Quyết định giám đốc thẩm số 17/2006/hs-gđt ngày 04-7-2006 về vụ án hoàng văn hồng phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

Chủ đề   RSS   
  • #265084 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 17/2006/hs-gđt ngày 04-7-2006 về vụ án hoàng văn hồng phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

    Số hiệu

    17/2006/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số17/2006/hs-gđt ngày 04-7-2006 về vụ án hoàng văn hồng phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

    Ngày ban hành

    04/07/2006

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ17/2006/HS-GĐT NGÀY 04-7-2006 VỀ VỤ ÁN HOÀNG VĂN HỒNG 
    PHẠM TỘI “LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN”

     

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ...

    Ngày 04 tháng 7 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm để xét xử vụ án hình sự về phần dân sự giữa:

    Nguyên đơn dân sự: Công ty International Pharmaceuticals Ins (Hoa Kỳ); có trụ sở tại số 11 Thích Minh Nguyệt, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

    Bị đơn dân sự: Công ty dược phẩm Đồng Nai (nay là Công ty cổ phần dược Đồng Nai); có trụ sở tại số 221B, quốc lộ 15, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

    Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Hoàng Văn Hồng là bị cáo trong vụ án hình sự; trú tại số 491/315 phố Huỳnh Văn Bánh, phường 13, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh; đang chấp hành hình phạt tù tại Trại giam Thủ Đức do Cục V26 Bộ Công an quản lý.

    NHẬN THẤY:

    Ngày 10-01-1997, ông Nguyễn Anh Đức là Giám đốc Công ty dược phẩm Đồng Nai (viết tắt là Donapharm) ký hợp đồng số 201/97 với Công ty International Pharmaceuticals Ins (viết tắt là Interpharm) do ông Abraham làm Giám đốc mua 7000 hộp (7.000.000 viên) thuốc tân dược hiệu Moxilen 500mg với giá 55 USD/1 hộp, thành tiền là 385.000 USD. Tại phụ kiện Hợp đồng ngày 10-01-1997, Công ty Interpharm đồng ý cho Công ty dược phẩm Đồng Nai thanh toán cho bên bán khi nhận được tiền thanh toán của tư nhân mua lại số thuốc trên.

    Tại Hợp đồng số 3/1/HĐKT ngày 13-01-1997, Công ty dược phẩm Đồng Nai thoả thuận bán thuốc tân dược ngoại nhập cho Công ty trách nhiệm hữu hạn dược phẩm Hoàng Chương do Hoàng Văn Hồng làm Phó giám đốc, được cụ thể hoá thông qua các phụ kiện hợp đồng và hoá đơn đính kèm. Theo hoá đơn 
    số 04450 ngày 24-4-1997 và hoá đơn số 04942 ngày 31-5-1997, Hồng nhận tại kho của Công ty dược phẩm Đồng Nai 2.000.000 viên thuốc Moxilen, thành tiền là 112.760 USD và hai bên thoả thuận Hồng phải chịu tiền thuế nhập khẩu 
    là 124.000.000 đồng. Công ty dược phẩm Đồng Nai cho Công ty TNHH dược phẩm Hoàng Chương trả chậm tiền sau 7 ngày, kể từ ngày nhận hàng. Sau khi nhận thuốc, Hồng đã bán cho các cửa hàng tư nhân 1.700.000 viên thuốc, thu 1.314.208.000 đồng, nhưng Hồng không thanh toán cho Công ty dược phẩm Đồng Nai mà dùng tiền để trả nợ và chi tiêu cá nhân. Tại Biên bản ghi nhớ 
    ngày 28-10-1997, Công ty dược phẩm Đồng Nai, Công ty TNHH dược phẩm Hoàng Chương và Công ty Interpharm do dược sỹ Trịnh Quốc Trị làm đại diện đã thoả thuận: “Ngay sau khi thu được tiền từ Công ty TNHH dược phẩm Hoàng Chương, Donapharm sẽ trả cho Công ty Interpharm..., Hoàng Chương phải có trách nhiệm thanh toán đúng thời hạn như đã cam kết ở trên. Mọi sự chậm trễ Hoàng Chương phải chịu phạt trễ hạn thanh toán đối với Interpharm thông qua ngân hàng của Donapharm”. Ngày 03-11-1997, Hoàng Văn Hồng trả lại cho Công ty dược phẩm Đồng Nai 300.000 viên thuốc Moxilen và 5.000.000 đồng. Tháng 3-1998, Hồng bán nhà rồi bỏ trốn khỏi địa phương. Đến ngày 11-12-1998 Hồng bị bắt. Tại Cơ quan điều tra, Hồng và Công ty dược phẩm Đồng Nai lập Biên bản đối chiếu công nợ và Hồng ký nhận còn nợ Công ty dược phẩm Đồng Nai 95.853,5 USD và 105.683.350 đồng tiền thuế nhập khẩu.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 637/HSST ngày 31-12-2003, Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai áp dụng khoản 3 Điều 158; Điều 162; điểm h khoản 1 Điều 38; Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1985; xử phạt Hoàng Văn Hồng 14 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người nước ngoài”; buộc bị cáo bồi thường cho ông Abraham 767.500.900 đồng và bồi thường cho Công ty dược phẩm Đồng Nai 105.000.000 đồng.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1032/HSPT ngày 10-5-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên quyết định về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Hoàng Văn Hồng; huỷ quyết định về phần dân sự buộc bị cáo Hồng bồi thường cho ông Abraham 767.500.900 đồng và bồi thường cho Công ty dược phẩm Đồng Nai 105.000.000 đồng; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai điều tra, xét xử lại phần bồi thường dân sự trong vụ án này theo thủ tục chung.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số340/2005/HS-ST ngày 27-10-2005, Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai áp dụng khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự buộc Hoàng Văn Hồng bồi thường cho Công ty dược phẩm Đồng Nai (Donapharm) 1.700.000 viên thuốc Moxilen trị giá là 95.846 USD, quy ra tiền Việt Nam tại thời điểm xét xử (tháng 10-2005 là 15.882 đồng/1USD) là 1.522.226.000 đồng; tiền thuế nhập khẩu là 105.000.000 đồng; tổng cộng hai khoản là 1.627.226.000 đồng. Căn cứ vào Điều 285 và Điều 295 Bộ luật dân sự buộc Công ty dược phẩm Đồng Nai (Donapharm) phải trả cho Công ty Interpharm 88.664 USD, được quy đổi ra tiền Việt Nam tại thời điểm thi hành án.

    Ngày 05-11-2005, Công ty dược phẩm Đồng Nai kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm.

    Tại Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 1673/KN ngày 07-11-2005, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm để buộc bị cáo Hoàng Văn Hồng bồi thường giá trị thuốc Moxilen cho ông Abraham. Đồng thời buộc Hồng bồi thường cho Công ty dược phẩm Đồng Nai 105.000.000 đồng tiền thuế nhập khẩu. Với lý do Hồng đã chiếm đoạt số thuốc Moxilen lấy từ kho của Công ty dược phẩm Đồng Nai là tài sản của ông Abraham chứ không phải tài sản của Công ty dược phẩm Đồng Nai, Công ty dược phẩm Đồng Nai chỉ là vai trò nhập uỷ thác hưởng lợi nhuận 2,5%.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 57/2006/HSPT ngày 24-02-2006, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định: buộc Công ty dược phẩm Đồng Nai trả cho Công ty Interpharm Hoa Kỳ 88.664 USD (được quy đổi ra tiền Việt Nam tại thời điểm thi hành án); buộc Hoàng Văn Hồng bồi thường cho Công ty dược phẩm Đồng Nai 95.846 USD quy đổi ra tiền đồng Việt Nam tại thời điểm thi hành án để Công ty dược phẩm Đồng Nai trả tiền cho Công ty Interpharm và tiền thuế nhập khẩu là 105.000.000 đồng.

    Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số12/QĐ-VKSTC-V3  ngày 17-5-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 57/2006/HSPT ngày 24-02-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án hình sự sơ thẩm 
    số340/2005/HS-ST ngày 27-10-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai; Giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật với lý do: “Toà án cấp phúc thẩm buộc Công ty dược phẩm Đồng Nai phải trả cho Công ty Interpharm Hoa Kỳ 88.664 USD; cũng như buộc Hoàng Văn Hồng phải bồi thường cho Công ty dược phẩm Đồng Nai 95.846 USD là không đúng. Căn cứ Phụ kiện hợp đồng ngày 10-01-1997 và Biên bản ghi nhớ ngày 28-10-1997 thì chỉ khi Công ty TNHH dược phẩm Hoàng Chương (Hoàng Văn Hồng) chuyển tiền cho Công ty dược phẩm Đồng Nai thì Công ty dược phẩm Đồng Nai mới chuyển trả cho Công ty Interpharm Hoa Kỳ mới đúng bản chất sự việc”.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng việc Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm buộc các bên có trách nhiệm bồi thường cho nhau là đúng, nhưng cần phải tuyên trong phần quyết định về điều kiện Hoàng Văn Hồng trả cho Công ty dược phẩm Đồng Nai thì Công ty dược phẩm Đồng Nai mới phải thi hành án trả tiền cho Công ty Interpharm Hoa Kỳ.

    XÉT THẤY:

    1- Về trách nhiệm hình sự:

    Toà án cấp sơ thẩm kết án Hoàng Văn Hồng phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người nước ngoài” theo khoản 3 Điều 158 và 
    Điều 162 Bộ luật hình sự năm 1985 là không đúng tội danh, bởi lẽ Hồng chiếm đoạt tài sản của Công ty dược phẩm Đồng Nai là tài sản xã hội chủ nghĩa. Toà án cấp phúc thẩm có phát hiện ra sai lầm này, nhưng vì không có kháng cáo, kháng nghị theo hướng làm xấu đi tình trạng của bị cáo nên đã giữ nguyên quyết định của Toà án cấp sơ thẩm. Do tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” (Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1985) và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 140 Bộ luật hình sự năm 1999) đều là tội nặng hơn tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân” (Điều 158 Bộ luật hình sự năm 1985) nên đã quá thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án.

    2- Về trách nhiệm dân sự:

    Theo Hợp đồng số 201/97 ngày 10-01-1997 thì Công ty Interpharm bán cho Công ty dược phẩm Đồng Nai 7000 hộp thuốc Moxilen (7.000.000 viên) thành tiền là 385.000 USD. Hợp đồng mua bán này được ký kết giữa Công ty Interpharm và Công ty dược phẩm Đồng Nai là Hợp đồng có giá trị pháp lý vì tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tại Cơ quan điều tra, Công ty dược phẩm Đồng Nai cũng thừa nhận đây là Hợp đồng mua bán chứ không phải Công ty dược phẩm Đồng Nai nhập uỷ thác cho Công ty TNHH dược phẩm Hoàng Chương; do đó, Công ty dược phẩm Đồng Nai có trách nhiệm phải thanh toán cho Công ty Interpharm Hoa Kỳ số tiền tương ứng với số thuốc đã nhận.

    Tại phụ kiện Hợp đồng số 201/97 ngày 10-01-1997, bên bán (Công ty Interpharm) và bên mua (Công ty dược phẩm Đồng Nai) đã thoả thuận: “Bên mua chỉ sẽ thanh toán cho bên bán sau khi nhận tiền thanh toán của tư nhân mua lại. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận tiền thanh toán của tư nhân mua lại Donapharm sẽ chuyển ngân không chậm trễ đến bên bán...”. Sự thoả thuận này là nhằm tạo điều kiện thanh toán trong công việc kinh doanh, nhưng không làm mất đi trách nhiệm thanh toán hoặc thanh toán có điều kiện. Theo hai hoá đơn 
    số 04450 ngày 24-4-1997 và số 04942 ngày 31-5-1997, thì Công ty TNHH dược phẩm Hoàng Chương cũng đã nhận 2.000.000 viên thuốc Moxilen thành tiền 
    là 112.760 USD tại kho thuốc của Công ty dược phẩm Đồng Nai. Như vậy, có đủ căn cứ kết luận Hồng đã mua thuốc của Công ty dược phẩm Đồng Nai, nên Hồng phải có trách nhiệm thanh toán cho Công ty dược phẩm Đồng Nai số tiền tương ứng với số thuốc đã nhận cùng tiền thuế nhập khẩu là 105.000.000 đồng.

    Tuy tại Biên bản ghi nhớ đề ngày 28-10-1997 được ký giữa ba bên là Công ty TNHH dược phẩm Hoàng Chương, Công ty dược phẩm Đồng Nai và Công ty Interpharm, nhưng người ký đại diện cho Công ty Interpharm là dược sỹ Trịnh Quốc Trị chỉ là nhân viên tiếp thị kiêm phiên dịch chứ không được ông Abraham uỷ quyền ký bất kỳ văn bản gì. Do vậy, Biên bản ghi nhớ này không có giá trị pháp lý. Bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm tuy có một số sai sót khi quyết định về trách nhiệm trả tiền, nhưng đây không phải là sai lầm nghiêm trọng vì quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đều được đảm bảo.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 1 Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    1- Không chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm số12/QĐ-VKSTC-V3 ngày 17-5-2006 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên quyết định của bản án hình sự phúc thẩm số 57/2006/HSPT ngày 24-02-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh bị kháng nghị.

    2- Các quyết định khác của bản án hình sự phúc thẩm không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do không chấp nhận kháng nghị:

    Quyết định của Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuy có một số sai sót về trách nhiệm trả tiền nhưng không phải là sai lầm nghiêm trọng.

     

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 29/05/2013 01:52:41 CH
     
    2782 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận