Quyết định giám đốc thẩm số 08/2006/hs-gđt ngày 08-5-2006 về vụ án kim thanh hùng và đồng phạm phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Chủ đề   RSS   
  • #265056 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4353 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 08/2006/hs-gđt ngày 08-5-2006 về vụ án kim thanh hùng và đồng phạm phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

    Số hiệu

    08/2006/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số08/2006/hs-gđt ngày 08-5-2006 về vụ án kim thanh hùng và đồng phạm phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

    Ngày ban hành

    08/05/2006

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ08/2006/HS-GĐT NGÀY 08-5-2006 VỀ VỤ ÁN KIM THANH HÙNG 
    VÀ ĐỒNG PHẠM PHẠM TỘI “LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN”

     

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ...

    Ngày 08 tháng 5 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    1. Kim Thanh Hùng sinh năm 1965; trú tại ấp Hoà Thạnh, xã Minh Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang; con ông Kim Thái Sơn và bà Lê Kim Em; khi phạm tội là kế toán trưởng Công ty trách nhiệm hữu hạn Thái Hoà; bị bắt tạm giam ngày 21-12-2000.

    2. Huỳnh Văn sinh năm 1977; trú tại ấp Bình Lợi, xã Minh Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang; con ông Huỳnh Bình và bà Trần Thị Thi; khi phạm tội là kế toán Công ty TNHH Thái Hoà; bị bắt tạm giam từ ngày 21-12-2000 
    đến ngày 11-6-2001; bị bắt lại ngày 05-8-2002.

    Về những người tham gia tố tụng khác, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xác định trong vụ án này gồm có:

    * 09 nguyên đơn dân sự;

    * 15 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án;

    * 28 người bị hại.

    NHẬN THẤY:

    Kim Thanh Hùng là kế toán trưởng Công ty TNHH Thái Hoà đã có hành vi tham gia vào việc lập hồ sơ giả về tài sản thế chấp, giúp sức Châu Sên (là Giám đốc Công ty) lừa đảo chiếm đoạt 200 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

    Huỳnh Văn là kế toán Công ty TNHH Thái Hoà, dưới sự chỉ đạo của Châu Sên, đã lập sổ tiết kiệm giả có kỳ hạn với số tiền 450 triệu đồng rồi mang cầm cố tại Công ty vàng bạc đá quý tỉnh Kiên Giang. Hậu quả là Châu Sên chiếm đoạt của Công ty vàng bạc đá quý tỉnh Kiên Giang 90 triệu đồng.

    Từ năm 1994 đến tháng 9-2000, Châu Sên cùng vợ là Dương Kim Tính còn dùng nhiều thủ đoạn chiếm đoạt 9.422.163.042 đồng của các tổ chức, cá nhân rồi bỏ trốn.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 186/HSST ngày 10-9-2002, Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang áp dụng các điểm a và b khoản 3 Điều 139 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Kim Thanh Hùng; các điểm c và d khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Huỳnh Văn; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự 1999; điểm đ khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự 1985; xử phạt:

    Kim Thanh Hùng 06 năm tù; Huỳnh Văn 02 năm tù, đều về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

    Về trách nhiệm dân sự: áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự, buộc Kim Thanh Hùng bồi thường cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang số tiền là 200 triệu đồng; buộc Huỳnh Văn bồi thường cho Công ty vàng bạc đá quý tỉnh Kiên Giang số tiền 90 triệu đồng và lãi phát sinh là 3.600.000 đồng.

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về tài sản và quyền, nghĩa vụ về tài sản của Châu Sên, Dương Kim Tính, 28 người bị hại, 09 nguyên đơn dân sự, 11 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

    Ngày 19-9-2002, Kim Thanh Hùng có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt và xem xét lại phần bồi thường.

    Ngày 26-9-2002, Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long có đơn kháng cáo với nội dung: không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm về việc phát mãi nhà máy xay xát gạo gồm cả máy móc thiết bị và 2.803,44 mđất tại ấp An Khương, huyện Hưng Hoà, tỉnh Kiên Giang được thế chấp tại Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo cho các hợp đồng tín dụng.

    Trong thời hạn pháp luật quy định, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là bà Châu Thị Lệ, bà Châu Thị Lài, ông Châu Học có đơn kháng cáo với nội dung không đồng ý với quyết định của Toà án cấp sơ thẩm buộc họ phải trả nợ cho Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 326/HSPT ngày 20-3-2003, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên quyết định về tội danh, hình phạt và trách nhiệm bồi thường đối với Kim Thanh Hùng; sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự như sau:

    “- Kê biên phát mãi thu 1/2 giá trị nhà và đất của Kim Thanh Hùng theo biên bản kê biên ngày 28-8-2002, để thanh toán số nợ trên, còn lại 1/2 giao trả lại cho vợ bị cáo Kim Thanh Hùng.

    - Giao cho cơ quan Thi hành án và Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long kết hợp phát mãi nhà máy xay xát gạo của Châu Sên ở ấp An Khương, Minh Hoà, Châu Thành, Kiên Giang. Phát mãi thanh toán nợ toàn bộ cho Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long chứ không chia 1/2 cho Ngân hàng Ngoại thương như án sơ thẩm đã xử.

    - Nếu các chủ đất không thanh toán được nợ thì Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long có quyền đấu giá phát mãi:

    33.445 mđất của Ngô Kỳ Hên và Châu Thị Lài.

    37.362 mđất của Chiêm Sện, Châu Thị Lệ.

    43.567 mđất của Châu Học và Tăng Thị Nãi.”

    Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số03/2006/HS-TK  ngày 14-02-2006, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ và đình chỉ vụ án đối với phần quyết định dân sự liên quan đến nhà máy xay xát gạo của Châu Sên ở ấp An Khương, xã Minh Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang và trách nhiệm trả nợ thay cho Châu Sên của vợ chồng ông Ngô Kỳ Hên và bà Châu Thị Lài; vợ chồng ông Chiêm Sện và bà Châu Thị Lệ; vợ chồng ông Châu Học và bà Tăng Thị Nãi, tại bản án hình sự phúc thẩm số 326/HSPT ngày 20-3-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

    Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia phiên toà giám đốc thẩm nhất trí Kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Kim Thanh Hùng bị truy tố và xét xử về hành vi giúp sức cho Châu Sên chiếm đoạt 200 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Thành; Huỳnh Văn bị truy tố và xét xử về hành vi giúp sức cho Châu Sên chiếm đoạt 90 triệu đồng của Công ty vàng bạc đá quý tỉnh Kiên Giang. Trong Cáo trạng, bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm, ngoài các hành vi có liên quan đến Kim Thanh Hùng và Huỳnh Văn, có đề cập đến các hành vi phạm tội của Châu Sên và Dương Kim Tính, nhưng cả hai đều đang bỏ trốn nên không bị truy tố, xét xử trong vụ án này. Mặc dù vậy, Toà án cấp sơ thẩm vẫn quyết định về tài sản, quyền và nghĩa vụ về tài sản của Châu Sên, Dương Kim Tính cùng 28 người bị hại, 09 nguyên đơn dân sự, 11 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, là chưa chính xác. Trong thời hạn pháp luật quy định chỉ có ba người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án, một nguyên đơn dân sự có kháng cáo. Quyết định của Toà án cấp sơ thẩm đối với những người không có kháng cáo và cũng không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật và đến nay đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

    Khi xét xử phúc thẩm vụ án, Toà án cấp phúc thẩm không phát hiện sai lầm của Toà án cấp sơ thẩm về giới hạn của việc xét xử, nên đã quyết định:

    “Giao cho cơ quan Thi hành án và Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long kết hợp phát mãi nhà máy xay xát gạo của Châu Sên ở ấp An Khương, Minh Hoà, Châu Thành, Kiên Giang. Phát mãi thanh toán nợ toàn bộ cho Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long chứ không chia 1/2 cho Ngân hàng Ngoại thương như án sơ thẩm đã xử.

    - Nếu các chủ đất không thanh toán được nợ thì Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long có quyền đấu giá phát mãi:

    33.445 mđất của Ngô Kỳ Hên và Châu Thị Lài.

    37.362 mđất của Chiêm Sện, Châu Thị Lệ.

    43.567 mcủa Châu Học và Tăng Thị Nãi.”

    Quyết định trên của Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm là vi phạm quy định tại Điều 196 BLTTHS về giới hạn của việc xét xử, bởi lẽ các tài sản nêu trên chỉ liên quan đến hành vi phạm tội của Châu Sên và Dương Kim Tính, không liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo bị xét xử trong vụ án này. Ngoài ra, bà Châu Thị Lài, ông Chiêm Sện, bà Tăng Thị Nãi không được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhưng Toà án các cấp vẫn có quyết định về tài sản, quyền và nghĩa vụ về tài sản của những người này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

    Về trách nhiệm bồi thường của vợ chồng Châu Sên và Dương Kim Tính đối với các nguyên đơn dân sự và những người bị hại, nếu bắt được Châu Sên và Dương Kim Tính thì sẽ được xem xét, giải quyết trong vụ án xét xử Châu Sên và Dương Kim Tính hoặc bằng quan hệ pháp luật khác khi các nguyên đơn dân sự và những người bị hại có yêu cầu. Đối với tài sản, quyền tài sản của những người có nghĩa vụ liên quan được giải quyết bằng quan hệ pháp luật về xử lý tài sản thế chấp theo quy định chung của pháp luật.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ Điều 279; Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Huỷ các quyết định sau đây của bản án hình sự phúc thẩm số 326/HSPT ngày 20-3-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố 
    Hồ Chí Minh:

     “- Chấp nhận theo yêu cầu kháng cáo của Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long; không chấp nhận kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như: Chiêm Sện, Châu Thị Lệ, Châu Thị Lài, Ngô Kỳ Hên, Tăng Thị Nãi, Châu Học.”

    “- Giao cho cơ quan Thi hành án và Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long kết hợp phát mãi nhà máy xay xát gạo của Châu Sên ở ấp An Khương, Minh Hoà, Châu Thành, Kiên Giang. Phát mãi thanh toán nợ toàn bộ cho Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long chứ không chia 1/2 cho Ngân hàng Ngoại thương như án sơ thẩm đã xử.

    - Nếu các chủ đất không thanh toán được nợ thì Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long có quyền đấu giá phát mãi:

    33.445 mđất của Ngô Kỳ Hên và Châu Thị Lài.

    37.362 mđất của Chiêm Sện, Châu Thị Lệ.

    43.567 mcủa Châu Học và Tăng Thị Nãi...”.

    2. Huỷ các quyết định sau đây của bản án hình sự sơ thẩm số 186/HSST ngày 10-9-2002 của Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang:

    “3) 50% giá trị nhà máy xay xát gạo, máy móc thiết bị”.

    “3) 50% giá trị nhà máy xay xát gạo ở ấp An Khương, Minh Hoà, Châu Thành, Kiên Giang.

    4) Nếu các chủ đất không thanh toán được nợ thì Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long có quyền đấu giá phát mãi:

    33.445 mđất của Ngô Kỳ Hên và Châu Thị Lài.

    37.362 mđất của Chiêm Sện và Châu Thị Lệ.

    43.567 mcủa Châu Học.

    Các chủ đất và đất đều ở ấp Bình Lợi, Minh Hoà, Châu Thành, KG.”

    3. Đình chỉ vụ án hình sự đối với các quyết định đã bị huỷ ở mục 1 và mục 2 nêu trên.

    4. Các quyết định khác của bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm nêu trên không bị kháng nghị, không bị hội đồng giám đốc thẩm huỷ tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ các quyết định của bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án hình sự đối với các quyết định đã bị huỷ:

    Toà án cấp sơ thẩm quyết định về tài sản, quyền và nghĩa vụ về tài sản của Châu Văn Sên, Dương Kim Tính (đang bỏ trốn) cùng 28 người bị hại, 9 nguyên đơn dân sự và 11 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là không đúng pháp luật.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các quyết định của bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án hình sự đối với các quyết định đã bị huỷ:

    Thiếu sót trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về giới hạn xét xử.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 29/05/2013 01:18:31 CH
     
    3089 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận