Quyết định giám đốc thẩm số 20/2005/Hs-gđt Ngày 31-10-2005 Về vụ án Lê Thị Nguyệt cùng đồng bọn phạm tội “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”

Chủ đề   RSS   
  • #264848 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 20/2005/Hs-gđt Ngày 31-10-2005 Về vụ án Lê Thị Nguyệt cùng đồng bọn phạm tội “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”

    Số hiệu

    20/2005/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số20/2005/Hs-gđt Ngày 31-10-2005 Về vụ án Lê Thị Nguyệt cùng đồng bọn phạm tội “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”

    Ngày ban hành

    31/10/2005

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    Quyết định giám đốc thẩm số20/2005/Hs-gđt

    Ngày 31-10-2005 Về vụ án Lê Thị Nguyệt cùng đồng bọn phạm tội “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”

     

    Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

    ...

    Ngày 31 tháng 10 năm 2005, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    1- Lê Thị Nguyệt (còn có tên gọi khác là Lê Minh Nguyệt) sinh năm 1956; trú tại khu Tân Tiến, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang; khi phạm tội là Cửa hàng trưởng Cửa hàng thương nghiệp huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang; con ông Lê Doãn Nguyên và bà Đào Thị Duyên (đều đã chết), có chồng đã chết và có 2 con. (Lê Thị Nguyệt được hoãn chấp hành hình phạt tù theo Quyết định số01/QĐ-THA ngày 21-6-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Tuyên Quang).

    2- Hoàng Thị Thái sinh năm 1957; trú tại khu Tân Tiến, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang; khi phạm tội là Kế toán cửa hàng thương nghiệp huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang; con ông Hoàng Vũ (đã chết) và bà Hoàng Thị Lô; có chồng và có 2 con.

    3- Đỗ Thị Hồng sinh năm 1958; trú tại khu Tân Tiến, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang; khi phạm tội là Thủ quỹ cửa hàng thương nghiệp huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang; con ông Đỗ Đa Chi và bà Cao Thị Thái; có chồng và có 2 con.

    4- Trần Thị Xuân sinh năm 1957; trú tại khu Tân Phú, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang; khi phạm tội là Thủ kho cửa hàng thương nghiệp huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang; con ông Trần Đức Lợi và bà Đàm Thị Vinh (đều đã chết); có chồng và có 2 con.

    Nhận thấy:

    1- Từ tháng 3-1996 đến tháng 4-1997, khi còn là Tổ trưởng tổ kế toán cũng như khi được bổ nhiệm làm Cửa hàng trưởng cửa hàng thương nghiệp huyện Hàm Yên trực thuộc Công ty dịch vụ Miền núi và Dân tộc - Sở thương mại tỉnh Tuyên Quang, Lê Thị Nguyệt đã chỉ đạo Đỗ Thị Hồng (là Thủ quỹ) lập hai quyển sổ theo dõi, một quyển sổ theo dõi đúng quy định của Nhà nước, còn một quyển sổ tay để theo dõi các khoản vay nợ cá nhân. Nguyệt nói với Hồng và Hoàng Thị Thái (là Kế toán) cho Nguyệt ứng tiền trong quỹ của Cửa hàng 17 lần với số tiền là 27.250.000 đồng để sử dụng, nhưng chỉ ký vào sổ tay của Hồng với tư cách cá nhân. Đầu tháng 4-1997 thấy số nợ quá cao không có khả năng trả và bị Thái và Hồng đòi nhiều lần nên Nguyệt nói với Thái, Hồng và Trần Thị Xuân (là Thủ kho) khi nào bán được muối thì cho Nguyệt vay nộp vào quỹ để giảm số nợ của Nguyệt xuống, nhưng vẫn báo cáo muối còn tồn trong kho. Ngày 08-4-1997, Thái, Hồng và Xuân đã bán 20 tấn muối trong kho được14.000.000 đồng và trừ vào tiền nợ của Nguyệt trên sổ tay của Hồng còn lại là 13.250.000 đồng, nhưng vẫn báo cáo với Công ty là muối còn tồn chưa bán được. Từ tháng 6-1997 đến ngày 27-4-1998, Nguyệt tiếp tục 7 lần lấy tiền trong quỹ với số tiền là 5.350.000 đồng cũng bằng hình thức ký vào sổ tay của Đỗ Thị Hồng. Mặc dù đã lấy số tiền trên chi tiêu cho cá nhân, nhưng từ tháng 12-1996 đến khi bị phát hiện (tháng 6-1998), Nguyệt cùng với Thái, Hồng vẫn lập báo cáo với Công ty là tiền vẫn còn đủ trong quỹ.

    Sau khi bán 20 tấn muối Nguyệt, Thái, Hồng và Xuân vẫn báo cáo còn tồn khống từ tháng 4-1997 đến tháng 5-1998. Đến tháng 6-1998 khi biết Công ty chuẩn bị kiểm tra Nguyệt đã chỉ đạo Xuân lập hoá đơn bán 20 tấn muối và ghi nợ tiền bán muối cho Nguyệt.

    Như vậy, Lê Thị Nguyệt đã lấy tổng số tiền 32.600.000 đồng từ quỹ của cơ quan chi tiêu cho cá nhân với sự giúp sức của Thái, Hồng và Xuân.

    2- Ngoài ra, do nợ nần nhiều và cần có tiền để đầu tư khai thác vàng nên dù không có chức năng đi thu nhưng Nguyệt vẫn đến các quầy bán lẻ để thu tiền bán hàng với tổng số tiền là 15.930.000 đồng mà không báo cho Kế toán và Thủ quỹ để lập phiếu thu và nộp vào quỹ; cụ thể như sau:

    - Tháng 9-1996 Nguyệt thu của chị Nguyễn Thị Chần và chị Nông Thị Bích số tiền 2.100.000 đồng nhưng không nộp quỹ. Sau đó Nguyệt chỉ đạo chị Chần và chị Bích báo cáo tồn khống 3050 kg muối tương đương với 2.100.000 đồng.

    - Tháng 12-1997, Đỗ Thị Hồng bán chịu muối ở quầy Văn phòng cho khách hàng được 5.000.000 đồng, nhưng không viết hoá đơn. Khi khách hàng đến nộp tiền thì chỉ có Nguyệt ở Cửa hàng và đã thu tiền, nhưng không lập phiếu thu, không nộp quỹ mà sử dụng hết.

    - Đầu năm 1998 Nguyệt thu của anh Tướng Văn Kiên 1.880.000 đồng tiền bán hàng, nhưng chỉ nộp quỹ 680.000 đồng còn lại 1.200.000 đồng sử dụng hết.

    - Đầu năm 1998 Nguyệt thu của anh Trần Văn Mạnh 230.000 đồng tiền bán hàng và sử dụng hết.

    - Tháng 6-1998 Nguyệt thu của chị Trương Thị Trưng 6.600.000 đồng tiền bán hàng và sử dụng hết.

    - Tháng 6-1998 Nguyệt thu của chị Vũ Kim Liên 800.000 đồng, nhưng không nộp quỹ và sau đó chỉ đạo Liên báo cáo tồn khống 222 lít dầu hoả tương đương với 800.000 đồng.

    Ngày 30-6-1998 khi biết Công ty chuẩn bị kiểm tra Nguyệt đã chỉ đạo Thái lập các phiếu thu tiền của anh Kiên, chị Trưng, tiền do Đỗ Thị Hồng bán muối, gộp với khoản tiền 18.600.000 đồng mà Nguyệt còn nợ trong quỹ và lập phiếu chi tạm ứng cho Nguyệt, đồng thời đưa vào bảng kê theo dõi nợ của Cửa hàng.

    Tóm lại, với tất cả các hành vi trên Nguyệt đã chiếm đoạt của Cửa hàng số tiền là 48.530.000 đồng.

    Ngày 07-7-1998 Công ty dịch vụ Miền núi và Dân tộc tiến hành kiểm tra đã phát hiện hành vi vi phạm của Nguyệt, Thái, Hồng và Xuân. Nguyệt bị đình chỉ công tác từ ngày 20-8-1998, Nguyệt nhận nợ xin được trả dần. Từ 
    ngày 24-7-1998 đến ngày 27-6-2001, Nguyệt đã trả cho Công ty toàn bộ số tiền mà Nguyệt đã chiếm đoạt.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 67/STHS ngày 26-6-2002, Toà án nhân dân tỉnh Tuyên Quang áp dụng điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự (1985), các điểm b và p khoản 1 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự (1999), xử phạt Lê Thị Nguyệt 05 năm tù về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa.áp dụng khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự (1985), các điểm b và p khoản 1 Điều 46 và Điều 60 Bộ luật hình sự (1999), xử phạt: Hoàng Thị Thái và Đỗ Thị Hồng mỗi bị cáo 03 năm tù về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 04 năm; Trần Thị Xuân 02 năm tù về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 03 năm.

    Cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan đến tài sản xã hội chủ nghĩa trong thời hạn 01 năm, kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

    Về phần bồi thường dân sự không đặt ra giải quyết trong vụ án này vì Lê Thị Nguyệt đã hoàn trả đầy đủ, Công ty không có đề nghị gì.

    Ngày 27-6-2002 Lê Thị Nguyệt kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 885/HSPT ngày 25-6-2003, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự (1985), các điểm b và p khoản 1 và khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự (1999) giảm hình phạt cho Lê Thị Nguyệt xuống còn 03 năm tù về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa.

    Tại quyết định kháng nghị số14/VKSTC-V3 ngày 29-6-2005, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm nêu trên đối với Lê Thị Nguyệt, Hoàng Thị Thái, Đỗ Thị Hồng và Trần Thị Xuân để điều tra lại, giải quyết theo thủ tục chung, với lý do:

    “Với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì việc quy kết của án sơ thẩm, phúc thẩm nêu trên đối với Lê Thị Nguyệt, Hoàng Thị Thái, Đỗ Thị Hồng và Trần Thị Xuân về tội tham ô số tiền 48.530.000 đồng là chưa có đủ căn cứ.

    - Về khoản 32.600.000 đồng trong số tiền 48.530.000 đồng, thì tại quyển sổ quỹ theo dõi các khoản nợ của các cá nhân và tập thể của Cửa hàng thương nghiệp huyện Hàm Yên (từ trang số 01 đến số 18) của thủ quỹ Đỗ Thị Hồng; có khoản vay nợ của Lê Thị Nguyệt ký sổ quỹ 24 lần vay nợ trong hai năm 1996-1998 số tiền 32.600.000 đồng (BL263 hồ sơ tập 2/2); số tiền Lê Thị Nguyệt vay còn thể hiện trong tài liệu hồ sơ vụ án bảng kê chi tiết theo dõi tiền nợ quỹ tại tài khoản 141 tháng 7-1998, và tại các lời khai của Hoàng Thị Thái, Đỗ Thị Hồng và Trần Thị Xuân là kế toán, thủ quỹ, thủ kho của cửa hàng đều xác nhận: Trong hai năm (1996-1998) Nguyệt làm cửa hàng trưởng cửa hàng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng bị chết, con ốm, Nguyệt có nói với ba người vay số tiền quỹ của cửa hàng đồng thời Nguyệt nói với Hồng cho ký sổ quỹ và ghi vào tài khoản nợ 141 theo dõi và sẽ có trách nhiệm trả đầy đủ. Việc vay tiền của Lê Thị Nguyệt là công khai ký sổ quỹ, ghi vào tài khoản nợ 141 và được nhiều người biết; số tiền này trong hai năm vẫn chưa quyết toán. Về phía Lê Thị Nguyệt trước sau đều xin khất nợ và trả dần cho Công ty và thực tế đã trả trước khi khởi tố bị can với số tiền là 36.300.000 đồng tại Công ty và cơ quan điều tra, cũng như Toà sơ thẩm, phúc thẩm đều khai nhận vay nợ ký sổ, hứa trả.

    Biên bản xác minh tại Cửa hàng thương nghiệp Hàm Yên và biên bản làm việc ngày 13-4-2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao ở Công ty dịch vụ Miền núi và Dân tộc đã xác nhận khoản tiền 48.530.000 đồng được ghi trên các tài khoản 131, tài khoản 141 (có tính lãi suất 1 năm), số tiền này Lê Thị Nguyệt không thể biển thủ được vì Công ty vẫn theo dõi trên các tài khoản của Cửa hàng gửi lên.

    Về khoản tiền 15.930.000 đồng cũng nằm trong khoản tiền 48.530.000 đồng thì:

    Có ba khoản được chứng minh bằng phiếu thu tiền Nguyệt nợ, phiếu thu số 57 ngày 30-6-1998 số tiền 6.600.000 đồng (BL325); phiếu thu số 56 
    ngày 30-6-1998 số tiền 5.000.000 đồng (BL327); phiếu thu số 58 ngày 30-6-1998 số tiền 1.200.000 đồng (BL89, 311).

    Như vậy, ba khoản có phiếu thu nợ của Nguyệt với tổng số tiền là 12.800.000 đồng, đối trừ 15.930.000 đồng - 12.800.000 đồng còn lại 3.130.000 đồng, gồm những khoản sau:

    Số tiền 2.100.000 đồng Lê Thị Nguyệt nhận tại quầy Km 31 do chị Nguyễn Thị Chần, Nông Thị Bích giao cho. Số tiền 800.000 đồng anh Cử nhận tại quầy Km 24 do chị Vũ Thị Liên giao tại quầy (bán 222 lít dầu), anh Cử giao khoản tiền này cho Lê Thị Nguyệt mượn. Số tiền 230.000 đồng của quầy Hùng Đức do anh Trần Văn Mạnh giao cho anh Cử cùng đi kiểm kê với Nguyệt, sau đó anh Cử đưa 230.000 đồng cho Nguyệt vay tại quầy.

    Ba khoản này chỉ có lời khai, xác nhận việc vay nợ của Nguyệt của một số người như chị Nông Thị Bích, chị Vũ Thị Liên, anh Trần Văn Mạnh, Đỗ Thị Hồng và Hoàng Thị Thái và bảng kê vào tài khoản 131 lưu giữ tại cửa hàng và Công ty, song chưa thể hiện rõ trong sổ sách, chứng từ kế toán; vì vậy chưa đủ cơ sở xác định Nguyệt có động cơ chiếm đoạt số tiền này hay chỉ là vay mượn của Cửa hàng”.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng việc kết luận các bị cáo phạm tội “tham ô tài sản” là có căn cứ, nhưng số tiền chiếm đoạt không lớn, bị cáo đã nộp lại đầy đủ trước khi xét xử sơ thẩm vụ án, hoàn cảnh gia đình bị cáo Nguyệt có khó khăn và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án hình sự phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại giảm hình phạt cho các bị cáo.

    xét thấy:

    Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn tại phiên toà sơ thẩm và phiên toà phúc thẩm, thì việc Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết án Lê Thị Nguyệt tham ô số tiền 48.530.000 đồng, Hoàng Thị Thái, Đỗ Thị Hồng và Trần Thị Xuân đồng phạm với Nguyệt về tội “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” là có căn cứ, bởi lẽ:

    - Đối với số tiền 32.600.000 đồng mà Lê Thị Nguyệt đã lấy trong kho quỹ do Đỗ Thị Hồng quản lý, thì chính Lê Thị Nguyệt, Hoàng Thị Thái và Đỗ Thị Hồng thừa nhận từ khi còn làm Tổ trưởng Tổ kế toán cũng như khi được bổ nhiệm làm Cửa hàng trưởng, Nguyệt đã chỉ đạo Đỗ Thị Hồng lập hai quyển sổ theo dõi, một quyển sổ theo dõi theo đúng quy định của Nhà nước, còn một quyển sổ tay để theo dõi các khoản vay nợ cá nhân. Nguyệt đã nói với Hồng và Thái cho Nguyệt ứng tiền trong quỹ 17 lần với số tiền là 27.250.000 đồng để chi tiêu cho cá nhân, nhưng chỉ ký vào quyển sổ tay của Hồng với tư cách cá nhân và không theo dõi trên sổ sách kế toán. Khi thấy số tiền đã lấy lên cao không có khả năng trả và bị Hồng và Thái đòi nhiều lần, thì Nguyệt đã chỉ đạo Thái, Hồng và Trần Thị Xuân bán 20 tấn muối trong kho để lấy 14.000.000 đồng nộp vào quỹ nhằm giảm bớt số tiền mà Nguyệt đã lấy, nhưng vẫn báo cáo là muối vẫn còn tồn kho chưa bán được. Như vậy, Nguyệt đã chiếm đoạt số tiền 14.000.000 đồng tiền bán muối để chi tiêu cho cá nhân.

    Sau đó, Nguyệt lại tiếp tục lấy 07 lần với tổng số tiền là 5.350.000 đồng trong quỹ để chi tiêu cho cá nhân cũng bằng hình thức ký vào sổ tay của Đỗ Thị Hồng, cộng với 13.250.000 đồng là tiền còn lại sau khi đã lấy tiền bán muối khấu trừ ở quỹ của Hồng, tổng cộng hai khoản Nguyệt lấy chi tiêu cho cá nhân là 18.600.000 đồng. Tuy vậy Nguyệt vẫn chỉ đạo Kế toán và Thủ quỹ lập báo cáo với Công ty là tiền quỹ còn đủ. Đến tháng 6-1998 khi Công ty kiểm tra mới phát hiện thiếu quỹ. Như vậy, Nguyệt đã chiếm đoạt số tiền là 18.600.000 đồng để chi tiêu cho cá nhân.

    - Đối với số tiền 15.930.000 đồng, Lê Thị Nguyệt hoàn thành hành vi chiếm đoạt từ khi Nguyệt thu tiền bán hàng của các quầy bán lẻ nhưng không báo cho kế toán để lập phiếu thu, không nhập quỹ và vào sổ theo dõi.

    Đến ngày 30-6-1998 khi biết Công ty chuẩn bị kiểm tra Nguyệt mới chỉ đạo Thái và Hồng lập các phiếu thu và phiếu chi tạm ứng khống, đồng thời đưa số nợ của Nguyệt vào bảng kê theo dõi nợ theo tài khoản 131 và tài khoản 141 của Cửa hàng. Đây là hành vi nhằm hợp pháp hoá khoản tiền Nguyệt đã chiếm đoạt và để tránh sự phát hiện của Công ty.

    Như vậy, có đủ căn cứ kết luận Nguyệt đã chiếm đoạt của Cửa hàng khoản tiền 32.600.000 đồng mà Nguyệt lấy trong quỹ do Hồng quản lý và tiền bán muối trong kho do Trần Thị Xuân quản lý, cộng với khoản tiền 15.930.000 đồng Nguyệt đi thu của các quầy hàng bán lẻ, là 48.530.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi bị phát hiện, Lê Thị Nguyệt đã khai báo thành khẩn, bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt đã trước khi xét xử sơ thẩm, bị cáo có nhân thân tốt, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên hình phạt tù giam đối với bị cáo là không cần thiết.

    Đối với Hoàng Thị Thái và Đỗ Thị Hồng có hành vi giúp sức Lê Thị Nguyệt. Tuy nhiên, đối với số tiền 15.930.000 đồng, Nguyệt tự mình thu của các quầy bán lẻ mà không thông báo cho Thái là kế toán biết và không nhập quỹ nên Thái và Hồng không đồng phạm với Nguyệt trong việc chiếm đoạt khoản tiền này.

    Trần Thị Xuân chỉ có hành vi đồng phạm với Lê Thị Nguyệt về khoản bán 20 tấn muối (14.000.000 đồng) để lấy tiền trừ vào số tiền mà Nguyệt lấy trong quỹ của Hồng.

    Mặt khác, Hoàng Thị Thái, Đỗ Thị Hồng và Trần Thị Xuân phạm tội vì nể nang Nguyệt và không được hưởng lợi gì về vật chất, các bị cáo đều có nhân thân tốt, quá trình điều tra và tại phiên toà các bị cáo đều khai báo thành khẩn, hậu quả của vụ án cũng đã được khắc phục. Khi xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm chỉ chú ý xem xét kháng cáo của Lê Thị Nguyệt và giảm hình phạt cho Nguyệt mà không cân nhắc giảm hình phạt cho các bị cáo khác không kháng cáo là không công bằng. Vì vậy, cần huỷ bản án hình sự phúc thẩm nêu trên để xét xử phúc thẩm lại theo hướng xem xét cho Lê Thị Nguyệt được hưởng án treo và giảm hình phạt cho Hoàng Thị Thái, Đỗ Thị Hồng và Trần Thị Xuân.

    Vì các lẽ trên và căn cứ vào Điều 285, Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

    Quyết định:

    Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 885/PTHS ngày 25-6-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã xét xử đối với Lê Thị Nguyệt; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án phúc thẩm:

    Toà án cấp phúc thẩm không xem xét giảm hình phạt cho các bị cáo không kháng cáo là không công bằng.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:

    1. Thiếu sót trong việc xác định thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm;

    2. Thiếu sót trong việc cân nhắc, quyết định mức hình phạt.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 28/05/2013 05:05:45 CH
     
    3083 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận