Quyết định giám đốc thẩm số 18/2005/Hs-gđt Ngày 14-9-2005 Về vụ án Hồ Thanh Tấn bị xét xử về tội “không tố giác tội phạm”

Chủ đề   RSS   
  • #264840 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 18/2005/Hs-gđt Ngày 14-9-2005 Về vụ án Hồ Thanh Tấn bị xét xử về tội “không tố giác tội phạm”

    Số hiệu

    18/2005/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số18/2005/Hs-gđt Ngày 14-9-2005 Về vụ án Hồ Thanh Tấn bị xét xử về tội “không tố giác tội phạm”

    Ngày ban hành

    14/09/2005

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    Quyết định giám đốc thẩm số18/2005/Hs-gđt

    Ngày 14-9-2005 Về vụ án Hồ Thanh Tấn bị xét xử 
    về tội “không tố giác tội phạm”

     

    Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

    ...

    Ngày 14 tháng 9 năm 2005, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    Hồ Thanh Tấn sinh năm 1980; trú tại: thôn Tân Sinh, xã Cam Thành Bắc, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà; làm ruộng; con ông Hồ Bốn và bà Hà Thị Dương; ngày 23-10-1998, bị Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà xử phạt 24 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng”.

    * Người bị hại: anh Nguyễn Đức Phương sinh năm 1979; trú tại Bãi Giếng Nam, xã Cam Đức, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà.

    (Trong vụ án này còn có bị cáo Nguyễn Trọng Uy bị kết án về tội “cướp tài sản”).

    Nhận thấy:

    Khoảng 23 giờ ngày 25-12-2002, Nguyễn Trọng Uy điều khiển xe mô tô chở Hồ Thanh Tấn và Phạm Hữu Tiến đi từ Cam Thành Bắc về nhà Tiến ở Cam Nghĩa. Khi đến khu vực Đồng Bà Thìn, Tiến nhìn thấy anh Nguyễn Đức Ph��ơng và chị Trần Thị Thanh Huệ ngồi ở đường băng cũ, Tiến nói: “quay xe lại chọc ghẹo chơi”. Uy điều khiển xe quay lại gần chỗ anh Phương và chị Huệ ngồi thì dừng xe. Tấn đứng ở nơi dừng xe, còn Uy và Tiến đi lại chỗ anh Phương; Uy đấm vào mặt anh Phương rồi dùng tay kẹp cổ anh Phương và kéo tay anh Phương ra sau, sau đó thò tay vào túi quần sau của anh Phương lấy ví tiền (trong ví có 42.000 đồng, một tờ 01USD, một dây chuyền vàng 18K và giấy tờ đăng ký xe môtô). Sau khi lấy được ví, Uy tiếp tục dùng tay đấm vào mặt và người anh Phương, còn Tiến dùng ghế nhựa đánh, đuổi anh Phương. Anh Phương chở chị Huệ bỏ chạy vào cổng đơn vị quân đội nhờ giúp đỡ. Thấy vậy, Uy điều khiển xe chở Tấn và Tiến bỏ chạy về Ba Ngòi; đi được một đoạn Uy dừng xe đổ xăng, Uy lấy ví vừa cướp được của anh Phương đưa ra thì Tấn hỏi: “ví của thằng đó hả Bi (Uy)?”, Uy trả lời: “ừ”. Uy và Tiến lấy tiền trong ví rồi vứt ví đi thì Tấn nhặt ví bỏ vào cốp xe của Uy, cả ba tiếp tục đi về Ba Ngòi chơi.

    Sau khi bị cướp ví tiền, anh Phương đuổi theo xe của Uy, khi đến trụ sở phường Cam Nghĩa anh Phương vào báo với Công an phường Cam Nghĩa về việc anh bị cướp tiền và quay ra nhờ ba người thanh niên (không xác định được họ, tên, địa chỉ) giúp đỡ đuổi theo bọn Uy. Khi đuổi kịp, anh Phương thấy Uy dắt xe đi bộ cùng với Tấn và Tiến, anh Phương lại chỗ Uy đòi lại ví, đồng thời lúc này anh Phương cũng nhận ra Tấn là bạn học cũ nên Tấn chỉ cho anh Phương biết ví để dưới cốp xe; anh Phương lấy ví rồi quay về.

    Sáng ngày 26-12-2002, Tấn gặp anh Phương xin lỗi và đưa cho anh Phương 50.000 đồng. Ngày 27-12-2002, anh Phương đến Công an thị xã Cam Ranh trình báo việc anh bị cướp tài sản. Ngày 28-12-2002, Nguyễn Trọng Uy đến Công an thị xã Cam Ranh đầu thú, còn Phạm Hữu Tiến đã bỏ trốn khỏi địa phương.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 212/HSST ngày 14-11-2003, Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà áp dụng khoản 2 Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự tuyên bố Hồ Thanh Tấn không phạm tội “không tố giác tội phạm”; khôi phục lại quyền lợi cho Hồ Thanh Tấn như trước khi khởi tố bị can.Nguyễn Trọng Uy bị xử phạt 18 tháng tù về tội “cướp tài sản” theo
    khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự.

    Tại quyết định kháng nghị phúc thẩm 1008/KNPTHS ngày 26-11-2003, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà đề nghị Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử theo thủ tục phúc thẩm tuyên Hồ Thanh Tấn phạm tội “không tố giác tội phạm”.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 863 ngày 18-10-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng giữ nguyên quyết định tại bản án hình sự sơ thẩm đối với Hồ Thanh Tấn.

    Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số18/VKSTC-V3 ngày 21-7-2005, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và một phần bản án hình sự sơ thẩm số 212/HSST ngày 14-11-2003 của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà đối với Hồ Thanh Tấn để xét xử sơ thẩm lại theo hướng Hồ Thanh Tấn phạm tội “Không tố giác tội phạm”.

    xét thấy:

    Hồ Thanh Tấn không bàn bạc và cũng không tham gia cùng Nguyễn Trọng Uy, Phạm Hữu Tiến cướp tài sản của anh Nguyễn Đức Phương nhưng Tấn chứng kiến việc Uy, Tiến đánh anh Phương và sau đó biết việc anh Phương bị Uy, Tiến chiếm đoạt tài sản, nhưng đã không tố giác hành vi phạm tội của Uy và Tiến. Hành vi của Hồ Thanh Tấn có dấu hiệu của tội “không tố giác tội phạm”.

    Tuy nhiên, để có căn cứ vững chắc xác định trách nhiệm hình sự hoặc biện pháp xử lý khác đối với Hồ Thanh Tấn thì cần phải điều tra, xác định lại một số tình tiết mà trong quá trình giải quyết vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm rõ, cụ thể:

    Việc xác định Hồ Thanh Tấn thấy rõ bọn Uy, Tiến đánh anh Phương rồi Uy móc túi quần của anh Phương để lấy ví tiền có ý nghĩa quan trọng trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hồ Thanh Tấn. Vụ án xẩy ra trong đêm tối, bản thân Tấn có lời khai mâu thuẫn về khoảng cách từ chỗ y đứng đến chỗ anh Phương bị đánh (có lúc khai là 3 m - 4 m, lúc thì khai là khoảng 10 m); Nguyễn Trọng Uy và người bị hại cũng có lời khai không thống nhất về khoảng cách từ chỗ Tấn đứng đến nơi xảy ra sự việc. Cơ quan điều tra không khám nghiệm hiện trường, không tổ chức thực nghiệm điều tra; Cáo trạng của Viện kiểm sát và các bản án của Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm xác định khoảng cách từ chỗ Tấn đứng đến nơi anh Phương bị cướp là 10 m là chưa có căn cứ vững chắc.

    Người bị hại là anh Nguyễn Đức Phương khai trên đường đuổi theo bọn Uy, Tiến, Tấn anh đã vào Công an phường Cam Nghĩa trình báo về việc bị cướp. Trong hồ sơ vụ án không có tài liệu xác định trụ sở Công an phường Cam Nghĩa có nằm trên trục đường mà bọn Uy bỏ chạy hay không; trong khi đây là một tình tiết quan trọng để xác định ý thức không tố giác tội phạm của Hồ Thanh Tấn mặc dù có điều kiện thuận lợi để tố cáo Uy và Tiến.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào Điều 285; Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

    Quyết định:

    Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 863 ngày 18-10-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và bản án hình sự sơ thẩm số 212/HSST ngày 14-11-2003 của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà về phần đã xét xử và quyết định đối với Hồ Thanh Tấn để điều tra lại; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết theo thẩm quyền.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án sơ thẩm và phúc thẩm:

    1. Hành vi của Hồ Thanh Tấn có dấu hiệu của tội “không tố giác tội phạm”. Tuy nhiên, để có căn cứ vững chắc xác định trách nhiệm hình sự hoặc biện pháp xử lý khác đối với Hồ Thanh Tấn thì cần phải điều tra xác định lại một số tình tiết mà trong quá trình giải quyết vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm rõ;

    2. Cơ quan điều tra không khám nghiệm hiện trường, không tổ chức thực nghiệm điều tra, Cáo trạng của Viện kiểm sát và bản án của Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm xác định khoảng cách từ chỗ Tấn đứng đến nơi anh Phương bị cướp là 10 m là chưa có căn cứ vững chắc.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án sơ thẩm và phúc thẩm:

    Thiếu sót trong việc thu thập, xác minh, đánh giá chứng cứ.

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 28/05/2013 04:56:39 CH
     
    2584 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận