Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Quốc Sang phạm tội "Vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"

Chủ đề   RSS   
  • #265428 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Quốc Sang phạm tội "Vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"

    Số hiệu

    10/2009/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Quốc Sang phạm tội "Vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"

    Ngày ban hành

    03/09/2009

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    ……..

    Ngày 03 tháng 9 năm 2009, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo:

    Nguyễn Quốc Sang sinh năm 1982; thường trú tại số 12/2 ấp Long Hải, xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh; trình độ văn hóa 12/12; nghề nghiệp khi phạm tội là lái xe; con ông Nguyễn Văn Thảo và bà Lê Thị Mát; bị bắt giam ngày 26-4-2005.

    Trong vụ án này có 18 người bị hại (trong đó 04 người bị chết, 07 người bị thương và 07 người bị thiệt hại về tài sản).

    Người bị hại liên quan đến kháng nghị:

    1. Anh Vũ Hoài Nam sinh năm 1968 (đã chết)

    2. Cháu Vũ Thu Hà sinh năm 1991 (đã chết)

    3. Cháu Vũ Văn Quảng sinh năm 1994 (đã chết)

    Người đại diện hợp pháp của người bị hại:

    Chị Nguyễn Thị Phin sinh năm 1972; trú tại số 299, khu phố 3, phường Thới An, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh (là vợ của anh Vũ Hoài Nam và là mẹ của các cháu Vũ Thu Hà và Vũ Văn Quảng) ủy quyền cho anh Vũ Quốc Đông sinh năm 1971; trú tại số 428 Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh (là em trai của anh Nam) đại diện.

    Bị đơn dân sự: bà Nguyễn Thị Thoại sinh năm 1956; trú tại số 773, khu phố Hiệp Bình, Cách Mạng tháng 8, phường Hiệp Linh, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

    NHẬN THẤY:

    Khoảng 6 giờ ngày 29-3-2005, Nguyễn Quốc Sang lái xe ô tô tải biển kiểm soát 70H-3683 (do bà Nguyễn Thị Thoại là chủ sở hữu) chở 10 tấn hạt điều lưu thông trên quốc lộ 1A, hướng từ ngã tư An Sương về Thủ Đức. Khi đến giao lộ 1A và đường Nguyễn Văn Quá thuộc phường Tân Thới Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh, do không làm chủ  tốc độ, xử lý tay lái kém, Sang để xe lao chéo sang trái đường đâm vào 3 xe máy đang đi từ hướng ngược chiều lại là xe máy do anh Nguyễn Ngọc Ái điều khiển phía sau chở anh Sơn Ngọc Thắng; xe máy do anh Vũ Hoài Nam điều khiển phía sau chở hai con là Vũ Thu Hà và Vũ Văn Quảng và xe máy do chị Nguyễn Thị Mỹ điều khiển. Sau khi đâm vào 3 xe máy trên, xe ôtô tiếp tục lao vào quán cà phê ở phía trái đường, đâm vào 5 xe máy, 2 xe đạp và đâm vào ông Đoàn Văn Năm, Nguyễn Văn Vức, anh Nguyễn Ngọc Phan Tâm.

    Tai nạn xảy ra làm 4 người bị chết là anh Vũ Quốc Nam cùng với hai con của anh Nam là cháu Vũ Thu Hà, cháu Vũ Văn Quảng và anh Nguyễn Ngọc Phan Tâm; 7 người bị thương; hỏng 8 xe máy, 2 xe đạp; hỏng mái nhà 116/2 khu phố 4, phường Tân Thới Hiệp, quận 12 của bà Trương Thị Lành và hỏng mái nhà liền kề của ông Lê Hoàng Có.

    Sau khi Nguyễn Quốc Sang gây ra tai nạn, bà Nguyễn Thị Thoại là chủ sở hữu xe ôtô đã bồi thường cho gia đình các nạn nhân, trong đó bồi thường gia đình anh Vũ Hoài Nam số tiền 100.000.000 đồng.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 1711/2005/HSST ngày 08-12-2005, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh áp dụng khoản 3 Điều 202; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Quốc Sang 08 (tám) năm tù về tội: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Áp dụng các điều 613; 614 và 627 Bộ luật dân sự; buộc bà Nguyễn Thị Thoại tiếp tục bồi thường số tiền 12.600.000 đồng và bị cáo Nguyễn Quốc Sang bồi thường số tiền 2.000.000 đồng cho gia đình anh Vũ Hoài Nam (do anh Vũ Quốc Đông đại diện); bà Nguyễn Thị Thoại cấp dưỡng nuôi con anh Vũ Hoài Nam (theo giấy khai sinh) mỗi tháng 200.000đ đến khi cháu tròn 18 tuổi.

    Ngày 15-12-2005, anh Vũ Quốc Đông kháng cáo đề nghị xét xử lại phần dân sự.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 550/2006/HSPT ngày 08-5-2006, Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, sửa bản án sơ thẩm về dân sự. Áp dụng các điều 613, 614 và 627 Bộ luật dân sự; buộc bà Nguyễn Thị Thoại bồi thường tổn thất về tinh thần cho vợ anh Nam số tiền 63.000.000 đồng (350.000 đồng/01 tháng x 180 tháng) và tiền mất thu nhập của anh Nam 1.500.000 đồng/01 tháng x 6 tháng là 9.000.000 đồng; tổng cộng là 72.000.000 đồng (bảy mươi hai triệu đồng); ghi nhận sự tự nguyện của bà Thoại trợ cấp để nuôi con của anh Nam là cháu Vũ Anh Tuyết sinh tháng 9-2005 mỗi tháng 200.000 đồng, thời gian từ tháng 9-2005 cho đến khi cháu Tuyết đến tuổi trưởng thành; bà Nguyễn Thị Thoại nộp 3.600.000 đồng án phí dân sự.

    Tại Kháng nghị số04/2009/HS-TK ngày 06-5-2009, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 550/2006/HSPT ngày 08-5-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên về phần quyết định buộc bà Nguyễn Thị Thoại bồi thường khoản tiền tổn thất về tinh thần, tiền mất thu nhập của anh Vũ Hoài Nam và tiền án phí dân sự để xét xử phúc thẩm lại với lý do:

    “Nguyễn Quốc Sang điều khiển xe ô tô tải vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, gây ra hậu quả là chết 04 người và bị thương 07 người, trong đó có anh Vũ Hoài Nam cùng hai con bị chết. Ngoài tiền chi phí mai táng là 100.000.000 đồng mà bà Nguyễn Thị Thoại (là chủ sở hữu xe ô tô) đã bồi thường cho gia đình anh Nam, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bà Thoại bồi thường cho người đại diện hợp pháp của anh Nam khoản tiền tổn thất về tinh thần và tiền cấp dưỡng nuôi con của anh Nam là đúng pháp luật. Tuy nhiên, khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần Tòa án cấp sơ thẩm chỉ buộc bà Thoại bồi thường 12.600.000 đồng (36 tháng x 350.000 đồng) là quá thấp, Tòa án cấp phúc thẩm sửa quyết định này, buộc bà Thoại bồi thường cho cả 03 người chết là 180 tháng lương (60 tháng x 3 người), với số tiền 63.000.000 đồng là mức cao nhất cho mỗi người cũng là không đúng thực tế.

    Về thu nhập thực tế bị mất: theo quy định tại Điều 614 Bộ luật dân sự năm 1995 thì các khoản phải bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Anh Vũ Hoài Nam đã chết ngay sau khi bị tai nạn giao thông, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm vẫn quyết định buộc bà Thoại bồi thường tiền mất thu nhập của anh Nam được tính trong thời gian 06 tháng, mỗi tháng 1.500.000 đồng, với tổng số tiền 9.000.000 đồng là không đúng”.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Nguyễn Quốc Sang điều khiển xe ô tô tải, đã vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, gây hậu quả làm chết 04 người, bị thương 07 người và  thiệt hại một số tài sản khác. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án bị cáo về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, đồng thời buộc bị cáo và bị đơn dân sự bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản bị xâm phạm cho những người bị hại là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, trong vụ án này, một gia đình có ba người bị chết là anh Vũ Hoài Nam cùng hai con của anh Nam là cháu Vũ Thu Hà và Vũ Văn Quảng, nhưng khi xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm còn có những sai lầm như sau:

    Về xác định tư cách người tham gia tố tụng: sau khi anh Vũ Hoài Nam bị chết, ngoài chị Nguyễn Thị Phin là người thân thích gần gũi nhất, thì anh Nam còn có mẹ (bút lục 297). Như vậy, người đại diện hợp pháp của anh Nam gồm có mẹ và vợ là chị Phin, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh để đưa mẹ của anh Nam tham gia tố tụng, mà xác định anh Vũ Quốc Đông là em trai của anh Nam (chỉ được chị Phin ủy quyền) là người đại diện hợp pháp của người bị hại và quyết định buộc bị cáo, bị đơn dân sự bồi thường cho gia đình anh Nam là chưa đầy đủ và chính xác. Tòa án cấp phúc thẩm đã không khắc phục được sai lầm nêu trên, mà còn ghi sai họ của bị đơn dân sự, đồng thời buộc bị đơn dân sự (bà Nguyễn Thị Thoại) bồi thường tổn thất tinh thần cho vợ anh Nam là không đúng, vì những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh Nam gồm mẹ, vợ và con mới sinh cùng được hưởng khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do anh Nam bị thiệt hại về tính mạng. Riêng khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do cháu Vũ Thu Hà và Vũ Văn Quảng bị thiệt hại về tính mạng thì chỉ có chị Phin (là mẹ của hai cháu) được hưởng, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm tính luôn cả ba trường hợp để buộc bị đơn dân sự bồi thường cho chị Phin là không đúng.

    Về việc bồi thường dân sự: ngoài tiền chi phí mai táng là 100.000.000 đồng mà bà Nguyễn Thị Thoại đã bồi thường cho gia đình anh Vũ Hoài Nam, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bà Thoại bồi thường cho người đại diện hợp pháp của anh Nam khoản tiền tổn thất về tinh thần và tiền cấp dưỡng nuôi con của anh Nam, nhưng khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần Tòa án cấp sơ thẩm chỉ buộc bà Thoại bồi thường 12.600.000 đồng (36 tháng x 350.000 đồng) là quá thấp, Tòa án cấp phúc thẩm sửa quyết định này, buộc bà Thoại bồi thường cho cả 03 người chết là 180 tháng lương (60 tháng x 3 người), với tổng số tiền 63.000.000 đồng là mức cao nhất cho mỗi người cũng chưa phù hợp với thực tế. Mặc dù, tổn thất về tinh thần đối với người thân thích của anh Vũ Hoài Nam rất lớn, nhưng bị đơn dân sự không có lỗi trong việc gây tai nạn; mặt khác, ngoài việc bồi thường chi phí mai táng cho gia đình anh Nam, thì bị đơn dân sự còn phải bồi thường cho nhiều người bị hại khác, do đó khi giải quyết khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần đối với gia đình anh Nam, ngoài việc xác định vị thế của người bị hại trong gia đình, thì Tòa án cần xem xét, quyết định cho phù hợp với thực tế để đảm bảo khả năng thi hành án.

    Về thu nhập thực tế bị mất: anh Vũ Hoài Nam đã chết ngay sau khi bị tai nạn giao thông, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm vẫn quyết định buộc bà Thoại bồi thường tiền mất thu nhập của anh Nam được tính trong thời gian 06 tháng, mỗi tháng 1.500.000 đồng, với tổng số tiền 9.000.000 đồng là không đúng quy định tại Điều 614 Bộ luật dân sự năm 1995.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Hủy bản án hình sự phúc thẩm số550/2006/HS-PT ngày 08-5-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về phần quyết định buộc bà Nguyễn Thị Thoại bồi thường khoản tiền tổn thất về tinh thần, tiền mất thu nhập của anh Vũ Hoài Nam, tiền án phí dân sự và bản án hình sự sơ thẩm số 1711/2005/HSST ngày 08-12-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phần quyết định buộc bà Nguyễn Thị Thoại bồi thường khoản tiền tổn thất về tinh thần; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy một phần:

    Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng; quyết định mức bồi thường không phù hợp với thực tế và khả năng thi hành án; xác định không đúng thu nhập thực tế bị mất của người bị hại.

     

     
    5447 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn phamthanhhuu vì bài viết hữu ích
    nguyenvancong90tq (06/10/2014)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận