Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Trần Quang Chiêu và các bị cáo bị xét xử về tội "Tàng trữ, vận chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả"

Chủ đề   RSS   
  • #265222 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4354 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Trần Quang Chiêu và các bị cáo bị xét xử về tội "Tàng trữ, vận chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả"

    Số hiệu

    29/2007/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Trần Quang Chiêu và các bị cáo bị xét xử về tội "Tàng trữ, vận chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả"

    Ngày ban hành

    10/12/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    ……..

    Ngày 10  tháng 12 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử  vụ án hình sự đối với:

    1. Trần Quang Chiêu sinh năm 1949; trú tại 152D Nguyễn Tất Thành, khóm 8, phường 8, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau; khi phạm tội là Giám đốc Công ty chế biến thuỷ sản và xuất nhập khẩu Cà Mau; con ông Trần Quang Trung và bà Võ Thị Năm; có vợ và 04 con.

    2. Trần Văn Hoàng sinh năm 1964; trú tại số 24 khu tập thể đông lạnh, khóm 7, phường 8, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau; khi phạm tội là Phó Giám đốc Công ty chế biến thuỷ sản và xuất nhập khẩu Cà Mau, kiêm Giám đốc Xí nghiệp đông lạnh Cà Mau 2; con ông Trần Hoàng Nghị và bà Nguyễn Thị Trại; có vợ và 02 con.

    3. Vương Trung Tuấn (Hải) sinh năm 1958; trú tại 12 lô 5G, khóm 3, phường 7, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau; khi phạm tội là Kế toán trưởng Công ty chế biến thuỷ sản và xuất nhập khẩu Cà Mau; con ông Vương Trung Lịnh và bà Huỳnh Thị Chu; có vợ và 02 con.

    4. Trương Việt Thù sinh năm 1965; trú tại số 51F khu tập thể đông lạnh, khóm 8, phường 8, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau; khi phạm tội là Phó Giám đốc xí nghiệp đông lạnh 4 thuộc Công ty chế biến thuỷ sản và xuất nhập khẩu Cà Mau; con ông Trương Minh Tốt và bà Trần Thị Mùi; có vợ và 02 con.

    5. Trương Vĩnh Thắng sinh năm 1965; trú tại 69D khu tập thể đông lạnh, khóm 8, phường 8, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau; khi phạm tội là nhân viên thu mua Xí nghiệp đông lạnh 2 thuộc Công ty chế biến thuỷ sản và xuất nhập khẩu Cà Mau; con ông Trương Văn Tỉnh và bà Lê Thị Út; có vợ và 02  con.

    6. Trần Thị Nguyệt sinh năm 1964; trú tại số 233 Nguyễn Công Trứ, phường 8, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau; khi phạm tội là nhân viên thu mua Xí nghiệp đông lạnh 4 thuộc Công ty chế biến thuỷ sản và xuất nhập khẩu Cà Mau; con ông Trần Đình Hoà và bà Phạm Thị Mai; có chồng và 02 con.

    7. Huỳnh Thanh Phong sinh năm 1966; trú tại ấp 11, xã Phong Thạnh Đông, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu; khi phạm tội là chủ hộ kinh doanh cá thể Tạ Văn Kha; con ông Huỳnh Văn Tý và bà Lâm Thị Sang; có vợ và 02 con; bị bắt giam từ ngày 22-5-2003 đến ngày 26-5-2003; bắt giam lại ngày 04-8-2003.

    Nguyên đơn dân sự (theo xác định của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm) gồm:

    1. Cục thuế tỉnh Cà Mau;

    2. Công ty chế biến thuỷ sản và xuất nhập khẩu Cà Mau.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: gồm có 35 người, trong đó có Nguyễn Tín Ngưỡng sinh năm 1963 là Phó Giám đốc Công ty chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau; trú tại số 16, Phan Bội Châu, phường 7, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

    NHẬN THẤY:

    Công ty chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau (viết tắt là Công ty) là doanh nghiệp Nhà nước có chức năng hoạt động kinh doanh, chế biến thủy sản các loại, xuất nhập khẩu thủy sản. Công ty có ba xí nghiệp thu mua chế biến các mặt hàng thủy sản là Xí nghiệp đông lạnh Cà Mau 2 (viết tắt là Xí nghiệp 2), Xí nghiệp đông lạnh Cà Mau 4 (viết tắt là Xí nghiệp 4), Xí nghiệp đông lạnh Cà Mau 5 (viết tắt là Xí nghiệp 5) và có một chi nhánh tại Úc. Công ty do Trần Quang Chiêu làm Giám đốc, Nguyễn Tín Ngưỡng làm Phó Giám đốc Công ty, Trần Văn Hoàng làm Phó Giám đốc Công ty kiêm Giám đốc Xí nghiệp 2, Vương Trung Tuấn là Kế toán trưởng Công ty, Trương Việt Thù làm Phó Giám đốc Xí nghiệp 4, Trương Vĩnh Thắng là nhân viên thu mua Xí nghiệp 2, Trần Thị Nguyệt là nhân viên thu mua Xí nghiệp 4. Vào năm 2002 Công ty rất cần nguồn nguyên liệu để sản xuất trong khi đó lượng hàng của các đại lý không có hóa đơn giá trị gia tăng nhiều, còn lượng hàng của các doanh nghiệp có hóa đơn giá trị gia tăng không đáng kể. Trong thời gian này Huỳnh Thanh Phong là chủ cơ sở kinh doanh Tạ Văn Kha thường đem tôm bán cho Xí nghiệp 4 và Xí nghiệp 2 nên đã bàn bạc với Trương Việt Thù và Trương Vĩnh Thắng nếu các xí nghiệp mua tôm của những cá nhân, doanh nghiệp không có hóa đơn thuế giá trị gia tăng khi tổng hợp lượng hàng mua được Phong sẽ xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng bằng lượng hàng và giá trị tiền mua hàng. Số tiền thuế giá trị gia tăng 5% trên hóa đơn được hoàn thuế Phong nhận 3,5%, để lại Xí nghiệp 1,5% trả cho người bán tôm không có hóa đơn. Thù, Thắng có báo cáo lại với Trần Quang Chiêu và được Chiêu đồng ý cho thực hiện. Đồng thời Trần Quang Chiêu, Trần Văn Hoàng, Nguyễn Tín Ngưỡng, Vương Trung Tuấn, Trương Việt Thù, Trương Vĩnh Thắng, Trần Thị Nguyệt đã thống nhất mua hóa đơn thuế giá trị gia tăng của cơ sở kinh doanh Tạ Văn Kha do Huỳnh Thanh Phong làm chủ và của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mỹ Hiệp do Dương Thị Mỹ Linh làm Giám đốc. Mục đích mua bán hóa đơn nêu trên là để Công ty có đủ nguồn tôm nguyên liệu để sản xuất, với lại nếu có được 1,5% tiền thuế giá trị gia tăng trợ giá cho các đại lý sẽ làm tăng sức mua hàng của Công ty, tạo được nguồn hàng đưa vào sản xuất nhằm đáp ứng cho các hợp đồng xuất khẩu. Toàn bộ số tiền thuế giá trị gia tăng đã được Công ty lập thủ tục xin khấu trừ hoàn thuế và được Cục thuế tỉnh Cà Mau hoàn thuế cho Công ty với tổng số tiền là 3.606.671.501 đồng; cụ thể như sau:

    - Từ tháng 02-2002 đến tháng 10-2002 Huỳnh Thanh Phong đã xuất 285 hóa đơn thuế giá trị gia tăng cho Công ty với tổng giá trị tiền hàng là 41.278.298.900 đồng, tiền thuế giá trị gia tăng 5% là 2.063.914.945 đồng (Phong nhận l.444.740.461 đồng và các đại lý nhận là 619.174.484 đồng).

    - Từ tháng 5-2002 đến tháng 12-2002 Công ty Mỹ Hiệp đó xuất 208 húa đơn thuế giá trị gia tăng cho Công ty với giá trị tiền hàng là 30.855.131.130 đồng, tiền thuế giá trị gia tăng 5% là 1.542.756.556 đồng và Nguyệt khai đó chi 1.542.756.556 đồng tiền thuế giá trị gia tăng cho Ngũ Văn Còn và những người bán tôm không có hóa đơn thuế giá trị gia tăng.(Dương Thị Mỹ Linh là giám đốc Công ty Mỹ Hiệp và Ngũ Văn Còn hiện đang bỏ trốn)

    Khi sự việc bị phát hiện, Cục thuế tỉnh Cà Mau đã ra quyết định số611/QĐ-CT ngày 27-6-2003 và quyết định số07/QĐ-CT ngày 07-9-2003 thu hồi lại toàn bộ số tiền 3.606.671.501 đồng là tiền hoàn thuế giá trị gia tăng đối với Công ty.

    Ngoài ra Nguyễn Tín Ngưỡng còn cho sản xuất hàng sai kích cỡ và thiếu trọng lượng xuất sang Úc gây thiệt hại cho Công ty 27.082,801 USD và 18.369,32 AUD. Cơ quan điều tra đã khởi tố Nguyễn Tín Ngưỡng về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", nhưng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Nguyễn Tín Ngưỡng với lý do: hành vi của bị can chưa cần thiết phải xử lý bằng hình sự.

    Tại Cáo trạng số04/KSĐT-HS ngày 03-01-2006, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau truy tố Trần Quang Chiêu, Vương Trung Tuấn, Trần Văn Hoàng, Trương Việt Thù, Trương Vĩnh Thắng, Trần Thị Nguyệt, Huỳnh Thanh Phong về tội "tàng trữ, vận chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả" theo khoản 2 Điều 181 Bộ luật hình sự.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 84/2006/HSST ngày 12-5-2006, Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau áp dụng khoản 2 Điều 181, các điểm b và p khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Huỳnh Thanh Phong 07 năm tù; áp dụng khoản 2 điều 181, các điểm p và s khoản 1, khoản 2 điều 46, điều 47, điều 60 Bộ luật hình sự; xử phạt: Trần Quang Chiêu 03 năm tù, nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 03 năm; Vương Trung Tuấn 02 năm 06 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 02 năm 06 tháng; Trương Việt Thù 02 năm 06 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 02 năm 06 tháng; Trương Vĩnh Thắng 02 năm tù, nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 02 năm; Trần Văn Hoàng 02 năm tù, nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 02 năm; Trần Thị Nguyệt 01 năm tù, nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 01 năm đều về tội "tàng trữ, vận chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả”; áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự buộc Huỳnh Thanh Phong nộp lại số tiền chiếm đoạt 1.257.100.061 đồng để trả lại cho Công ty; buộc Trần Quang Chiêu, Vương Trung Tuấn, Trương Việt Thù, Trương Vĩnh Thắng, Trần Văn Hoàng, Trần Thị Nguyệt liên đới bồi thường cho Công ty 642.499.017 đồng chia phần mỗi bị cáo phải bồi thường 107.083.169 đồng.

    Ngày 24-6-2006 Trần Thị Nguyệt kháng cáo xin được miễn trách nhiệm hình sự và không phải bồi thường thiệt hại như Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên.

    Trong các ngày 25 và 26-6-2006 Trần Quang Chiêu, Trần Văn Hoàng, Vương Trung Tuấn, Trương Việt Thù, Trương Vĩnh Thắng, Huỳnh Thanh Phong kháng cáo kêu oan.

    Tại Quyết định kháng nghị số101/KNPT-P1 ngày 25-5-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm tăng hình phạt đối với Vương Trung Tuấn, Trần Văn Hoàng, Trương Việt Thù, Trương Vĩnh Thắng, Trần Thị Nguyệt và không cho Vương Trung Tuấn, Trần Văn Hoàng, Trương Việt Thù, Trương Vĩnh Thắng được hưởng án treo; tăng hình phạt đối với Huỳnh Thanh Phong và buộc bị cáo phải bồi thường khoản tiền thu lợi bất chính 38.563.980 đồng; buộc các bị cáo Trần Quang Chiêu, Trần Văn Hoàng, Vương Trung Tuấn, Trương Việt Thù, Trương Vĩnh Thắng, Trần Thị Nguyệt phải liên đới bồi thường 1.451.043.034 đồng cho Công ty.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1426/2006/HSPT ngày 21-9-2006, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã giữ nguyên quyết định về hình phạt của bản án sơ thẩm đối với Huỳnh Thanh Phong, Trần Quang Chiêu và Trần Thị Nguyệt; áp dụng khoản 2 Điều 181, các điểm p và s khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 (riêng đối với Trương Việt Thù áp dụng thêm điểm b khoản 1 Điều 46, Điều 60) Bộ luật hình sự; xử phạt Trần Văn Hoàng 03 năm tù; Vương Trung Tuấn (Hải) 03 năm tù; xử phạt Trương Việt Thù 03 năm tù, nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 03 năm; áp dụng khoản 2 Điều 181, các điểm b và p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 60 Bộ luật hình sự; xử phạt Trương Vĩnh Thắng 02 năm tù, nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 02 năm đều về tội “tàng trữ, vận chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả”.

    Tại Quyết định kháng nghị số20/2007/HS-TK ngày 21-8-2007, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm số 1426/2006/HSPT ngày 21-9-2006 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án hình sự sơ thẩm số 84/2006/HSST ngày 12-5-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau; giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.  

    XÉT THẤY:

    Khi Huỳnh Thanh Phong chủ động đặt vấn đề xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng bằng tiền hàng và giá trị tiền mua hàng mà các Xí nghiệp đã mua tôm của những cá nhân, doanh nghiệp không có hóa đơn thuế giá trị gia tăng với thỏa thuận: số tiền thuế giá trị gia tăng 5% trên hóa đơn được hoàn thuế, Phong nhận 3,5%, để lại Xí nghiệp 1,5% trả cho người bán tôm không có hóa đơn, thì Trương Việt Thù và Trương Vĩnh Thắng đồng ý. Trước khi các xí nghiệp thực hiện mua tôm của các đại lý và khách vãng lai không có hóa đơn thuế giá trị gia tăng để ghép vào hóa đơn thuế giá trị gia tăng của cơ sở kinh doanh Tạ Văn Kha và Công ty trách nhiệm hữu hạn Mỹ Hiệp, Trương Việt Thù và Trương Vĩnh Thắng đều xin ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công ty là Trần Quang Chiêu và được Chiêu đồng ý cho ghép hàng. Có căn cứ xác định rằng trong quá trình kinh doanh, vì lợi ích cục bộ của Công ty, Ban giám đốc Công ty gồm: Trần Quang Chiêu, Nguyễn Tín Ngưỡng, Trần Văn Hoàng, Vương Trung Tuấn và một số người khác đã bàn bạc thống nhất dùng thủ đoạn gian dối là mua tôm của các cá nhân, doanh nghiệp không có hóa đơn thuế giá trị gia tăng, sau đó ghép vào hoá đơn thuế giá trị gia tăng của cơ sở kinh doanh Tạ Văn Kha do bị cáo Huỳnh Thanh Phong làm chủ và của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mỹ Hiệp do Dương Thị Mỹ Linh làm Giám đốc rồi hợp thức hoá chứng từ mua tôm lập hồ sơ quyết toán nhận 5% tiền hoàn thuế giá trị gia tăng và đã chiếm đoạt được 3.606.671.501 đồng của Cục thuế tỉnh Cà Mau. Số tiền này các bị cáo đã chi cho cơ sở và doanh nghiệp không có hàng, nhưng có xuất hoá đơn thuế giá trị gia tăng 3,5% và chi cho những đại lý bán hàng nhưng không có hoá đơn thuế giá trị gia tăng 1,5%. Hành vi phạm tội của Huỳnh Thanh Phong, Trần Quang Chiêu và các đồng phạm lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng khống đã chiếm đoạt 3.606.671.501 đồng của Cục thuế tỉnh Cà Mau có dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

     Đối với Nguyễn Tín Ngưỡng với tư cách là Phó Giám đốc Công ty có tham gia bàn bạc về việc mua hóa đơn giá trị gia tăng, đồng thời Ngưỡng còn giúp sức cho các bị cáo trong việc cho các xí nghiệp tạm ứng tiền mặt không qua hệ thống kế toán để mua gom hàng ghép vào hóa đơn giá trị gia tăng, nhưng Viện kiểm sát không truy tố hành vi này của Ngưỡng là bỏ lọt tội phạm. Về hành vi của Ngưỡng chỉ đạo việc sản xuất hàng sai kích cỡ, thiếu trọng lượng để xuất khẩu sang chi nhánh úc làm lỗ 27.082,801USD và chi phí sửa chữa lô hàng 18.369AUD đã bị cơ quan điều tra khởi tố và đề nghị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng Viện kiểm sát đã đình chỉ vụ án đối với Nguyễn Tín Ngưỡng là cần xem xét lại. Vì vậy kiến nghị với Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét việc đình chỉ về tội này đối với Nguyễn Tín Ngưỡng.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285, Điều 287 và Điều 289 Bộ luật tố tụng hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 1426/2006/HSPT  ngày 21-9-2006 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và  bản án hình sự sơ thẩm số 84/2006/HSST ngày 12-5-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Hành vi phạm tội của các bị cáo lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng khống có dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chứ không phải tội “tàng trữ, vận chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả”. Vụ án còn bỏ lọt tội phạm. Do đó, cần phải điều tra lại.

     

     
    3656 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận