Số hiệu
|
03/2006/KDTM-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm số:03/2006/KDTM-GĐT ngày 14 tháng 11 năm 2006 về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng
|
Ngày ban hành
|
14/11/2006
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Kinh tế
|
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
TÒA KINH TẾ
------------------
Quyết định giám đốc thẩm
Số:03/2006/KDTM-GĐT
Ngày 14 tháng 11 năm 2006
V/v: tranh chấp hợp đồng
tín dụng.
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------------
|
NHÂN DANH
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TÒA KINH TẾ
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI
Với thành phần Hội đồng giám đốc thẩm gồm có:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Bùi Duy Tiến Bà Bùi Thị Hải;
Các Thẩm phán: Bà Bùi Thị Hải;
Bà Nguyễn Thị Hoàng Bạch Yến.
Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Bà Trần Thị Kim Oanh, Thẩm tra viên Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia phiên tòa: Bà Vũ Thị Én-Kiểm sát viên.
Họp phiên tòa ngày 14 tháng 11 năm 2006, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao để giám đốc thẩm vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thái Bình; (sau đây viết tắt là Ngân hàng);
Bị đơn: ông Nguyễn Tiến Tranh
Trú tại: phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Hiện tạm trú tại 132 Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội;
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Nguyễn Đăng Hưng; trú tại: thôn 3, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình;
2. Ông Vũ Xuân Thoa; trú tại: số nhà 13, tổ 59, phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình; địa chỉ mới: số nhà 490/11/6 đường Lê Thánh Tông, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Do có Quyết định kháng nghị số04/2006/KN-KT ngày 28/8/2006 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
NHẬN THẤY
Ngày 24/3/2005, Ngân hàng chính sách xã hội (tổ chức nhận bàn giao từ Kho bạc nhà nước nhiệm vụ cho vay giải quyết việc làm theo Quyết định số131/002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số11/2003/TT-BTC ngày 11/02/2003 của Bộ Tài chính) do ông Trần Văn Hưng – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thái Bình đại diện ký đơn khởi kiện đến Tòa (Bl 02), yêu cầu ông Nguyễn Thiến Tranh (chủ dự án sản xuất và chế biến nấm xuất khẩu) và các người bảo lãnh phải thanh toán khế ước vay số 68 HĐ/TD ngày 25/4/2000 ký với Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Bình.
1. Trình bày của Nguyên đơn:
1.1. Các tình tiết Nguyên đơn đưa ra:
- Căn cứ quyết dịnh số146/2000/QĐ-UB ngày 15/3/2000 của UBND tỉnh Thái Bình (BL.23) – Phê duyệt mức vốn vay “Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm” đối với dự án sản xuất và chế biến nấm xuất khẩu của Công ty Nấm xuất khẩu Thanh Bình, ngày 25/4/2000 Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Bình (nay là Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thái Bình ) đã ký hợp đồng tín dụng số68/HĐ-TD (BL 32) cho ông Nguyễn Tiến Tranh – “Giám đốc Công ty” vay 200.000.000 đồng, mục đích vay để “mở rộng dây chuyền sản xuất và chế biến nấm xuất khẩu”; thời hạn vay là 24 tháng; lãi suất vay trong hạn là 0,5%/tháng; lãi quá hạn là 1%/tháng; hình thức đảm bảo: “Bảo lãnh bằng tài sản” của một số cá nhân gồm:
+ Ông Vũ Xuân Thoa ký “Hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản” số 4 HĐ/BLTS ngày 14/02/2000 và hợp đồng bổ sung số 05 HĐ/BS ngày 21/4/2000 (BL.25-27, 38), thế chấp nhà ở của gia đình mình để bảo lãnh cho số tiền vay là 85 triệu đồng cả gốc và lãi của ông Nguyễn Tiến Tranh.
+Bà Nguyễn Thị Hưng (đã chết, vợ của ông Nguyễn Đăng Hưng) ký “Hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản” số03/HĐ-BLTS ngày 24/4/2000 (BL 30-31, 29), thế chấp nhà ở của gia đình mình để bảo lãnh cho số tiền vay là 50 triệu đồng cả gốc và lãi của ông Nguyễn Tiến Tranh.
+ Ông Phạm Văn Kim và vợ là bà Đinh Thị Huyền ký “Hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản” số05/HĐ-BLTS ngày 12/6/2000 (BL 36-37), thế chấp nhà ở của gia đình mình để bảo lãnh cho số tiền vay là 62 triệu đồng cả gốc và lãi của ông Nguyễn Tiến Tranh.
- Thực hiện hợp đồng tín dụng số 68 HĐ/TD ngày 25/4/2000, Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Bình đã giao, ông Nguyễn Tiến Tranh với tư cách là giám đốc Công ty Nấm xuất khẩu Thanh Bình ký nhận tiền như sau:
+ Ngày 25/4/2000, nhận 110 triệu đồng;
+ Ngày 26/4/2000, nhận 50 triệu đồng;
+ Ngày 14/6/2000, nhận 25 triệu đồng;
+ Ngày 09/8/2000, nhận 15 triệu đồng;
Ngày 29/8/2005 (sau khi TAND tỉnh Thái Bình đã thụ lý vụ án), ông Nguyễn Tiến Tranh mới trả được 94.240.000 đồng và thỏa thuận với Ngân hàng chính sách xã hội trừ vào nghĩa vụ bảo lãnh của ông Phạm Văn Kim và vợ là bà Đinh Thị Huyền (BL.56-59, 87).
1.2 Yêu cầu của Nguyên đơn (BL.87):
- Yêu cầu ông Nguyễn Tiến Tranh phải trả cho Ngân hàng cả gốc và lãi còn lại của hợp đồng tín dụng nêu trên với số tiền là 206.840.700 đồng.
- Nếu ông Nguyễn Tiến Tranh không trả được thì ông Vũ Xuân Thoa và ông Nguyễn Đăng Hưng phải thay ông Tranh trả nợ cho Ngân hàng.
2. Trình bày của Bị đơn:
2.1. Các tình tiết Bị đơn đưa ra:
- Dự án được duyệt cho vay từ nguồn vốn “Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm” là của Công ty Nấm xuất khẩu Thanh Bình do tôi làm giám đốc (BL.72);
- Việc ký kết, nội dung hợp đồng tín dụng, việc thực hiện hợp đồng tín dụng số 68 HĐ/TD ngày 25/4/2000 với Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Bình và số tiền tôi còn nợ cả gốc và lãi từ hợp đồng tín dụng này đúng như đại diện của Nguyên đơn đã trình bày trên (BL.72-74).
2.2. Yêu cầu của Bị đơn:
Do làm ăn thua lỗ, tôi xin khất đến hết tháng 8/2005 sẽ thanh toán hết số nợ gốc, số tiền lãi tôi sẽ có văn bản xin Ngân hàng và các cơ quan có thẩm quyền miễn hoặc giảm cho tôi. Nếu hết tháng 8/2005, tôi không thực hiện được việc trả nợ gốc thì Tòa án đưa ra xử lý theo pháp luật, tôi xin chấp hành (BL.74).
3. Trình bày của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1 . Trình bày của ông Nguyễn Đăng Hưng:
Tôi và vợ tôi có đứng ra bảo lãnh bằng tài sản cho ông Nguyễn Tiến Tranh vay 50 triệu đồng của Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Bình theo “Hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản” số03/HĐ-BLTS ngày 24/4/2000, tôi sẽ đôn đốc ông Tranh cùng với gia đình tôi sẽ trả tiền cho Ngân hàng. (BL.70, 76, 87).
3.2. Trình bày của ông Vũ Xuân Thoa:
Tôi xác nhận có ký hợp đồng bảo lãnh số 4 HĐ/BLTS ngày 14/02/2000 và ký bổ sung hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản số 05 ngày 21/4/2000, bảo lãnh cho ông Tranh vay của Kho bạc tỉnh 85 triệu đồng và cam kết “nếu ông Tranh không trả được thì lúc đó tôi sẽ có trách nhiệm trả cho Ngân hàng chính sách xã hội cả gốc và lãi theo pháp luật” (BL.68-69, 78, 87);
4. Bản án sơ thẩm:
Tại Bản án kinh tế sơ thẩm số 02 ngày 16/9/2000, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã áp dụng Điều 302, 315, 342 Bộ luật dân sự xử:
- Buộc ông Nguyễn Đăng Hưng phải trả cho Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thái Bình 50 triệu đồng tiền gốc và tiền lãi tính từ ngày 25/4/2000 đến ngày xét xử sơ thẩm là 26.330.000 đồng.
- Buộc ông Vũ Xuân Thoa phải trả cho Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thái Bình 85 triệu đồng tiền gốc và lãi tính từ ngày 25/4/2000 đến ngày xét xử sơ thẩm là 44.760.000 đồng.
- Buộc ông Nguyễn Tiến Tranh phải trả cho Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thái Bình 2.439.000 đồng tiền gốc và tiền lãi tính từ ngày 26/4/2000 đến ngày xét xử sơ thẩm là 1.264.000 đồng.
Về án phí:
- Ông Nguyễn Đăng Hưng phải chịu 3.800.000 đồng;
- Ông Vũ Xuân Thoa phải chịu 6.160.000 đồng;
- Ông Nguyễn Tiến Tranh phải chịu 130.000 đồng;
5. Khiếu nại giám đốc thẩm:
Sau khi có bản án sơ thẩm, trong thời hạn luật đinh, tất cả các đương sự đều không có kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị nên bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật.
Ngày 27/2/2006, ông Vũ Xuân Thoa có đơn khiếu nại giám đốc thẩm với những nội dung như sau:
- Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng:
+ Không tuyên án tại phiên tòa sơ thẩm;
+ Không gửi cho đương sự là ông Thoa bản án sơ thẩm, nên ông Thoa không biết để kháng cáo theo trình tự phúc thẩm. Ngày 24/02/2006, cán bộ Thi hành án tỉnh Thái Bình đến nhà yêu cầu thi hành án ông Thoa mới biết sự việc.
- Không có việc ông Thoa ký giấy bảo lãnh cho ông Nguyễn Tiến Tranh vay 85 triệu đồng của Kho bạc nhà nước năm 2000, đây là chứng cứ do ông Nguyễn Tiến Tranh tự tạo ra trên cơ sở các giấy tờ nhà đất của gia đình ông Thoa mà ông Tranh đang giữ từ lần bảo lãnh đã hết hiệu lực vào năm 1999;
6. Kháng nghị giám đốc thẩm:
Ngày 28/8/2006, bằng Quyết định số04/2006/KN-KT, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị đối với Bản án kinh tế sơ thẩm số 02 ngày 16/9/2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình, yêu cầu Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án kinh tế sơ thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với lý do như sau:
- Về thủ tục tố tụng:
+ Tòa án cấp sơ thẩm xác định nguyên đơn là chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thái Bình là không đúng pháp luật;
+ Đại diện của nguyên đơn tham gia tố tụng tại giai đoạn sơ thẩm không đúng quy định của pháp luật;
+ Căn cứ để xác định tư cách bị đơn của ông Nguyễn Tiến Trung chưa vững chắc, cần xác minh rõ bị đơn là cá nhân ông Nguyễn Tiến Trung hay Công ty Nấm xuất khẩu Thanh Bình, hoặc Công ty TNHH Phương Cường (sau khi Công ty Nấm xuất khẩu Thanh Bình sáp nhập với Công ty TNHH Phương Cường).
- Về nội dung:
+ Hợp đồng bão lãnh số 4 HĐ/BLTS ngày 14/02/2000 và hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản số 05 ngày 21/4/2000 ký giữa ông Vũ Xuân Thoa với Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Bình đều bị vô hiệu, vì bên bảo lãnh là ông Vũ Xuân Thoa dùng tài sản chung của hai vợ chồng để đảm bảo cho nghĩa vụ bảo lãnh nhưng lại thiếu chữ ký của vợ ông Vũ Xuân Thoa là bà Đào Thị Chứng;
+ Tòa án cấp sơ thẩm buộc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí sơ thẩm là không đúng với quy định của pháp luật.
Tại bản Kết luận số17/KL-KT ngày 19/10/2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đề nghị Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án kinh tế sơ thẩm số 02 ngày 16/9/2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình.
XÉT THẤY
1. Về thủ tục tố tụng:
- Về việc xác định nguyên đơn của vụ án:
Theo quy định tại Điều 2 và khoản 2 Điều 17 bản Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số16/2003/QĐ-TTg ngày 22/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ thì “Ngân hàng chính sách xã hội là một pháp nhân” và Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội là tổ chức nằm trong hệ thống tổ chức của Ngân hàng chính sách xã hội (chi nhánh của pháp nhân).
Theo quy định tại Điều 94 và Điều 100 Bộ luật tố tụng dân sự năm 1995 (có hiệu lực tại thời điểm xét xử sơ thẩm) thì Chi nhánh không phải là pháp nhân mà chỉ là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không thể nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật (trong đó có quan hệ pháp luật tố tụng dân sự) một cách độc lập. Pháp nhân có các quyền và nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch do Chi nhánh xác lập, thực hiện. Vì vậy Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thái Bình không thể tự mình tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn của vụ án, nguyên đơn của vụ án phải là pháp nhân Ngân hàng chính sách xã hội.
- Về tư cách đại diện của nguyên đơn tham gia tố tụng tại giai đoạn sơ thẩm:
Theo quy định tại khoản 13 Điều 37 bản Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số16/2003/QĐ-TTg ngày 22/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng giám đốc là đại diện pháp nhân của Ngân hàng chính sách xã hội trong tranh tụng dân sự.
Theo quy định tại Điều 1 của Quyết định số1354/QĐ-NHCS ngày 23/7/2004, Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội chỉ ủy quyền tham gia tố tụng cho Giám đốc các chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cấp tỉnh và cho phép các giám đốc Chi nhánh chỉ được ủy quyền lại cho một phó giám đôc tham gia tố tụng tại Tòa án.
Trong vụ án này, ông Trần Văn Phung –Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thái Bình lại “ủy quyền cho đồng chí Trần Thị Mão cán bộ phòng Tín dụng Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thái Bình đến Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình để khởi kiện đòi nợ ông Nguyễn Tiến Tranh Giám đốc Công ty nấm xuất khẩu Thanh Bình…” (BL.07). Việc ủy quyền lại này của ông Trần Văn Phung là trái với quy định trong Quyết định số1354/QĐ-NHCS ngày 23/7/2004 của Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội và trái với quy định tại Điều 588 Bộ luật dân sự năm 1995. Hơn nữa, tại giấy ủy quyền ký ngày 18/4/2005 (BL.07), Giám đốc Chi nhánh chỉ ủy quyền cho bà Mão được khởi kiện, nhưng bà Mão lại tham gia tranh tụng trong suốt giai đoạn sơ thẩm là trái với quy định tại khoản 2 Điều 153 Bộ luật dân sự năm 1995. Vì vậy, đại diện của nguyên đơn tham gia tố tụng tại giai đoạn sơ thẩm không đủ tư cách đại diện cho Ngân hàng chính sách xã hội.
- Về việc xác định bị đơn của vụ án:
Tòa án cấp sơ thẩm chỉ đơn thuần dựa vào tên “Bên vay” trong hợp đồng tín dụng số 68 HĐ/TD ký ngày 25/4/2000 (BL.32) để xác định bị đơn là cá nhân ông Nguyễn Tiến Tranh mà không xem xét đến các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án như căn cứ để Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Bình ký kết hợp đồng tín dụng này là Quyết định số146/2000/QĐ-UB ngày 15/3/2000 của UBND tỉnh Thái Bình (BL.23) về việc phê duyệt cho Công ty Nấm xuất khẩu Thanh Bình (chứ không phải cá nhân ông Nguyễn Tiến Tranh ) được vay 200 triệu đồng tiền vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm; các đơn đề nghị nhận tiền vay đều do ông Nguyễn Tiến Tranh, Giám đốc Công ty Nấm xuất khẩu Thanh Bình ký tên và đóng dấu của Công ty Nấm xuất khẩu Thanh Bình (BL.39-44).
Để xác định chính xác bị đơn của vụ án này là cá nhân ông Nguyễn Tiến Tranh hay là Công ty Nấm xuất khẩu Thanh Bình, cần xem xét tất cả các chứng cứ trên và phải xác minh việc sử dụng số tiền vay được có đúng là để thực hiện dự án vay vốn của Công ty Nấm xuất khẩu Thanh Bình (BL.10-22) hay không?
Ngoài ra, ngay từ năm 2004, Công ty Nấm xuất khẩu Thanh Bình đã sáp nhập vào Công ty TNHH phát triển công nghiệp Phương Cường. Theo quy định tại điểm Công ty Nấm xuất khẩu Thanh Bình khoản 2 Điều 62 Bộ luật tố tụng dân sự, nếu trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng là của Công ty Nấm xuất khẩu Thanh Bình và Công ty Phương Cường đã tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của Công ty Thanh Bình thì Công ty Phương Cường sẽ phải tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn của vụ án chứ không phải là cá nhân ông Nguyễn Tiến Tranh hoặc Công ty Thanh Bình.
- Về việc không tuyên án tại phiên tòa sơ thẩm:
Theo đơn khiếu nại của ông Vũ Xuân Thoa, mặc dù tham gia phiên tòa sơ thẩm nhưng ông Thoa không được nghe Tòa tuyên bản án sơ thẩm nên không biết kết quả xét xử của phiên tòa như thế nào! Qua kiểm tra lại biên bản phiên tòa sơ thẩm, tại bút lục số 88 có ghi: “Chủ tọa công bố bản án kinh tế sơ thẩm số 02 ngày 16/9/2005.
Biên bản kết thúc cùng ngày”. Như vậy, theo biên bản phiên tòa sơ thẩm thì bản án đã được công bố tại phiên tòa ngay trong ngày 16/9/2005, ông Thoa không đưa ra được chứng cứ nào khác nên không có căn cứ để xác định theo nội dung khiếu nại này của ông Vũ Xuân Thoa.
- Về việc không gửi bản án sơ thẩm cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Theo đơn khiếu nại, ông Vũ Xuân Thoa đã không nhận được bản án sơ thẩm (lại không được nghe tuyên án), nên không biết để làm đơn kháng cáo. Việc không nhận được bản án sơ thẩm của ông Thoa không thể kết luận ngay được là Tòa án không gửi bản án cho đương sự của vụ án, ông Thoa không đưa ra được các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khiếu nại này.
2. Về nội dung:
- Về nghĩa vụ bảo lãnh của ông Vũ Xuân Thoa: Theo đơn khiếu nại, ông Vũ Xuân Thoa cho rằng ông không ký các hợp đồng bão lãnh cho ông Nguyễn Tiến Tranh vay của Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Bình 85 triệu đồng vào năm 2000. Tuy nhiên, theo các lời khai của chính ông Thoa trong suốt quá trình tố tụng sơ thẩm có trong hồ sơ vụ án, thì ông Thoa có ký hợp đồng với Kho bạc nhà nước để bảo lãnh cho ông Tranh vay 85 triệu đồng trong hợp đồng tín dụng số 68 HĐ/TD ngày 25/4/2000 (BL.68-69, 78, 87), thậm chí ông Thoa còn cam kết “nếu ông Tranh không trả được thì lúc đó tôi sẽ có trách nhiệm trả cho Ngân hàng chính sách xã hội cả gốc và lãi theo pháp luật”(BL.69).
Mặc dù có ký hợp đồng bảo lãnh cho ông Tranh vay tiền của Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Bình , nhưng cả Hợp đồng bão lãnh số 4 HĐ/BLTS ngày 14/02/2000 và hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản số 05 ngày 21/4/2000 ký giữa ông Vũ Xuân Thoa với Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Bình đều bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 131; Điều 136; khoản 1, 2 Điều 233 và Điều 326 Bộ luật dân sự năm 1995, vì bên bảo lãnh là ông Vũ Xuân Thoa dùng tài sản thuộc sở hữu chung của hai vợ chồng để đảm bảo cho nghĩa vụ bảo lãnh nhưng không có sự đồng ý của vợ ông Thoa là bà Đào Thị Chứng. Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập bà Đào Thị Chứng tham gia tố tụng để xác minh quan điểm của bà Chứng trong sự việc này mà đã sử dụng tài sản thuộc sở hữu chung của bà Chứng để đảm bảo thanh toán cho Ngân hàng là không đúng với các quy định của pháp luật đã dấn chiếu trên và quy định tại khoản 4 Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự.
- Trong vụ án này, bị đơn mới là người thua kiện và phải chịu án phí. Tòa án cấp sơ thẩm phải tuyên buộc bị đơn trả cho nguyên đơn toàn bộ số tiền còn nợ cả gốc và lãi, buộc bị đơn phải chịu án phí kinh tế sơ thẩm trên toàn bộ nghĩa vụ của bị đơn đối với nguyên đơn. Người liên quan mà cụ thể ở đây là người bảo lãnh chỉ có nghĩa vụ thực hiện thay cho bị đơn (người được bảo lãnh) nghĩa vụ đối với nguyên đơn (người nhận bảo lãnh) mà thôi. Tòa án cấp sơ thẩm buộc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí kinh tế sơ thẩm là không đúng với quy định tại Điều 361, 363 Bộ luật dân sự năm 1995 và khoản 1 Điều 19 Nghị định số 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí Tòa án.
Từ những nhận định trên,
Căn cứ vào khoản 2 Điều 291; khoản 3 Điều 297; khoản 1, 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,
HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỐC THẨM
QUYẾT ĐỊNH
Chấp nhận yêu cầu kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao,
Hủy Bản án kinh tế sơ thẩm số 02 ngày 16/9/2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ban hành
T/M.HỘI ĐỒNG XÉT XỬ GIÁM ĐỐC THẨM
THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA
Bùi Huy Tiến
(Đã ký)
Nơi nhận:
- Các bên đương sự ;
- TAND tỉnh Thái Bình (kèm theo hồ sơ vụ án);
- VKSNDTC (Vụ 12);
- Cơ quan THADS tỉnh Thái Bình;
- Phó Chánh án TANDTC Từ Văn Nhũ (để b/c);
- Lưu:VP, HS, TKT (TANDTC).