại diện trình bày: Đất trồng cao su thuộc sở hữu nhà nước và Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty. Yêu cầu bà Thủy thực hiện nghĩa vụ theo bản án số 28 ngày 29-9-2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh và theo hợp đồng đã ký với Công ty, còn bà Huê không đủ tư cách pháp lý thay cho bà Thủy nên không thừa nhận bà Huê là người đại diện thực hiện hợp đồng thay cho bà Thủy; sau đó ngày 18-01-2006, tại phiên tòa sơ thẩm, ông Phạm Thiện Hiền (đại diện cho Công ty cao su 1-5 Tây Ninh) cho rằng: Trên cơ sở quy định của pháp luật Tòa án xác định ai có quyền và nghĩa vụ thực hiện hợp đồng đã ký thì Công ty sẽ thực hiện theo phán quyết của Tòa án.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/2006/DSST ngày 18-01-2006, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định:

    1. Chấp nhận yêu cầu của chị Lê Kim Ngọc đòi lại vườn cây cao su đối với bà Nguyễn Thu Thuỷ, ông Huỳnh Quang Khanh và ghi nhận chị Lê Kim Ngọc chuyển giao quyền sở hữu, chăm sóc, khai thác cao su cho bà Nguyễn Kim Huê.

    2. Giao vườn cây cao su có diện tích 16 ha cao su thuộc lô Go tại nông trường Suối Dây (thuộc Công ty cao su 1-5 Tây Ninh) cho bà Nguyễn Kim Huê được tiếp tục quản lý, chăm sóc, khai thác, thu hoạch và được quyền sở hữu 2 căn nhà: 1 nhà lá và 1 nhà xây tường chưa tô, lợp tole, nền gạch tàu cất trong vườn cao su trị giá 15.579.900đ, nhưng bà Nguyễn Kim Huê phải ký lại hợp đồng kinh tế (về việc liên kết trồng và khai thác cao su) với Công ty 1-5 Tây Ninh, theo nội dung trước đây bà Thủy và Công ty đã ký.

    3. Đề nghị Công ty cao su 1-5 Tây ninh chấm dứt hợp đồng với bà Nguyễn Thu Thuỷ và ký lại hợp đồng kinh tế với bà Nguyễn Kim Huê, theo nội dung trước đây Công ty đã ký với bà Thủy.

    4. Bác yêu cầu của bà Thuỷ và ông Khanh yêu cầu được quyền sở hữu cây cao su và bác yêu cầu của bà Thủy yêu cầu bà Ngọc chia 2 huê lợi thu được từ vườn cây. Bà Ngọc được quyền sở hữu số tiền bán mủ cao su trong thời gian bà Ngọc quản lý khai thác.

    5. Bác yêu cầu của bà Thuỷ yêu cầu chị Ngọc bồi thường thiệt hại cây cao su do cạo không đúng quy trình kỹ thuật khai thác mủ gây ra.

    6. Ghi nhận chị Ngọc không yêu cầu bà Thuỷ phải trả lại tiền mủ cao su do bà Thủy thu hoạch trong thời gian bà Thuỷ quản lý, khai thác.

    7. Ghi nhận chị Ngọc đồng ý trả cho bà Thuỷ số tiền 149.860.000đ (gồm các khoản: thuế, chống cháy và trả cho Công ty cao su 1-5 Tây Ninh).

    8. Buộc chị Ngọc trả cho bà Thuỷ 70.000.000đ tiền công quản lý, chăm sóc cao su. Tổng cộng số tiền chị Ngọc phải trả cho bà Thủy là 219.860.000đ (149.860.000 đồng + 70.000.000 đồng).

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật và điều kiện thi hành án.

    Ngày 25-01-2006, bà Thuỷ và ông Khanh có đơn kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm vận dụng không đúng luật pháp về đầu tư, không xem xét đến các vấn đề phản tố của vợ chồng bà nên đã làm thiệt hại đến quyền lợi của vợ chồng bà.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 221/2006/DSPT ngày 09-6-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

     Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn; sửa bản án sơ thẩm như sau:

    1. Xác định vư­ờn cây cao su có diện tích 16 ha thuộc lô G­­­­0 tại Nông trường cao su Suối Dây (thuộc Công ty cao su 1-5 Tây Ninh) do chị Lê Kim Ngọc (Việt kiều Canađa) bỏ tiền ra mua vào năm 1997 và nhờ bà Nguyễn Thu Thuỷ đứng tên ký hợp đồng liên kết trồng và khai thác với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh.

    Không chấp nhận yêu cầu của chị Lê Kim Ngọc đòi lại vư­ờn cây cao su nêu trên đối với bà Nguyễn Thu Thuỷ và ông Huỳnh Quang Khanh.

    Không công nhận việc chị Lê Kim Ngọc chuyển giao quyền sở hữu, chăm sóc, khai thác vư­ờn cao su nêu trên cho bà Nguyễn Kim Huê theo giấy chuyển giao ngày 22-9-2005 (có chứng nhận của phòng Công chứng nhà nư­ớc số 1 Tây Ninh) cũng như­ các giấy uỷ quyền, tặng cho và đơn xin chuyển giao khác giao quyền sở hữu vườn cây cao su cho bà Huê.

    2. Giao vư­ờn cây cao su 16 ha thuộc lô G0  tại nông trư­ờng cao su Suối Dây (thuộc Công ty cao su 1-5 Tây Ninh) cho bà Nguyễn Thu Thuỷ quản lý, chăm sóc, khai thác, thu hoạch và đ­ược quyền sở hữu 02 nhà : 1 căn nhà lá và 1 căn nhà xây tường chư­a tô, lợp tol, nền gạch tàu, cất trong vườn cao su (bà Nguyễn Thu Thủy đã ký hợp đồng kinh tế về việc liên kết trồng và khai thác cao su với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh vào ngày 09-9-1997).

    Đề nghị Công ty cao su 1-5 Tây Ninh tiếp tục thực hiện hợp đồng kinh tế về việc liên kết trồng và khai thác cao su theo hợp đồng đã ký với bà Thủy nêu trên.

    Bà Nguyễn Kim Huê phải giao toàn bộ vườn cao su và hai căn nhà cất trong vườn cao su theo tình trạng như đã nêu trên cho bà Nguyễn Thu Thủy và ông Huỳnh Quang Khanh.

    3. Bà Thủy và ông Khanh có trách nhiệm trả lại cho chị Ngọc có bà Huê đại diện số tiền 2.015.759.900 đồng là trị giá vườn cây cao su và trị giá hai căn nhà tọa lạc tại vườn cao su nêu trên.

    4. Buộc chị Lê Kim Ngọc phải trả cho bà Thủy và ông Khanh 70.000.000 đồng là tiền công quản lý, chăm sóc vườn cây cao su.

    Ghi nhận việc chị Ngọc đồng ý trả cho bà Thủy số tiền 149.860.000 đồng gồm các khoản tiền thuế, chống cháy và tiền trả cho công ty cao su 1-5 Tây Ninh.

     Tổng cộng các khoản tiền chị Ngọc phải trả cho bà Thủy là 219.860.000đ.

    Việc trả tiền và giao, nhận vườn cây cao su các bên thi hành cùng một lúc ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

    5. Bác yêu cầu của bà Thuỷ, ông Khanh đòi chị Ngọc chia 1/2 tiền giá trị vườn cây cao su và chi phí ban đầu bỏ ra vào vườn cây cao su.

    Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn có quyết định về án phí.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, chị Lê Kim Ngọc có đơn khiếu nại cho rằng: Tòa án cấp phúc thẩm xác định 16 ha cao su là của chị, do bà bỏ tiền ra mua năm 1997 và chỉ nhờ bà Thuỷ đứng tên ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh. Như­ vậy, chị là ngư­ời có quyền định đoạt đối với vườn cao su nêu trên, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm giao cho bà Thuỷ quản lý, khai thác là không đúng, làm thiệt hại quyền lợi của chị.

    Tại Quyết định số203/2007/KN-DS ngày 15-10-2007, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã  kháng nghị đối với bản án dân sự phúc thẩm nêu trên đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số03/2006/DS-ST ngày 18-01-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với nhận định:

    Năm 1990, Công ty cao su Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh (nay là Công ty cao su 1-5 Tây Ninh) ký hợp đồng kinh tế về việc liên kết trồng và khai thác cao su với bà Phạm Thị Duyên trên diện tích 13 ha, với bà Lê Thị Thu trên diện tích 3 ha.

    Ngày 08-7-1997, bà Phạm Thị Duyên và bà Lê Thị Thu làm giấy sang lại các hợp đồng nêu trên cho bà Nguyễn Thu Thuỷ (là dì thứ chín của bà Lê Kim Ngọc), được Công ty cao su 1-5 Tây Ninh đồng ý cho phép chuyển nhượng.

    Ngày 09-9-1997, bà Thuỷ (bên B) đứng tên ký kết hợp đồng kinh tế về việc liên kết trồng và khai thác cao su với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh đối với 16 ha cao su và có trách nhiệm nhận nợ nhà nước do bên A (Công ty cao su 1-5 Tây Ninh) đã đầu tư từ khi vườn cây bắt đầu trồng mới (từ năm 1990) gồm chi phí trồng mới và chi phí đầu tư đường xá, cầu cống, kênh mương.

    Như vậy, đất vườn cây cao su thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của Công ty cao su 1-5 Tây Ninh.

    Ngày 13-02-2004, bà Lê Kim Ngọc khởi kiện cho rằng năm 1997, bà gửi 120.000 CAD (đô la Canađa) để mua 16 ha cao su của bà Duyên và bà Thu, bà nhờ bà Thuỷ (dì ruột thứ chín) đứng tên sang nhượng với bà Duyên, bà Thu về việc thực hiện hợp đồng và đứng tên ký kết với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh về việc liên kết trồng và khai thác cao su, sau đó bà nhờ bà Thuỷ trông coi, chăm sóc và khai thác cao su giúp. Trong quá trình giải quyết vụ án bà Ngọc cho rằng sau khi nhận vườn cây cao su và quá trình trông coi, khai thác mủ cao su, bà Thuỷ không báo cáo rõ ràng về thu, chi nên bà Ngọc không còn tin tưởng và yêu cầu bà Thuỷ chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác cây cao su cho bà Nguyễn Kim Huê (dì thứ sáu của bà); bà xin trả cho Công ty cao su 1-5 Tây Ninh số tiền 137.700.000 đồng và đồng ý trả cho bà Thủy các khoản là 6.400.000 đồng tiền chống cháy, 3.840.000 đồng tiền thuế năm 2004, tiền thuế tháng 3 năm 2003 là 1.920.000 đồng, còn lại các khoản khác không đồng ý trả cho bà Thủy (tại phiên tòa sơ thẩm ngày 18-01-2006).

     Ngày 08-12-2005 bà Ngọc có đơn ủy quyền cho bà Huê đại diện trước cơ quan tố tụng và cơ quan hành chính trong vụ kiện tranh chấp tài sản và xác định khi Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh phán quyết phần thắng thuộc về bà, thì bà sẽ tự nguyện cho bà Huê 16 ha cao su, đơn của bà Ngọc có xác nhận của Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Canađa ngày 08-12-2005.

    Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Thuỷ thừa nhận việc sang nhượng lại hợp đồng chăm sóc và khai thác cao su với bà Thu, bà Duyên là tiền của bà Ngọc gửi từ Canađa về Việt Nam nhờ bà đứng tên ký kết với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh và bà Ngọc có thoả thuận chia cho bà 1/2 vườn cây cao su và 1/2 lợi nhuận khai thác cao su; nhưng bà Thủy không xuất trình được chứng cứ về vấn đề này.

      Toà án cấp sơ thẩm cho rằng bà Ngọc là Việt Kiều đang sống tại Canađa, việc đầu tư chỉ thông qua người thân, bà Ngọc không đứng tên bất động sản mà chỉ mua cây cao su, hết thời hạn cạo mủ thì thanh lý chia đôi tiền bán cây cao su và giao trả đất cho Công ty, bà Ngọc yêu cầu xác định vườn cây cao su thuộc quyền sở hữu của bà, đồng thời bà Ngọc cũng tặng cho bà Nguyễn Kim Huê (dì ruột của bà Ngọc) là người ở trong nước có hộ khẩu tại huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) đang trực tiếp quản lý, khai thác, việc tặng cho có chứng nhận của Phòng Công chứng Nhà nước số 1 tỉnh Tây Ninh và Đại sứ quán nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tại Canađa, nên Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của bà Ngọc, chuyển giao cho bà Huê quyền thực hiện hợp đồng liên kết trồng và khai thác cao su theo thỏa thuận của bà Ngọc là có căn cứ; nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định vườn cây cao su và 2 căn nhà trên đất đó thuộc quyền sở hữu của bà Ngọc là không chính xác, vì bà Ngọc chỉ có quyền thực hiện hợp đồng liên kết trồng và khai thác cao su với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh và bà Ngọc chỉ có quyền sở hữu đối với nguyên vật liệu của hai căn nhà trên đất vườn cao su.

    Toà án cấp phúc thẩm xác định việc bà Ngọc gửi tiền nhờ bà Thủy nhận sang nhượng lại các hợp đồng liên kết trồng và khai thác cao su với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh của bà Duyên, bà Thu và đứng tên ký kết hợp đồng liên kết trồng và khai thác cao su với Công ty 1-5 Tây Ninh là một dạng đầu tư, vi phạm Điều 1 Luật khuyến khích đầu tư trong nước, nên đã áp dụng điều luật của Luật này để giải quyết vụ án là không đúng, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Ngọc; bởi vì việc bà Ngọc bỏ tiền nhờ bà Thuỷ đứng tên ký kết hợp đồng kinh tế liên kết trồng và khai thác cao su với Công ty cao su và nhờ bà Thuỷ chăm sóc, khai thác vườn cây cao su là quan hệ dân sự, không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật đầu tư (theo Công văn số6394/BKH-PC ngày 04-9-2007 của Bộ kế hoạch và Đầu tư, phúc đáp Công văn số 680/DS ngày 09-8-2007 của Tòa án nhân dân tối cao, thì:  "...Việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài gửi tiền cho người thân ở Việt Nam để đầu tư được coi là quan hệ dân sự dựa trên sự thoả thuận của các bên, không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật đầu tư"). Tòa án cấp phúc thẩm còn xác định tranh chấp giữa bà Ngọc với bà Thủy là tranh chấp bất động sản và cho rằng thời điểm bà Ngọc làm giấy chuyển giao quyền sở hữu vườn cây cao su cho bà Huê thì bà Ngọc chưa được xác lập quyền sở hữu hay quyền quản lý đối với vườn cây cao su là không chính xác. Ngoài ra, Toà án cấp phúc thẩm cũng quyết định cho bà Thủy được quyền sở hữu 2 căn nhà trên đất vườn cao su là không đúng.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận Kháng nghị nêu trên của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

     Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và lời khai của các đương sự có tại hồ sơ vụ án, thì năm 1997, chị Ngọc gửi về Việt Nam cho bà Thủy 5 lần tiền. Tổng cộng 130.000 CAD để bà Thủy sang lại “hợp đồng liên kết trồng và khai thác cao su” của bà Duyên (là 13ha), bà Thu (là 3 ha) với giá là 998.000.000 đồng, khi thanh toán, số tiền còn thiếu gần 30.000.000đ, bà Thủy đã vay tiền của mẹ chị Ngọc (là bà Nguyễn Thị Thu Hồng) để trả (sau đó bà Thủy khai thác mủ cao su bán đã trả lại cho mẹ chị Ngọc). Chị Ngọc còn nhờ bà Thủy đứng tên ký hợp đồng liên kết trồng và khai thác cao su với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh. Sau khi đứng tên ký kết thực hiện hợp đồng liên kết trồng và khai thác cao su với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh, bà Thủy đã quản lý, khai thác và bán mủ cao su từ tháng 10 năm 1997 đến tháng 10 năm 1999, sau đó, bà Thủy giao lại cho bà Huê (chị gái của bà Thủy) khai thác đến tháng 10 năm 2003.

    Do sau khi khai thác mủ cao su để bán, bà Thủy không báo cáo rõ ràng về thu chi nên chị Ngọc yêu cầu bà Thuỷ trả lại vườn cây cao su để chuyển giao cho bà Nguyễn Kim Huê (là dì ruột thứ sáu của chị Ngọc) quản lý, trông coi, khai thác giúp và yêu cầu bà Thủy thanh toán số tiền bà Thủy khai thác và bán mủ cao su. Chị Ngọc đồng ý thanh toán cho bà Thủy 4 khoản tiền gồm: trả nợ cho Công ty cao su 1-5 Tây Ninh 137.700.000đ; tiền thuế tháng 3/2003 là 1.920.000đ; tiền chống cháy là 6.400.000đ; tiền thuế năm 2004 là 3.840.000đ. Tổng cộng là 149.860.000đ; yêu cầu được quyền sở hữu 16 ha cao su; có lúc chị Ngọc khai, đất thuộc quyền sử dụng của Nông trường nên chị chỉ hợp đồng thuê thời hạn là 50 năm.

    Căn cứ vào hợp đồng liên kết số 09/HĐSD giữa bà Thủy với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh ngày 09-9-1997 có nội dung:

    “Bà Thuỷ (bên B) đứng tên ký kết hợp đồng kinh tế về việc liên kết trồng và khai thác cao su với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh đối với 16 ha cao su và có trách nhiệm nhận nợ nhà nước do bên A (Công ty cao su 1-5 Tây Ninh) đã đầu tư từ khi vườn cây bắt đầu trồng mới (từ năm 1990) gồm chi phí trồng mới và chi phí đầu tư đường xá, cầu cống, kênh mương là 67.134.819 đồng. Theo thỏa thuận trong hợp đồng nêu trên, bà Thủy phải hoàn vốn ngay sau khi ký kết hợp đồng, tự chủ động chăm sóc, khai thác và đầu tư toàn bộ vốn tiếp ngay sau khi ký hợp đồng đến khi thanh lý vườn cây, quyết toán hợp đồng tháng 12 hàng năm; được hưởng thành quả lao động và kết quả đầu tư trên diện tích cao su hợp đồng, được quyền thừa kế cho người thân có địa phương xác nhận, nếu sang nhượng lại hợp đồng phải có sự thống nhất của Công ty cao su 1-5 Tây Ninh; bên B (bà Thủy) trả vốn và lãi trong thời gian 10 năm và trả bằng sản phẩm theo tỷ lệ quy đổi do Tổng công ty cao su Việt Nam quy định theo từng thời điểm (nộp vốn tích luỹ phát triển nông trường, lãi vốn đầu tư, thuế nông nghiệp, chi phí quản lý, đường xá, cầu cống, kênh mương, thoát nước)...thời gian thực hiện hợp đồng từ ngày ký đến hết năm 2030”.

    Căn cứ vào nội dung hợp đồng nêu trên và thỏa thuận của chị Ngọc với bà Thủy, thì chị Ngọc (đang định cư tại Canađa) gửi tiền cho bà Thủy để bà Thủy đứng tên ký kết hợp đồng liên kết trồng và khai thác cao su với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh. Đây là trường hợp người Việt Nam cư trú ở nước ngoài ủy quyền để người thân ở tại Việt Nam ký hợp đồng liên kết trồng và khai thác cao su với Công ty ở trong nước là việc ủy quyền để thực hiện việc ký kết và thực hiện liên kết trồng và khai thác cao su với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh. Như vậy,  tranh chấp giữa chị Ngọc với bà Thủy thực chất chỉ là tranh chấp hợp đồng dân sự, đây là một dạng tranh chấp hợp đồng dịch vụ chứ không phải là tranh chấp về quyền sở hữu (vì quyền sử dụng đất hợp pháp và cây cao su là của Công ty). Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định quan hệ pháp luật trong vụ án là “tranh chấp quyền sở hữu tài sản” và từ đó áp dụng các quy định của pháp luật về quyền sở hữu để giải quyết là không đúng.

    Để xác định đúng đắn tính pháp lý của giao dịch dân sự giữa chị Ngọc với bà Thủy thì cần căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam về việc người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, đồng thời phải xác minh làm rõ khi nhập quốc tịch Canađa, thì chị Ngọc có còn quốc tịch Việt Nam hay không (trong trường hợp chị Ngọc mặc dù đã nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng chị Ngọc không từ bỏ quốc tịch Việt Nam, thì vẫn coi là còn quốc tịch Việt Nam) để làm cơ sở giải quyết vụ án; đồng thời xác minh với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh về các điều kiện ký kết hợp đồng liên kết trồng và khai thác cao su với các đối tác. Nếu sau khi xác minh mà có đủ căn cứ để xác định chị Ngọc không còn quốc tịch Việt Nam và Công ty cao su 1-5 Tây Ninh cũng chấp nhận cho phép chị Ngọc được ký kết thực hiện hợp đồng liên kết trồng và khai thác cao su với Công ty, thì cần xác định giao dịch dân sự giữa chị Ngọc và bà Thủy là vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo quy định của pháp luật.

    Do Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa thu thập, xác minh làm rõ các nội dung nêu trên; do đó, cần phải huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm, để xét xử sơ thẩm lại theo hướng xác minh, thu thập thêm chứng cứ về các nội dung nêu trên. 

    Mặt khác, cũng cần xác định rõ chị Ngọc yêu càu khởi kiện là tranh chấp về quyền sở hữu tài sản hay chỉ yêu cầu được thực hiện hợp đồng liên kết trồng và khai thác cao su để có căn cứ giải quyết vụ án; nếu chị Ngọc tranh chấp về quyền sở hữu thì phải bác yêu cầu của chị Ngọc; nếu chị Ngọc chỉ tranh chấp về quyền thực hiện hợp đồng liên kết trồng và khai thác cao su với bà Thủy thì căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết vụ án.

    Ngoài ra, trong thực tế tuy chị Ngọc khởi kiện, sau đó ủy quyền cho bà Huê tham gia tố tụng, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, chị Ngọc yêu cầu để bà Huê đứng tên ký kết và thực hiện hợp đồng với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh. Trong trường hợp này, lẽ ra phải đưa bà Huê tham gia tố tụng với tư cách là người được nguyên đơn ủy quyền và với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới đúng. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xác định bà Huê tham gia tố tụng do chị Ngọc ủy quyền là không đầy đủ.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số  221/2006/DSPT ngày 09-6-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số 03/2006/DSST ngày 18-01-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh về vụ án “Tranh chấp quyền sở hữu” giữa nguyên đơn là chị Lê Kim Ngọc với bị đơn là bà Nguyễn Thu Thủy và ông Huỳnh Quang Khanh; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty cao su 1-5 Tây Ninh.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định quan hệ pháp luật trong vụ án là “tranh chấp quyền sở hữu tài sản” là không đúng. Cần xác định nguyên đơn còn quốc tịch Việt Nam hay không để xác định hợp đồng mà nguyên đơn ký kết có vô hiệu hay không. Cần làm rõ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là gì.

     
    3995 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận