Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Phan Văn Quỳnh phạm các tội "Giết người" và "Hiếp dâm"

Chủ đề   RSS   
  • #265381 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Phan Văn Quỳnh phạm các tội "Giết người" và "Hiếp dâm"

    Số hiệu

    19/2008/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Phan Văn Quỳnh phạm các tội "Giết người" và "Hiếp dâm"

    Ngày ban hành

    22/12/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

    ……..

    Ngày 22 tháng 12 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    Phan Văn Quỳnh sinh năm 1980; trú tại thôn Suối Tre, xã Eapô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; trình độ văn hoá: lớp 7/12; nghề nghiệp: làm ruộng; con ông Phan Văn Huynh và bà Đặng Thị Miên; có vợ và hai con; bị bắt giam ngày 09-6-2005.

    Người bị hại: chị Lò Thị Cươi sinh ngày 23-8-1987 (đã chết).

    Người đại diện hợp pháp của người bị hại: ông Lò Khăm Duôn (là bố chị Cươi); trú tại thôn Trung Sơn, xã Eapô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.

    NHẬN THẤY:

    Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định nội dung vụ án như sau: khoảng 14 giờ ngày 18-12-2003, Phan Văn Quỳnh cùng các anh Phan Văn Quỵnh (em trai Quỳnh), Nguyễn Đình Khoa, Nguyễn Viết Cương, Nguyễn Tiến Thức và ông Nguyễn Đình Hùng đi làm thủy điện giúp gia đình ông Phạm Đình Ngừng ở suối Eapô, cách nhà ông Ngừng khoảng 600 mét. Sau khi làm thủy điện xong, ông Ngừng cùng ông Hùng và anh Thức về trước, Quỳnh cùng các anh Quỵnh, Khoa, Cương ở lại dọn dẹp. Khoảng 16 giờ 30 phút, Quỳnh cùng các anh Quỵnh, Khoa, Cương về giếng nước nhà ông Ngừng (cách nhà ông Ngừng khoảng 70 mét) rửa chân tay. Sau đó các anh Quỵnh, Khoa và Cương đi lên nhà ông Ngừng uống nước, Quỳnh đi đến bụi chuối cách giếng nước khoảng 20 mét để đi tiểu, thì nhìn thấy chị Lò Thị Cươi đi trong vườn chôm chôm nhà ông Ngừng và cách chỗ Quỳnh đứng khoảng 08 mét. Quỳnh nói “Em ơi cho anh đi với”, chị Cươi trả lời “Không được”. Quỳnh nói tiếp “Không được anh cũng đi”. Thấy vậy, chị Cươi bỏ chạy, Quỳnh đuổi theo. Khi chị Cươi chạy đến hàng rào, nơi ngăn cách giữa vườn rẫy nhà ông Ngừng và vườn rẫy nhà anh Nguyễn Viết Cương (hàng rào làm bằng cây le cao khoảng 02 mét và đan mắt cáo, ở chân hàng rào xếp đá cao khoảng 0,2 đến 0,5 mét), chị Cươi tìm cách vượt qua hàng rào, thì bị vấp ngã xấp xuống đất. Quỳnh chạy tới dùng tay phải nắm vào vai chị Cươi và lật ngửa chị Cươi lên. Thấy xung quanh vắng vẻ, Quỳnh nảy sinh ý định hiếp dâm chị Cươi. Chị Cươi kêu cứu, thì Quỳnh dùng tay trái bịt miệng chị Cươi và dùng đầu gối đè lên đùi chị Cươi, tay phải cởi khóa quần và tụt quần dài, quần lót của chị Cươi đến đầu gối, rồi Quỳnh tụt quần của mình xuống ngang mông, đưa dương vật ra ngoài và nằm đè lên người chị Cươi để giao cấu. Do vướng quần và chị Cươi giẫy đạp, Quỳnh không thể đưa dương vật của mình vào trong âm đạo của chị Cươi, mà chỉ trượt ở bên ngoài khoảng 02 phút thì xuất tinh. Sợ bị chị Cươi tố giác, Quỳnh dùng tay bóp cổ chị Cươi cho đến khi chị Cươi không giẫy nữa mới thôi. Sau khi xác định chị Cươi đã chết, Quỳnh kéo quần của chị Cươi lên và để xác chị Cươi tại bụi chuối cạnh hàng rào, rồi đi lên nhà ông Ngừng. Khi đi đến ngõ nhà ông Ngừng gặp các anh Quỵnh, Khoa, Cương từ trong nhà ông Ngừng đi ra, Quỳnh cùng mọi người đi đá bóng đến khoảng 17 giờ 30 phút thì nghỉ. Trên đường về nhà cùng em trai là Phan Văn Quỵnh, Quỳnh nảy sinh ý định mang xác chị Cươi đến chòi rẫy của người dân tộc Thái (chòi của gia đình ông Lò Khăm Duôn là bố đẻ chị Cươi) đốt để phi tang, nên Quỳnh không đi tiếp về nhà, mà đi tắt đến quán của chị Nguyễn Thị Yên ở thôn Bình Minh, xã Eapô mua 03 lít xăng đựng vào 03 túi ni lông mang về để tại gốc mít cạnh chòi rẫy, rồi mới về nhà tắm rửa. Sau khi Quỳnh cùng vợ là chị Bùi Thị Sự, em trai là Quỵnh ăn cơm và xem ti vi đến khoảng 20 giờ 30 phút, thì chị Sự đi ngủ và anh Quỵnh ra chòi ở ao trông cá, Quỳnh lấy đèn pin và một chiếc bật lửa đi đến nơi giấu xác chị Cươi. Đến nơi, Quỳnh vạch hàng rào cây le thành lối rồi vác xác chị Cươi lên vai, tay cầm đèn pin và chiếc nón của chị Cươi đi đến chòi rẫy của ông Lò Khăm Duôn. Vì chiếc nón vướng vào thành cửa chòi, Quỳnh đã vứt chiếc nón ở trước cửa chòi rồi đặt xác chị Cươi vào trong chòi, với tư thế đầu quay vào trong, chân quay ra cửa. Quỳnh ra ngoài chòi vơ khoảng 03 ôm cây ngô khô nhét xuống gầm sàn của chòi và khoảng 03 ôm cây ngô phủ lên xác chị Cươi, sau đó bỏ 03 túi ni lông xăng lên trên rồi châm lửa đốt. Khi lửa đã cháy to, thì Quỳnh đi về nhà rửa chân tay, rồi vào ngủ cùng vợ (lúc này khoảng 21 giờ 30 cùng ngày).

    Tại biên bản khám nghiệm hiện trường lúc 10 giờ ngày 20-12-2003 xác định: hiện trường đã bị xáo trộn do thời gian, thời tiết; toàn bộ khu vực xung quanh chòi là đất trống, chòi rẫy của nhà ông Duôn bị cháy hoàn toàn, khu vực bị cháy có diện tích 4x3 mét; còn lại tro bụi và âm ỉ khói; trên đống tro bụi là những mảnh ngói vỡ...; cách vách nhà phía bắc 01 mét về phía nam phát hiện 01 tử thi nằm trên ngói bị đổ vỡ đã bị cháy hoàn toàn; đầu quay hướng bắc, chân quay hướng nam, tay dang ngang, chân nằm dưới ngói; phần cơ bị cháy hoàn toàn, xương bị than hóa; phía dưới ngói là lớp tro dày 07 cm; đất phía dưới có màu xám.

    Tại biên bản khám nghiệm tử thi lúc 10 giờ 15 phút ngày 20-12-2003 cho thấy: khám ngoài: tử thi bị cháy toàn bộ; đầu bị cháy toàn bộ, phần sau đỉnh gáy bị cháy thành tro; mặt, mắt, mũi, miệng, tai, cổ, ngực, bụng, cơ quan sinh dục ngoài, hậu môn, lưng, mông da cơ bị cháy toàn bộ; chân và tay da cơ bị cháy toàn bộ, xương tứ chi bị cháy thành tro toàn bộ. Khám bên trong: da đầu bị cháy toàn bộ; xương hộp sọ bị than hóa có màu trắng; màng não cháy, não khô teo; khoang ngực khô sạch, phổi và tim cháy khô teo; xương sườn than hóa thành tro; hệ thống ruột bị cháy khô teo, dạ dày bị cháy 1/3 còn thức ăn chuyển màu, không xác định được; lách, tụy, thận, thượng thận, niệu quản, bàng quang bị cháy khô teo; cơ quan sinh dục trong khô teo kích thước 5x3 cm, cắt bên trong có dịch màu nâu, hai vòi trứng hơi to chu vi 4,5 cm; hệ thống xương bị cháy toàn bộ.

    Tại bản giám định pháp y số 126/KLPY ngày 14-4-2004, Tổ chức giám định pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận: nạn nhân bị cháy thành than và teo, không đủ yếu tố để xác định nguyên nhân chết.

    Tại biên bản giám định số 2501/C21 ngày 06-07-2004, Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Các nguồn nhiệt nhỏ như thuốc lá cháy nhỏ, diêm đóm, đèn cầy không thể gây cháy cho căn chòi có diện tích 4x3 mét mái ngói, sàn gỗ; để cháy tương đối căn chòi nói trên có nhiều khả năng có sự tham gia của xăng dầu hoặc chất dung môi dễ cháy khác; trong quá trình cháy căn chòi nói trên, nhiệt độ đám cháy khoảng 1.000 độ, lượng chất cháy trên đủ đốt cháy hóa than hoàn toàn tử thi Lò Thị Cươi.

    Sau khi vụ án xảy ra, qua công tác trinh sát Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt Phan Văn Quỳnh ngày 09-6-2005.

    Kết quả thực nghiệm điều tra ngày 11-8-2005, Phan Văn Quỳnh đã diễn lại toàn bộ hành vi phạm tội.

    Quá trình điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã khai quật tử thi, thu giữ 02 răng hàm trái và 01 mẫu xương đùi trái của người bị hại để giám định ADN.

    Tại bản giám định ADN số 1914/C21(P7) ngày 23-8-2006, Viện khoa học hình sự tổng cục cảnh sát kết luận: mẫu xương và răng gửi giám định là người có quan hệ huyết thống dòng mẹ với bà Lò Thị Phận và chị Lò Thị Hằng.

    Tại Cáo trạng số01/KSĐT-TA ngày 07-12-2006, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông truy tố Phan Văn Quỳnh về tội “Giết ng­ười” theo khoản 1 Điều 93 và tội “Hiếp dâm” theo khoản 4 Điều 111 Bộ luật hình sự.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 58/2007/HSST ngày 03-5-2007, Toà án nhân dân tỉnh Đắk Nông áp dụng điểm g khoản 1 Điều 93; khoản 4 Điều 111; Điều 50 Bộ luật hình sự, xử phạt Phan Văn Quỳnh tử hình về tội “Giết người” và 07 năm tù về tội “Hiếp dâm; tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai tội là tử hình. Về trách nhiệm dân sự: áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 604 và Điều 610 Bộ luật dân sự, buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình chị Cươi do ông Lò Khăm Duôn đại diện số tiền là 39.685.000 đồng.

    Ngày 10-5-2007, bị cáo kháng cáo cho rằng bị cáo không giết và hiếp chị Cươi nên Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội “Giết người” và tội “Hiếp dâm” là oan.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 691/2007/HSPT ngày 14-8-2007, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng giữ nguyên quyết định về hình phạt và quyết định về bồi thường của bản án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo.

    Tại Quyết định kháng nghị số12/QĐ-VKSTC-V3 ngày 11-6-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm số 691/2007/HSPT nói trên và bản án hình sự sơ thẩm số 58/2007/HSST ngày      03-5-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã kết án Phan Văn Quỳnh để điều tra lại.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    1. Từ ngày 07-6-2005 đến ngày 02-8-2005, tại Cơ quan điều tra bị cáo có 04 bản tự khai và 11 lời khai, nhưng có điểm chưa thống nhất: lời khai đầu tiên bị cáo khai chị Cươi bỏ chạy và bị vấp ngã, khi bị cáo lật chị Cươi lên thì thấy mặt chị Cươi đã tím đen; có lời khai sau khi bị cáo hiếp chị Cươi xong, bị cáo thấy chị Cươi đã chết; có lời khai khi bị cáo hiếp chị Cươi xong, bị cáo sợ chị Cươi tố giác, nên bị cáo bóp cổ chị Cươi chết; có lời khai khi đốt xác chị Cươi, bị cáo đặt xác đầu quay ra hướng cửa chòi và có lời khai bị cáo đặt xác chị Cươi chân quay ra hướng cửa chòi; có lời khai bị cáo mua xăng để đốt xác chị Cươi và có lời khai bị cáo không mua xăng để đốt xác chị Cươi. Tại biên bản ghi lời khai của bị cáo đề ngày 13-7-2005 và đề ngày 02-8-2005 (có Luật sư Phan Văn Cảnh tham gia lấy lời khai của bị cáo), bị cáo đều khai nhận bị cáo là người đã hiếp và giết chị Cươi. Tuy nhiên, Tại phiên tòa sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không nhận tội và cho rằng các lời khai nhận tội của bị cáo tại Cơ quan điều tra là do bị Điều tra viên bức cung, dùng nhục hình nên bị cáo nhận tội; đồng thời, bị cáo cho rằng Luật sư Phan Văn Cảnh không có mặt khi các Điều tra viên lấy lời khai của bị cáo, các lời khai của bị cáo đề ngày 13-7-2005 và đề ngày 02-8-2005 là do cán bộ điều tra lấy biên bản ghi lời khai của bị cáo vào các ngày trước đó, rồi đưa cho Luật sư Phan Văn Cảnh ký. Vì vậy, phải xác minh làm rõ việc lấy lời khai của Quỳnh có Luật sư Phan Văn Cảnh tham gia không? Nếu Luật sư có tham gia, thì Quỳnh có bị mớm cung, ép cung không?

    2. Chị Lò Thị Tơ là người làm chứng, tại Cơ quan điều tra đã khai khoảng hơn 16 giờ 30 phút ngày 18-12-2003, chị Tơ nhìn từ sân nhà xuống khu vực giếng nước nhà ông Ngừng (cách khoảng 100 mét) thấy bốn đến năm thanh niên, trong đó có hai người có đặc điểm giống anh Khoa và anh Cương trêu cô gái đầu đội nón, mặt bịt khăn màu sáng, mặc áo màu xanh bộ đội và quần màu xanh đen, nhưng Cơ quan điều tra chưa tổ chức thực nghiệm điều tra để xác định với đặc điểm của khu vườn và thời tiết lúc đó, với tư thế đứng (hoặc ngồi) theo lời khai của chị Tơ, thì chị Tơ có thể nhìn rõ các sự việc như chị đã khai không. Do vậy, cần thực nghiệm điều tra theo lời khai trên của chị Tơ về vị trí, khoảng cách, điều kiện... để có cơ sở kết luận lời khai của chị Tơ có khách quan không? Mặt khác, ngày 31-5-2005, chị Tơ khai trong số thanh niên trêu cô gái có anh Khoa, nhưng ngày 07-7-2005 chị Tơ lại khai không biết họ là ai... Do vậy, cần làm rõ mâu thuẫn trong các lời khai của chị Tơ, lý do chị Tơ thay đổi lời khai và có bị ai tác động không? 

    3. Chị Lò Thị Cươi sau khi bị giết đã bị đốt xác và xác đã bị than hóa, nên việc thực nghiệm điều tra lại việc đốt xác như kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu là không thể thực hiện được.

    4. Tại bản tường trình về việc nhận dạng ngày 25-02-2005, chị Nguyễn Thị Yên viết ... tôi đã nhận dạng được người mua 03 lít xăng, người đó giống người trong tấm ảnh chụp chung với người bị che mặt ở ảnh số 5, nhưng trong biên bản nhận dạng do Cơ quan điều tra lập cùng ngày, thì chị Yên khẳng định 100% là người ở trong bức ảnh số 05 (là Phan Văn Quỳnh). Còn các lời khai của chị Yên tại Cơ quan điều tra phù hợp với lời khai của Quỳnh là Quỳnh đã mua 03 lít xăng của chị Yên vào khoảng hơn 18 giờ ngày 18-12-2003. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm, chị Yên lại khai Phan Văn Quỳnh (người có mặt tại phiên tòa) không phải là người đã mua xăng của chị vào khoảng hơn 18 giờ ngày 18-12-2003. Tại Biên bản xác minh ngày 21-5-2008 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chị Nguyễn Thị Yên khai Phan Văn Quỳnh không phải là người đã mua xăng của chị và cho rằng khi nhận dạng có một cán bộ điều tra đã chỉ vào ảnh và hỏi chị Yên là có phải người này không? Chị Yên trả lời người đó hao hao giống, nhưng không khẳng định chắc chắn, còn trong biên bản nhận dạng chị Yên khẳng định 100% là do cán bộ điều tra đọc cho chị Yên viết. Do đó, phải xác minh làm rõ việc Cơ quan điều tra cho chị Yên nhận dạng qua ảnh thế nào, có đúng thủ tục tố tụng hình sự không và lý do chị Yên nhận dạng qua ảnh được Phan Văn Quỳnh? Đồng thời, làm rõ tại sao chị Yên thay đổi lời khai?

    5. Tại phiên tòa sơ thẩm những người làm chứng là các anh Nguyễn Đình Khoa, Nguyễn Viết Cương, Phan Văn Quỵnh thay đổi lời khai và cho rằng sau khi làm thủy điện giúp gia đình ông Phạm Đình Ngừng xong, các anh về nhà ông Ngừng luôn, chứ không phải như các anh khai ở Cơ quan điều tra là các anh cùng Quỳnh về giếng nước nhà ông Ngừng rửa chân tay và Quỳnh lên sau khoảng 15 đến 20 phút. Sở dĩ tại Cơ quan điều tra các anh khai như vậy là do bị giam giữ, bị Điều tra viên bức cung và dùng nhục hình, nên các anh phải khai theo ý của Điều tra viên. Về lời khai của các anh Khoa, Cương và Quỵnh qua xác minh của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thì việc những người làm chứng này bị tạm giữ là có thật.  Do vậy, cần phải xác minh tính chính xác của các biên bản ghi lời khai của những người làm chứng này; đồng thời, cần cho anh Khoa, anh Quỵnh, anh Cương đối chất với nhau và đối chất với Phan Văn Quỳnh.

    6. Ngoài ra, cần có sự giải thích của cơ quan chức năng có thẩm quyền để làm rõ với 03 lít xăng cùng số lượng cây ngô khô như lời khai của Phan Văn Quỳnh và đặc điểm chòi rẫy nhà ông Lò Khăm Duôn có thể đốt cháy người có đặc điểm như chị Lò Thị Cươi (về dáng vóc, chiều cao và cân nặng) như biên bản khám nghiệm hiện trường không?

    Việc điều tra xác minh làm rõ các vấn đề trên là hết sức cần thiết cho việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án.   

    Vì các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 285; Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 691/2007/HSPT ngày 14-8-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và bản án hình sự sơ thẩm số 58/2007/HSST ngày 03-5-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông; giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Cần làm rõ việc lấy lời khai của Phan Văn Quỳnh có luật sư tham gia không, nếu có thì Quỳnh có bị mớm cung, ép cung không? Cần làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của những người làm chứng.

     
    6984 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận