Quyết định giám đốc thẩm số 05/2007/KDTM-GĐT ngày 08-5-2007 về vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng

Chủ đề   RSS   
  • #264150 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 05/2007/KDTM-GĐT ngày 08-5-2007 về vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng

    Số hiệu

    05/2007/KDTM-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số05/2007/KDTM-GĐT ngày 08-5-2007 về vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng

    Ngày ban hành

    08/05/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    Quyết định giám đốc thẩm số05/2007/KDTM-GĐT ngày 08-5-2007 về vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

                Ngày 08 tháng 5 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa:

                Nguyên đơn: Ngân hàng Công thương Việt Nam; Trụ sở tại: 108 Trần  Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội;

                Do bà Hoàng Thị Ngân ( sinh năm 1961) -  Phó giám đốc Chi nhánh 1 Ngân hàng Công thương Việt Nam ( trụ sở chi nhánh tại số 79 Hàm Nghi, quận I, thành phố Hồ Chí Minh ) đại diện theo giấy ủy quyền số106/UQ-NHCT18 ngày 01-01-2005 của Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam.

                Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Kim Lan ( sinh năm 1955) - cá nhân có đăng ký kinh doanh; địa chỉ : 150XA Bến Chương Dương, quận I, thành phố Hồ Chí Minh.

                Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

                1. Ông Nguyễn Khuyến ( sinh năm 1941).

                2. Bà Trần Thị Xuyên ( sinh năm 1945);

                Địa chỉ: 87T Đinh Tiên Hoàng, phường 3, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh .

    NHẬN THẤY:

                Ngày 18-11-2001, Ngân hàng Công thương Việt Nam có đơn khởi kiện khách hàng là Bà Nguyễn Thị Kim Lan ( cá nhân có đăng ký kinh doanh) và người bảo lãnh là ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên ra Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để đòi số tiền nợ cả gốc và lãi còn lại của 7 khế ước ký từ ngày 11-4-1995 đến ngày 29-5-1995 và yêu cầu phát mại tài sản thế chấp của người bảo lãnh ngôi nhà số 87T Đinh Tiên Hoàng, phường 3, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh để thanh toán.

                Tại bản án kinh tế sơ thẩm số 88/KTST ngày 03-6-2002, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xử:

                Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn:

                - Buộc Bà Nguyễn Thị Kim Lan phải thanh toán cho Ngân hàng Công thương Việt Nam tổng cộng là 870.398.602 đồng, trong đó số tiền vốn vay còn nợ là 237.000.000 đồng và số nợ lãi tính đến ngày 28-5-2002 là 633.398.602 đồng.

                - Bác yêu cầu của nguyên đơn đòi phát mại tài sản thế chấp là ngôi nhà số 87T Đinh Tiên Hoàng thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên . Ngân hàng Công thương Việt Nam có trách nhiệm hoàn trả giấy tờ của chủ quyền ngôi nhà nói trên cho ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên .

                Sau khi có bản án sơ thẩm, Ngân hàng Công thương Việt Nam và Bà Nguyễn Thị Kim Lan có đơn kháng cáo.

                Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 39/KTPT ngày 06-9-2002, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã xử:

                - Buộc Bà Nguyễn Thị Kim Lan phải thanh toán cho Ngân hàng Công thương Việt Nam tổng cộng 870.398.602 đồng, trong đó số tiền vốn vay còn nợ là 327.000.000 đồng và số nợ lãi là 633.398.602 đồng.

                - Hủy phần quyết định “ bác yêu cầu của Ngân hàng Công thương Việt Nam đòi phát mại tài sản thế chấp là ngôi nhà số 87T Đinh Tiên Hoàng thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên . Ngân hàng Công thương Việt Nam có trách nhiệm hoàn trả giấy tờ chủ quyền ngôi nhà nói trên cho ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên”. Giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm điều tra và xét xử lại theo quy định của pháp luật.

                Theo trình bày của nguyên đơn (Ngân hàng Công thương Việt Nam ):

                Năm 1993, ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên có thế chấp ngôi nhà số 87T Đinh Tiên Hoàng , phường 3, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh cho Ngân hàng Công thương Việt Nam để bảo lãnh cho Bà Nguyễn Thị Kim Lan vay của Ngân hàng 200 triệu đồng - “ giấy thế chấp tài sản “ ký ngày 24-9-1993, có chứng nhận của Công chứng nhà nước. Hợp đồng tín dụng này được bà Lan thanh toán xong cả gốc và lãi cho Ngân hàng, nhưng Ngân hàng chưa hoàn trả các giấy tờ nhà cho người bảo lãnh.

                Từ ngày 11-4-1995 đến ngày 29-5-1995, Ngân hàng Công thương Việt Nam lại cho Bà Nguyễn Thị Kim Lan vay bằng 7 khế ước với tổng số tiền vay là 400 triệu đồng. Toàn bộ số tiền vay này được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là ngôi nhà số 87T Đinh Tiên Hoàng , phường 3, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh thuộc sở hữu của vợ chồng người bảo lãnh là ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên - thông qua giấy thế chấp cho Công chứng nhà nước chứng nhận ngày 24-9-1993 và giấy cam kết bảo lãnh ngày 25-3-1995. Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 39/KTPT ngày 06-9-2002, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã xử buộc bà Lan phải thanh toán cho Ngân hàng Công thương Việt Nam tổng cộng là 870.398.602 đồng, trong đó:

                Nợ gốc là : 327.000.000 đồng;

                Nợ lãi là: 633.398.602 đồng.

                Bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng từ đó đến nay, bà Lan vẫn chưa thanh toán tiền cho Ngân hàng Công thương Việt Nam .

                Do bà Lan có khả năng thanh toán nợ vay, nên Ngân hàng yêu cầu người bảo lãnh là ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên có nghĩa vụ trả nợ thay bằng việc phát mãi tài sản thế chấp là ngôi nhà số 87T Đinh Tiên Hoàng .

                Theo trình bày của bị đơn ( Bà Nguyễn Thị Kim Lan ):

                - Xác nhận còn nợ của Ngân hàng toàn bộ số tiền mà Bản kinh tế phúc thẩm số 39/KTPT ngày 06-9-2002 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã xử:

                - Ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên thế chấp nhà có Công chứng nhà nước để bảo đảm số nợ vay cho bà trong hợp đồng vay vào năm 1993, bà đã thanh toán đầy đủ cho Ngân hàng.

                - Việc ký “ giấy cam kết bảo lãnh tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng” ngày 25-3-1995 là do Ngân hàng “ nói là để lấy giấy tờ nhà của ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên ra”. Nghe Ngân hàng nói vậy bà đã ký tên vào dưới dòng chữ bên được bảo lãnh, bà không nhờ bảo lãnh.

                Vì vậy, bà yêu cầu không phát mãi ngôi nhà của ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên .

                Theo trình bày của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ( ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên ).

                - Năm 1993, vợ chồng tôi là  Nguyễn Khuyến và Trần Thị Xuyên có ký thế chấp ngôi nhà số 87T Đinh Tiên Hoàng để bảo lãnh cho Bà Nguyễn Thị Kim Lan vay 200 triệu đồng của Ngân hàng, có công chứng việc thế chấp. Hợp đồng này bà Lan đã thanh toán đầy đủ cho Ngân hàng. Sau đó, chúng tôi không còn bảo lãnh có công chứng lần nào nữa, những lần sau này toàn do Ngân hàng và bà Lan làm bậy.

                - Ngày 25-3-1995, tôi đang họp ở cơ quan thì đại diện Ngân hàng và Bà Nguyễn Thị Kim Lan đến và yêu cầu tôi ký vào “ Giấy cam kết bảo lãnh tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng”, tôi có xem lướt qua nội dung và có ký vào dưới dòng chữ “ Người cam kết thế chấp - chồng”. Tối có nói : “ Về phần vợ tôi thì mang về nhà cho bà ấy ký. Sau này tôi được biết chữ ký “ Xuyên” trong tờ giấy này không phải là chữ ký của vợ tôi. Vì vậy, vợ chồng tôi không chấp nhận nghĩa vụ bảo lãnh cho Bà Nguyễn Thị Kim Lan , không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

                Tại bản án sơ thẩm số138/2006/KDTM-ST ngày 14-4-2006, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh  đã xử:

                Chấp nhận một phần yêu cầu của Ngân hàng Công thương Việt Nam - chi nhánh 1. Ông Nguyễn Khuyến có nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ thay cho Bà Nguyễn Thị Kim Lan các nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng Công thương Việt Nam - chi nhánh 1 theo bản án sơ thẩm số 88/KTST ngày 03-6-2002 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và bản án phúc thẩm số 39/KTPT ngày 06-9-2002 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh với giới hạn trách nhiệm bảo lãnh bằng tài sản là 1/2 giá trị của ngôi  số 87T Đinh Tiên Hoàng , phường 3, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm thi hành án.

                Ông Nguyễn Khuyến kháng cáo:

                Tại bản án kinh tế phúc thẩm số63/2006/KT-PT ngày 13-7-2006 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã giữ nguyên các quyết định của bán án cơ thẩm số138/2006/KDTM-ST ngày 14-4-2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh .

                Ngày 20-7-2006, ông Nguyễn Khuyến khiếu nại giám đốc thẩm, khẳng định: Từ năm 1994 đến 1997, không hề ký văn bản nào bảo lãnh thế chấp tài sản có công chứng cho bà Lan vay tiền của Ngân hàng Công thương Việt Nam mà chỉ ký vào đơn đề nghị năm 1997 và các biên bản cuộc họp năm 1998,1999 theo hướng dẫn của Ngân hàng nhằm giúp Ngân hàng đòi tiền của bà Lan. Vì vậy, xin được xem xét lại bản án phúc thẩm ngày 13-7-2006 cho đúng bản chất sự việc.

                Tại Quyết định kháng nghị số02/KN-AKT ngày 19-01-2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khẳng định:

                ­- Khoản vay 200 triệu của bà Lan được ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên ký giấy bào lãnh ngày 24-9-1993, bà Lan đã thanh toán đầy đủ cho Ngân hàng;

                - Giấy bảo lãnh ngày 25-3-1995 là bất hợp pháp vì:

                + Chỉ có một mình ông Nguyễn Khuyến ký; người khác ký tên của bà Xuyên vào giấy bảo lãnh để hợp pháp hóa.

                + Không được công chứng, không theo mẫu giấy bảo lãnh của Ngân hàng;

                + Không ghi rõ số tiền được bảo lãnh;

                - Bản chất là sự tùy tiện của Ngân hàng trong việc cho vay tiền. Ngoài 7 hợp đồng cho vay 400 triệu đồng năm 1995, trong năm 1994 Ngân hàng còn cho bà Lan vay 6 hợp đồng khác với tổng số tiền vay là 600 triệu đồng và đều ghi không đúng sự thật là được bảo đảm bằng tài sản thế chấp của người vay là ngôi nhà số 87T Đinh Tiên Hoàng.

                - Việc sau này ông Nguyễn Khuyến có ký vào đơn đề nghị và các biển bản làm việc với Ngân hàng là do Ngân hàng động viên ông Khuyến để ông giúp Ngân hàng thu hồi nợ của bà Lan, đây là động cơ tốt của ông Khuyến, không thể vì việc ký các giấy tờ này mà buộc ông Khuyến phải chịu trách nhiệm bão lãnh bằng 1/2 giá trị ngôi nhà số 87T Đinh Tiên Hoàng . Bản án sơ thẩm số 88/KTST ngày 03-6-2002 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh buộc Ngân hàng phải trả lại giấy tờ chủ quyền ngôi nhà số 87T Đinh Tiên Hoàng cho ông Nguyễn Khuyến và Bà Trần Thị Xuyên là phù hợp với thực tế và có căn cứ pháp luật.

                Từ những nhận định trên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án kinh tế phúc thẩm số63/2006/KT-PT ngày 13-7-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thấm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo hướng hủy bản án phúc thẩm trên, giao hồ sơ cho Tòa phúc thẩm xét xử lại theo quy định của pháp luật.

                Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên quan điểm đã nêu trong bản kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

                1. Đối với “ Giấy thế chấp tài sản” ký ngày 24-9-1993, có chứng thực của Công chứng nhà nước: Đối chiếu với các quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết “ Giấy thế chấp tài sản” này là hợp pháp, có hiệu lực thi hành. Tại Biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 03-6-2002, chính Ngân hàng Công thương Việt Nam khai: khoản vay 200 triệu đồng được  bảo lãnh theo “  Giấy thế chấp tài sản”  ngày 24-9-1993 đã được Bà Nguyễn Thị Kim Lan “ trả đứt nợ gốc và lãi” nhưng Ngân hàng Công thương Việt Nam chưa trả lại giấy tờ nhà cho ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên . Theo quy định tại điểm g của “ Giấy thế chấp tài sản”  này thì “ tài sản thế chấp chỉ được giải tỏa sau khi Bà Nguyễn Thị Kim Lan đã trả dứt nợ gốc và lãi cho Ngân hàng Công thương Việt Nam “. Vì vậy, nghĩa vụ bảo lãnh của ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên theo “ Giấy thế chấp tài sản”  ngày 24-9-1993 đã được chấm dứt.

                2. Đối với “ “ Giấy cam kết bảo lãnh tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng” đề ngày 25-3-1995, Hội đồng Thẩm phán thấy rằng:

                2.1 Về hình thức:

                Pháp luật có hiệu lực tại thời điểm 25-3-1995 quy định như sau:

                - “ Việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản và được cơ quan công chứng Nhà nước chứng thực” ( khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự).

                - Việc thế chấp tài sản phải được làm thành văn bản riêng có sự xác nhận của cơ quan công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh ( trường hợp không có cơ quan công chứng)”.

                “ Việc bảo lãnh tài sản phải được làm bằng văn bản có sự xác nhận về tài sản của Ngân hàng nơi người bảo lãnh giao dịch và cơ quan công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh ( trường hợp không có cơ quan công chứng) “ ( Điều 2 Nghị định số 17/HĐBT ngày 16-01-1990 của Hội đồng Bộ trưởng - Quy định chi tiết thì hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế).

                “ Giấy cam kết bảo lãnh tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng” đề ngày 25-3-1995 không có chứng thực của cơ quan Công chứng nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành đã dẫn chiếu trên.

                2.2 Về nội dung:

                - Xác định giá trị tài sản thế chấp

                - Pháp luật có hiệu lực tại thời điểm 25-3-1995 quy định:

                + Trong văn bản thế chấp phải ghi rõ….trị giá tài sản; thời hạn thế chấp phương thức xử lý tài sản thế chấp” ( Khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự).

                + “ …Ngân hàng cùng bên vay xác định giá trị tài sản thế chấp. Thỏa thuận của bên vay và bên cho vay về giá trị tài sản thế chấp phải có chứng nhận của phòng công chứng địa phương, nơi Ngân hàng cho vay đóng trụ sở. Nơi chưa có phòng công chứng, phải có xác nhận của cơ quan chính quyền quận, huyện, thị xã” ( khoản 3 Điều 2 bản Quy định về việc thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định cố156/NH-QĐ ngày 18-11-1989 của Ngân hàng Nhà nước).

                “ Giấy cam kết bảo lãnh tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng” đề ngày 25-3-1995 không có thỏa thuận về giá trị tài sản thế chấp và xác nhận của Công chứng nhà nước, chính quyền cấp huyện hoặc cơ quan Tài chính giá cả như quy định đã dẫn chiếu trên của pháp luật.

                            Quyền định đoạt tài sản sở hữu chung:

                Ngôi nhà số 87T Đinh Tiên Hoàng thuộc sở hữu chung của vợ chồng ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên. Theo quy định của pháp luật có hiệu lực từ thời điểm ký kết thì:

                + “ Bán nhà ở thuộc sở hữu nhiều người phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các chủ sở hữu. ( Điều 34 của Pháp lệnh về Nhà ở năm 1991).

                + Tài sản thế chấp thuộc quyền sở hữu chung của nhiều người ( từ 2 người trở lên), trong hồ sơ thế chấp phải có đầy đủ chữ ký của những người đồng sở hữu” ( Điều 5 bản Quy định về việc thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số156/NH-QĐ ngày 18-11-1989 và Điều 24 bản Thể lệ tín dụng ngắn hạn đối với các tổ chức kinh tế ban hành kèm theo Quyết định số01/NH-QĐ ngày 08-01-1991 của Ngân hàng nhà nước).

                “ Giấy cam kết bảo lãnh tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng” đề ngày 25-3-1995 tuy có đầy đủ cả hai chữ ký dưới chữ “ Chồng” và “ Vợ”, nhưng chỉ có một mình ông Nguyễn Khuyến xác nhận là chữ ký của mình, còn bà Trần Thị Xuyên lại khẳng định không ký vào văn bản này, mặc dù Tòa án sơ thẩm đã tiến hành trưng cầu giám định nhưng không có căn cứ để kết luận chữ ký đó đúng là của bà Trần Thị Xuyên.

                Vì vậy, “ Giấy cam kết bảo lãnh tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng” đề ngày 25-3-1995 là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm pháp luật cả về hình thức và nội dung. Ngân hàng Công thương Việt Nam đã không quân thủ pháp luật và quy định của Ngân hàng Nhà nước trong nghiệp vụ cho vay, nên không có căn cứ để buộc ông Nguyễn Khuyến phải chịu nghĩa vụ bảo lãnh bằng tài sản là 1/2 giá trị ngôi nhà 87T Đinh Tiên Hoàng , phường 3, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh theo giấy cam kết mà ông Nguyễn Khuyến đã ký.

                Tại phiên Tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử không làm rõ việc ông Nguyễn Khuyến có tự nguyện dùng tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Bà Nguyễn Thị Kim Lan hay không? Mặc dù “  Giấy cam kết bảo lãnh tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng” đề ngày 25-3-1995 bị vô hiệu, nhưng Tòa án vẫn có thể ghi nhận sự tự nguyện ( nếu có) của ông Nguyến Khuyến trong việc dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để trả nợ thay toàn bộ hoặc một phần cho Bà Nguyễn Thị Kim Lan .

                3. Về xác định tài sản bảo lãnh:

                Theo quy định tại Điều 29 và Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, việc chia tài sản chung của vợ chồng được thực hiện theo thỏa thuận hoặc do Tòa án giải quyết trên nguyên tắc “ Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này”

                 Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm buộc ông Nguyễn Khuyến phải chịu trách nhiệm bảo lãnh trong giới hạn bằng 1/2 giá trị ngôi nhà số 87T Đinh Tiên Hoàng là chưa có căn cứ vì vợ chồng ông Nguyễn Khuyến và bà Trần Thị Xuyên không có ai đề nghị hoặc thỏa thuận chia tài sản chung và cũng không có bản án có hiệu lực pháp luật nào chia cho ông Nguyễn Khuyến được 1/2 giá trị ngôi nhà 87T Đinh Tiên Hoàng , phường 3, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

                Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 3 Điều 297; khoản 2 Điều 299 vủa Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH:

                1. Hủy bán án kinh tế phúc thẩm số63/2006/KT-PT ngày 13-7-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

                2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

                Lý do bản án phúc thẩm bị hủy:

                Tòa án đã không thấy được “ Giấy cam kết bảo lãnh tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng”  là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm pháp luật cả về hình thức và nội dung. Tòa án các cấp cũng xác định sau tài sản bảo lãnh.

     

     
    3464 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận