Quyết định giám đốc thẩm số 06/2008/KDTM-GĐT ngày 20-6-2008 về vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng

Chủ đề   RSS   
  • #264093 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 06/2008/KDTM-GĐT ngày 20-6-2008 về vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng

    Số hiệu

    06/2008/KDTM-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số06/2008/KDTM-GĐT ngày 20-6-2008 về vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng

    Ngày ban hành

    20/06/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    Quyết định giám đốc thẩm số06/2008/KDTM-GĐT ngày 20-6-2008 về vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

                ………….

                Ngày 20 tháng 6 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng giữa

                Nguyên đơn: Công ty Enviroment Construction Engineering Corporation Ece Japan ( viết tắt là Công ty ECE Nhật Bản); có trụ sở tại 1-2-4-5 Kashiwagi Aobaku. Sendai Miyagi Japan; do ông Koji Okamoto đại diện theo Giấy ủy quyền của ông Giám đốc Keigo Nakajo ngày 08-3-2004;

                Bị đơn: Công ty TNHH đầu tư xây dựng Ngọc Phong ( viết tắt là Công ty Ngọc Phong); có trụ sở tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; do ông Nguyễn Văn Kha đại diện theo giấy ủy quyền của ông Tổng Giám đốc Đại Miên Huê ngày 01-11-2006.

    NHẬN THẤY:

                Ngày 31-01-2004 (BL.06) và ngày 08-3-2004, hai đồng nguyên đơn là Công ty ECE Nhật Bản và Công ty ECE Việt Nam gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh Long An đơn khởi kiện (BL.13-11), yêu cầu Công ty Ngọc Phong thanh toán tiền theo thỏa thuận tư vấn xây dựng ký ngày 24-6-2002 giữa Công ty ECE Nhật Bản , Công ty ECE Việt Nam với Công ty Ngọc Phong.

                Cùng ngày 08-3-2004, Công ty ECE Nhật Bản gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh Long An đơn khởi kiện (BL.10-09), yêu cầu Công ty Ngọc Phong thanh toán tiền theo thỏa thuận tư vấn xây dựng ký ngày 02-9-2002 giữa Công ty ECE Nhật Bản với Công ty Ngọc Phong.

                1. Theo trình  bày của Nguyên đơn (Công ty ECE Nhật Bản):\

                Ngày 24-6-2002, chủ đầu tư dự án  - Công ty Ngọc Phong có ký bản thỏa thuận (BL.406-401; 477-472) giao cho Công ty ECE Nhật Bản (Công ty kỹ nghệ môi trường ECE Nhật Bản) và Công ty ECE Việt Nam thực hiện việc tư vấn thiết kế xây dựng và lập kế hoạch hoạt động của khu công nghiệp  - khu dân cư Xuyên Á tại Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (BL.16) với tổng giá trị là 985.000USD với thời gian thực hiện từ ngày 02-9 đến ngày 31-10-2002.

                Công ty ECE Nhật Bản đã hoàn thành nghĩa vụ của mình và giao đầy đủ  các tài liệu tư vấn, thiết kế cho Công ty Ngọc Phong, nhưng công ty Ngọc Phong không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán như thỏa thuận.

                Công ty ECE Nhật Bản yêu cầu Công ty Ngọc Phong phải thanh toán số tiền còn thiếu của bản thỏa thuận ngày 24-6-2002 là 563.500USD ; số tiền của bản thỏa thuận ngày 02-9-2002 là 280.500USD; tổng cộng là 844.000 USD và tiền lãi phát sinh từ hai khoản tiền chậm trả trên theo lãi suất chậm trả, tính từ ngày hết hạn hạn thỏa thuận đến ngày xét xử sơ thẩm (BL.615); buộc Công ty Ngọc Phong phải chịu phạt vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

                Công ty ECE Nhật Bản không có Văn phòng đại diện hoặc chi nhánh ở Việt Nam (BL.596).

                2.Theo trình bày của bị đơn (Công ty Ngọc Phong):

                -Xác nhận giữa Công ty Ngọc Phong và Công ty ECE Nhật Bản có ký hai bản thỏa thuận  ngày 24-6-2002 và ngày 02-9-2002 với nội dung như nguyên đơn trình bày, nhưng thực chất không thực hiện theo thỏa thuận mà chỉ là hợp thức hóa việc Công ty ECE Nhật Bản giúp Công ty Ngọc Phong vay tiền của nước ngoài (BL.617).

                -Xác nhận có việc Công ty ECE Nhật Bản giao các tài liệu tư vấn, thiết kế cho Công ty Ngọc Phong, nhưng Công ty Ngọc Phong không sử dụng nên không phải trả tiền.

                -Theo quy định tại Điều 2 của hai bản thỏa thuận trên, “ECE-VINAECE không có quyền và nhiệm vụ chuyển giao cho bất kỳ bên thứ ba nào hoặc cộng tác với họ về những điều khoản đã ghi trong bản thỏa thuận này”. Thực tế, Công ty ECE Nhật Bản đã vi phạm Điều 2 của  hai bản thỏa thuận trên khi đã giao công việc trong thỏa thuận cho đơn vị thứ ba là Công ty Maeda Nhật Bản thực hiện (BBPTST-ST.613).

                -Tại thời điểm ký kết hai bản thỏa thuận trên, Công ty ECE Nhật Bản không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, không có giấy phép hành nghề của Việt Nam, nên  hai bản thỏa thuận trên đã bị vô hiệu hoàn toàn do vi phạm Điều 8 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (BBPTST-ST.613).

                -Mặt khác, Công ty ECE Nhật Bản khởi kiện khi  đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật.

                Vì vậy, Công ty Ngọc Phong đề nghị Tòa bác đơn của Công ty ECE Nhật Bản.

                3.Theo trình bày của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Công ty ECE Việt Nam):

                Sau khi thụ lý vụ án Công ty ECE Việt Nam xin rút lại tư cách đồng nguyên đơn (BL.599).

                Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện của Công ty ECE Việt Nam xác nhận không có quan hệ kinh tế gì nên không yêu cầu tham gia vụ án (BL616).

                Tại bản án kinh tế sơ thẩm số04/2006/KT-ST ngày 24-7-2006, Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã quyết định:

                “…Áp dụng Điều 30 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế; Điều 15 Nghị định số 17/HĐBT ngày 16-01-1990 của Hội đồng Bộ trưởng,

                Buộc Công ty Ngọc Phong phải trả cho Công ty ECE Nhật Bản số tiền 900.161,48USD, trong đó tiền vốn là 844.000USD và tiền lãi là 56.161,48USD…”.

                Ngày 31-7-2006, Công ty Ngọc Phong kháng cáo toàn bộ nội dung của bản án sơ thẩm (BL.635-634) với lý do Tòa án cấp sơ thẩm xét xử không đúng pháp luật.

                Tại bản án kinh tế phúc thẩm số108/2006/KT-PT ngày 16-11-2006 (BL.670-660), Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã bác kháng cáo của bị đơn – Công ty Ngọc Phong, giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.

                Ngày 25-5-2007, Công ty Ngọc Phong có đơn khiếu nại, cho rằng Công ty ECE Nhật Bản đã vi phạm Điều 2 của  hai bản thỏa thuận, đã giao cho đơn vị thứ ba là Công ty Maeda Nhật Bản thực hiện; mặt khác, theo quy định của Nghị 52/CP của Chính phủ, Công ty ECE Nhật Bản muốn thực hiện hợp đồng tư vấn cho Công ty Ngọc Phong thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Xây dựng , nhưng thực tế Công ty ECE Nhật Bản không được bất cứ một cơ quan có thẩm quyền nào của Việt Nam cho phép;

                Ngày 27-12-2007, tại Quyết định số10/2007/TATC-KT, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án kinh tế số108/2006/KT-PT ngày 16-11-2006 cuả Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân  dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo  hướng hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ về Tòa án cấp sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

                Tại bản Kết luận số03/KL-VKSTC-V12 ngày 10-3-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm , giao hồ sơ về Tòa án cấp sơ thẩm để xét xử lại theo quy định của pháp luật.

    XÉT THẤY:

                1.Về tính hợp pháp của các thỏa thuận tư vấn xây dựng:

                Điều 68 Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định : “Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật này”.

                Ngày 31-7-2000 Chính phủ đã ra Nghị định số24/2000/NĐ-CP, quy định của chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khoản 1 Điều 112 của nghị định này có quy định : “ Các Bộ, nghành , Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực và địa bàn quản lý”.

                Ngày 11-12-2000 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số16/2000/TT-BXD hướng dẫn việc quản lý xây dựng đối với hoạt động đầu tư nước ngoài và quản lý các nhà thầu nước ngoài vào nhận thầu xây dựng công trình tại Việt Nam. Tại các tiểu mục 1.1 và 1.3 mục 1 phần III Thông tư số16/2000/TT-BXD ngày 11-12-2000 của Bộ Xây dựng có quy định:

                “…1.1. Các nhà thầu nước ngoài gồm thầu tư vấn xây dựng (bao gồm tư  vấn về quản lý xây dựng, khảo sát, thiết kế, thẩm tra thiết kế, kiểm định, quản lý chất lượng xây dựng và các công việc tư vấn xây dựng khác), và các nhà thầu xây dựng công trình (sau đây gọi chung là nhà thầu) khi nhận thầu thực hiện dự án xây dựng tại Việt Nam đều phải lập hồ sơ theo hướng dẫn tại Thông tư này để được cấp giấy phép thầu tư vấn xây dựng, hoặc giấy phép thầu xây dựng công trình.

                …1.3. Giấy phép thầu  cấp cho nhà thầu nước ngoài là chứng chỉ pháp lý để nh thầu nước ngoài thực hiện hợp đồng tư vấn xây dựng , thực hiện xây lắp công trình tại Việt Nam, để quan hệ với các cơ quan Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan tại Việt Nam”.

                Công ty ECE Nhật Bản ký kết và thực hiện hai thỏa thuận tư vấn xây dựng  ngày 24-6-2002 và ngày 02-9-2002 do dự án xây dựng tại Việt Nam của Công ty Ngọc Phong trong khi không có “giấy phép thầu tư vấn xây dựng”  là vi phạm pháp luật đã dẫn chiếu trên . Do đó, hai thỏa thuận tư vấn xây dựng này đã vi phạm pháp luật đã dẫn chiếu trên. Do đó, hai thỏa thuận tư vấn xây dựng này đã vi phạm điểm a khoản 1 Điều 8 pháp lệnh hợp đồng kinh tế, đều bị vô hiệu toàn bộ và phải xử lý theo quy định tại Điều 39 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế.

                Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều đưa vụ án ra giải quyết tranh chấp như đối với hợp đồng  hợp pháp (cho Công ty ECE Nhật Bản được hưởng cả khoản tiền lãi 56.161,48USD) là không đúng với quy định của pháp luật.

                2.Về thủ tục tố tụng:

                a.Về thẩm quyền giải quyết vụ án:

                Đây là vụ án có yếu tố nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 405 Bộ luật tố tụng dân sự. Cả hai bản thỏa thuận được ký giữa Công ty ECE Nhật Bản với Công ty Ngọc Phong đều không ghi địa điểm thỏa thuận, nơi thực hiện. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không thu thập chứng cứ, xác minh để làm rõ hợp đồng dưới hình thức hai thỏa thuận tư vấn nêu trên có được triển khai thực hiện tại Việt Nam hay không,…Từ đó xác định vụ án có thuộc thẩm quyền của tòa án Việt Nam hay không theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 410, khoản 1 Điều 411 Bộ luật tố tụng dân sự) là thiếu sót cần được khắc phục khi xét xử lại vụ án.

                b.Về thời hiệu khởi kiện:

                Thỏa thuận tư vấn xây dựng ký ngày 24-6-2002 giữa Công ty ECE Nhật Bản với Công ty Ngọc Phong thực hiện từ ngày 24-6-2002 đến ngày 31-12-2002; thỏa thuận tư vấn xây dựng ký ngày 02-9-2002 thực hiện từ ngày 02-9-2002 đến ngày 31-10-2002; nhưng mãi đến ngày 31-01-2004 Công ty ECE Nhật Bản mới có đơn kiện lần đầu tiên (BL.06) đến Tòa án nhân dân tỉnh Long An (sau 13 và 15 tháng); Công ty Ngọc  Phong có khiếu nại cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện. Nhưng Tòa cấp sơ thẩm và Tòa cấp phúc thẩm không xem xét, nhận định về thời hiệu khởi kiện của vụ án còn hay hết theo quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm thu lý vụ án (khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế và hướng dẫn tai mục 1, 3 phần I Thông tu liên ngành số 04/TTLN ngày 07-01-1995 của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao) là thiếu sót cần phải khắc phục.

                c.Về tư cách đương sự của Công ty ECE Việt Nam:

                Tại đơn khởi kiện đề ngày 31-01-2004 và ngày 08-3-2004, Công ty ECE Việt Nam ký với tư cách là đồng nguyên đơn. Sau khi thụ lý vụ án, Công ty ECE Việt Nam xin rút lại tư cách đồng nguyên đơn, Tòa án cấp sơ thẩm không gia quyết định đình chỉ giải  quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của công ty ECE Việt Nam là không đúng với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự.

                Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Công ty ECE Việt Nam xin rút tư cách đồng  nguyên  đơn vì không có quan hệ kinh tế với Công ty Ngọc Phong, Tòa án cấp sơ thẩm không làm rõ tình tiết này để đình chỉ xét xử đối với toàn bộ yêu cầu của Công ty ECE Việt Nam là không đúng với quy định tại khoản 2 Điều 218 Bộ luật tố tụng dân sự.

                Bản thỏa thuận tư vấn xây dựng ký ngày 24-6-2002 mặc dù có ghi Công ty ECE Việt Nam là một trong ba chủ thể tham nhưng không ghi người đại diệnCông ty ECE Việt Nam  là ai, Công ty ECE Việt Nam không ký và đại diện theo pháp luật của họ cũng không ủy quyền  cho đại diện của Công ty ECE Nhật Bản ký thay. Vì vậy Công ty ECE Việt Nam thực sự không tham gia thỏa thuận này.

                Tòa án  cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại xác định Công ty ECE Việt Nam tham gia tố tụng với tư cách là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” là không đúng với quy định tại khoản 2, 4 Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự.

                Trong vụ án này,cá nhân ông Võ Ngọc Tuấn (Giám đốc Công ty ECE Việt Nam) có thể được Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách “ người làm chứng”, vì cá nhân ông Tuấn là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ án chứ Công ty ECE Việt Nam không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

                Tại Điều 6 của cả hai bản thỏa thuận trong vụ án này đều quy định: “Bên thứ nhất sẽ thanh toán chi phí tư vấn cho bên thứ hai bằng tiền đô la Mỹ”. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều chưa thu thập chứng cứ, xem xét, xác minh để xác định các bên tham gia trong thỏa thuận có được phép thanh toán bằng tiền đô la Mỹ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối của nhà nước hay không? Đây là thiếu sót cần phải được khắc phục khi  xét xử lại vụ  án.

                Do hai bản thỏa thuận tư vấn xây dựng trên bị vô hiệu toàn bộ và phải được xử lý theo quy định tại Điều 39 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, nên việc xác minh quá trình thực hiện hai bản thỏa thuận trên để xác định chính xác chi phí thực tế của các bên là cần thiết. Khi giải quyết lại vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm cần xác minh làm rõ sản phẩm tư vấn của Công ty ECE Nhật Bản có phù hợp với hai bản thỏa thuận trên hay không?  Thực tế triển khai sử dụng kết quả tư vấn này thế nào? (có sử dụng được đúng theo thỏa thuận hay không? Hay không thể sử dụng được vì chỉ là giả tạo để giúp vay hộ tiền của nước ngoài như Công ty Ngọc Phong khai? Cần tạo điều kiện để Công ty Ngọc Phong chứng minh về vấn đề này).

                Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của đại diện hợp pháp của Công ty ECE Nhật Bản, của cá nhân ông Võ Ngọc Tuấn, ông Trần Ngọc Phong, của Tcy cổ phần tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng CDCo, và của Công ty TNHH A&B để kết luận Công ty ECE Nhật Bản có tiến hành thực hiện hợp đồng và giao sản phẩm cho Công ty Ngọc  Phong, mà không xác minh xem Công ty ECE Nhật Bản triển khai việc thực hiện hai  hợp đồng trên như thế nào, chi phí thực tế là bao nhiêu để giải quyết chính xác yêu cầu của mỗi bên là thiếu sót.

                Tòa án cấp phúc thẩm không nhận thấy và chưa khắc phục các sai sót trên của Tòa án cấp sơ thẩm.

                Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 1 và khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

                1.Hủy bản án kinh tế sơ thẩm số04/2006/KT-ST ngày 24-7-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An và bản án kinh tế phúc thẩm số108/2006/KT-PT ngày 16-11-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

                2.Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Long An xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và sơ thẩm bị hủy:

                Hợp đồng giữa các bên là vô hiệu nhưng Tòa án giải quyết như đối với hợp đồng hợp pháp là không đúng pháp luật. Ngoài ra, còn có những sai sót về tố tụng.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 25/05/2013 10:52:20 SA
     
    3947 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận