Số hiệu
|
04/2008/KDTM-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm số04/2008/KDTM-GĐT ngày 02-4-2008 về vụ án tranh chấp hợp đồng môi giới
|
Ngày ban hành
|
02/04/2008
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Kinh tế
|
Quyết định giám đốc thẩm số04/2008/KDTM-GĐT ngày 02-4-2008 về vụ án tranh chấp hợp đồng môi giới
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
………………
Ngày 02 tháng 4 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp về hợp đồng dịch vụ (môi giới) giữa:
Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Thuật Tiến ; có trụ sở tại 431 Hưng Phú, phường 9, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh; có ông Nguyễn Văn Thuật – Giám đốc công ty là người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng.
Bị đơn: Ông Nguyễn Tích Phương, chủ doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Hoàng; có trụ sở tại quốc lộ 19, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định; có ông Võ Hồng Nam – Trưởng phòng luật sư Nam Luật tham gia tố tụng theo Giấy ủy quyền ngày 25-9-2005 của ông Nguyễn Tích Phương.
NHẬN THẤY:
Công ty trách nhiệm hữu hạn Thuật Tiến ( sau đây gọi tắt là C.ty Thuật Tiến) làm môi giới cho công ty Markant Tây Ban Nha mua hang hóa đồ gỗ tại Việt Nam, hưởng hoa hồng; đồng thời C.ty Thuật Tiến cũng môi giới cho doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Hoàng (sau đây gọi tắt là Dn.Nguyễn Hoàng) bán sản phẩm đồ gỗ cho khách hàng nước ngoài và hưởng hoa hồng.
Ngày 24-9-2004 C.ty Thuật Tiến ký kết hợp đồng môi giới với Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Hoàng với nội dung:
“ Bên mua: Công ty trách nhiệm hữu hạn Thuật Tiến…
Bên bán: Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Hoàng…
Tín dụng thư sẽ thanh toán từ phía Markant (khách hàng của Thuật Tiến) cho Nguyễn Hoàng 89.770,20 USD bao gồm cả 5% của Công ty Thuật Tiến và 3.741,25 USD từ phía Đại lý nước ngoài và 716,4 USD để sửa đổi bổ sung …” với 20 loại đồ gỗ, tổng cộng 3582 cái, tổng giá trị là 89.770,20 USD. Nhưng Dn Nguyễn Hoàng không thanh toán tiền hoa hồng cho C.ty Thuật Tiến.
Từ ngày 03-3-2005, C.ty Thuật Tiến khởi kiện DNTN Nguyễn Hoàng tại Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định yêu cầu Dn. Nguyễn Hoàng:
-Thanh toán 4.488,51USD là tiền hoa hồng 5% giá trị lô hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng;
-Thanh toán 3.899,45USD = 61.611.310 VNĐ, là tiền của khách hàng Markant chi hoa hồng cho C.ty Thuật Tiến mà Markant đã mở L/C và gửi vào tài khoản của Dn Nguyễn Hoàng.
-Và tiền lãi suất của hai khoản trên tính từ ngày khách hàng thanh toán cho Dn. Nguyễn Hoàng đến khi tòa án tuyên xử theo pháp luật.
Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số20/2005/KDTM-ST ngày 24-10-2005, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã chấp nhận cả ba yêu cầu của C.ty Thuật Tiến, quyết định:
“…Buộc Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Hoàng trả cho Công ty Thuật Tiến số tiền 147.587.236 đồng…”
Ngày 07-11-2005, Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Hoàng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 28 ngày 20-4-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng quyết định:
“… Chấp nhận kháng cáo của Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Hoàng; sửa bản án sơ thẩm; tuyên xử:
-Buộc Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Hoàng phải trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Thuật Tiến tiền môi giới 5% của giá trị lô hàng 89.771,20USD tức là 4.488,51USD tương đương 70.918.458 đồng…”
Ngày 22-4-2006, ông Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc C.ty Thuật Tiến có đơn khiếu nại đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm kinh doanh thương mại số 28 ngày 20-4-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng.
Tại Quyết định kháng nghị số08/2007/KN-KT ngày 29-11-2007 đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 28 ngày 20-4-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đôc thẩm, hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 20/2005/KDTM ngày 24-10-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định và bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 28 ngày 20-4-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Kết luận số01/KL-AKT ngày 15-02-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và tại phiên tòa hôm nay đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhât trí với quyết định kháng nghị số08/2007/KN-KT ngày 29-11-2007 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 20/2005/KDTM ngày 24-10-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định và bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 28 ngày 20-4-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
XÉT THẤY:
Trong quá trình giải quyết vụ án, cả nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận là Dn. Nguyễn Hoàng có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền hoa hồng 5% giá trị lô hàng cho C.ty Thuật Tiến là 4.488,51 USD tương đương 70.918.458 đồng.
Tòa án cấp sơ thẩm va Tòa án cấp phúc thẩm đều ghi nhận sự thỏa thuận này và đến nay không ai khiếu nại gì về quyết định này của Tòa án các cấp.
Trong hợp đồng môi giới ngày 24-9-2004 có ghi: “Tín dụng thư sẽ thanh toán từ phía Markant (khách hàng của Thuật Tiến) cho Nguyễn Hoàng 89.770,20USD bao gồm cả 5% của Công ty Thuật Tiến và 3.741,25USD từ phía đại lý nước ngoài và 716,4 USD để sửa đổi bổ sung …” không ghi người được thụ hưởng 3.741,25 là ai và chưa nói rõ 716,4USD để sử đồi bổ sung cái gì?
Theo Giấy cam kết ngày 27-6-2005 mà cộng tác viên Nguyễn Thị Vân Anh cam đoan “ đã dịch chính xác, phù hợp với nội dung từ bản chính tiếng Anh được chụp đính kèm theo” và được Công chứng viên Nguyễn Quang Thắng – Phòng công chứng số 5, thành phố Hồ Chí Minh ký, đóng dấu xác nhận, ông Josep Masco – Tổng Giám đốc công ty Markant Tây Ban Nha xác định:
“… Chúng tôi đã mở tín dụng cho Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng với tổng só tiền là 93.669,20 USD (hai tín dụng riêng) và số tiền dôi ra là: 93.669,65USD – 89.770,20USD = 3.899,45 USD sẽ được trả lại cho chúng tôi. Đây là hoa hồng của chúng tôi.
Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng không thể nhận 3.899,45 USD. Đây là tiền hoa hồng của chúng tôi để thực hiện việc kinh doanh thương mại của chúng tôi tại Tây Ban Nha đê Markant và Công ty Thuật Tiến có được thỏa thuận và Công ty Thuật Tiến phải được nhận số tiền đó.
Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng không biết Markant và Markant không biết Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng…”
Tuy Giấy cam kết này đã được dịch và công chứng nhưng lại chưa được hợp pháp hóa lãnh sự; chưa đủ mức độ tin cậy; cần xác định chính xác có đúng C.ty Markant viết cam kết này hay không.
Dn. Nguyễn Hoàng xuất trình hai tờ khai hải quan xuất hàng có giá trị 94.076.075USD, nhiều hơn so với hợp đồng và cho rằng C.ty Markant mở L/C trả tiền hàng cho Dn. Nguyễn Hoàng thoe hàng thực xuất. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án hai tờ khai hải quan này chỉ là bản photo, không được công chứng, không có bản gốc, chưa đủ để tin cậy, Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh mà đã căn cứ vào đây để bác yêu cầu của C.ty Thuật Tiến về số tiền chênh lệch nêu trên là chưa đủ căn cứ pháp lý vững chắc.
Trong hợp đồng môi giới ngày 24-9-2004, Dn. Nguyễn Hoàng và C.ty Thuật Tiến không thỏa thuận về thời hạn thanh toán cũng như về tiền lãi trả chậm. Tại Điều 233 Luật thương mại 1997 có quy định: “Trong trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán phí dịch vụ, các chi phí khác thì bên kia có quyền đòi tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suât nợ quá hạn do Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định tại thời điểm than toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Tòa án các cấp chưa xem xét trên cơ sở của Luật thương mại mà đã bác yêu cầu đòi lãi chậm thanh toán của C.ty Thuật Tiến đối với số tiền phí dịch vụ môi giới 5% giá trị lô hàng là chưa có căn cứ.
Thực tế, đến ngày 12-10-2004 Dn. Nguyễn Hoàng đã nhận đủ số tiền hàng do C.ty Markant chi trả nhưng chưa chi trả tiền hoa hồng cho C.ty Thuật Tiến. Trong quá trình giải quyết tranh chấp Dn. Nguyễn Hoàng yêu cầu C.ty Thuật Tiến phải cung cấp đơn giá trị gia tăng thì mới thanh toán hoa hồng. Đây là yêu cầu không thực tế vì trong trường hợp môi giới không quy định về hóa đơn giá trị gia tăng và C.ty Thuật Tiến không có hóa đơn giá trị gia tăng theo đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án hai cấp còn có sai sót trong việc xác định tư cách bị đơn:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 143 Luật doanh nghiệp 2005 thì “ Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp” và tại khoản 4 điều 143 Luật doanh nghiệp quy định: “ Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”. Do vậy, trong vụ án này phải xác định ông Nguyễn Tích Phương chủ doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Hoàng là bị đơn. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Hoàng là bị đơn chưa chính xác.
Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 2 Điều 297 và Điều 298 Bộ luật tố tụng dân sự,
QUYẾT ĐỊNH:
1.Hủy bản án sơ thẩm kinh doanh thương mại số20/2005/KDTM-ST ngày 24-10-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định và bản án phúc thẩm kinh doanh thương mại số 28 ngày 20-4-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao Đà Nẵng;
2.Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:
Tòa án dựa vào văn bản chưa được hợp pháp hóa lãnh sự,văn bản copy chưa được công chứng để giải quyết vụ án là chưa có căn cứ vững chắc. Tòa án cũng đã sai sót khi bác yêu cầu đòi chậm thanh toán của đương sự, xác định không đúng tư cách đương sự.
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 25/05/2013 10:43:31 SA