Quyết định giám đốc thẩm số 06/2006/hs-gđt ngày 08-5-2006 về vụ án nguyễn văn an, phạm văn tú phạm các tội “giết người” và “cướp tài sản”

Chủ đề   RSS   
  • #265050 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4353 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 06/2006/hs-gđt ngày 08-5-2006 về vụ án nguyễn văn an, phạm văn tú phạm các tội “giết người” và “cướp tài sản”

    Số hiệu

    06/2006/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số06/2006/hs-gđt ngày 08-5-2006 về vụ án nguyễn văn an, phạm văn tú phạm các tội “giết người” và “cướp tài sản”

    Ngày ban hành

    08/05/2006

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ06/2006/HS-GĐT NGÀY 08-5-2006 VỀ VỤ ÁN NGUYỄN VĂN AN, PHẠM VĂN TÚ PHẠM CÁC TỘI “GIẾT NGƯỜI” VÀ “CƯỚP TÀI SẢN”

     

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ...

    Ngày 08 tháng 5 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    Nguyễn Văn An sinh năm 1983; trú tại thôn Hậu Trạch, xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; con ông Nguyễn Văn Chẩn và bà Nguyễn Thị Hiền; chưa có tiền án, tiền sự; bị bắt giam ngày 25-11-2004.

     Người bị hại: Anh Đặng Xuân Thưởng sinh năm 1958 (đã chết); người đại diện hợp pháp của người bị hại: chị Nguyễn Thị Sự (vợ anh Thưởng) trú tại phòng 2 dãy Đ5, phường Văn Miếu, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

    (Trong vụ án này còn có bị cáo Phạm Văn Tú sinh năm 1983 bị xử phạt 18 năm tù về tội “giết người”; 03 năm tù về tội “cướp tài sản”; tổng hợp hình phạt chung là 21 năm tù).

    NHẬN THẤY:

    Nguyễn Văn An và Phạm Văn Tú cùng ở xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Cuối tháng 6-2004, khi đến chơi tại hiệu cắt tóc của anh Đoàn Văn Thanh ở xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, An bàn với Tú và Đoàn Văn Thanh về việc đi thuê xe ôm để cướp bán lấy tiền tiêu thì được Tú đồng ý, còn Thanh sợ nên từ chối.

    Ngày 27-6-2004 An rủ Tú lên Hà Nội tìm việc làm nhưng không tìm được, chiều ngày 30-6-2004 tại hồ Linh Đàm, thành phố Hà Nội, An bàn với Tú quay về Nam Định thuê xe ôm về khu đường liên xã Nam Lợi – Nam Hồng, huyện Nam Trực nơi có địa bàn vắng sẽ giết lái xe và lấy xe máy để bán, thì được Tú nhất trí. Khoảng 17 giờ cùng ngày, An và Tú mặc quần áo bộ đội mang theo ba lô, đội mũ mềm giả là bộ đội để đi nhờ xe ô tô về Nam Định. Về đến thành phố Nam Định, trong khi ăn phở tại quán của chị Trần Thị Tâm ở số 5 đường Điện Biên, An bảo Tú: “tí nữa mày thuê xe ôm chọn cái chắc chắn một tí”. Trong khi ngồi uống nước tại quán của chị Lê Mỹ Lệ, An nhìn thấy viên gạch nên bảo Tú lấy cho vào ba lô để làm hung khí thực hiện tội phạm. Trên đường đi bộ vào trung tâm thành phố Nam Định, An và Tú tiếp tục bàn nhau thực hiện hành vi phạm tội với nội dung khi thuê được xe, Tú ngồi giữa, An ngồi sau, đến đoạn đường vắng An giả vờ làm rơi dép và bảo lái xe dừng lại. Khi xe dừng lại, thì Tú sẽ ôm chặt hai tay của lái xe, để An dùng gạch đập vào đầu giết chết lái xe và chiếm đoạt xe.

    Trên đường đi tuy có nhiều người xe ôm mời chào, nhưng do không chọn được xe vừa ý nên An và Tú đều từ chối không đi. Khoảng 22 giờ khi đến khu vực Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nam Định thì cả hai gặp anh Đặng Xuân Thưởng mời đi xe. Quan sát thấy xe WAVE của anh Thưởng còn mới, nên An đến nói với anh Thưởng: “chúng cháu là bộ đội được nghỉ về qua nhà ở Nam Thanh, hiện giờ chúng cháu chưa có tiền, về nhà cháu sẽ trả”. Anh Thưởng thống nhất giá với An là 28.000 đồng rồi chở Tú và An đi theo đường 21B hướng về thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh.

    Gần đến thị trấn Cổ Lễ, An bảo anh Thưởng đi vào đường liên xã Nam Hồng, qua thôn Liên Tỉnh sang thôn Bình Yên, xã Nam Thanh. Khi đến đoạn cống gạch cắt ngang qua đường một bên là kênh nước rộng 2,5m, một bên là cánh đồng và nghĩa địa xa khu dân cư, An lấy gạch từ trong ba lô ra cầm ở tay phải rồi giả vờ làm rơi dép và nói với anh Thưởng: “chú dừng lại cháu bị rơi dép”. Anh Thưởng dừng xe lại, lập tức Tú ôm ép hai tay anh Thưởng vào sát người, cúi đầu sát vai trái anh Thưởng, để An dùng viên gạch đập liên tiếp hai nhát vào đầu anh Thưởng làm anh gục xuống. An đập tiếp nhát thứ ba vào đầu anh Thưởng rồi dùng chân trái đạp vào chân chống phụ xe máy để gạt anh Thưởng ngã xuống đường. An ném viên gạch xuống kênh nước rồi đến lục soát người anh Thưởng lấy được chiếc ví, trong đó có 72.000 đồng, giấy chứng minh thư, giấy tờ xe máy và cùng Tú khênh anh Thưởng quẳng xuống kênh nước. An và Tú đi xe máy cướp được trốn lên Hà Nội. Số tiền 72.000 đồng An và Tú đã tiêu hết, còn các giấy tờ khác An đã đốt. An và Tú đem xe máy cướp được đi tiêu thụ ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên nhưng không được. Đến ngày 26-7-2004 An nhờ anh Đồng Ngọc Bình là thợ sửa chữa xe máy ở cùng thôn, giới thiệu bán chiếc xe máy cướp được cho anh Nguyễn Cao Khải ở xóm 13, xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh với giá 8.500.000 đồng. Anh Khải mới trả An 5.500.000 đồng, còn lại hẹn An khi nào đưa đủ giấy tờ sẽ trả nốt 3.000.000 đồng. Số tiền này An chiếm hưởng toàn bộ.

    Hồi 15 giờ ngày 01-7-2004 anh Nguyễn Văn Khảng ở xóm Phú Bình, thôn Liên Tỉnh, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định phát hiện có một xác chết ở dưới kênh thuỷ nông đã báo Công an xã Nam Hồng và vụ án được phát hiện. Tại Bản giám định pháp y số 86 ngày 01-7-2004, Tổ chức Giám định pháp y tỉnh Nam Định kết luận: “anh Đặng Văn Thưởng bị 3 vết thương tác động vào đỉnh đầu làm vỡ hộp sọ thành mảng rộng hình chữ V có hai cạnh dài 25cm và 15cm. Nạn nhân chết do 03 vết thương làm vỡ hộp sọ”.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 103/2005/STHS ngày 13-5-2005, Toà án nhân dân tỉnh Nam Định áp dụng điểm g khoản 1 Điều 93; khoản 1 Điều 133; điểm p khoản 1 Điều 46; điểm b khoản 1 Điều 46 (áp dụng thêm đối với Phạm Văn Tú); Điều 50 Bộ luật hình sự; xử phạt:

    Nguyễn Văn An tử hình về tội “giết người”; 06 năm tù về tội “cướp tài sản”; tổng hợp hình phạt buộc bị cáo An phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là tử hình.

    Phạm Văn Tú 20 năm tù về tội “giết người”; 03 năm tù về tội “cướp tài sản”; tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Tú phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 23 năm tù.

    Buộc các bị cáo An và Tú phải liên đới bồi thường cho gia đình nạn nhân tổng cộng là 57.750.000 đồng, phần bị cáo An phải bồi thường là 35.000.000 đồng; bị cáo Tú phải bồi thường là 22.750.000 đồng. Gia đình bị cáo Tú đã bồi thường 13.000.000 đồng, còn phải bồi thường tiếp 9.750.000 đồng.

    Ngày 23-5-2005 Nguyễn Văn An kháng cáo xin giảm hình phạt.

    Ngày 20-5-2005 người đại diện hợp pháp của người bị hại là chị Nguyễn Thị Sự kháng cáo đề nghị giữ nguyên mức án tử hình đối với Nguyễn Văn An, xin giảm hình phạt cho Phạm Văn Tú và yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm buộc các bị cáo bồi thường 62.750.000 đồng.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 856/2005/HSPT ngày 24-8-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng điểm g khoản 1 Điều 93; khoản 1 Điều 133; các điểm b và p khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 46 (áp dụng thêm đối với Nguyễn Văn An); Điều 50 Bộ luật hình sự; xử phạt:

    Nguyễn Văn An tù chung thân về tội “giết người”; 06 năm tù về tội “cướp tài sản”; tổng hợp hình phạt buộc bị cáo An phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là tù chung thân.

    Phạm Văn Tú 18 năm tù về tội “giết người”; 03 năm tù về tội “cướp tài sản”; tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Tú phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 21 năm tù.

    Buộc các bị cáo An và Tú phải liên đới bồi thường cho gia đình nạn nhân tổng cộng là 57.750.000 đồng, trong đó bị cáo An phải bồi thường 35.000.000 đồng (gia đình bị cáo An đã bồi thường tại phiên toà phúc thẩm 35.000.000 đồng). Bị cáo Tú phải bồi thường 22.750.000 đồng (gia đình bị cáo Tú đã bồi thường 13.000.000 đồng trước ngày xét xử sơ thẩm và bồi thường 1.500.000 đồng sau khi xử sơ thẩm); ghi nhận bị cáo An đồng ý bồi thường thêm cho gia đình người bị hại 5.000.000 đồng.

    Tại Quyết định kháng nghị số02/2006/HS-TK ngày 19-01-2006, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm về phần quyết định hình phạt đối với Nguyễn Văn An; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Tại cơ quan điều tra, tại phiên toà sơ thẩm và phiên toà phúc thẩm, Nguyễn Văn An và Phạm Văn Tú đều khai nhận tội. Lời khai nhận của các bị cáo phù hợp với nhau, phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án; do đó, Toà án các cấp kết án các bị cáo về các tội “giết người” và “cướp tài sản” là có căn cứ. Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, chúng đã tước đoạt tính mạng của người lao động để cướp tài sản bán lấy tiền tiêu xài gây hoang mang cho xã hội.

    Trong vụ án này Nguyễn Văn An giữ vai trò chính, là người khởi xướng, rủ rê, lôi kéo Phạm Văn Tú phạm tội và là người trực tiếp dùng hung khí giết chết anh Thưởng, rồi chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Trong cùng thời gian bị cáo phạm liền hai tội. Sau khi phạm tội đã bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra. Toà án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng của hành vi phạm tội của bị cáo nên đã xử phạt Nguyễn Văn An tử hình về tội “giết người” là đúng pháp luật.

    Toà án cấp phúc thẩm đã quá nhấn mạnh đến việc gia đình Nguyễn Văn An đã bồi thường toàn bộ số tiền phải bồi thường (35.000.000 đồng) cho gia đình người bị hại tại phiên toà phúc thẩm để áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự giảm hình phạt cho bị cáo là chưa đúng pháp luật, vì số tiền này là của gia đình An bồi thường thay cho bị cáo nên chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ khác quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Còn tình tiết giảm nhẹ khác Toà án cấp phúc thẩm cho rằng Toà án cấp sơ thẩm chưa xem xét là không đúng, vì tại phiên toà sơ thẩm Luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn An đã đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm xem xét và tại bản án hình sự sơ thẩm cũng đã đề cập.

    Toà án cấp phúc thẩm giảm hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân cho Nguyễn Văn An về tội “giết người” là chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng của hành vi phạm tội của bị cáo, chưa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.

    Vì các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 285, Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 856/2005/HSPT ngày 24-8-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội về phần quyết định về áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự, tội danh và hình phạt đối với Nguyễn Văn An; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    2. Các quyết định khác của bản án hình sự phúc thẩm nêu trên không bị kháng nghị tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án phúc thẩm:

    Toà án cấp phúc thẩm quá nhấn mạnh đến tình tiết bồi thường thiệt hại để giảm hình phạt cho bị cáo An là không chính xác.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:

    Đánh giá sai tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện khi quyết định hình phạt.

     

     
    3173 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận