Quyết định giám đốc thẩm số 07/2006/hs-gđt ngày 08-5-2006 về vụ án trịnh xuân nhân phạm tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý ...

Chủ đề   RSS   
  • #265053 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 07/2006/hs-gđt ngày 08-5-2006 về vụ án trịnh xuân nhân phạm tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý ...

    Số hiệu

    07/2006/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số07/2006/hs-gđt ngày 08-5-2006 về vụ án trịnh xuân nhân phạm tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”

    Ngày ban hành

    08/05/2006

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ07/2006/HS-GĐT NGÀY 08-5-2006 VỀ VỤ ÁN TRỊNH XUÂN NHÂN 
    PHẠM TỘI “CỐ Ý LÀM TRÁI QUY ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC 
    VỀ QUẢN LÝ KINH TẾ GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG”

     

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ...

    Ngày 08 tháng 5 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    1. Trịnh Xuân Nhân sinh năm 1960; trú tại 63B Hùng Vương, phường Diên Hồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai; khi phạm tội là Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai; con ông Trịnh Ngân và bà Đoàn Thị Thoa; có vợ và 02 con; bị bắt giam ngày 09-8-2002.

    2. Nguyễn Thái Sơn (Nguyễn Hồng Sơn) sinh năm 1946; trú tại 23/1 Lê Lợi, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai; khi phạm tội là Phó giám đốc Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai; con ông Nguyễn Đức Dung (đã chết) và bà Võ Thị Trước; có vợ và 03 con.

    3. Phan Đình Vinh sinh năm 1955; trú tại 165/17 Hùng Vương, phường Hội Thương, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai; khi phạm tội là Kế toán trưởng Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai; con ông Phạm Đình Tòng (đã chết) và bà Trần Thị Giám; có vợ và 02 con; bị bắt giam ngày 09-9-2002.

    4. Võ Văn Dũng sinh năm 1958; trú tại 102 Phan Đình Phùng, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai; khi phạm tội là Trưởng phòng nghiệp vụ Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai; con ông Võ Tấn và bà Nguyễn Thị Hương; có vợ và 04 con.

    5. Trần Kim Tá sinh năm 1961; trú tại 34 Phan Đình Phùng, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai; khi phạm tội là Phó trưởng phòng nghiệp vụ Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai; con ông Trần Văn Lộc và bà Trần Thị Cúc; có vợ và 02 con.

    6. Võ Văn Tuấn sinh năm 1960; trú tại 41 Lê Lợi Nối Dài, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai; khi phạm tội là Phó trưởng phòng kế toán Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai; con ông Võ Văn Chương (đã chết) và bà Lê Thị Chuồng; có vợ và 02 con.

    7. Nguyễn Tấn Hạnh sinh năm 1960; trú tại tổ 10, phường Trà Bá, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai; khi phạm tội là Phó trưởng phòng kế hoạch Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai; con ông Nguyễn Tấn Vinh (đã chết) và bà Trần Thị Nhị; có vợ và 02 con; bị bắt tạm giam từ ngày 19-5-2003 đến ngày 30-3-2004.

    8. Tô Thị Kim Phượng sinh năm 1970; trú tại khối 10, thị trấn Buôn Hồ, huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk; làm nghề buôn bán; con ông Tô Long Phụng và bà Đặng Thị Kim Hớn; có chồng và 02 con; bị bắt giam ngày 30-8-2002.

    Nguyên đơn dân sự:

    - Xí nghiệp tư doanh Kim Chi; trụ sở tại 15A Trần Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

    - Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai; trụ sở tại 30 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

    NHẬN THẤY:

    1. Về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

    Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai được thành lập năm 1992, do Trịnh Xuân Nhân làm giám đốc Công ty, Nguyễn Thái Sơn làm Phó giám đốc và Phan Đình Vinh làm Kế toán trưởng. Công ty được phép ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp với các đối tác nước ngoài về mặt hàng cà phê. Để có nguồn hàng xuất khẩu Công ty đã ký nhiều hợp đồng kinh tế với các đơn vị, trong đó có Xí nghiệp tư doanh Kim Chi.

    Để quản lý việc ứng tiền cho các hợp đồng và bảo đảm việc giao hàng đúng thời gian, Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai đã tổ chức cuộc họp gồm có Giám đốc, Phó giám đốc, Phòng kế toán, các Phòng nghiệp vụ và nhiều thành viên khác. Tại cuộc họp ngày 17-10-2001, mọi người đều thống nhất số dư tiền ứng cho Xí nghiệp tư doanh Kim Chi trong các tháng cao điểm của vụ mùa cà phê (tháng 10, 11, 12 năm 2001) tương ứng với 6000 tấn cà phê; các tháng còn lại là 3000 tấn. Sau khi ký các hợp đồng kinh tế và đã nhận tiền tạm ứng từ Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai thì Xí nghiệp tư doanh Kim Chi thực hiện hợp đồng không đúng; cụ thể là: giao hàng chậm so với thời gian đã ký trong hợp đồng; giao không đủ hàng; nhiều hợp đồng Xí nghiệp tư doanh Kim Chi không thực hiện; dư nợ trên tỷ lệ cho phép. Nhưng ngày 22-4-2002, Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai tổ chức cuộc họp và thống nhất, tiếp tục ký hợp đồng kinh tế và ứng tiền cho Xí nghiệp tư doanh Kim Chi; thực hiện hợp đồng theo lối cuốn chiếu. Những hợp đồng này cũng không được Xí nghiệp tư doanh Kim Chi thực hiện đầy đủ, hợp đồng cũ chưa thực hiện xong vẫn được Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai ký hợp đồng mới và ứng tiền tiếp, dẫn đến hậu quả số tiền nợ đọng chưa thu hồi được rất lớn; cụ thể như sau:

    Từ ngày 24-10-2001 đến ngày 26-4-2002, Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai đã ký với Xí nghiệp tư doanh Kim Chi 96 hợp đồng kinh tế để mua 25.016 tấn cà phê và đã ứng cho Xí nghiệp tư doanh Kim Chi 106.246.000.000 đồng. Xí nghiệp tư doanh Kim Chi chỉ giao được 15.772,584 tấn cà phê, tương ứng với số tiền là 62.329.837.320 đồng. Còn lại 35 hợp đồng, trong đó có 30 hợp đồng Xí nghiệp tư doanh Kim Chi không thực hiện và 05 hợp đồng thực hiện dở dang. Tổng số tiền Xí nghiệp tư doanh Kim Chi còn nợ của 35 hợp đồng này là 44.330.297.940 đồng, tương ứng với 8.315,97 tấn cà phê.

    Trong số 35 hợp đồng nêu trên, thì Trịnh Xuân Nhân ký 01 hợp đồng, số hợp đồng còn lại Nhân uỷ quyền cho Võ Văn Dũng (Trưởng phòng nghiệp vụ) ký 18 hợp đồng, Trần Kim Tá (Phó trưởng phòng nghiệp vụ) ký 16 hợp đồng. Trong tổng số tiền mà Xí nghiệp tư doanh Kim Chi còn nợ Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai, thì Trịnh Xuân Nhân với tư cách là Giám đốc Công ty đã ký 06 chứng từ chi với tổng số tiền là 6.144.000.000 đồng; Nguyễn Thái Sơn với tư cách là Phó giám đốc Công ty đã ký 45 chứng từ chi với tổng số tiền là 38.186.297.940 đồng; Phan Đình Vinh với tư cách là Kế toán trưởng và Võ Văn Tuấn với tư cách là Phó trưởng phòng kế toán cùng tham gia ký các chứng từ chi nói trên (Vinh ký 48 chứng từ với tổng số tiền là 42.188.297.940 đồng và Tuấn ký 03 chứng từ với tổng số tiền là 2.142.000.000 đồng).

    Sau khi khởi tố vụ án, Xí nghiệp tư doanh Kim Chi đã giao tiếp cho Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai được 37,984 tấn cà phê. Khi hai bên thanh toán công nợ, thì Xí nghiệp tư doanh Kim Chi còn nợ Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai 43.135.022.371 đồng.

    Ngoài ra, vào khoảng đầu năm 1996 Trịnh Xuân Nhân tổ chức cuộc họp gồm có Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Tây, Phan Đình Vinh, Võ Văn Tuấn, Võ Văn Dũng, Trần Kim Tá, Nguyễn Tấn Hạnh đã họp bàn và thống nhất nâng khống giá cà phê đầu vào thêm 50.000 đồng/tấn để lấy tiền chi phí. Tổng số tiền thu được từ việc nâng khống giá cà phê đầu vào do các cửa hàng và chi nhánh nộp về Công ty là 632.841.240 đồng. Số tiền này không được nhập quỹ, không được vào sổ sách kế toán mà do Nguyễn Tấn Hạnh giữ và chi theo lệnh của Trịnh Xuân Nhân; cụ thể số tiền đã chi như sau:

    Trịnh Xuân Nhân đã nhận 300.000.000 đồng, Trương Công Phương nhận 282.000.000 đồng, Phan Đình Vinh nhận 40.000.000 đồng và Nguyễn Tấn Hạnh nhận 10.841.240 đồng để chi cho việc tiếp khách, mua quà biếu.

    2. Về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Tô Thị Kim Phượng.

    Từ năm 1998, Nguyễn Thị Kim Chi (Phó giám đốc Xí nghiệp tư doanh Kim Chi) và Tô Thị Kim Phượng có quan hệ mua bán cà phê. Hai bên trao đổi qua điện thoại thống nhất giá, số lượng và chất lượng hàng, sau đó Xí nghiệp tư doanh Kim Chi cho người giao tiền kèm theo phiếu cắt giá ghi lượng tiền chuyển tương ứng với lượng hàng mua để Phượng ký nhận.

    Từ tháng 01-2000 đến tháng 4-2002, Nguyễn Thị Kim Chi đã ứng cho Tô Thị Kim Phượng tổng số tiền 409.127.283.000 đồng để mua 70.170,997 tấn cà phê. Phượng đã giao cho Xí nghiệp tư doanh Kim Chi 64.088,252 tấn cà phê, tương ứng với số tiền là 377.613.859.590 đồng, còn nợ lại Xí nghiệp tư doanh Kim Chi 6.082,744 tấn cà phê tương ứng với số tiền là 31.513.423.410 đồng.

    Ngoài ra, năm 1999 Phượng còn nợ Xí nghiệp tư doanh Kim Chi 2.260.736.718 đồng. Như vậy, tổng số tiền Phượng còn nợ Xí nghiệp tư doanh Kim Chi từ năm 1999 đến tháng 4-2002 là 33.774.160.128 đồng, nhưng Phượng không thừa nhận còn nợ Xí nghiệp tư doanh Kim Chi số tiền trên.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 140/HSST ngày 04-11-2004, Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai áp dụng khoản 3 Điều 165; các điểm a, b, p và q khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự, xử phạt Trịnh Xuân Nhân 07 năm tù về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

    Áp dụng khoản 3 Điều 165; các điểm a, p, q và s khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Thái Sơn 05 năm tù, Phan Đình Vinh 05 năm tù, Võ Văn Dũng 04 năm tù, Trần Kim Tá 03 năm tù, Võ Văn Tuấn 02 năm tù, đều về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

    Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 165; các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Tấn Hạnh 10 tháng tù về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

    Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 140 Bộ luật hình sự, xử phạt Tô Thị Kim Phượng 14 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 30-8-2002.

    Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự buộc các bị cáo Trịnh Xuân Nhân bồi thường 50.000.000 đồng (tổng số tiền bị cáo đã nộp và thu giữ là 48.050.000 đồng), Phan Đình Vinh bồi thường 20.000.000 đồng và Nguyễn Tấn Hạnh bồi thường 10.841.240 đồng (đã nộp 5.995.000 đồng) cho Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai.

    Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự buộc Tô Thị Kim Phượng bồi thường cho Xí nghiệp tư doanh Kim Chi 28.914.935.513 đồng.

    Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo Nguyễn Thái Sơn, Võ Văn Dũng, Trần Kim Tá, Võ Văn Tuấn và Tô Thị Kim Phượng đều kháng cáo kêu oan.

    - Xí nghiệp tư doanh Kim Chi kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Tô Thị Kim Phượng.

    - Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai kháng cáo không đồng ý với phần nhận định giành quyền khởi kiện cho Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai đối với Xí nghiệp tư doanh Kim Chi về số tiền nợ đọng bằng một vụ án dân sự khác.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 240 ngày 08-4-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng giữ nguyên quyết định tại bản án hình sự sơ thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Thái Sơn, Võ Văn Tuấn, Võ Văn Dũng, Trần Kim Tá và Tô Thị Kim Phượng.

    Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số26/2005/HS-TK  ngày 04-11-2005, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm số 140/HSST ngày 04-11-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai để điều tra lại.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao

    XÉT THẤY:

    1. Về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của Trịnh Xuân Nhân và các đồng phạm khác.

    Trong quá trình thực hiện các hợp đồng với Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai, mặc dù Xí nghiệp tư doanh Kim Chi liên tục giao hàng không đúng thời hạn, không đủ số lượng và không thực hiện nhiều hợp đồng, dư nợ vượt rất nhiều so với tỷ lệ cho phép, nhưng Trịnh Xuân Nhân và các bị cáo khác (cán bộ Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai) vẫn tiếp tục ký nhiều hợp đồng với Xí nghiệp tư doanh Kim Chi và cho ứng tiền tiếp. Hậu quả là Xí nghiệp tư doanh Kim Chi còn nợ 43.135.022.371 đồng, Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai chưa thu hồi được. Ngoài ra, Trịnh Xuân Nhân cùng các đồng phạm khác đã thống nhất nâng khống giá cà phê đầu vào để lấy tiền chi sai nguyên tắc gây thiệt hại cho Nhà nước 632.841.240 đồng. Hành vi của Trịnh Xuân Nhân và các đồng phạm khác có dấu hiệu của tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

    Tuy nhiên, theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thì trong quá trình thực hiện các hợp đồng Xí nghiệp tư doanh Kim Chi đã thế chấp cho Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai một số tài sản (một kho thu mua nông sản tại xã Ia Blang, một chiếc xe Huyndai 2T.5 và một số hồ sơ về quyền sử dụng đất) để đảm bảo việc thanh toán nợ. Những tài sản này chưa được định giá để trừ vào số tiền nợ của Xí nghiệp tư doanh Kim Chi. Mặt khác, khả năng trả nợ, tài sản hiện có của Xí nghiệp tư doanh Kim Chi cũng chưa được điều tra, xác định rõ để có biện pháp buộc Xí nghiệp tư doanh Kim Chi trả nợ, qua đó xác định thiệt hại vật chất cụ thể của hành vi cố ý làm trái của Trịnh Xuân Nhân và các bị cáo khác.

    * Về khoản tiền 43.135.022.371 đồng mà Xí nghiệp tư doanh Kim Chi còn nợ Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai:

    Nguyễn Thị Kim Chi khai rằng việc Xí nghiệp tư doanh Kim Chi chưa thanh toán khoản nợ trên cho Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai là vì số tiền hơn 43 tỷ đồng đó đã bị Tô Thị Kim Phượng chiếm đoạt 33.774.160.128 đồng và 31 hộ dân ở Chư Sê, tỉnh Gia Lai chiếm dụng 9.330.594.928 đồng. Lời khai này của Chi được các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận.

    Tuy nhiên, qua các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì nguyên nhân chưa trả được nợ của Xí nghiệp tư doanh Kim Chi không phải hoàn toàn như vậy; cụ thể như sau:

    - Trong số tiền 33.774.160.128 đồng mà Tô Thị Kim Phượng bị quy kết là chiếm đoạt của Xí nghiệp tư doanh Kim Chi có cả những khoản Phượng nợ Xí nghiệp tư doanh Kim Chi từ năm 1999 (2.260.736.718 đồng) và các khoản nợ của năm 2000 và 10 tháng đầu năm 2001 (18.911.123.410 đồng). Trong khi đó số tiền hơn 43 tỷ đồng mà Xí nghiệp tư doanh Kim Chi còn nợ Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai là tiền Xí nghiệp tư doanh Kim Chi ứng để thực hiện 35 hợp đồng được ký từ ngày 06-12-2001 mà Xí nghiệp tư doanh Kim Chi đã không thực hiện (30 hợp đồng) hoặc thực hiện dở dang (05 hợp đồng). Như vậy, thực tế Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai chỉ bị thất thoát khoảng hơn 12 tỷ đồng [33.774.160.128 - (18.911.123.410 + 2.260.736.718)] trong số tiền mà Nguyễn Thị Kim Chi khai bị Phượng chiếm đoạt.

    Số tiền 9.330.594.928 đồng mà 31 hộ dân ở Chư Sê còn nợ Xí nghiệp tư doanh Kim Chi cũng không hoàn toàn là tiền Xí nghiệp tư doanh Kim Chi ứng của Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai vì: trước thời điểm Xí nghiệp tư doanh Kim Chi ứng tiền của Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai (24-10-2001) thì đã có 07 hộ dân chấm dứt quan hệ mua bán với Xí nghiệp tư doanh Kim Chi từ tháng 4-2001; 14 hộ quan hệ mua bán với Xí nghiệp tư doanh Kim Chi đến hết năm 2001 thì chấm dứt. Mặt khác, việc xác định có bao nhiêu hộ dân nhận tiền (của Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai) từ Xí nghiệp tư doanh Kim Chi, nhận bao nhiêu, đã thanh toán bao nhiêu cũng chưa được điều tra làm rõ.

    Từ những tình tiết nêu trên, thấy rằng việc Xí nghiệp tư doanh Kim Chi không trả nợ cho Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai với lý do toàn bộ số tiền còn lại mà Xí nghiệp tư doanh Kim Chi ứng của Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai để mua cà phê đã bị Tô Thị Kim Phượng và 31 hộ dân chiếm đoạt hoặc chiếm dụng là không đúng thực tế.

    2. Về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Tô Thị Kim Phượng.

    Việc xác định hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Tô Thị Kim Phượng các cơ quan tiến hành tố tụng đã lấy tổng số tiền mà Phượng nhận từ Xí nghiệp tư doanh Kim Chi trừ đi trị giá của số lượng cà phê mà Phượng đã giao cho Xí nghiệp tư doanh Kim Chi, nên đã quy kết Phượng chiếm đoạt của Xí nghiệp tư doanh Kim Chi 33.774.160.128 đồng là tiền Phượng nhận của Xí nghiệp tư doanh Kim Chi để mua cà phê là chưa chính xác. Căn cứ vào các phiếu cắt giá có trong hồ sơ vụ án thì ngoài khoản tiền mua cà phê, Phượng còn chi nhiều khoản khác như chi tiền mua 600 tấn ngô bằng 480.000.000 đồng (phiếu cắt giá ngày 30-8-2001), tiền Phượng trả nợ hộ cho Xí nghiệp tư doanh Kim Chi 1.718.208.000 đồng (phiếu cắt giá ngày 01-11-2001 và ngày 05-4-2002), tiền vận chuyển và chi phí khác.... Các khoản nợ xuất phát từ những khoản chi này chỉ là quan hệ dân sự giữa Xí nghiệp tư doanh Kim Chi và Tô Thị Kim Phượng. Ngoài ra, giữa Xí nghiệp tư doanh Kim Chi và Phượng còn có tranh chấp về khoản tiền thanh lý trên các phiếu cắt giá, vấn đề này cũng chưa được điều tra, xác định rõ.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 240 ngày 08-4-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và bản án hình sự sơ thẩm số 140/HSST ngày 04-11-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai để điều tra lại vụ án theo quy định của pháp luật; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết theo thẩm quyền.

    Tiếp tục tạm giam Trịnh Xuân Nhân, Tô Thị Kim Phượng, Phan Đình Vinh cho đến khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý lại hồ sơ vụ án.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm:

    1. Cần điều tra, xác minh lại hậu quả của hành vi “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế”;

    2. Cần điều tra, xác minh lại số tiền bị chiếm đoạt bởi hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm:

    Thiếu sót trong việc điều tra, xác minh và đánh giá chứng cứ.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 29/05/2013 01:12:26 CH
     
    2819 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận